Tháng 2: Mục vụ cho người di dân

Sau thời gian Tết, mỗi người đều có nhiều kế hoạch để bắt đầu trong một năm mới. Tuy người ta kháo đồn với nhau: “tháng giêng là tháng ăn chơi”, nhưng hầu hết mỗi người đều đang bắt tay vào công ăn việc làm. Có người chuyển đổi công việc mới, nhiều người hài lòng tiếp tục với công việc trong năm vừa qua.

Với tựa đề trên đây, tôi muốn hướng đến một đối tượng lao động vô cùng phưu lưu và thách đố: di dân. Nói chung, di dân là việc dân cư di chuyển từ vùng này sang vùng khác, nước này sang nước khác vì một lý do nào đó[1]. Hành trình ấy thường là phiêu lưu cho chính đương sự và thách đố cho chính những ai muốn chăm lo đời sống thiêng liêng cho người Công Giáo di cư.

Đây là chủ để muôn thuở gây nhiều tranh cãi. Hằng giờ chúng ta thật dễ dàng đọc nhiều bản tin, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Đặc biệt ở Châu Âu, hoặc Châu Mỹ, đó là vấn đề quá phức tạp. Có nên đến một vùng đất khác để làm ăn, hoặc có nên ra nước ngoài bằng bất cứ giá nào để làm việc không? Thực tế hằng ngày đều có nhiều di dân tại Việt Nam và tại các quốc gia chung quanh: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines. Xa hơn nữa là Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc.

Nói chung người Việt có mặt hầu hết các nước trên thế giới. Gọi là di dân vì họ phải bỏ quê hương đến một nơi hoàn toàn mới để định cư, làm ăn. Kinh tế học có thể giải thích hiện tượng này theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Nghĩa là chỗ nào có nhiều cơ hội làm ăn, thu nhập cao, người lao động thường đổ về. Đằng sau đó là nhiều câu chuyện vui buồn, thành công và thất bại.

Còn nhớ năm 2019, cả thế giới bàng hoàng với 39 người di cư bất hợp pháp đến Anh thiệt mạng trong xe đông lạnh. Đau lòng cho chính nạn nhân, gia đình và đất nước. Đừng tưởng thạm trạng ấy không còn. Ngược lại, tôi có vài dịp trò chuyện với người nhập cư kiểu như thế. Họ nói mỗi ngày người Việt ở Châu Âu thường đi bằng con đường ấy. Tùy nơi họ đến mà phí trả cho môi giới cao hay thấp. Hóa ra, đằng sau câu chuyện này còn là vấn đề buôn người mà ta không tiện bàn ở đây. Ai cũng biết đi bằng con đường ấy đều nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng khi vào bước đường cùng, ai cũng cố tìm cho mình một con đường sống. Phải chăng trước vấn nạn quá lớn này đang xảy ra ở nhiều nơi, trong tháng này Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện:

“Cầu cho tiếng kêu cứu của anh chị em di dân, là nạn nhân của nạn buôn người được quan tâm lắng nghe.”

Thực ra Giáo Hội luôn muốn được đồng hành cùng với người di dân xa xứ. Chúng ta nhớ lại cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phong trào di dân bùng phát. Tại Việt Nam, sau biến cố 1975, người di tản và vượt biên tăng lên gấp bội. Một cách cụ thể, Giáo Hội đã có nhiều sáng kiến thích hợp để chăm lo mục vụ di dân. Nhất là những nơi người nhập cư đến, Giáo Hội luôn đón tiếp và đồng hành với mỗi người trên phương diện cá nhân và cộng đoàn.

Mục vụ di dân cống hiến cho các di dân trong điều kiện sống đặc biệt của họ: sự trợ giúp thiêng liêng và đôi khi cả vật chất. Dĩ nhiên ưu tiên vẫn là Lời Chúa và Bí tích; Giáo Hội luôn mời gọi họ tham gia. Tiếc là ở nhiều nơi, người Công Giáo Việt vẫn chưa đủ linh mục đồng hành, đời sống thiêng thiêng thiếu thốn. Những nơi di dân bất hợp pháp, điều ấy lại càng gây khó khăn cho Giáo Hội hơn.

Tôi có nhiều dịp trò chuyện với anh chị em di dân. Có nhiều người thành công, nhưng lắm người đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống thiêng liêng và kinh tế. Rất may Giáo Hội Việt Nam thường để tâm gửi các vị mục tử đến với họ. Nhất là bên Mỹ, hoặc các nước Châu Âu, thường có các linh mục đồng hành, ít là về đời sống tinh thần. Thực tế cho thấy, trong đời sống bấp bênh, người ta cần đến Thiên Chúa, cần đến trợ giúp thiêng liêng. Từ đó, họ được nâng đỡ và có sức mạnh tiếp tục lao tác nơi xứ người.

Xin đừng trách họ bỏ nước ra đi! Xin đừng nghĩ xấu về di dân! Tất cả vì miếng cơm manh áo! Một khi quê nhà không đủ nuôi sống họ và gia đình, người ta cần ra đi để ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Chẳng hạn trong thư HĐGMVN nhắn với người di cư:

“Khi xa quê, anh chị em luôn ấp ủ những hy vọng và hoài bão về một cuộc sống tương lai tươi sáng.”

Người Công Giáo cũng thế. Điều may mắn hơn đối với những người di dân Công Giáo: chỗ nào cũng có Giáo Hội địa phương chào đón họ. Do đó, nếu là người di dân, nếu gia đình có người di dân, xin nhắc nhau đừng ngại ngùng liên lạc với giáo xứ sở tại. Nơi đó, người di dân có thể được tham dự thánh lễ, được lãnh nhận các bí tích và được đón nhận như một thành viên trong gia đình Giáo Hội.

Nếu là di dân, xin đừng ngại ngùng chạy đến với linh mục nơi bạn đang lao động. Các ngài sẵn sàng: Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và người tị nạn. (Theo Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tỵ nạn 2018). Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn với mỗi người:

“Khi quan tâm đến số phận của những người di dân và tỵ nạn, chúng ta cũng quan tâm đến chính mình; đừng trở thành những người bất bao dung, khép kín và kỳ thị với anh chị em.”

Đó chẳng phải là nguồn hỗ trợ lớn lao trong hành trình lao động nơi đất khách quê người sao? Vả lại, một khi tâm hồn được bình an, lòng thanh thản, người di dân mới đủ sức đối diện với muôn vàn khó khăn.

Ước gì chút chia sẻ trên đây để chúng ta nhớ đến người di dân. Con số ấy hằng ngày đều tăng. Họ ra đi hợp pháp có, bất hợp pháp cũng không thiếu. Chúng ta vẫn hy vọng mỗi ngày có thêm nhiều nguồn hỗ trợ cho những người này: từ phía nhà Nước[2], từ phía Giáo Hội. Được như thế, hy vọng người di dân được hướng dẫn thấu tình đạt lý, được đồng hành và hỗ trợ trong nhiều phương diện của đời sống.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Theo Tiến sĩ Charlotte Taylor, chuyên gia bộ phận di trú trực thuộc trường đại học Sussex, Anh quốc: Migrant (người di trú) là người di cư khỏi quê hương nhằm tìm kiếm việc làm hoặc điều kiện sống tốt hơn. Immigrant = Emigration (người nhập cư) chỉ những người đến định cư vĩnh viễn tại một quốc gia khác. Refugee (người tị nạn) nhắc tới những người bị buộc phải rời bỏ quê hương do lo sợ chiến tranh, đàn áp hay thảm họa thiên nhiên. Cuối cùng, Asylum seeker (người xin tị nạn), họ muốn đến quốc gia khác vì lý do chính trị.

[2] “Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế … Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di dân phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ.” (x. GLHTCG 2241)

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Khóa tĩnh tâm dành cho các gia đình – “Lạt mềm buộc chặt”

TĨNH TÂM CHO CÁC GIA ĐÌNH “LẠT MỀM BUỘC CHẶT”     Có lẽ khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *