Bình thường giữa tầm thường

Sống cái bình thường giữa những tầm thường”, đó là điều mà cha chủ tế đã chia sẻ với anh em chúng tôi vào Thánh Lễ sáng ngày 24 tháng Mười Hai, nhằm chuẩn bị tâm tình cho Thánh Lễ Vọng mừng Chúa Giáng Sinh vào buổi chiều hôm đó. Câu nói ấy của cha đã đánh động tâm hồn tôi cách sâu sắc, bởi lẽ để sống lời mời gọi “sống bình thường” là cả một con người có ý chí “phi thường”, mà Chúa Giê-su chính là mẫu gương tuyệt hảo cho điều ấy.

Tôi ấn tượng duy chỉ lời mời gọi ấy trong một bài giảng nhiều ý tưởng, đơn giản vì đó cũng là điều mà mẹ tôi đã dặn dò trước lúc rời gia đình để bắt đầu một lý tưởng mới cho cuộc đời mình. Có lẽ mẹ biết trước cuộc sống vốn không hề dễ dàng. Nơi cuộc sống có thể dạy con người ta nhiều điều ý nghĩa, nhưng cũng không kém phần những khó khăn, thách đố và nhiều điều xấu xa, càng tệ hơn nữa khi những khía cạnh tiêu cực lại lôi kéo con người tôi rời xa cái bản chân con người mình. Thực vậy, chính lúc sắp nhúng đôi chân mình vào cuộc đời với những tự do rộng mở, mẹ đã dặn tôi: “Con à! Nếu con không sống là một con người phi thường được, thì hãy cố sống thật bình thường, nhưng đừng bao giờ biến mình ra tầm thường con nhé!”. Vâng! Những giá trị rất thực tế mà đôi khi trong cuộc sống tôi đã không nhận ra. Nhờ mẹ tôi ngày xưa, nhờ cha chủ tế hôm nay và trên hết là nhờ chính Đức Giê-su xuống thế làm người đã nhắc tôi chân lý ấy: “Biết sống cái bình thường giữa bao nhiêu tầm thường giữa cuộc sống với một ý chí phi thường.”

Nhìn vào cuộc hạ trần của Hài Nhi Giê-su cũng như suốt hành trình dương thế của Người, Đức Giê-su đã sống trọn vẹn sự nhập thể mà Chúa Cha trao phó bằng chính lối sống bình thường và giản dị như bao con người. Không kể khởi đầu việc thụ thai, Giê-su là một con người được sinh ra theo một cách thức tự nhiên bởi một người nữ; trong một quốc gia với nền văn hóa và cuộc sống con người cụ thể; để được lớn lên như bao đứa trẻ khác, hẳn Người cũng trải qua những năm tháng mài luyện vất vả và cũng có nhiều điều mới lạ để Người học hỏi; Đồng thời, hẳn Giê-su cũng có những vấp ngã và sơ sót nên phải nhờ đến sự dưỡng dục của Đức Maria và thánh Giu-se. Suốt ba mươi năm âm thầm nơi làng Na-za-rét và ba năm rao giảng, Giê-su luôn hòa mình với hết thảy mọi người thuộc mọi tầng lớp, với cả những con người không mấy ưa thích lối sống và rao giảng của Người. Ngang qua những bình thường của đời sống mà cuối cùng Người thực hiện thành công những trách nhiệm phi thường mà Chúa Cha trao phó, đó chính là cứu độ con người tội lỗi.

Theo gương Chúa Giê-su, tôi cũng được mời gọi thoát ra khỏi những bám víu tầm thường trong đời sống của mình. Hẳn là khó để phân biệt cái nào sẽ biến tôi nên tầm thường hoặc bình thường. Nói dễ hiểu hơn là khó để nhận biết điều gì có ích và cái gì có hại. Sự phân biệt đó tùy thuộc vào cuộc sống và nhu cầu thiết yếu nơi con người tôi. Đức Giê-su nói: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay là hái vả trên cây găng? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.” (x. Mt 7, 16-20) Thực vậy, nhìn vào chính những hoa trái mà tôi sinh ra trong cuộc sống đời này và ngẫm tới hệ quả đời sau, tôi sẽ biết mình đang sống cách bình thường hay cách tầm thường, hoặc biết mình có mang ý chí phi thường trong cái bình thường, hay chỉ chạy theo một tư tưởng vớ vẩn lạ thường mà chẳng có ích lợi gì.  

Ngang qua biến cố Nhập Thể, Chúa Hài Nhi muốn dạy cho tôi biết chấp nhận thực tại cuộc sống của mình. Nhưng thái độ chấp nhận ấy còn phải biết nhờ ơn Chúa và khôn ngoan nhận ra những điều khiến con người mình trở nên bình thường hoặc nên kẻ tầm thường. Giê-su đã thẳng tiến bằng con đường bình thường để thực thi sứ mạng phi thường; còn tôi, tôi cũng được mời gọi như thế giữa cuộc sống đầy chộn rộn lo toan này. Muốn làm được điều đó, tôi hoàn toàn cần ơn Chúa giúp và thực cần nỗ lực của chính bản thân tôi trong mỗi ngày sống.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *