Chúa Nhật Tuần VIII – Mùa Thường Niên
BIẾT CHÚA – BIẾT MÌNH
Các bạn thân mến!
Tôn Tử Binh Pháp có câu [1]: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.” Còn Socrates thì cho rằng: “Người hỡi hãy biết mình.” Theo bạn, biết mình có dễ không? Biết là nỗi trăn trở của con người trong mọi thời. Con người khao khát biết mình, biết chân lý, biết sự thật, biết được ý nghĩa cuộc sống, biết được cùng đích đời mình. Có nhiều cách chúng ta có thể biết mình, biết mình do người khác nhận xét, biết mình do phản tỉnh, biết mình dựa vào cách Chúa nhìn về mình. Ngoài những điều này, bạn có thể biết thêm về mình nhờ 3 yếu tố: Biết giá trị mình sống cho, biết đối tượng mình sống cho và biết do được phản chiếu ánh sáng.
Biết mình là biết giá trị mà tôi sống cho
Nếu chúng ta đi tìm những cặp từ trái nghĩa trong đoạn Lời Chúa hôm nay, ta sẽ thấy có rất nhiều cặp từ mang nghĩa trái ngược: “hay và dở; hư nát và bất diệt; phải chết và bất tử, chiến thắng của thần dữ và chiến thắng của Đức Ki-tô; mù và sáng, quả tốt và quả sâu.” Nổi lên trên những ý tưởng trái ngược này là câu hỏi: Tôi sống cho điều gì, tôi sống cho ai?
Những giá trị mà bạn biết được bộc lộ qua những thử thách. Qua thử thách bạn biết được con người thật của bạn, bạn biết được giá trị mà bạn theo đuổi. Giá trị mà tôi sống có bảo đảm, có vững chắc hay không tùy thuộc vào giá trị đó có được kinh qua thử thách hay không. Đời sống của một người trung tín với Chúa sẽ được thử thách khi họ đối diện với những bách hại. Những bách hại đến từ bên ngoài và bên trong.
Niềm tin của Israel được chứng thực qua thử thách. Chính qua những thử thách trên hành trình đi trong sa mạc giúp cho họ biết rằng họ có tin tưởng, yêu mến Thiên Chúa thật hay không. Đời sống đức tin của bạn cũng có muôn vàn những thử thách, thử thách lớn nhất là bạn có vượt qua chính bạn để có thể sống, và làm chứng cho niềm tin của bạn vào Chúa hay không. Đôi khi thử thách của đức tin không đến từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong, nó đến từ việc bạn có đủ bình an để làm điều thiện khi người khác không làm như bạn hay không. Nói một cách đơn giản bạn có tự do trước những giới hạn của người khác hay không. Giới hạn của người khác đôi khi cho bạn biết lòng quảng đại của bạn.
Tôi biết về giá trị mà tôi đang sống, không chỉ là tôi biết tôi đang sống cho điều gì nhưng là tôi biết mình đang sống cho ai, ai là đối tượng cho niềm hy vọng của tôi.
Biết mình là biết tôi sống cho ai
Giá trị mà tôi xác tín là quan trọng. Một sinh viên biết ý nghĩa của việc học khác với một sinh viên học vì bị ép buộc. Một người đàn ông làm việc vì lòng yêu mến gia đình của mình khác với việc tôi làm vì tôi phải làm. Nếu tôi làm công việc này vì tôi phải làm thì tôi sẽ cảm thấy nặng nề, còn nếu tôi làm vì lòng yêu mến và vì những giá trị thiêng liêng hơn tôi sẽ chọn lựa một thái độ khác. Cũng thế, nếu tôi sống đạo vì lòng yêu mến Chúa, Giáo Hội và các linh hồn khác với việc tôi đi lễ và sống đạo vì Lề Luật. Nói cách khác đối tượng mà tôi hướng đến sẽ cho tôi cách thức, sức mạnh và động lực để tôi sống. Như thế mục tiêu sẽ quyết định phương tiện và thái độ sống. Bản chất của bạn sẽ định hướng chọn lựa của bạn. Đồng thời đối tượng đó cũng trắc nghiệm cách sống của tôi. Đây cũng chính là động lực mà thánh Phao-lô mời gọi tín hữu Cô-rin-tô [2]. Sự chiến thắng của Đức Ki-tô trước sức mạnh của tử thần là niềm động lực cho các tín hữu kiên tâm bền chí. Như thế, việc tôi biết tôi sống cho ai và tôi hy vọng vào ai sẽ giúp cho bạn vượt qua được những trở ngại trong đời sống đức tin và kiên vững trung tín với Chúa cho đến cùng.
Biết mình là biết tôi được chiếu ánh sáng
Như ở phần trước đã nói, bạn có nhiều cách để biết mình, bạn biết mình do bạn biết về mình, do người khác nói về mình và do Thiên Chúa mặc khải cho bạn biết. Bên cạnh đó bạn biết mình do bạn quy chiếu đời sống của bạn với một tiêu chuẩn, ánh sáng và Đức Ki-tô. Nhờ Đức Ki-tô chiếu sáng mà bạn biết bạn rõ hơn.
Tin Mừng cho bạn thấy có 3 từ rất quan trọng: Dẫn đường, che phủ và sinh hoa trái tương xứng.
Dẫn đường: Tôi chỉ trở thành kẻ dẫn đường cho người khác nếu tôi là kẻ biết đường, biết mục đích và biết cách dẫn. Nếu tôi không biết đường, không biết mục đích, không biết cách dẫn, tôi sẽ làm cho người khác sa xuống hố. Hình ảnh mù và sáng cho chúng ta thấy sự đối kháng. Chúa Giê-su là ánh sáng và là Đấng cho chúng ta biết chúng ta là ai. Ngài là tiêu chuẩn khách quan, là chân lý và theo Ngài chúng ta không đi trong tối tăm.
Che phủ: Hình ảnh cái xà và cái rác là hình ảnh có tính phóng đại. Chuyện của mình thì khó thấy nhưng chuyện của người khác thì chúng ta dễ biết hơn. Chúng ta dễ thấy giới hạn của người khác nhưng lại không nhận ra giới hạn của mình mình. Chúng ta dễ thấy cây mà không thấy rừng. Nguyên nhân của sự che phủ có thể là do bạn không thấy về mình hoặc do những giá trị khác che phủ cuộc đời bạn. Khi bạn bị quyến luyến lệch lạc, hoặc định kiến về một ai đó, cái nhìn của bạn sẽ mất đi sự sáng suốt. Ngay cả nhận thức của bạn về chính mình cũng bị ảnh hưởng bởi cái nhìn vì cái nhìn của bạn thiếu trong suốt. Tội lỗi cũng làm cho cái nhìn của bạn không còn trong suốt đối với Chúa và tha nhân.
Sinh hoa trái tương xứng: Đây là cách nhìn mang tính nhân quả. Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu. Những điều bên ngoài phản ánh tâm hồn bên trong. Kết quả của điều xấu là hệ quả của những điều bên trong. Một tâm hồn thánh thiện đạo đức thì phản chiếu ra bên ngoài những giá trị tích cực, còn một tâm hồn đầy thù hận thì sẽ gieo rắc sự chết, sự chia rẽ và đau khổ.
Tuy nhiên có những hành động mà con người bị cuốn theo vượt ra ngoài ý muốn tự do của con người. Vì thế may mắn cho chúng ta, chúng ta có Chúa Giê-su, Đấng nhờ ân sủng của Ngài đã biến đổi tận nguồn gốc và dẫn chúng ta bước vào trong tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ánh sáng mà bạn có được không chỉ là ánh sáng từ chân lý nhưng là ánh sáng của lòng thương xót. Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô [3]:
“Ánh sáng tự trái tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su là niềm hy vọng của chúng ta. Niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá: ‘Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.’” [4]
Nếu bạn nhìn vào bức tranh thế giới hôm nay với rất nhiều những vấn đề nảy sinh: chủ nghĩa quốc gia, phân biệt chủng tộc, chiến tranh, di dân. Điều này có thể dẫn đến “toàn cầu hóa về sự vị kỷ và tính cục bộ.” Các quốc gia chỉ nghĩ tới lợi ích của mình mà không quan tâm đến những giá trị cốt lõi. Các gia đình chỉ bận tâm đến vấn đề cơm áo, gạo tiền mà không chăm lo đến đời sống đức tin, truyền thống đạo đức và những giá trị siêu nhiên.
Nếu chúng ta mượn cách nói của phó tổng thống Mỹ, J. Vance phát biểu trong Hội Nghị An Ninh Munich [5] để nói: “sự suy thoái về những giá trị dân chủ không phải là sự suy thoái đến từ bên ngoài nhưng là sự suy thoái đến từ bên trong.” Cũng thế, sự suy thoái của đời sống đức tin không phải là sự suy thoái từ bên ngoài nhưng là sự suy thoái từ bên trong. Sự suy thoái từ niềm tin, lòng yêu mến, giá trị thiêng liêng, những giá trị cốt lõi. Đây là một dạng thức mà chúng ta gọi là sự mù lòa của niềm tin và trái tim. Chúng ta có thể rút ra điều gì từ việc chúng ta rút cuộc sống của mình từ kho tàng xấu. Thực trạng xã hội và thế giới hôm nay mời gọi bạn hãy hướng lên. Năm Thánh là thời gian mở lòng và hướng nhìn lên cao. Mở lòng ra cho sự thúc đẩy của Thần Khí và hướng nhìn lên Đức Ki-tô như là đích đến của cuộc hành trình.
Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J.
[1] – Tôn Tử Binh Pháp, Thiên 3 – Mưu Công
[2] – 1 Cr 15, 54-58
[3] – Spes non confundit – Hy Vọng Không Làm Thất Vọng, Số 3
[4] – Rm 5,10
[5] – https://foreignpolicy.com/2025/02/18/vance-speech-munich-full-text-read-transcript-europe/