Theo giả thuyết của Du Ích Kì và Hàn Khang Bá trên kia thì Mã Viện đã dựng cột đồng trên bắc ngạn Lâm Ấp. Nhưng hồi ấy Lâm Ấp chưa thành lập như một nước. Hai nhà thuyết giải kia viết như vậy là muốn nói đến bắc ngạn con sông về sau đã dùng làm biên giới giữa Lam Ấp và đất mới quy hàng quân Hán, nghĩa là theo ý họ, con sông qua là Thọ Linh. Nhưng đến đây, ta vấp phải vấn đề rất quan trọng đã tranh luận, là vấn đề ranh giới đất Chăm.
Theo hai nhà thuyết giải trên thì Thọ Linh là ranh giới của Lâm Ấp . Sách Thủy Kinh Chú còn viện dẫn rằng năm Chính Thủy thứ 9 triều Ngụy (247), quân Lâm Ấp xâm chiếm lãnh thổ Thọ Linh và đặt nơi đây làm ranh giới, lại có nõi rõ thêm rằng tên sông Thọ Linh là do tên huyện Thọ Linh mà ra. Nhưng phải xác định vị trí huyện Thọ Linh vào chỗ nào? Vẫn theo sách Thủy Kinh Chú thì vào năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh (III tcn) vua Hán Vũ Đế đặt lị sở Nhật Nam ở Tây Quyển, và theo sách Tống Châu quận chí thì vào văn thứ 10 niên hiệu Thái Khang, vua Tấn Vũ đế chia cắt đất Tây Quyển lập ra huyện Thọ Linh. Vậy huyện Thọ Linh trước là một phần đất Tây Quyển sau trở thành đất tiếp giáp nhau, và cả hai huyện để ở trong đất Nhật Nam. L. Aurousseau[14] đã đưa ra lập luận bằng cách suy lí ráo tiết tinh vi, dựa theo bằng cứ lịch sử địa dư thiên văn dẫn ở các sách cổ, cho rằng Tây Quyển hẳn là ở vùng lân cận tiếp giáp với Huyế ngày nay, và Thọ Linh chính là con sông đào Phủ Cam (tức sông La-ỉ xưa). Nhưng chúng tôi lấy làm ngờ vực việc xác định vị trí sông Thọ Linh của ông L. Aurousseau là điều ta quan tâm khi cho nó là ranh giới Lâm Ấp.
Theo sách Thủy Kinh chú và những giải thuyết của Du Ích Kì, Hàng Khang Bá thì sông Thọ Linh có lúc đã là biên giới của Lâm Ấp. Nếu vậy thì phải là một con sông lớn chảy từ tây sang đông mới có thể dùng làm biên giới nơi đây được. Và như vậy, Thọ Linh không thể chỉ là một con sông nhỏ ngày nay nhờ có đào vét khơi rộng mới thành con sông đào Phủ Cam, mà dòng nước chảy thì từ bắc xuống nam.
L. Aurousseau đã phỏng định đúng vị trí của sông Lô Dũng nhưng không đúng về sông Thọ Linh; sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng sông Thọ Linh với Linh Gianh hay Sông Gianh chỉ là một; mặc dù thống chí chỉ căn cứ vào hai chữ[15] khác nhau mà đồng âm, chúng tôi cũng thấy sự nhận định ấy còn do khả.
Nếu sông Thọ Linh xưa là Linh Giang bây giờ thì ta phải kê cứu xem có phải cột cồng Mã Viện dựng ở phái nam Hoành Sơn trên sông Gianh, cách Đồng Hới 34 cây số về phía Bắc? Như ta đã nhận xét về con sông Lương Giang tỉnh Thanh Hóa, ở vùng này không có một di tích nào cũng không có truyền thuyết gì liên quan đến cột đồng. Thế thì ta phải gạt bỏ ý tưởng cho con sông này là biên giới cũ của Hán, và do không còn có chứng cứ nào để nhận định tìm ra ở vùng này nơi đã có dựng cột đồng.
Vả lại, ta không chắc gì Mã Viện đã tiến quân qua dãy Hoành Sơn[16]. Theo sự nhận xét của chúng tôi, Du Ích Kì và Hàng Khang Bá thấy sử sách xưa có chép về cột đồng đánh dấu biên giới phía nam lãnh thổ Hán, thì nghĩ rằng những cột ấy hẳn là ở biên giới Lâm Ấp. Biết đâu các ông ấy đã chẳng lầm chỉ vì thấy thời Ngụy, nước Lâm Ấp đã chiếm cứ vùng Thọ Linh và đặt ranh giới ở đấy, mà cho rằng cột đồng đã được dựng trên sông Thọ Linh.
Nhưng dù biên gới của Lâm Ấp về thế kỉ IV là dãy Hoành Sơn (biên giới này không thấy được xác nhận trong sử Trung Quốc) người Chăm đã nhiều lần vượt qua tràn lên miền Hà Tĩnh, Nghệ An ngày nay, tàn phá quận Cửu Chân.[17] Hồi Lâm Ấp chưa lập thành nước thì miền đất ở phía nam dãy Hoành Sơn là quận Nhật Nam thuộc Hán, dân cư đây không phải người Việt Nam mà là những bộ lạc giống người Nam Dương cũng như người Mọi ngày nay; một vài bộ lạc ấy về sau đã hỗn đồng với giọng người Mã Lai từ phía nam lên kết thành dân tộc Chăm. Những rợ này trong số có một chủng tộc gọi là Tây Đồ Di[18], đã vợt qua dãy Hoành Sơn vùng Nghệ Tĩnh ngày nay, hồi ấy còn là đất quân Nhật Nam, vào khoảng năm 264 nhà Ngô mới chia cắt lập ra quận Cửu Đức.[19]
Vậy thì, nếu một đàng đất Nhật Nam bao gồm cả miền Nghệ Tĩnh ngày nay, và đàng khác nếu Mã Viện đã không tiến quân qua dãy Hoành Sơn thì ta phải tìm cột đồng ở phía bắc chứ không phải ở phía nam dãy núi này.
Nhưng tại sao sách Ngô Lục chép cột đồng ở Tượng Lâm. Tượng Lâm là một huyện ở phía nam Tương quận đời Tần và quận Nhật Nam đời Hán[20]. Quận Nhật Nam sau bị người Chăm xâm chiếm và lập ra nước Lâm Ấp[21]; Lâm Ấp cũng lại là tên cũ của một huyện mà người Hán gọi là Tượng Lâm[22]; và chính vì vậy mấy nhà trước thuật Trung Hoa đời sau đã lầm lẫn về thời đại, có lúc đã gọi Nhật Nam là Lâm Ấp, là Tượng Lâm. Trương Bột trong sách của ông viết thế kỷ IV nghĩa là vào hồi người Chăm đã kiến lập nước họ, có lẽ đã muốn gọi chung tất cả lãnh thổ Nhật Nam đời Hán bằng tên Tượng Lâm, chứ không riêng gì một huyện Tượng Lâm và L. Aurousseau cho là ở Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Phần thì ta đã nhận thấy rằng có thể Mã Viện đã tiến quân đến vùng Nghệ An ngày nay, phần thì ta đã ý thức rằng những cột đồng có thể đã được dựng ở phía bắc Hoành Sơn, vậy thì ta chỉ còn phải tìm tòi ở quanh vùng Nghệ Tĩnh ngày nay. Sự chú mục của ta hẳn là phải dồn cả vào một quả đồi cô lập ở tả ngạn Lam Giang, nơi đường xe lửa vượt qua sông, cách Vinh chừng mười cây số về phía tây nam (quả đồi này ghi độ số cao 169 trên địa đồ). Sách Đại Nam nhất thống chí (đời Thành Thái) gọi đồi này là Hùng Sơn, nhưng tục vẫn gọi là Núi Thành hay núi Lam Thành và còn gọi là núi Đồng trụ. Trên đỉnh đồi còn di tích một thành cũ của tướng Trung Hoa Trương Phụ xây để chống đánh ta hồi cuối đời Trần. Ở trong thành ta còn nhận ra được một đống đá là nơi có lẽ Trương Phụ đã cho dựng cột cờ, nhưng có truyền thuyết trong dân chúng cho rằng đấy là nơi đã dựng cột đồng. Trong sách Nghệ An chí, một nho gia thời Lê mạt và thời Tây Sơn là Bùi Dương Lịch đã căn cứ vào tên cũ của quả đồi và vào truyền thuyết kia, quyết đoán là Mã Viện đã dựng cột đồng ở đấy. Henri Le Breton trong sách Le Vieux An Tịnh[23] ông viết, có lập lại thuyết ấy mà không trưng thêm bằng cứ gì khác. Giờ thì ta hãy xét xem ức thuyết ấy có thể đem khảo cứu được chăng?
Cứ theo một đoạn sách Ngô lục đã kể trên, thì xưa ở vùng Tượng Lâm, ngoài khơi có “một hòn đảo nhỏ sản xuất nhiều vàng. Đi vào chừng 30 dặm từ bắc xuống nam thì đến nước Tây Đồ. Dân cư ở đấy tự nhận là dòng dõi Hán tộc; ở đấy có những cột đồng.”
Suốt dọc ven biển Nghệ Tĩnh chỉ có đảo Hòn Niêu là có thể coi như ám hợp ít nhiều với lời chép đoạn sách trên kia, dù đảo này không sản xuất vàng. Từ Hòn Niêu nếu ta đi theo hướng bắc xuống nam hay hướng đông bắc sang tây nam thì ta đến cửa sông Lam Giang hay cửa Hội, và nếu đi ngược dòng sông ấy ta đến Núi Thành, đường đi như vậy tất cả chừng 35 cây số. Nhưng nếu theo đường thẳng đằm thì đường đi chỉ độ 20 cây số, nghĩa là cũng suýt soát 30 dặm như Trương Bột đã viết trong sách. Núi Thành phải chăng là nơi có cột đồng mà Trương Bột đã nói? Ông gọi miền này là nước Tây đồ. Theo sách Lâm Ấp kí thì chính là để dánh dấu biên giới giữa lãnh thổ Hán và nước Tây đồ mà Mã Viện đã dựng cột đồng. Như chúng tôi đã nói trên kia, nước Tây đồ có thể là một trong những bộ lạc dòng giống Nam Dương ở rải rác đến tận phía bắc dãy Hoành Sơn.
Theo thuyết giải của Du Ích Kì Hàn Khang Bá và theo sách Lâm Ấp kí thì Mã Viện sau khi đã dựng cột đồng, có để lại, như ta đã biết độ một chục gia đình quân lính ở lại trên bờ phía nam sông Thọ Linh, đối diện với những cột đồng.
Ví phỏng việc ấy có thực và những cột đồng được dượng trên Núi Thành thì những người Mã lưa kia có thể đã được để ở lại trong làng Nam Ngạn ngày nay (phủ Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh) trên hữu ngạn Lam Giang. Đất đai những làng Quang Du, Hưng Nghĩa và Hưng Phúc hiện giờ ở bờ sông là do đất phù sa mới nổi nên. Xem địa đồ tỉ lệ xích 1/100000 ta thấy rõ dòng cũ Lam Giang đã chảy qua Nam Ngạn. Chúng tôi không dám quyết đoán tên Nam Ngạn của làng này hẳn có lien quan với hai chữ Ngạn Nam ở đoạn sách kể trên nói về nơi người Mã lưu định cư; nếu chỉ là tình cớ có sự trùng hợp thì thực không khỏi làm cho ta băn khoăn.[24]
Sau hết, điều dẫn ra sau đây trong sách Tùy thư có thể bênh vực cho ức thuyết của chúng tôi: “Tướng Trung Hoa Lưu Phương được cử đi đánh quân Chàm đã đem quân qua nơi có cột đồng Mã Viện và tiến xuống phía Nam, đi tám ngày đường đến kinh đô nước Lâm Ấp”. Kinh đô này là Trà Kiệu, vậy thì không phải là vu vơ khó tin khi cho rằng những cột đồng nói trong đoạn sách vừa kể là ở miền Lam Giang.
Ta đã nhận ra không có lẽ gì để cố chấp mà chối cãi việc Mã Viện có dựng cột đồng, vì một số sử sách xưa đã có nói đến, vì việc dựng cột đồng là một tập tục cựu truyền của các tướng Trung Hoa đem quân viễn chinh xuống các nước phương nam. Nay thì không còn có vấn đề cho rằng cột đồng ở Quảng Đông hay ở Phú Yên nhưng mấy truyền thuyết của Tàu và của ta. Mà cũng khó có thể cho rằng cột đồng ở Thanh Hóa là đất Ái Châu đời Đường, vì ta đã biện minh được Mã Viện đã đem quân xuống đến đất Nghệ An ngày nay. Trái lại, sau khi đã kê cứu ức thuyết của L. Aurousseau về vị trí sông Thọ Linh, và mặt khác sau khi đã nhận xét về giả thuyết của Du Ích Kì Hàn Khang Bá cho là cột đồng ở bắc ngạn sông ấy, và đồng thời ta cũng đã không thể khám phá ra vị trí cột đồng ở phía nam dãy Hoành Sơn, vậy là ta đã thu hẹp lại được phạm vi tìm tòi, và giờ chỉ còn phải giới hạn công việc dõi tìm trong vùng Nghệ Tĩnh. Tại vùng này, chúng ta đã nhận biết Núi Thành chỉ cách Vinh chừng mười cây số về phía tây nam trên tả ngạn Lam giang, là điều gần đúng với lời chỉ dẫn trong sách Ngô Lục và sách Tùy thư về nơi có cột đồng, ý suy định này lại càng thêm vững chắc vì có những truyền thuyết ở địa phương gọi quả đồi này bằng tên rõ, tất có ý nghĩa: la Núi Đồng Trụ.
Không phải là ngụy biện nếu cho rằng sau khi đã dẹp cuộc khởi nghĩa ở mấy châu quận, đích thị ở trên quả đồi này Mã Viện đã dựng cột dồng để “ghi lại mãi mãi về sau” công bình định và đồng thời để đánh dấu biên giới lãnh thổ Hán với đất đai các bộ lạc “man rợ” rộng đến quá hữu ngạn Lam giang ngày nay.
Nhất Thanh dịch