Có bao giờ bạn tự hỏi CÁI CÓ – CÁI LÀ – CÁI VỚI của đời mình là gì chưa? Trong ba CÁI ĐÓ, cái nào là quan trọng và đáng trân quý nhất của con người trong cuộc sống lữ hành? Mời bạn và tôi chúng ta cùng nhau dành ra một chút thời gian để cùng suy tư về vấn đề này nhé.
- “Cái có”
Cái có hiểu một cách đơn giản là tất cả những thứ gì mà mình đang có, mình sở hữu chúng. Thế giới ngày nay là thế giới của khoa học kỹ thuật, khoa học mang lại nhiều “cái có” cho cuộc sống của con người. Cái có giúp cho cuộc sống được dễ dàng, tiện lợi hơn: có tiền, có nhà, có xe, có máy móc, có danh phận… cuộc sống được thanh thản hơn nhiều.
Marcel định nghĩa cái có là cái ở bên ngoài mình và không trực tiếp gắn liền với sự thăng tiến hay suy giảm phẩm chất của cuộc đời. Có điểm cao, có lời khen, có địa vị, có tiền bạc… những điều ấy trực tiếp làm cho đời mình giỏi hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn. Cái có trông ra như có khả năng giải quyết nhiều vấn đề thật mau chóng nhưng liệu chúng có đem lại hạnh phúc, giá trị nội tâm sâu thẳm cho con người không? Hay chúng cũng chỉ là những cái mau qua, sớm nở tối tàn như những bông hoa vậy. Thật ra, ngày nay, người ta biến cái “huyền nhiệm” nằm sâu trong cuộc đời con người thành những “vấn đề” bên ngoài. Thế là con người rơi vào lối sống ảo tưởng: có tiền mua tiên cũng được.
Cái có xâm chiếm thế giới cái là. Ngày nay, đôi khi một thứ dầu gội đầu, một mái tóc kiểu thời thượng hoặc một bộ đồ đẹp cũng có thể làm cho người ta “tự tin” hơn, khẳng định đẳng cấp của mình hơn. Thiết nghĩ, nếu ta đặt hết nền tảng đời mình vào cái có, thì có lúc cuộc đời ta sẽ trở nên trống rỗng, vì mất cái có, vì cảm nhận ra sự trống rỗng của cái là, …và người ta tự tử…Gabriel Marcel nói: người nào quá thiên về phạm trù có, sẽ giảm thiểu hoặc đánh mất cái là. Làm một con người có lý trí, có ý chí và tự do chọn lựa, tôi và bạn đang chọn cái nào để xây dựng bậc thang giá trị đời mình? Những ai biến đời mình thành cái có, thì người đó sẽ thấy cuộc đời này có nhiều điều kiện để sống dễ dàng, thanh thản hơn nhưng chắc chắn đời sống ấy sẽ suy giảm cái là.
- Cái là
Hai đứa học sinh, cùng dốt như nhau, cùng copy bài như nhau, cùng được điểm 10 như nhau. Một đứa thì khoái chí, đó là đứa chỉ biết cái có; đứa kia thì mắc cở, đây là đứa biết nhận ra sự quan trọng của cái là.
Triết học nhắc nhở người ta về ý nghĩa chân chính của cuộc đời; nhắc nhở về phẩm tính của cái là, phẩm tính của hiện hữu người. Cái là giúp ta tìm được một căn bản tự tại trong chính bản thân mình, để mình có thể vững vàng trước những biến động hời hợt của cái có. Những lời khen chê, những thành công hay thất bại không có tầm quan trọng quyết định cho cuộc đời mình nữa, nhưng chính phẩm chất thực sự của mình mới là điều quan trọng. Ai biết nhận ra cái là của mình, người ta sẽ tìm được nẻo đường thăng tiến thực sự trong hiện hữu của mình.
Nhưng có nhiều điều ở bình diện xã hội vốn là “cái là”, thì trong bình diện tình yêu, cũng như trong bình diện đức Tin, lại chỉ là cái có. Tôi tài thực sự chứ không phải là nhờ danh tiếng, tôi đạo đức thực sự chứ không phải là do chức tước, tôi tốt lành thực sự chứ không phải chỉ là ảo tưởng… nhưng so với bình diện bản thân, tất cả những điều ấy lại chỉ là cái có, và vẫn có thể bị mất đi, trong khi bản thân của tôi vẫn còn đấy. Ở đây, cần một sự lột bỏ mặt nạ một lớp nữa, để nhận ra con người của mình, bản thân trần trụi nhưng đang quí trọng của mình trước mặt Chúa.
Để đi từ thế giới “cái có” sang thế giới “cái là”, người ta cần lột bỏ một thứ mặt nạ giả hình nơi chính mình.
- Cái với
Ý nghĩa sống với giúp ta hiểu được ý nghĩa đời người. Đời người không phải là một sự thoả mãn ích kỷ, mà cũng không phải là con đường của chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng là con đường tìm hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc là khát vọng căn bản sâu xa và là động lực lớn của đời người. Hạnh phúc không đo đếm được, xuất phát từ việc hoàn thành được ý nghĩa căn bản của đời mình, và ý nghĩa đó luôn luôn là ý nghĩa yêu thương vị tha.
Trong tương quan đời sống với nhau, để hoàn toàn là chính mình và đạt tới “kích thước trưởng thành” của mình, con người nhất thiết phải cần đến những người khác: “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với. Con người là hiện hữu của những tương giao, phải kết hợp với nhau để lớn lên trong nhau: không phải sát nhập vào nhau nhưng là đi vào sự hiệp thông với nhau trong tình yêu thương. Tôi phải mở lòng mình ra cho kẻ khác để đón nhận họ, và hiến mình cho họ để họ được trở nên phong phú. Và khi họ được phong phú thì cũng làm phong phú hoá chính bản thân tôi. Bởi vậy yêu thương là giới răn quan trọng nhất để phát khởi và hoàn thành cuộc sống mình.
Hãy yêu thương anh em như chính mình (Mt 19, 19). Yêu thương là biết cho đi và là biết đón nhận. Trong yêu thương người ta cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi, cùng chia sớt mọi nỗi vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau để vượt qua mọi thử thách. Tình yêu thương chân chính đưa đến sự đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những thử thách khó khăn của họ như là của chính mình ( Mt 19,19). Yêu chính là lúc : “Bạn đau khổ, tôi cũng đau khổ”. Cũng giống như Chúa Giêsu, nỗi thống khổ của nhân loại đã trở nên nỗi thống khổ của Ngài. Và như vậy cũng có thể nói : “Khi bạn tràn trề niềm vui thì tôi cũng vậy”.
Chúng ta cần ý thức rằng: tình yêu thương không đơn thuần là những tình cảm tự nhiên dễ thương, dễ mến (Mt 5, 46; Lc 6, 32), nhưng chủ yếu là muốn điều tốt cho người khác. Không chỉ muốn thôi, nhưng tìm mọi cách để thực hiện. Như vậy thước đo chiều sâu của tình yêu không phải là cường độ của những cảm xúc đứng trước một con người mà là sức nặng của sự sống mà tôi dâng hiến cho họ. Muốn đạt tới thước đo trưởng thành của mình tôi phải mở thật rộng hai cánh tay của cái tôi mình ra cho mọi người để làm nên một thân hình với họ. Họ là thành phần của tôi, và tôi là một chi thể của họ, nghĩa là phải có sự hiệp nhất với nhau bằng chính sự dâng hiến cuộc sống của chính mình (Ga 15, 13). Và như vậy họ cần đến cuộc sống của tôi cũng như tôi cần đến cuộc sống của họ. Nối kết sự sống trong tình yêu thương nhau chúng ta gặp lại chính mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vậy không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương anh em mình (1Ga 4, 20-21). Mình chỉ có thể trở thành mình trong tương quan hiệp thông. Mình càng ít là mình thì càng là mình. Mình càng biết cho mình đi thì mình càng là mình (Cf. Mt 10, 39).
Là Kitô hữu: những người sống vì người khác bằng tình yêu thương phục vụ. Không thể phục vụ đích thực nếu không yêu thương. Không thể yêu thương chân thật nếu không dám chia sẻ cho nhau những vui buồn, những lo âu và hy vọng, những thành công và thất bại, những trăn trở và thao thức của mình … để nâng đỡ và trợ lực cho nhau. Nhờ tha nhân mà bản thân tôi được trợ lực để vượt qua những khó khăn trong đời, và cũng nhờ anh em mà đời sống tôi được nên phong phú. Tha nhân sẽ không bao giờ là một trở ngại cho sự vươn lên chân chính của tôi, mà trái lại luôn luôn là một cơ hội quí báu giúp tôi làm nên cuộc đời mình. Nếu thực sự vứt bỏ những ảo tưởng của mình bằng sự triệt thoái những ý niệm vinh nhục, thành bại, hơn thua, được mất, tôi sẽ có được niềm an vui và hạnh phúc sâu lắng khi sống giữa mọi người. Nếu cứ bám víu vào ảo tưởng tôi sẽ mãi mãi bất an và bế tắc.
Đối với người Kitô hữu, không phải “sống đúng” là điều quan trọng nhất, nhưng là sống với; sống vì; sống cho …ai khác mới là điều quan trọng nhất. Hành trình đời người luôn có nhiều sai lạc, lầm lỗi và sám hối là một yếu tố cần thiết. Nhưng sám hối đích thực chỉ có được trong tương quan sống với, nghĩa là sám hối vì nhận ra lỗi tội, chứ không phải vì sự ác dính dáng đến bản thân mình và chỉ sám hối vì mình.
Thảo Nguyên Xanh!
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)