[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Phần I. Trong bối cảnh chung của BTTH (số 2)

PHẦN I. TRONG BỐI CẢNH CHUNG CỦA BÍ TÍCH THỐNG HỐI

 I. MỘT VÀI ĐINH NGHĨA CẦN THIẾT

  1. Thống hối, hoà giải, ăn năn tội

“Những sự căng thẳng hiện nay liên quan đến bí tích thống hối và hòa giải phần nào tùy thuộc cách thức cử hành bí tích ấy, cách đặc biệt những hình thức chung của việc cử hành (giải tội tập thể), cho thấy có sự thất bại.

“Đồng thời, tầm quan trọng của sự thống hối (cả là đức hạnh và nhiệm tích) trong truyền thống của chúng ta cho thấy mọi canh tân thiêng liêng hoặc là của cá nhân hoặc là của Giáo hội, có lẽ không thể hoàn thành mà không có thống hối, hoán cải”. (James Dallen, The Reconciling Community: The Rite of Penance (Studies in the Reformed Rites of the Church) Jan 1, 1986).

Những việc phải làm khi nhận lãnh bí tích Thống hối.

Mặc dầu nghi thức bên ngoài có thay đổi, nhưng theo sách Giáo lý, hành vi của hối nhân trong bí tich là một tiến trình gồm bốn giai đoạn:

1) Xét mình: nhìn lại đời sống để xem xét những tội lỗi đã phạm.

2) Thống hối, hối lỗi, ăn năn tội: hối tiếc vì đã phạm tội mất long Chúa và quyết tâm nhờ ơn Chúa, không tái phạm. Thống hối có thể được diễn tả bằng “Kinh ăn năn tội, với nội dung cơ bản: “Lạy Chúa, con xin Chúa tha tội cho con. Con hối tiếc vì đã làm phiền lòng Chúa. Xin Chúa thương giúp để con không tái phạm”.

3) Xưng thú tội lỗi với thừa tác viên bí tích;

4) Làm việc đền tội (do thừa tác viên, linh mục ấn định).

Để định vị chỗ đứng của Bí Tích thống hối hòa giải trong đời sống thiêng liêng, truyền thống nhấn mạnh đến việc “xưng tội” như cốt yếu cho việc tha tội. Dần dà “xưng tội”trở thành yếu tố duy nhất quan trọng, đến độ khi nói đến bí tích thống hối, người ta chỉ đơn giản gọi là vIệc :xưng tội” hay “giải tội”. Chính vì thế, ta cần hiểu rõ ý nghĩa của từ “xưng tội”.

  1. Xưng tội (latin: confessio)

Confessio: sự thú tội;  sự thú nhận, tuyên xưng. (Trong tôn giáo: xưng tội).

Sự tuyên bố (nguyên tắc của mình về một vấn đề gì); sự phát biểu (về tín ngưỡng…)

Quyển “Tự  thuật” của Thánh Augustinô mang tựa đề: “Confessiones” (mà ta có thể dịch là: “những lời thú tội trước Thiên Chúa”) là một sự tra vấn thiêng liêng của linh hồn, và một lời chúc tụng Thiên Chúa. Augustinô viết lại lại lịch sử của tội lỗi, hối hận và cứu chuộc vừa riêng tư vừa phổ cập. Một tự thuật, mang màu săc triết lý, tâm lý, thần học.

Trong văn chương Pháp tác giả J.J. Rousseau (1712 – 1778) cũng dùng từ:“confessions” (hồi ký hay tự truyên (1770), làm tựa đề cho một quyển sách của ông mà có ngườ dịch: Những lời bộc bạch)

Vì thế, không nên lẫn lộn “confession” sacramentelle (xưng tội trong bí tích giải tội) và những “confessions” (tự thuật) theo kiểu J.J.Rouseau) Trong Hội thánh Công giáo, confessio có nghĩa là việc xưng tội; Bí tích giải tội.

ĐHY Carlo M. Martini, và ba giai đoạn của việc tuyên xưng (confessio)

Khi giải thích việc cầu nguyện lâu dài và để thắng vượt nhiều khó khăn, ĐHY Martini có đề nghị áp dụng những giai đoạn confessio của thời xưa  (xem: Abraham, notre père dans la foi, 67-71).

Ngài tái khám phá truyền thống coi bí tích thống hối như việc tuyên xưng đức tin, lời tạ ơn và như việc dấn thân phục vụ. Ngài kết nối cách cầu nguyện truyền thống với cách xét mình và cầu nguyện trong Linh thao, luôn bắt đầu việc cầu nguyện, bằng cách đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, và dâng lên Chúa lời tri ân cám tạ.

Cũng thế, tôi có thể bắt đầu việc xưng tội bằng confessio laudis, cám tạ Chúa về những ân huệ tổng quát cho thế giới, cho Giáo hội, cho chính tôi.

Thay vì tức khắc kê khai tội lỗi, tôi có thể thiết lập một cuộc đối thoại với linh mục, mà tôi quen biết hay vị linh hướng của tôi.; cách này được dự trù trong nghi thức thống hối (Ordo Poenitentiae) mới.

Cuộc đối thoại có thể bắt đầu với một đoạn Kinh Thánh, một Thánh vịnh, để tự đặt mình trong một bầu khí sự thật trước Thiên Chúa. Tiếp theo là vận hành ba giai đoạn: confessio laudis, confessio vitae, confessio fidei..

1) Giai đoạn thứ nhất là confessio laudis (confession de louange): lời tuyên xưng chúc tụng.“Tạ ơn Chúa vì những ơn lành đã lãnh nhận” (Linh Thao 43)

Thay vì bắt đầu xưng tội bằng cách nói: “Tôi đã phạm tội như thế này như thế kia´” tôi có thể nói: “Lạy Chúa con cám ơn Chúa, về những việc tốt lành mà Chúa ban cho con” (những việc tốt lành mà tôi coi là ơn Chúa).

Tuyên xưng, chúc tụng là một việc tạ ơn, bằng cách trả lời cho câu hỏi: từ lần xưng tội sau cùng, đâu là những điều mà tôi thấy phải tạ ơn Chúa cách đặc biệt.

Tôi phải cảm tạ Chúa về điều gì?  Lúc nào Chúa ở gần tôi nhất? Trong hoàn cảnh nào tôi có kinh nghiệm về sự trợ giúp vả hiện diện của Thiên Chúa ?

Tạ ơn. Tổng quát: sự tạo dựng, ân huệ sự sống, ân huệ Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Cách riêng: những ơn của tuần này, ngày này, đầy tin tưởng, tín nhiệm

 2)  Giai đoạn 2,  confessio vitae,  lời tuyên xưng đời sống. (confessio vitae/ confession de vie)

Lời tuyên xưng này có thể đến từ câu hỏi: từ lần xưng tội cuối cùng, điều gì làm tôi nặng lòng và tôi không muốn nó xảy ra? Đây là lúc xưng tội hay xưng thú những điều thiếu sót khác (dựa trên các điều răn, các tội đầu, các nhân đức). Đặt trước Thiên Chúa những hoàn cảnh tôi đã sống qua, những bất toàn trong đức ái, và còn phải đi đến tận nguồn gốc của những điều tôi không muốn (tức là truy tìm nguồn gốc của tội).

Xem xét cách đặc biệt:

a/ những điều quên sót : tôi ước muốn, làm, nói hay tưởng nghĩ gì mà tôi đã không làm, nói hay tưởng nghĩ .

b/ những thái độ, mặc dù chúng không phải là lỗi phạm nhưng có thề đưa tôi đến việc phạm tội: ác cảm, oán hận, nghi ngờ, buồn bực, ngã lòng, cay đắng. Tôi muốn được giải thoát khỏi điều gì? Điều gì làm nặng lòng tôi hiện giờ. Một tội không phải là một trạng thái tâm hồn. Người ta có thể diễn tả tội cách chính xác, đầy đủ, rõ ràng. Tội là một hành vi nhất định, vi phạm luật Chúa, mà lương tâm trách móc chúng ta.     

3) La confessio fidei, lời tuyên xưng đức tin (confessio fdei / confession de foi). Cuối cùng là  chuẩn bị đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Đó là lời tuyên xưng: “Con tin vào quyền năng của Chúa trong đời sống của con”.Tuyên xưng đức tin cũng là cách diễn tả lòng thống hối, khi thú nhận tội lỗi của mình.

Cần thiết phải sống kinh nghiệm cứu độ như kinh nghiệm ân sủng. Mọi quyết tâm của chúng ta phải kết hợp với một hành vi đức tin sâu xa vào ơn cứu độ của quyền năng chữa lành và kinh nghiệm thanh luyện của Thánh Thần. Nó không chỉ đến từ nỗ lực đơn thuần của ý chí

Việc xưng tội không chỉ là kê khai tội ra ngoài như người ta đặt một số tiền trên bàn. Xưng tội là đặt trái tim chúng ta trong Trái tim Chúa Kitô, để Chúa biến đổi nó với quyền năng của Người. Từ việc xưng tội này, phát sinh lời kinh thống hối: “Lạy Chúa, con biết rằng điều con làm không chỉ gây thiệt hại cho con, cho anh em con, mà còn là một sự xúc phạm đến  Chúa, Đấng đã yêu thương con và kêu gọi con.  Chúa biết con yếu đuối, con có thể sa ngã luôn mãi,  nhưng nếu đẹp lòng Chúa,  nhờ lòng nhân hậu Chúa, xin chữa lành sự mong manh dễ vỡ của con. Xin cho con biết con phải có những quyết tâm nào để chứng tỏ thực sự con muốn dẹp lòng Chúa.”

  1. Bí tích thống hối do Chúa Giêsu thiết lập

Xưng tội là bí tích đem lại cho hối nhân, qua trung gian thừa tác viện, được ơn tha thứ các tội lỗi riêng mình (bất cứ nghiêm trọng đến đâu). Bí tích thống hối, là một vận hành riêng tư  cá vị,  nhưng mang chiều kích Hội thánh, nó bao gồm việc xung thú, hoán cải, hối lỗi và đền tội. Sự xá giải nhiệm tich của linh mục ban cho hối nhân “sự tha thứ và bình an đến từ Thiên Chúa”

Bí tích thống hối là một dấu chỉ khả giác, được Chúa Giêsu thiết lập để tha tội cho tín hữu (x Ga 20,22-23), phạm tội sau khi chịu phép Rửa.

Việc xưng tội được gọi là bí tích thống hối vì nó cống hiến một vận hành cá vị về hoán cải, hối hận, và đền tội của hối nhân trước mặt Chúa, trong sự hiệp thông với Hội Thánh.

Vì việc xưng thú tội lỗi trước linh mục là một thành tố thiết yếu để bí tích thành sự, từ đầu cho đến bây giờ, nên mọi huấn giáo về bí tích giải tội hay thống hối đều dạy cách xưng tội. Hậu quả là từ khi học giáo lý để rước lễ lần đầu, hay từ khi học giáo lý tân tòng, người ta tiếp tục nhắc lại những tội đã có sẵn mà không cần phải cập nhật hay canh tân cho phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhất là tìm cách xưng thú tội lỗi như lương tâm phê phán. Điều đó giả thiết một lương tâm chính xác, biết nhận ra điều gì là tội và còn biết phân biệt tội trọng, tội nhẹ. Người công giáo có bổn phận đào luyện lương tâm theo giáo huấn và luật Chúa. Cách chung, khi người ta sống xa Chúa thì cũng có những ý niệm sai lệch về tội, nhất là tội liên quan đến sự công bình và  tội điều răn thứ sáu.

Trong quan niệm truyền thống coi phép giải tội là hành động pháp lý (theo trình tự: thú tội, tuyên án, đền tội), thì việc xưng tội hay thú tội cung cấp chất liệu cho việc xét xử. Trong khi nơi tòa án dân sự, thẩm phán hay công tố viên tìm cách chứng minh về tính cách lỗi phạm của người bị xét xử, thì trong phép giải tội kín, chính hối nhân phải đem tội mình ra trước thẩm phán để được xét xử. Hoàn cảnh này có thể đưa đến tình trạng mập mờ, dối trá, quanh co, giấu diếm. Chính vì vậy mà một việc xung tội hoàn chỉnh giả thiết sự trưởng thành đức tin, và  trưởng thành tâm lý. Sự trưởng thành vốn đòi hỏi có một lương tâm chính trực, biết xét đoán theo luật Chúa và  luật Hội thánh.

Nếu việc xưng tội hay thú tội, có liên hệ đến tóa án, pháp lý, thì ngày nay việc xưng tội cũng đựợc gọi là Bí Tích thú tội (Giải Tội), vì sự thú tội trước Linh Muc là một thành tố cốt yếu. Sau đó và theo một ý nghĩa sâu xa hơn, là tuyên xưng, nhìn nhận và chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thần học hiên nay nói đến Bí tich hòa giải để hiểu việc xưng thú tội lỗi theo đúng nghĩa của nó, tức là hối lỗi,“được hòa giải, trở vể cùng Thiên Chúa” (Lc 15, 11-32).

Như ta thấy trong trường hợp “tự thú” của thánh Augustinô, xưng thú còn là việc tri ân và chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa, vượt trên tội lỗi của con người. Xưng tội trong tinh thần đức tin và thái độ khiêm tốn như vậy là một niềm vui, vì nhờ sự tha thứ của Chúa qua bí tich hòa giải, ta gặp được Chúa trong đời mình.

Hậu quả của một việc xét mình tốt, một việc kiểm thảo đời sống cách lương thiện như các nhà hiền triết Đông Tây, thì về phương diện nhân bản là một nguyên lý cùa sức khỏe tâm linh. Một người lương thiện không dễ bị xáo trộn tâm lý, không dày vò lương tâm. Trên bình diện hoàn toàn thiêng liêng, xét mình (như trong Linh Thao) là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Có một niềm vui ngập tràn khi cảm thấy được yêu thương, được thông cảm, cả khi ta không yêu mình và thấy hổ thẹn, vì không xứng đáng được yêu.  

Thống hối hay hối lỗi: hối hận vì các tội phạm của mình và quyết tâm không tái phạm. Trong Hội thánh công giáo thống hối được diễn tả bằng “kinh ăn năn tội”: “Lạy Chúa, con xin Chúa tha tội cho con, con hối tiếc vì đã làm mất lòng Chúa. Xin Chúa giúp con không tái phạm”

Làm việc thống hối là kêu van sự tha thứ của Chúa. Thuật ngữ (thống hối) dần dà bị lẫn lộn với những việc đền tội khác nhau. Trong yếu tính, thống hối nhắm đến việc sửa lại lỗi lầm đã phạm. Nó là dấu chỉ của sự hoán cải mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta: “Hãy hoán cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 15).

  1. Nhiệm tích thống hối hòa giải là gì?

Công đồng Vaticano II đã dùng thành ngữ “thống hối hòa giải” để nói về phép giải tội, vì có nguồn gốc Kinh Thánh và mang nhiều đặc tính nhân bản, thời sự. ĐGH Gioan-Phaolo II đã dành phần đầu (gồm 3 chương) của Tông huấn Reconciliatio et poenitentia  để phân tích ý niệm và thực tại hòa giải.

“ Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” ( 2 Cr 5,18)

Hòa giải là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa . Sự tha thứ của Thiên Chúa luôn mở rộng cho ta, nếu chúng ta bước theo một tiến trình thực sự chân thành. Khi nhận biết mình là tội nhân, chúng ta tin rằng Tình yêu vô hạn của Thiên Chúa luôn mạnh hơn tội lỗi của chúng ta: “Và nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao hơn lòng  chúng ta và Người biết hết mọi sự”(1Ga 3,20).  Nhiệm tích thống hối hòa giải giao hòa chúng ta với Thiên Chúa bằng cách tẩy luyện tội lỗi chúng ta đã phạm sau khi chịu phép Rửa tội.                      

Chỉ một mình Thiên Chúa mới tha tội (Mc 2, 7). Vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nên Người có quyền tha tội, như Người đã tuyên bố: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất” (Mc 2, 10).  Chúa Kitô đã trao quyền tha tội cho các tông đồ, sứ mệnh mà thánh Phaolô gọi là “thừa tác vụ hòa giải” (2Cr 5, 18).

Hòa giải liên quan đến mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người hoặc giữa con người với nhau. Đúng hơn, hòa giải bao hàm một sự thay đổi trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau. Thiên Chúa hòa giải thế giới với chính mình Người ( 2 Cor 5,18 ). Sự hòa giải được thực hiện nhờ Thập giá Chúa Kitô hay cái chết của Người: “Thiên Chúa giao hòa chúng ta với Người nhờ cái chết của Đức Kitô ( Rm 5,1). Như vậy chúng ta không còn là thù địch, vô đạo, tội nhân hay bất lực. Trái lại tình yêu Thiên Chúa được đỗ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Thiên Chúa ban cho chúng ta (Rm 5,5 ). Trong phép Giải tội, tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa được ban cho ta, để chúng ta được “hòa giải với Thiên Chúa “  (2 Cr 5, 20) và “hòa giải với anh em”(Mt 5, 24).. Chỉ khi nào chúng ta để Chúa Giêsu hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với anh em, thì chúng ta mới được bình an.

Trong truyền thống Kinh thánh, tội lỗi là cắt đứt Giao ước với Thiên Chúa. Hòa giải giả thiết đã có một đổ vỡ trong tương quan, nhưng bây giờ có một thay đổi, từ tình trạng thù địch và phân mãnh đến tình trạng hài hòa và thân hữu. Trong Roma 5,6-11 thánh Phaolô nói trước khi hòa giải, chúng ta bất lực, tội lỗi, thù địch và ở dưới cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (câu 9). Nhờ sự hòa giải, chúng ta trở thành thụ tạo mới. “Nếu ai ở trong Đức Kito, kẻ ấy là một sự tạo dựng mới, cái cũ đã qua đi, cái mới đã đến”( 2 Cor 5,17).

Việc tha tội không phải là điều chúng ta có thể tự ban cho chính mình, chúng ta ăn năn tội và  xin người khác tha tội cho. Trong phép giải tội, chúng ta xin Chúa Giêsu tha tội. Hay nói cách khác, việc tha tội không phải là hoa trái của những nỗ lực cá nhân, mà là một tặng phẩm của Chúa Thánh Thần, tuôn đổ từ Trái Tim rộng mở của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại.

“Ai lãnh nhận phép Giải tội thì đón nhận từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, sư tha thứ tội lỗi, vốn làm chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa và nhờ sự tha thứ này chúng ta được giao hòa với Hội Thánh, mà ta đã làm tổn thương (khi phạm tội), nhưng nhờ lòng mến, gương sáng, cầu nguyện , Hội thánh luôn hoạt động cho sự hoán cải (trở về) của họ.” (Vaticano II, Lumen gentium, 11; xem:  GLHTCG 1422).

Bí tich tha tội còn là Bi tích hòa giải: vì ban cho tội nhân Tình yêu của Thiên Chúa hòa giải. Được hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cảm nghiệm  tình yêu khoan hậu. Tinh yêu khoan hậu này cho phép đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa: “hãy đi giao hòa với anh em”.

  1. Tội là gì?

Vì đã trình bày về ý niệm tội, ở đây ta chỉ nhắc lại một vài khái niệm đơn giản.

1-Ý niệm tội (Dom Claude Jean-Nesmy, pratique de la confession, DDB, 1962).

Lỗi phạm: xét về phương diện luân lý,   đòi buộc sống phù hợp với bản tính loài người của chúng ta.

Tội lỗi, (theo tôn giáo, kinh thánh), theo nghĩa chính xác, hoặc một tình trạng, hoặc một biến đổi trong tương quan với Thiên Chúa. Phạm tội là quay lưng lại với Thiên Chúa . (Aversio a Deo. Conversio ad creaturas).

Tội là một mạc khải. ‘Để khám phá tội của ta, làm một việc “xét mình” không chưa đủ. Người ta chỉ thấy những ‘lỗi phạm’. Để thấy “tội”, phải phán đoán những hành vi của ta không phải từ một thẩm định nhân loại, nhưng theo quan điểm của Thiên Chúa (=đức tin).

-Ý niệm tội (theo J. de Baciocchi)

Tội, không phải vi phạm bên ngoài, do sự kiện duy nhất là vượt qua cấm kỵ, sự cấm đoán giới tính, sự kiêng cử trong ăn uống, “phạm húy” trong ngôn ngữ hay mọi thứ “tabous” khác, nhưng là:

1/ Nổi loạn chống lại Thiên Chúa ;

Dửng dưng trước Thiên Chúa ;

2/ Thiếu kính trọng và yêu thương đối với con cái Thiên Chúa Tội không nghiêm trọng như nhau:

Khách quan: xúc phạm đến người lớn, nhỏ (Tuổi tác, địa vị). Người giàu, nghèo.Một tập thể, một cá nhân

Chủ quan: tùy theo mức độ ý thức, tự do.

Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa: “Con đã phạm tội chống lại Chúa, chống lại  một mình Chúa. Điều dữ trước mắt Chúa, con đã làm” (Tv 51, 6). Tội lỗi chống lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta, và làm trái tim chúng ta xa cách Thiên Chúa.

Ăn năn tội (Contrition). Về phương diện thần học, đó là đau đớn và ghét tội với quyết tâm làm việc đền tội, nhờ tình yêu đối với Thiên Chúa,  vì sự tốt lành  của Người (ăn năn tội cách trọn) hay vì lý do thấp hèn nào khác, như sợ hình phạt của Thiên Chúa  (ăn năn tội chẳng trọn).

Thống hối hay hối lỗi (ăn năn tội) là một chiều kích trung tâm của sự hoán cải như một yếu tố năng động của linh đạo Kitô giáo.

  1. Đền Tội, Thống Hối, Hoán Cải

Để định vị chỗ đứng của Bí Tích thống hối hòa giải trong đời sống thiêng liêng, một vài tác giả, như ĐHY Martini tái khám phá truyền thống coi bí tích thống hối như việc tuyên xưng đức tin và tạ ơn và như việc dấn thân phục vụ.

Trong Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (1984), ĐGH Gioan-Phaolô II nhắc đến sự cần thiết phải canh tân mục vụ giáo lý về thống hối. Thống hối là một ngữ vựng Kinh Thánh thường được sử dụng, nhưng có nhiều nghĩa khác nhau, bởi đó cần được giải thích cách chính xác, để tránh những sai lầm đáng tiếc.

Sứ điệp Kinh Thánh về thống hối luôn bao hàm nội dung “trở lại” hay “hoán cải”. Lời kêu gọi hoán cải thật rõ ràng, mạnh mẽ, cấp thiết trong Kinh Thánh Tân Ước.

Kêu gọi hoán cải (metanoia) là chủ đề trung tâm trong việc rao giảng của Chúa Giêsu (Mt 4,17; Mc 1,15; Lc 5,32; ) cũng như  trong giáo huấn của Gioan Tẩy Giả và được tiếp tục dưới thời các sứ đồ (x. Cv 2,38).

Luca nhấn mạnh đến lời kêu gọi ăn năn sám hối của Đức Giêsu (Lc13,1-5; 16,30; 24,47) và thành quả của lời kêu gọi ấy (7,36-50;19,1-10; 23,4-43). Lời kêu gọi ăn năn hối cải được gởi đến mọi người, vì thực ra, chẳng có ai thực sự là người công chính (Lc 15,7). “ Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13).

Nhưng với thời gian, nội dung của từ “hoán cải” trong Kinh Thánh Vulgata  được giản lược thành “đền tội”. Thực trạng này xuất phát từ cách dịch của Kinh Thánh Vulgata: “Metanoiete” thành “poenitentiam agite” và việc thần học Trung cổ quá nhấn mạnh đến khái niệm: Đền thay (satisfactio).

Metanoia giả thiết một sự thay đổi trong cách suy nghĩ và một sự chuyển hướng. Trong dụ ngôn “Người con hoang”(Lc 15, 11-32), người con trở về với chính mình và quyết định trở về với Cha (suy nghĩ lại).

Kế đến, thống hối bao hàm sự hối hận, hay hối tiếc (repentir) một sự quay  về với tâm hồn, như trong dụ ngôn về sự tha thứ:  “nếu nó hối tiếc, thì phải tha cho nó” (Lc 17,3).

Ý nghĩa thứ ba chứa đựng trong từ thống hối là chuyển động mà hai thái độ hoán cải và hối hận được bộc lộ ra bên ngoải bằng công việc đền tội , như thánh Gioan Tẩy giả nói với dân chúng: “ tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối.” (Mt 3,11). Làm việc đền tội cuối cùng là tái lập thế quân bình và sự hòa hợp bị gãy đổ vì tội. Đó là ý nghĩa của khổ chế Kitô.

Đức hạnh thống hối cách chung được xét đến dưới góc độ cá thể, bằng những từ ngữ chỉ sự ghét tội và đền tội. Việc thực hành thống hối thường được đồng hóa với việc hãm mình như phương thế đền bù tội lỗi trong quá khứ- (bằng cách làm việc đền tội)- và việc đều đặn cử hành bí tích dưới dạng thức xưng tội riêng.

Hành vi quan trọng nhất của hối nhân là sự thống hối (ăn năn tội = contrition). Đó là một sự đau đớn trong lòng vì đã pham tội mất lòng Chúa và chán ghét tội lỗi đã phạm, cùng với quyết tâm chừa cải không còn dám phạm tội nữa” (Cđ Tridentinô, Ds 1676).

Đức hạnh thống hối là một từ khó hiểu nhất là trong tiếng Việt . Tựu trung trong thần học hiện nay, từ này có ba nghĩa, như: 

1) thái độ hay đức hạnh bên trong, ăn năn hối cải;

2) hành động bên ngoài hay hành vi đền tội, làm việc đền tộ;

3) bí tích hay dấu chỉ của ơn tha thứ của Chúa, qua lời xá giải của thừa tác viên khi một người ăn năn thống hối.

  1. Thống hối trong Tân Ước

“Hãy thống hối vì nước Thiên Chúa đã đến gần “ (Mt 3,2; 4,17)         

–“Hãy thống hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).

“Thống hối”, tiếng Hy bá: “Shûb” được dịch ra bằng hai tiếng Hy lạp (hầu như có thể đồng nghĩa):

(1) Metanoia, (μετάνοια), metanoiein: thay đổi não trạng, hối hận; một sự thay đổi con tim, cách đặc biệt: một sự hoán cải thiêng liêng : (conversion). (Tiến trình nội tại của sự hoán cải).

(2) Epistrophe (ἐπιστροφή), “Epistrephein “sự quay trở lại”, chuyển hướng, đỗi đời, thay đổi tận căn trong đời sống và cách sống, theo sau việc chấp nhận bên trong lời mời gọi hoán cải. (Hậu quả bên ngoài của sự hoán cải).

Các ngôn sứ thường dùng từ này để nói về thái độ thay đổi tận căn, một sự dứt khoát về luân lý và có ý thức, một quyết định cá nhân từ bỏ tội lỗi và quay về với Chúa (Đnl 4, 30; Nkm 1, 9; Tv 7, 12; Gr 3, 14), một sự thay đổi thiêng liêng nhờ Thiên Chúa tác động.

“Từ ngữ “thống hối”  (penitence) và ý niệm của nó rất phức tạp. Nếu chúng ta kết nối nó với “metanoia” như Tân Ước (Phúc âm Nhất lãm) thường dùng,  thì “thống hối” đền tội có nghĩa là một sự thay đổi nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn dưới ảnh hưởng của Lời Chúa và trong viễn tượng của Vương Quốc Thiên Chúa. Nhưng “thống hối” cũng còn có nghĩa là chuyển hướng, đổi đời (epistrephein)

“Những ai phạm tội, ăn ở bất công, là kẻ thù của chính mình’” (Tobia 12,10)

Nhận định: chúng ta  thường xuyên nhận lãnh bí tích Thánh Thể và bí tích Thống hối, nhưng nhiều khi vì thói quen, không sốt sắng, bởi vì thiếu hiểu biết. Ý nghĩa của nhiệm tích Thánh Thể (mầu nhiệm đức tin) và nhiệm tích hòa giải, vốn giả thiết sự thống hối và quay về, thật bao la mênh mông, trong khi sự hiểu biết của chúng ta dừng lại ở mức độ vỡ lòng, nên lãnh nhận hai nhiệm tích này thường xuyên mà không sinh hiệu quả. Đặc biệt nhiệm tích hòa giải liên quan đến lương tâm sâu thẳm của mỗi người nên việc xưng tội cũng là dấu chỉ mức độ trưởng thành trong đức tin.

Sự khẩn thiết trong Mục vụ hiện nay là phải chú ý nhiều hơn về huấn luyện lương tâm tín hữu. Trong khi đó, chúng ta có những chương trình hấp dẫn về mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ,..vv.

Kiểm tra tương tự

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Mười hai vị thánh đã kết hôn

  Không phải tất cả các thánh đều là các linh mục hoặc nữ tu; …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *