[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: Phần I. Trong bối cảnh chung của BTTH (số 4)

 

Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

III. LƯỢC SỬ  BÍ TÍCH THỐNG HỐI & HÒA GIẢI

Giáo thuyết về bí tích giải tội liên hệ đến hai thực tại khác biệt nhưng kết nối chặt chẽ với nhau: 1) canh tân nội tâm của tội nhân, mà tương quan với Thiên Chúa, bị cắt đứt bởi tội, được tái tạo bởi việc hoán cải và thống hối; 2) kỷ luật Hội Thánh, giao hòa tội nhân trong cộng đồng tín hữu. Không có lãnh vực nào của đời sống Hội Thánh mà chịu nhiều thay đổi hình thức hơn kỷ luật đền tội xuyên qua các thế kỷ.

Monika K. HELLWIG. Sign of Reconciliation and Conversion: The Sacrament of Penance for our Times, The Liturgical Press, Minnesota (1991)

Làm sao giải quyết vấn đề giải tội dưới tất cả mọi khía cạnh: lịch sử, nhân học và thần học? Xét cho cùng, không có một tài liệu nào về bí tích thống hối mà có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề liên quan. Luôn có một khía cạnh nào đó bị bỏ quên. Truyền thống xưng tội riêng có lý của nó khi đặt vào bối cảnh linh hướng. Đền tội công khai cũng có lý khi sự xưng thú cần thiết cho hoán cải là tình trạng tội lỗi cách chung hơn là một tội đặc biệt nào đó.  Nhưng lợi ích lớn nhất đó là sự tha tội qua trung gian thừa tác viên Chúa Ki-tô.

Sau Vaticano II, dầu có thay đổi nghi thức.  người ta vẫn ít đi xưng tội.

TỪ THỐNG HỐI CÔNG KHAI ĐẾN XƯNG TỘI RÊNG

  1. Từ khởi đầu cho đến tk VI:

Vào thời buổi đầu của Hội thánh, (thời kỳ giáo phụ) không có thiết định chính thức về thống hối, đền tội. Trong bối cảnh của những cuộc bách hại lan tràn, người chịu phép rửa được gọi là thánh, sẵn sảng chết vì Chúa, nên sống trong sự thánh thiện của phép rửa, không có tội. Nhưng trong thực tế, con người yếu đuối, nên không tránh khỏi sa ngã và phạm tội. Lúc ấy, vào thòi cấm c)ách,  tội trọng và công khai duy nhất là tội chối đạo. Tội nghịch cùng đức tin. Sau nầy còn thêm: giết người, ngoại tình. Kỷ luật đền tội cho người phạm tội nặng, sau phép Rửa tội, là đền tội công khai và lâu dài. Chỉ được tha một lần.

Sau này, vào tk III, có tài liệu (Pasteur d’Hermas) làm chứng về nghi thức phụng vụ đền tội cho những ai phạm  tội nặng và công khai, thường là tội nghịch đức tin (chối đạo, tôn thờ ngẫu tượng), rồi sau đó là những tội nghịch luân lý: sát nhân, ngọai tình. Họ  bị khai trừ khỏi cộng đồng (Thánh Thể), và chỉ được hòa giải sau một thời gian (dài) ăn năn, đền tội, có khi chỉ được tha vào giờ lâm chung. Và chỉ được tha một lần, sau khi chịu phép Rửa tội.

Nghi thức Đền tội công khai trước Giám mục và cộng đồng Thánh Thể, trải qua tiến trình: 1/ thú tội, 2/đền tội công khai, nặng nề, lâu dài, 3/hòa giải.

Hình thức đền tội này chỉ áp dụng cho tội trọng ; còn tội nhẹ thì có những hình thức xá giải khác (như đọc các kinh đầu lễ, ăn chay, bố thí,..). Từ đó ta thấy việc phân biệt tội trọng tội nhẹ trong Hội Thánh nguyên khởi dựa trên hinh thức đền tội: Tội trọng là tội phải được đền bằng một việc thống hối chính thức và sự can thiệp của Hội thánh trong việc hòa giải. Tội nhẹ là tội có thể đền bằng những việc hãm mình riêng tư, không cần sự can thiệp của Hội thánh và hình thức xá giải công cộng của cộng đồng Hội thánh.

Nhiều nhóm nghiêm nhặt (như Montanismo, do Tertulliano (150-222) cầm đầu và Novatiano (200-258?) phủ nhận quyền tha tội của Hội thánh (đối với người bỏ đạo). Nhóm khác đòi hỏi những điều kiện xá giải rất khắt khe. Những tài liệu của Hội thánh vào giai đoạn này  (thế kỷ III)  chứng tỏ Giáo hội có quyền tha tội, và nhấn mạnh đến việc tha tội trọng ít nhất là vào giờ chết.

Sắc lệnh Milano (313) hay hòa ước Constantino chấm dứt gần 300 năm cuộc bách hại tín hữu Ki-tô giáo trong đế chế La Mã, đem lại cho Hội thánh một thời kỳ thịnh vượng và phát triển.

Sau khi Hội Thánh được tự do, số tín hữu gia tăng, nhưng lòng đạo đức và đời sống luân lý giảm sút. Một số tín hữu đi vào sa mạc để sống đời khổ hạnh và tiếp tục sự hoán cải bắt đầu với sự dấn thân của Phép Rửa. Đó là những người khai sáng đời tu trong sa mạc.

Số còn lại có xu hướng sống theo thế gian và tình trạng tội lỗi đe dọa các tín hữu nguội lạnh.

Kỷ luật thống hối đền tội dành cho các tội nặng được thống nhất và tổ chức có hệ thống.

a) (petere paenitentiam) hối nhân thú nhận tội lỗi (riêng tư) với Giám mục, bày tỏ ước muốn trở lại với Chúa qua việc đền tội. Họ xin Giám mục ra việc đền tội đích đáng. Gia nhập hàng ngũ hối nhăn, trong khung cảnh một nghi thức phụng vụ: mặc áo hối nhân và bi trục xuất ra khỏi cộng đoàn, hiệp thông (Thánh Thể). Nhưng không bị vạ tuyệt thông.

b) (paenitentiam agere, delicta expiare) thi hành vệc đền tội. Hối nhân phải làm một số việc đền tội riêng tư: cầu nguyện, ăn chay, kiêng thịt, không ăn ở với vợ chồng mình, làm việc bác ái (bố thí) . Ngoài ra, còn phải làm mấy việc đền tội công khai (exomologesis): mặc áo rách rưới, ngồi chỗ đặc biệt dành cho tội nhân trong nhà thờ, không được rước lễ. Hối nhân được chia làm bốn loại: (1) hối nhân không vào nhà thờ; (2) hối nhân được vào nhà thờ, nhưng chỉ được dự phần đầu (Lời Chúa) của Thánh Lễ, như các dự tòng;(3) hối nhân được dự Thánh Lễ nhưng phải quỳ; (4) hối nhân được dự Thánh Lễ nhưng phải đứng. Trong thời kỳ sám hối, Hội Thánh đòi hỏi hối nhân phải sống khắc khổ: chay tịnh, hãm mình, cầu nguyện, khiêm tốn…như một tu sĩ.

c) (reconciliatio) hòa giải. Sau khi được coi là đã đền tội đủ, trong một nghi thức phụng vụ, Giám mục đặt tay trên đầu hối nhân trước mặt cộng đoàn. Kết quả là hòa giải với Hội Thánh (pax cum Ecclesia), và cùng Thiên Chúa (pax cum Deo). Vào thời kỳ này, việc đền tội là yếu tố chính để Chúa tha tội. Hòa giải chỉ có giá trị như lời tuyên bố pháp lý.

Việc đền tội nhiệm nhặt làm cho nhiều người sợ, không dám xin đền tội công khai, và nhiều khi tội nhân chết mà chưa được hòa giải cách chinh thức, nên đến tk V, khi các cuộc bách hại chấm dứt, tinh thần đạo nghĩa có sa sút, xem ra việc đền tội nặng nề trong Hội Thánh không còn được áp dụng và nguyên tắc chỉ được đền tội một lần cũng không được nhấn mạnh. Trong khi đó, Hội Thánh tìm một phương thức tha tội thích hợp hơn với  hoàn cảnh.

  1. Giữa tk VII và XII, việc đền tội riêng xuất hiện

Trong các đan viện ở Ái nhĩ lan (Ireland) các tu sĩ, do  tinh thần lời khấn hoán cải (conversio morum) có thói quen đến bày tỏ lương tâm (manifestatio conscientiae) thú nhận tội lỗi, mỗi ngày trước bề trên (hoăc linh hướng) để được chúc lảnh.  Sau đó, việc bày tỏ lương tâm này cũng được phổ biến nơi giáo dân.

Vấn đề không còn là giúp kẻ chối đạo, bỏ đức tin, nhưng nậng đỡ tín hữu trong đời sống hàng ngày. Nghi thức thống hối nhấn mạnh đến sự tiếp đón, đọc kinh chung và tuyên xưng đức tin.  

Khi các đan sĩ Anh quốc và Ái nhĩ lan trở lại truyền giáo nơi lục địa, thì cũng truyền bá tục lệ này cho giáo dân. Thoạt đầu các công đồng địa phương (như Toledo III, Tây ban nha (589)  kết án hình thức thống hối này), nhưng một thế kỷ sau, nó được chấp nhận.

Kết hợp bí tich giải tội với linh hướng; giao hòa tội nhân với Thiên Chúa không còn là việc ngoại lệ nữa; không còn giới hạn loại tội và số lần được tha. Việc thống hối không còn thực hiện qua nghi thức cộng đồng do Giám mục chủ sự, nhưng là việc gặp gỡ riêng tư giữa linh mục và hối nhân.

Đền tội theo giá biểu

Khi việc xưng tội riêng trở nên phổ biến cho dân Kitô, thì vấn đề của các linh mục (còn yếu kém về kiến thức thần học ) là làm sao thi hành nhiệm vụ quan tòa bằng việc tuyên án và ra việc đển tội thich đáng? Vậy có một số tác phẩm gọi là  Paenitentialis do các học giả biên soạn như một thứ hình luật, để các cha giải tội dựa vào đó mà ra việc đền tội. Người ta quen gọi cách hành xử của thời kỳ này là đền tội theo giá biểu. Có một nguyên tắc sư phạm lý thú trong các việc đền tội này. Tùy theo sự nghiêm trọng của tội mà có việc đền tội cân xứng và việc đền tội được coi như một phương dược chữa trị, bằng cách làm điều ngược lại với tội phạm (vi dụ, tội tham ăn phải đền bằng việc giữ chay, kiêng ăn; nói hành phải phạt bằng việc giữ thinh lặng…).  Cùng một tội, nhưng giáo dân chịu hình phạt nhẹ hơn tu sĩ , giáo sĩ. Ai tái phạm thì chịu hình phạt nặng hơn kẻ mới phạm lần đầu. Giá biểu trong sách đền tội nhiều khi đòi buộc ăn chay một năm hay hơn nữa.

từ  giá biểu đến ân xá

Các nguyên tắc hình phạt này cho thấy một tinh thần pháp luật rất cao. Có thể, các đan sĩ chịu ảnh hưởng của luật Celtic trong xã hội dân sự. Ảnh hưởng này, trong thực tế có thể đưa đến những sai lầm và lạm dụng, như thường xảy ra khi người ta không hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Người ta thấy có những hình thức “ chuộc tội”, nguồn gốc của việc ban ân xá (indulgences) sau này, vốn cho phép trả một số tiền để chuộc một tội phạm. Cũng thế, các việc đền tội nặng có thể được thay thế bằng một công tác khác, như đọc kinh thay vì ăn chay, hoặc dâng cúng lễ vật, bố thí. Thậm chí người không thể làm việc đền tội có thể nhờ người khác đền tội thay. Còn có tình trạng  đền tội thuê, khi hối nhân không thể làm việc đền tội, trả một số tiền để được kẻ khác đền tội thay cho. Sau khi hoàn tất việc đền tộ, hối nhân được coi như được tha tội và  ban ơn xá giải.

  1. Từ thế kỷ XIII cho đến công đồng Laterano IV và Tridentino

Dựa vào lịch sử, ta có thể nhận thấy, vào thời Trung Cổ, mặc dầu những yếu tố chính cấu thành phép giải tội xem ra cố định: thú tội, đền tội, hòa giải, nhưng có một biến chuyển trong nghi thức thống hối. Từ công khai, với nghi thức phụng vụ long trọng, dưới sự chủ tọa của giám mục, đến riêng tư giữa hối nhân và linh mục.Từ tk XIII, việc xưng tội là một nghi thức cá nhân và riêng tư.  Chiều kích Giáo hội và cộng đồng không được minh nhiên nhắc đến. Hay chỉ giản lược vào sự hiện diện của thừa tác viên Gíao hội. Xưng tôi có thể lặp lại nhiều lần

Duy chỉ trong vài trường hợp rất nặng mới có đền tội công khai, như đi hành hương các nơi thánh: (Roma, hay. Compostella) cũng là việc đền tội thường được áp dụng. Một hình thức khác để đền tội chung là rắc tro trên đầu (vào đầu Mùa chay).

Điều đáng lưu ý là thứ tự của các hành vi có thể thay đổi.

Thú tội với linh mục; linh mục cầu nguyện chung với hối nhân; linh mục ra việc đền tội; sau khi thi hành việc đền tội, hối nhân trở lại (sau một thời gian, có khi cả tháng, cả năm) để lãnh nhận ơn hòa giải.

Từ thế kỷ VIII, phần thú tội trong nghi thức đền tội được đặc biệt nhấn mạnh. Việc xưng thú tội lỗi, tự bản chất là một việc khó nhọc, đòi hỏi lòng khiêm tốn, nên cũng được coi là một cách đền tội. Vì thú tội trở nên quan trọng, nên toàn bộ nhiệm tích (mà thú tội chì là một phần), cũng được gọi chung là “xưng tội” (confessio).

Từ thế kỷ IX, tiến trình hòa giải được giản lược thành: hối nhân thú tội; linh mục ra việc đền tội và ban ơn xá giải; hối nhân làm việc đền tội. Từ tk XI, việc ban ơn xá giải trước khi làm việc đền tội dần dà trở thành thông lệ.

Việc đền tội, cuối cùng chỉ là hình thức (bởi vì thường được thay thế bằng việc đọc kinh).

  1. Giáo Lý về bí tích Giải tội trong Công đồng Laterano IV (1215).

Công đồng Laterano IV do ĐGH Innôcentê III triệu tập năm 1215.

Công đồng có 412 Giám mục và 388 giáo sĩ tham dự các khoá họp từ 11 đến 30 tháng 11.

Nội dung của Công đồng Laterano IV  (liên quan đến bí tích thống hối),  nhắc lại một tập tục có sẵn, quy định việc xưng tội mỗi năm –ít là một lần, – và phải xưng với linh mục sở tại (chính xứ của mình) và rước lễ mùa Phục Sinh. Thiết đinh việc xưng tội kín thay cho việc thú tội công khai,  từ nay dành cho những hành vi tội phạm nghiêm trọng, mọi người đều biết (bởi thế, ít khi xảy ra).

Luật này được Công đồng Tridentino nhắc lại và vẫn có hiêu lực đến bây giờ, trong giáo luật hiện hành (đ.989).

Ban bố bản “Tuyên Ngôn Đức Tin” và bác bỏ hai chủ trương lạc giáo (Cathari và Waldenses/ Cathares et Vaudois).

Canh tân và bồi dưỡng giới Giáo sĩ, củng cố mối tương quan giữa Giám mục và Tu sĩ.

Thúc đẩy công bằng xã hội (quan tâm về đời sống Hôn Nhân đúng luật Chúa, ưng thuận tự do, giữa hai ý chí, ngăn chặn Hôn Nhân huyết thống)

Lần đầu tiên, Công đồng nói đến từ “chuyển bản thể” trong bí tích Thánh Thể.

  1. Giáo lý của Công đồng Tridentino (1551).

Về bí tích thống hối, Công đồng Tridentino, nhằm phản biện giáo thuyết sai lầm (những điều nhóm Tin lành Thệ phản chủ trương) chính thức công bố phần định tín gồm 15 điều khoản (canons) (DS 1701-1719/ 911-925), kèm theo phần giải thích giáo lý gồm 9 chương, với tựa đề: “Doctrina de Sacramento paenitentiae”(DS 1667-1693).

Trong 15 điều khoản định tín (canons), thì điều 6 (DS 1706/916) được coi là quan trọng nhất, vì liên quan đến việc xưng tội kín. 

Công đồng đưa ra lời tuyên tín bằng việc minh định:
-Việc thú tội trong nhiệm tích thống hối (confessio sacramentalis) cần thiết để được cứu rỗi và do luật Thiên Chúa buộc (jure divino). (khẳng định cách chắc chắn và dứt khoát).

-Việc thú tội kín với linh mục (modus secrete confitendi) không phải do loài người ấn định, nó không ở ngoài sự thiết lập và lệnh truyền của Chúa Kitô.

-Chỉ có thể xưng tội với mọi linh mục, được thẩm quyền giám mục uỷ  thác, (không được xưng tội với giáo dân, người không có chức thánh). Không còn bắt buộc phải xưng tội với mục tử  (giám mục, cha sở) của mình.

-Điều khoản định tín số 7: “Cần xưng mọi tội nặng nhớ được sau khi đã xét mình cẩn thận, kể cả những tội thầm kín, kể cả những tội thuộc điều răn thứ 6, thứ 9,  (Xh 20,17; Mt 5, 28),  cùng  với những hoàn cảnh có thể làm cho tội thêm nặng nhẹ hoặc biến thành tội khác.” (DS 1680;1707). Điều khoản này quan trọng, nên được nhắc lại trong nhiều tài liệu khác nhau, như: GL đ.988 § 1; sách GLHTCG 1456;  Tông huấn Reconciliatio  et paenitentia ; Tự sắc Misericordia Dei (07.04.2002),

Để bí tich sám hối thành sự, cần ba hành vi của  hối nhân: lòng thống hối, xưng tội và đền tội (DS 1704), và lời xá giải của thừa rác viên. Việc tha tội là một hành vi pháp lý (actus judicialis). Bởi có thú tội đầy đủ thì linh mục mới biết rõ tình trạng của mỗi người để cân nhắc và quyết định có tha hay không. Hiện nay người ta ít nhấn mạnh đến khía cạnh pháp lý của việc giải tội, mà chú trọng nhiều đến lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa ban ơn tha thứ, kêu gọi đứa con hoang trở về.

Công đồng Tridentino phân biệt hai thứ hiệu quả của phép giải tội: hiệu quả chính là giao hòa tội nhân với Thiên Chúa, phục hồi ơn thánh sủng đã mất. Nơi những tâm hồn đạo đức, còn có thể phát sinh những hiệu quả phụ như đem lại bình an và niềm an ủi thiêng liêng.

Chính trong Hội thánh mà Đức Kitô tha thứ

“Có hai điều dành riêng cho Thiên Chúa: danh dự đón nhận việc xưng thú và quyền tha tội. Chúng ta phải thú tội với Người và mong chờ sự tha thứ của Người. Chỉ một mình Người có quyền tha tội, như vậy ta phải xưng tội với  một mình Người.

Hội thánh không thể tha thứ điều gì mà không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô, không thể tha thứ điều gì mà không có Hội thánh. Hội thánh không thể tha thứ điều gì nếu người ta không hoán cải, nghĩa là người mà Chúa Kitô đã trước tiên đánh động. Chúa Kitô không muốn ban ơn tha thứ cho người khinh miệt Hội Thánh” (bài giảng của Isaac de l’Etoile, đan viện phụ xi tô , 1)

Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa , nhưng cũng kéo theo sư tách rời khỏi cộng dồng dân Chúa. Thống hối đòi hỏi, ngoài việc trở về với Thiên Chúa, một sự hòa giải với cộng đồng Hội thánh.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *