Buông bỏ mà theo Chúa

Một trong những đoạn Phúc Âm khiến chúng ta không ngừng suy nghĩ về sự từ bỏ mọi sự để theo Chúa, đó là câu chuyện vị Tông đồ trưởng hỏi Chúa về phần thưởng của những người đi theo Chúa. Chúng ta đều biết rằng: Thánh Phêrô là một con người bộc trực, có gì là nói đó. Ông muốn biết rõ ngọn nguồn việc theo Chúa rồi thì sẽ được lợi lộc gì. Có thể nói đây là một câu hỏi rất thực tế và đơn sơ: “Ông Phêrô thưa Chúa: Vậy phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy chúng con sẽ được gì?” (Mc 10, 28-31).

Chúng ta có thể nhận thấy, điều Phêrô nói với Chúa không phải là quá đáng. Ông đã bỏ mọi sự, bỏ vợ đẹp, con xinh, và ngay cả chiếc ghe yêu quý của ông dùng để đánh cá làm ăn sinh sống, ông cũng bỏ luôn để theo Chúa. Ông quả là một con người mạo hiểm, vì ông chưa biết rõ người mà mình sẽ dành cả cuộc đời của tuổi thanh xuân để đi theo như thế nào, người đó có thật sự mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc và khá hơn không? Phải chăng đó cũng chính là những suy nghĩ trong lòng của mỗi người anh em chúng ta. Vậy, tôi từ bỏ mọi sự thì tôi được lợi gì? Nếu chúng ta muốn tìm kiếm lợi lộc từ việc theo Chúa, thì chúng ta đã đến nhầm địa chỉ rồi. Việc cam kết theo Chúa không phải là một hợp đồng hay một thỏa thuận để từ đó chúng ta sẽ được hưởng phần trăm lợi nhuận hay phần trăm hoa hồng. Theo Chúa chính là để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Có Chúa là có tất cả, Chúa chính là gia nghiệp đời đời mà chúng ta phải tìm kiếm. Nếu như thế, chúng ta còn tìm cái lợi lộc gì nữa. Chúng ta dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban cho chúng ta gấp 100, 1 đổi 100, thật là quá lời phải không nào. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phải cố gắng đạt được cái gấp trăm đó bằng sự giả vờ. Khi đạt được rồi, chúng ta lại quay lưng không cần đến Chúa nữa. Không, nếu chúng ta từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, thì ngoài những phần thưởng đời này, Chúa còn ban cho chúng ta hạnh phúc vô hạn vĩnh cữu đời sau. Đúng như thế, giá trị của việc theo Chúa là nằm ở chỗ đó.

Trong cuộc sống trần gian hôm nay, có thể chúng ta luôn tìm cho mình một con đường thông thoáng, bằng phẳng, dễ đi, không ổ voi, ổ gà. Và khi gặp phải sự khốn khó, chúng ta vẫn chạy đến cùng Chúa, nhưng thay vì nhìn nhận sự việc, tìm nguyên nhân, phương thế giải quyết thì chúng ta lại xin cho con thoát khỏi sự khó đó và luôn luôn gặp điều may Chúa nhé. Đôi lúc, chúng ta nghĩ Chúa như là một vị thần đầy quyền năng, sẵn sàng giải quyết hết mọi rắc rối theo ý chúng ta. Chúng ta muốn Chúa thỏa mãn những ý định của chúng ta, cho chúng ta được may mắn, được học giỏi, thi cử tốt đẹp; chẳng bao giờ phải gặp trở ngại trong công việc, trong học tập, mục vụ; chẳng bao giờ phải lâm bệnh trầm trọng nào hết. Hoặc nếu có chăng thì cũng chỉ nhức đầu sổ mũi sơ sơ thôi, để con có sức mà học tập, vui chơi, lao tác, thể thao, đi mục vụ hay đi du lịch vv… Và khi không được như thế, chúng ta đâm ra phàn nàn, than trách Chúa không thương chúng ta, tại sao Chúa lại để con như thế? Tại sao Chúa lại để gia đình con gặp nhiều chuyện như vậy? Chúa không nhận lời con mà đi nhận lời người khác. Từ đó, dẫn đến việc ganh tỵ: họ không hơn gì con, thậm chí còn bê bối tội lỗi hơn con, đã xấu mà kết cấu còn phức tạp nữa. Vậy mà họ vẫn sống ung dung tự tại, ăn sung mặc sướng, vẫn giàu có bền vững vv…Phải chăng đó là những cám dỗ khiến chúng ta mất lòng tin nơi Chúa? Chúng ta chỉ muốn suy bụng mình ra bụng Chúa.

Lạy Chúa, từ bỏ chính mình là gì vậy Chúa mà sao khó quá, khó quá Chúa ơi!

Quả thật, nó đâu có dễ. Thật ra nó không khó, khó hay không là do chính chúng ta. Chúng ta hãy can đảm đứng dậy mà vứt bỏ cái tôi mà Chúa đã ban cho chúng ta, hãy dâng nó lại cho Chúa, không phải cái tôi của chúng ta là xấu xa, là đáng ghét, nhưng chỉ vì nó là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó mà thôi. Vì thế, từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm, để Chúa là chủ cuộc đời chúng ta và để cái tôi của chúng ta trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài. Và, đây mới chính là ý nghĩa đích thực của việc buông bỏ mọi sự mà theo Chúa. Chúng ta biết rằng chẳng thể nào yêu mến và phục vụ mà lại không gắn liền với việc từ bỏ mình. Có khi từ bỏ một định kiến và tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng, cũng khó như việc hy sinh mạng sống vậy. Vì thế, sự hy sinh từ bỏ còn thể hiện bằng việc vác thập giá của chúng ta qua gánh nặng của những bổn phận hằng ngày, và vác những yếu đuối, những khác biệt của tha nhân mỗi ngày nữa. Thầy Giêsu đòi chúng ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy cho đến chết. Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không, thì Ngài đã lấy lại được sự sống vinh quang mà Ngài đã có trước đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam biết kiên trì trước những hoàn cảnh khắt nghiệt, biết kiên trì trước những ngược đãi và biết kiên trì trước sự thù ghét của thế gian. Vì khi xưa các ngài đã trung thành giữ vững đức tin mà theo Chúa. Chính máu của các Thánh Tử đạo là bằng chứng sống động nhất của việc từ bỏ mọi sự để được chính Chúa là gia nghiệp.

Lạy Mẹ Maria, xưa chính Mẹ cũng là tấm gương của sự từ bỏ mình vì Chúa một cách cao cả và anh hùng nhất. Vì thế, xin Mẹ dạy con đang trên đường đời theo Chúa Kitô biết từ bỏ chính mình để theo Chúa trọn vẹn như Mẹ đã sống như ngày trước. Xin Mẹ dạy con biết đáp tiếng Xin Vâng với lòng tin yêu phó thác. Để từ đó, cùng với Mẹ, con muốn ra đi để đem niềm vui đến cho muôn người. Amen

Huỳnh Tấn Dũng
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *