Người Chứng Thứ Nhất – Đoạn kết: Một bức chân dung

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

ĐOẠN KẾT: MỘT BỨC CHÂN DUNG

Anre PhuYen 4Từ trang đầu đến đây, chúng ta đã mải miết theo dõi mỗi bước đi, mỗi việc làm của vị tử đạo Phú Yên, trong cuộc đời trần gian ngắn ngủi, cũng như trong “cuộc sống thứ hai” của người qua hơn ba thế kỷ.

Giờ đây là lúc tạm biệt vị anh hùng thì cũng là lúc nên nhìn lại kỹ chân dung của người họa bằng những nét sử đậm đà.

Như ta đã biết qua lời giáo sĩ Đắc Lộ, thầy giảng Anrê bản tính hiền hậu, trong sạch, ngay thật chất phác1. Đó là những đức tính luân lý truyền thống của người thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên đồng quê. Những đức tính đó không thể không xuất hiện ra diện mạo, cử chỉ cũng như ngôn ngữ. Nó phảng phất trong nét vẽ của nhà danh họa Ý Giacinto Brandi, trong bức họa cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên.

Thầy giảng Anrê lại có tư chất thông minh, và một tâm hồn đại lượng hay quên mình để giúp đỡ kẻ khác, dầu có vì vậy mà phải thiệt thân.2

Trên căn bản những đức tính truyền thống và tự nhiên đó, ơn Thánh sủng đã xây dựng những nhân đức siêu nhiên cao vời. Một  nhân chứng đương thời đã khai:

“Mọi người đều nói, và chính cha Đắc Lộ cũng nói với tôi: Thầy giảng Anrê có đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, lại giầu lòng mến Chúa thương người, chẳng quản khó nhọc giúp đỡ giáo sĩ trong họ giáo, dạy đạo cho giáo hữu. Song nhất là người đã tỏ rõ các nhân đức khi bị giam tù và khi chịu chết vì đạo. Người siêng năng xưng tội rước lễ và chăm chỉ việc thờ phượng, như cha Đắc Lộ cũng nói”.3

Nói đến đức tin của vị tử đạo là thừa, vì tử đạo là hình thức tuyệt đối chứng tỏ đức tin. Nhưng tin mà không cậy sức mình, tin mà chỉ ở khiêm nhường cậy trông ơn Chúa giúp sức, như Thầy giảng Anrê đã tỏ ra trong đời sống cũng như khi bị bắt và bị hành hình, đó là đức tin được nuôi dưỡng bằng đức cậy.

Ở nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên, đức tin, đức cậy đều hoàn hảo vì được biểu lộ bằng đức mến nhiệt thành: dâng hiến trọn đời phụng sự Chúa vì đức kính mến, và truyền bá giáo lý để cứu giúp các linh hồn vì lòng thương yêu. Về điểm này, sử liệu và các nhân chứng đều nhìn nhận Thầy giảng Anrê tận tâm sốt sắng trong việc phụng vụ và các bổn phận tu sĩ, và giàu lòng bác ái đối với anh em đồng tu cũng như với mọi người. Đức bác ái ấy diễn ra trong mọi hành vi đời thầy, nhất là chứng tỏ đặc biệt trong trường hợp tối hậu trước khi bị bắt: tình nguyện ở lại săn sóc bệnh nhân. Thế là Thầy giảng Anrê nắm giữ cả hai bí quyết để nên thánh, theo lời thánh Anphong 4: nơi hát kinh thờ phượng Chúa và phòng săn sóc bệnh nhân. Mà thực sự “chính lòng bác ái đối với bệnh nhân đã đem lại cho thầy triều thiên tử đạo đầu tiên ở xứ Nam”.5

§

Không kể ba nhân đức đối thần, các nhân đức luân lý nơi Thầy giảng Anrê cũng nổi bật. Khi giáo sĩ Đắc Lộ khen thầy “có nhân đức không phải của một thanh niên mà của một thiên thần”6 thì người ta liên tưởng trước hết đến đức trinh khiết mà người đã khấn hứa giữa lúc thanh xuân. Cứ theo sự diễn biến của lịch sử thì triều thiên tử đạo đầu tiên đáng lẽ về phần thầy giảng Ynhaxô, nhưng đường siêu nhiên lại có thể có một lỗi diễn biến khác: Chúa đã dành quyền ưu tiên cho người thanh tịnh: Thầy giảng Anrê.

Đã không dính bén bụi đời, thầy giảng Phú Yên lại không màng một chút danh lợi thế gian: thầy đã khấn ở khó khăn tuyệt đối và từ đó không bao giờ giữ của riêng, chỉ sống với đoàn thể, bằng công đức của đoàn thể. Thầy lại khấn giữ cho vâng lời và suốt đời đã “vâng lời mau lẹ”7, nhất nhất tuân theo giáo huấn của cha linh hồn, kỷ luật của đoàn thể và sự hướng dẫn của đoàn trưởng.

Làm việc thân xác đến mức ngã bệnh, từ chối một cuộc đi thăm quan trấn để ở lại bên giường bệnh nhân: đó là chứng tỏ một đức hãm mình đến cực độ – Thầy giảng Anrê đã sống trọn vẹn theo tinh thần và truyền thống của dòng Chúa Giêsu vậy.

Tất cả những nhân đức ấy ở nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên lại được xây nền trên một nhân đức khiêm nhường rất vững chắc. “Thầy không hề có chút vẻ nào kiêu căng hay tự mãn”8. Trái lại “thầy rất kính trọng mọi người”9, và trong đoàn thầy giảng, Anrê tự nhận là “kẻ kém hết mọi người”10. Cho đến lúc sắp nên thánh vì ơn tử đạo, thầy vẫn coi mình là kẻ hèn kém, chỉ đáng đổ máu xuống bùn đen, chứ không dám nhận để người ta trải chiếu cho mình quỳ.

Với một nền nhân đức vững vàng như vậy, không lạ gì mà người không tiến bộ mau chóng trên đường siêu nhiên11, chỉ trong khoảnh khắc đã đạt tới “bậc trọn lành cao cả, đẹp lòng Chúa đến nỗi Chúa đã không ngần ngại làm nhiều phép lạ vì người”.12

Đứng trước một chân dung sáng lạn như vậy, giáo sĩ Đắc Lộ đã phải kêu lên rằng:

“Phần tôi, khi tôi suy nhân đức tốt lành của người thanh niên thánh thiện ấy, tôi chẳng chút nghi ngờ rằng bây giờ ở trên trời, người đã được ba triều thiên, mà ta thường gọi là Hào quang.

“Người đã giữ mình trong sạch cả thân thể và linh hồn, chưa hề bao giờ mất nhân đức ấy, một nhân đức nếu đã mất một lần, không bao giờ lấy lại được nữa; ngoài ra người lại còn thề hứa sống trọn đời trong bậc đồng trinh.

“Người đã làm chức vụ của thầy tiến sĩ, giảng dạy, cắt nghĩa giáo lý, rao giảng Chúa Giêsu Kitô trong mọi cơ hội.

“Sau hết cái chết oanh liệt của người đã đem lại cho người triều thiên của các vị tử đạo trên thiên đàng, và bao lâu Giáo hội Đàng Trong còn có giáo hữu, thì còn nhìn nhận rằng triều thiên trước hết của Giáo hội ấy, là triều thiên do hiền nhân Anrê mang lại cho Giáo hội ấy vậy”.13

Bức chân dung trên đây đã nên giống chân dung các thánh Tông đồ, nhất là thánh Anrê bổn mạng của người. Cũng như thánh Anrê cùng với anh là thánh Phêrô (thường gọi là Simon) đã mau mắn đáp tiếng gọi của Chúa, bỏ nghề đánh lưới cá đi chinh phục các linh hồn, và đã được phúc tử đạo, Anrê Việt Nam vừa gặp Chúa lúc 16 tuổi, đã có ý định rời gia đình trên bờ sông Cái, đi theo tiếng gọi Tông đồ, và đã đổ máu vì Chúa. Hai Anrê còn giống nhau cả trên con đường dẫn đến pháp trường: cả hai đều vui mừng biểu lộ hạnh phúc của mình, và lớn tiếng khuyên bảo mọi người nhận biết Thiên Chúa.

Thầy giảng Anrê Phú Yên còn giống cả thánh Gioan, vị Tông đồ được Chúa yêu mến cách riêng vì đức trinh khiết và cũng nhỏ tuổi nhất trong đoàn, như Anrê.

Thầy giảng Anrê Phú Yên lại là tử đạo tiên khởi ở Việt Nam, không khác thánh Tê-vọng (Stêphanô) là tiên khởi tử đạo của Giáo hội khắp thế sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Linh mục Philipphê Bỉnh14 ví Thầy giảng Anrê Việt Nam như thánh Stanislas Koska15 của nước Ba Lan: cả hai cùng một tuổi thanh xuân, cùng tu hành trong thời gian ngắn ngủi một hai năm, mà cùng đạt tới mức độ nhân đức trọn lành dưới ảnh hưởng của thánh Ynhaxô sáng lập dòng Tên. Nếu linh mục Bỉnh sống ở thời nay, hẳn ông không ngần ngại sánh tu sĩ Anrê Phú Yên với cả thánh nữ Têrêsa ở viện tu kín Lisieux (1872-1897): Cũng một tuổi trẻ đồng trinh, cũng một nết khiêm nhường đơn sơ, cũng một lửa kính mến nồng nàn, cũng một nhiệt huyết tông đồ, khi sống chẳng ai hay, mà chết rồi thì hương thơm bay tỏa Á Au.

Những ai cảm phục tâm hồn cao cả và cái chết anh hùng của các thánh tử đạo Nhật Bản khoảng năm 1597 và được phong thánh (sanctus) năm 1862, cũng phải nhìn nhận rằng Thầy giảng Anrê chẳng những là người đồng thế hệ, đồng cảnh ngộ, mà lại đồng đức hạnh, đồng công phúc, chỉ chưa đồng vinh quang mà thôi. Trong số những vị hiển thánh ấy, có một thanh niên cũng 19 tuổi như Anrê Phú Yên, và hài cốt cũng đưa về Ao Môn như Anrê: thánh Gioan Gotô.

Trên đất nước nhà, Thầy giảng Anrê ở Phú Yên (cùng với giáo hữu Phanxicô ở Hà Nội mà ta tiếc rằng không có lịch sử) đã xứng đáng mở đầu dòng dõi của 130.000 vị tử đạo kế tiếp trong ba thế kỷ. Ở mỗi người trong số những vị ấy, nhất là những vị đã được vinh thăng Chân phước, người ta đều thấy diễn lại những nhân đức của vị tử đạo tiền phong. Tuổi thanh xuân nhưng nhân đức già dặn, Thầy giảng Anrê vừa là hương thơm của hàng bổn đạo, lại vừa là vinh quang của bậc tu sĩ. Nếu người còn sống đến năm 1668, chắc chắn người đã là một trong số những linh mục tiên khởi Việt Nam như cha Trang, cha Bền trong Nam, cha Hiền, cha Huệ ngoài Bắc, là những người đồng thế hệ, và cùng xuất thân làm thầy giảng từ đời các cha dòng Tên. Nhưng Chúa đã sớm đưa người về Quê hương trên trời để ở đó, người làm ơn ích nhiều hơn cho Quê hương trần gian, như những trang lịch sử trên đây đã chứng minh. Vị tử đạo tiên khởi, cũng là tử đạo điển hình của Việt Nam, đã xứng đáng với Giáo hội Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam vậy.

Thật là thánh và thật Việt Nam: đó là chân dung NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT của Chúa Cứu Thế trong dân tộc này.

Và, như bạn đọc nhận thấy, chân chung ấy đã rập theo đúng khuôn mẫu đầu tiên là chính Chúa Giêsu Kitô, Thống tướng của hàng Tông đồ, và Đức Mẹ Maria, Nữ vương các đấng tử đạo vậy.

Chú thích
(1) A.R, Glorieuse mort, tr.76.

(2) A.R, Glorieuse mort, tr.77-78

(3) Summariumm, tr.259.

(4) L’Etat religieux, ch.XII, 8. Kể trong: Linh mục Thất Sự, Thánh hóa giáo khoa, in lần thứ tư, tr.309.

(5) A.R, Glorieuse mort, tr.10

(6) A.R, Glorieuse mort, tr.3

(7) A.R, Glorieuse mort, tr.77

(8) A.R, Glorieuse mort, tr.78

(9) A.R, Glorieuse mort, tr.77

(10) A.R, Glorieuse mort, tr.78

(11) A.R, Glorieuse mort, tr.76

(12) A.R, Glorieuse mort, tr.107

(13) A.R, Glorieuse mort, tr.81

(14) Truyện Đàng Trão, tr.83

(15) Thánh Stanisla Koska (1550-1568) người Ba Lan, mới vào nhà tập dòng Tên được 10 tháng đã từ trần, trong một mực độ nhân đức cao cả, lạ lùng, mặc dầu mới 18 tuổi.

HẾT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

Kiểm tra tương tự

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Hàn Quốc – Quê hương của hơn 10.000 vị tử đạo

Hàng ngàn Kitô hữu đã tử vì đạo tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *