Bệnh tật và trật tự mới

Các bạn thân mến,

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là quy luật tự nhiên của đời sống con người. Tuy nhiên khi đối diện với thực tế này, đôi khi bạn và tôi cảm thấy đau đớn và mất mát. Với nền tảng đức tin có lẽ bạn sẽ nhìn thực tế này với một lăng kính khác. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho bạn cách mà bạn có thể đối diện với những đau khổ và bệnh tật trong đời sống, đó chính là việc mở ra với sự chữa lành bằng tình yêu và ân sủng của Chúa. Nói cách khác bạn chấp nhận để cho Thiên Chúa đụng chạm, chữa lành và tái sáng tạo trên con người bạn. Ngài thiết lập một trật tự mới trên con người bạn. Trật tự mới mang lại sự công bằng, giải thoát và chữa lành.

  1. Bệnh tật và sự sợ hãi

 Trước hết, nói đến bệnh tật thường nói đến những rối loạn và mất trật về mặt tâm lý và thể lý của cá nhân.[1] Tuy nhiên khi nói đến bệnh tật, bạn không nên hiểu nó thuần túy ý nghĩa về mặt thể lý hay tâm lý nhưng bệnh tật còn ám chỉ đến trình trạng rối loạn và mất trật tự về mặt thiêng liêng, xã hội. Trong Tân Ước, sau khi chữa lành bệnh tật cho một người Chúa Giêsu thường kèm thêm câu: “tội của anh đã được tha”[2] như thế trong cách hiểu của người Do Thái đặc biệt là những người Do Thái sống vào thời Chúa Giêsu, bệnh tật liên quan đến ý nghĩa thiêng liêng hay hậu quả của tội. Dĩ nhiên xét trên bình diện khoa học, bạn không nên đồng hóa bệnh tật với tội nhưng xét trên thực tế có nhiều căn bệnh xuất phát từ tội của con người hay là hậu quả của tội. Hậu quả của tình trạng này gây ra những xáo trộn và mất trật tự về mặt xã hội.

Thứ đến, đối diện với những bệnh tật bạn và tôi có những thái độ khác nhau. Có thể bạn cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn, bất ngờ, hay chấp nhận nó. Tuy nhiên với tiên tri Isaia, khi đối diện với những bệnh tật về phương diện xã hội và thiêng liêng, ngài khuyên dân Israel đừng sợ vì Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân người. “Can đảm lên, đừng sợ! Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.”[3] Đây là điều đầy an ủi cho bạn và tôi khi đối diện với bệnh tật và đại dịch đầy chết chóc này.

Thái độ của bạn khi đối diện với bệnh tật xuất phát từ việc nhận thức về bản chất đời sống, nguyên nhân và hậu quả của bệnh tật và thái độ của đức tin. Việc nhận thức về nguồn gốc, bản chất và ý nghĩa đời sống sẽ định hình cách mà bạn đối diện với những vấn đề của đời sống con người. Đời sống là một quà tặng đến từ Thiên Chúa hay là một vật sở hữu. Nếu ý thức được điều này có lẽ tôi và bạn sẽ có thái độ nhẹ nhành hơn khi đối diện với những được – mất và tính vô thường của cuộc sống.

Bạn và tôi sợ bệnh tật không hẳn xuất phát từ chính bệnh tật nhưng xuất phát từ hậu quả của bệnh tật. Bạn sợ bệnh tật là bởi vì bạn sợ chết, sợ đau khổ, sợ cô đơn, sợ mất mát và bạn yêu quí cuộc sống này. Bạn yêu quí cuộc sống của bạn và bạn yêu quí cuộc đời này cho nên bạn sợ mất nó. Có một khoảng trống vô định giữa thực tại của đời sống này và đời sống bên kia thế giới, cho nên bạn cảm thấy chơi vơi. Khoảng trống này được lấp đầy bằng những giá trị siêu hình và bằng niềm tin tôn giáo. Thánh Inhã ý thức được cuộc sống này là quà tặng của Chúa cho nên ngài dâng lại cho Chúa chính quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho ngài. “Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.” Xác tín được điều này quả là một đức tin phi thường! Mặc dù bạn và tôi chưa đạt đến trình độ này nhưng đó cũng là thái độ cần thiết giúp bạn và tôi có được sự bình tâm khi đối điện với những vô thường của cuộc sống.    

Như thế, vấn đề quan trọng ở đây là cách nhìn về cuộc sống, cuộc sống là một tặng phẩm xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa hay là một “vật” sở hữu để rồi bạn và tôi ôm lấy nó. Nếu xác định rằng cuộc sống là một quà tặng xuất phát từ Thiên Chúa có lẽ bạn và tôi sẽ dễ dàng hơn để trao lại cho Người những gì tôi và bạn đã lãnh nhận. Còn nếu cuộc sống này là một vật sở hữu, tôi và bạn sẽ tìm mọi cách để giữ lấy nó. Điều này bạn cần thái độ của đức tin, nếu không có đức tin mọi sự sẽ sụp đổ. Và chính đức tin cũng là thái độ giúp bạn thay đổi trật tự xã hội.       

  1. Bệnh tật và sự bất công xã hội

Trong một xã hội mà mọi người cảm thấy bình an, trật tự, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc là một xã hội khỏe mạnh, một xã hội không có bệnh tật. Trái lại một xã hội mà tình trạng trộm cắp, cướp bóc, kẻ cậy quyền áp bức kẻ không có tiếng nói đó là một xã hội đang bệnh hoạn, một xã hội mất trật tự. Chủ thuyết Marx muốn thay đổi trật tự xã hội bằng một cuộc cách mạng nhuốm máu. Những nhà Marxits chủ trương làm một cuộc cách mạng, lật đổ bất công để thiết lập trật tự mới. Thần học gia giải phóng cũng chia sẻ một thái độ này. Việc cứu độ và rao giảng Tin Mừng không chỉ dừng lại ở bình diện đức tin và thiêng liêng nhưng còn cả ở bình diện xã hội, phải hay đổi cơ cấu bất công. Tuy nhiên tác giả của Thánh Vịnh 145 lại đưa ra giải pháp khác. Giải pháp này đến từ bên trên và đến từ bên trong. Thái độ bên trong là thái độ của đức tin và thái độ bên trên chính là Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân người. Ngài “trả lại quyền lợi cho kẻ áp bức, mở mắt kẻ đui mù và Ngài sẽ làm vua đến muôn đời.”[4]

Theo Phật giáo “Cảnh Tùy Tâm Chuyển,” cảnh giới bên ngoài thì theo Tâm mình mà thay đôi.[5] Sự thay đổi trật tự xã hội trước hết cần thay đổi trật tự nội tâm. Tâm có an vững thì cảnh mới có trật tự theo đó mà hình thành. Việc cứu độ trong Kitô giáo không biến Tin Mừng thành công cụ chính trị xã hội mà giúp con người đạt đến hạnh phúc và sự tự do của con cái Chúa. Vậy, con người cần có thái độ nào khi đứng trước tình trạng mất trật tự xã hội và những bệnh tật trong đời sống. Ngài mời gọi bạn và tôi: Hãy mở ra!      

  1. Bệnh tật và việc thiết lập trật tự mới

Chúa Giêsu làm gì khi Ngài đối diện với một người câm điếc? Ngài mời gọi anh ta hãy mở ra. Hãy mở ra để được đụng chạm và cảm nếm tình yêu Thiên Chúa. Nếu bạn đọc kỹ đoạn Tin Mừng, bạn sẽ thấy có ba yếu tố diễn ra trước khi anh câm điếc này được chữa lành đó là: được đem đến, được đem đi khỏi và được đặt tay chữa lành. Đầu tiên, anh câm điếc được “người ta” đem đến cho Chúa nếu anh ta không được ai đó đem đến với Chúa thì phép lạ cũng không xảy ra. Thứ đến là được đem đi, Chúa Giêsu tách anh ta ra khỏi đám đông và cuối cùng Ngài đụng chạm đến phần câm điếc trong con người anh ta và chữa lành cho anh ta. Đây là ba điều cần thiết để phép lành có thể diễn ra. Hãy mở ra để người khác dẫn bạn và tôi đến với Chúa Giêsu. Hãy mở ra để được đem đi khỏi. Hãy mở ra để được chữa lành. Như thế mở ra là điều kiện cần thiết của việc chữa lành.

Việc Chúa Giêsu đụng chạm và chữa lành anh ta chỉ ra rằng, Ngài thiết lập trật tự trên con người anh ta, người ban cho anh ta khả năng tiếp nhận cuộc sống, Ngài đổi mới trái tim anh ta. Nói cách khác việc Thiên Chúa chữa lành bạn, chính là việc Ngài tái sáng tạo và tái thiết lập trật tự trên con người của bạn. Việc chữa lành đổi mới cách nhìn của bạn, giúp bạn nhìn và tiếp nhận cuộc sống với một cách nhìn mới mẻ, bạn mặc lấy cái nhìn của lòng thương xót khi đối diện với nỗi đau khổ của anh chị em mình.

Bệnh tật và tội lỗi có một mẫu số chung, đó là làm cho đời sống của bạn trở nên mất trật tự cả ở bình diện thể lý, tâm lý và thiêng liêng nhưng Thiên Chúa đã chữa lành bạn, Ngài làm cho đời sống của bạn có trật tự. Trật tự này trả lại bản tính mà bạn là và giúp bạn thông chia sự sống với Ngài. Đây mới thực sự là một sự chữa lành ở chiều sâu khi Ngài đụng chạm vào trong tâm hồn bạn. Việc đụng chạm thật sự mang đến sự chữa lành và một sự sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo được mở ra bởi ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.   

Và việc chữa lành bệnh tật giả định đức tin. Thái độ đức tin là thái độ cần thiết của việc chữa lành. Thái độ này giúp bạn và tôi can đảm đối diện với thực tại u ám bởi lẽ Thiên Chúa chắc chắn sẽ thiết lập một trật tự mới trong trong trái tim và trong lịch sử. “Can đảm lên, đừng sợ! Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.[6]

Gioan Phạm Duy Anh, SJ

[1] https://www.volamdaovn.com/a67/khai-niem-benh-tat (Ngày 20/08/2021)

[2] Lc 5, 20b

[3] Is 35, 4-7a

[4] Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

[5] https://hoiquanadida.com/phap-am/khai-thi-canh-tuy-tam-chuyen-2224.html

[6] Is 35, 4-7a

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *