Bộ phim Đức Thánh Cha Phanxicô có cảm tình đặc biệt là bộ phim Đan Mạch có tên “Babette’s Feast” (tạm dịch: Bữa tiệc của Babette) được thực hiện vào năm 1987.
Bộ phim được Đức Thánh Cha đề cập đến trong cuộc phỏng vấn gần đây liên quan đến một vài phê bình của một số người về những cố gắng của ngài trong công cuộc đại kết. Ngài đã so sánh thái độ cứng nhắc của một số người với công cuộc đại kết, giống như thái độ cứng nhắc của dân làng được phác họa trong bộ phim.
Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến bộ phim. Lần đầu, Ngài đã đề cập đến trong thông điệp Amoris Laetiea.
Bộ phim kể về một ngôi làng theo đạo Tin Lành được chăm sóc bởi một vị mục sư khá nghiêm khắc. Các tín hữu phải tuân giữ những đạo luật cứng rắn, khiến cho ngôi làng ngày một thiếu đi niềm vui. Dân chúng trong làng mải lo tuân giữ những quy tắc, khiến họ sợ hãi với những niềm vui trong cuộc sống đời thường.
Sau khi vị mục sư qua đời, những người con gái của ông phải tiếp tục công việc của cha trong hoàn cảnh cộng đoàn ngày một giảm sút.
Một ngày nọ, một người phụ nữ người Pháp có tên Babette đến ngôi làng để làm quản gia. Một hôm, nhận được tin trúng số tại thành phố Paris, thay vì về nước Pháp để ổn định cuộc sống, cô đã dùng số tiền để tổ chức một “bữa tiệc Pháp”.
Nhiều người dân trong làng cảm thấy bị xúc phạm bởi sự xa hoa của bữa tiệc, nên không muốn thưởng thức bất cứ món ăn nào khi tham dự. Họ nghĩ rằng, bữa tiệc là “ngày lễ của Satan”.
Tuy nhiên, sau khi bữa tiệc bắt đầu, họ nhanh chóng khám phá ra rằng, thật khó để làm những điều mà trước đó họ đã nghĩ. Cuối cùng, họ không thể đóng kín bản thân, nhưng ăn uống vui vẻ và thưởng nếm không khí vui tươi của bữa tiệc. Họ cám ơn Babette đã giúp họ thấy được những niềm vui giản dị, mộc mạc trong đời sống.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận ra những nét đặc sắc của bộ phim. Trước hết, ngài thấy rằng, bữa tiệc là một ví dụ điển hình của niềm vui đích thực. Ngài đã viết trong thông điệp Amoris laetitia:
“Niềm vui sâu xa nhất trong đời sống nảy sinh khi chúng có thể làm vui lòng người khác như một cách thức thưởng nếm thiên đàng. Chúng ta có thể nghĩ đến cảnh tượng thật dễ thương trong bộ phim Babette’s Feast, khi người đầu bếp rộng rãi nhận lấy những cái ôm biết ơn và lời khen tặng: “Bạn sẽ làm vui lòng cả những thiên thần!” Đây là niềm an ủi lớn lao để mang niềm vui đến với tha nhân, để thấy chính họ vui tươi. Niềm vui này, hoa trái của tình huynh đệ, không phải là thứ kiêu căng ích kỷ, nhưng là thứ mà những người yêu đem lại những điều tốt lành cho những người họ yêu, là người trao tặng nhưng không và vì vậy, sinh ra hoa trái tốt lành. (AL, 129)
Đức Thánh Cha thấy rằng, sự cho đi nhưng không của nhân vật Babette là khuôn mẫu mà mỗi người chúng ta noi theo. Babette đã sử dụng toàn bộ số tiền trúng số để tổ chức bữa tiệc, và dành nhiều tuần để chuẩn bị các món ăn. Đây là niềm vui Đức Thánh Cha muốn chúng ta trải nghiệm, một niềm vui không tập trung nơi chính mình nhưng là niềm vui nơi người khác.
Theo Đức Thánh Cha, bộ phim là một lời mời gọi mỗi người chúng ta mở ra để làm việc cùng với thần khí. Thỉnh thoảng, chúng ta bị cám dỗ để bắt chước những người Pharisêu giả hình với những quy tắc không cần thiết. Chúng ta trở nên mờ tối trước những điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm trong đời sống của chúng ta.
Cuối cùng, với Đức Thánh Cha, bộ phim là lời mời gọi mỗi người chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp niềm vui của Thiên Chúa nơi những điều giản đơn trong cuộc sống hằng ngày.
Đức Thiện SJ. (theo Aleteia)