Câu chuyện nơi vườn hoa vạn thọ

 

Bầu trời xanh cao vời lăn tăn vài gợn mây, màu xanh da trời thân thiết ấy như một bức tranh. Những đàn chim trời kéo nhau đi xa mãi, chỉ còn sót lại những giọt nắng chan hòa đang nhảy nhót rải muôn vàn tia nắng xuống khu vườn. Tôi rảo bước trong khu vườn hoa vạn thọ của nội. Hôm nay, sau bao nhiêu năm, nó vẫn đẹp, một vẻ đẹp riêng của loài hoa…..

***

Tôi sinh ra ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Tôi thích không khí nơi đây bởi nó trong lành, mát mẻ và con người chan chứa tình yêu thương. Nơi đây đã để lại trong tôi bao kí ức của tuổi thơ, của một thời thanh xuân đẹp đẽ. Nhiều điều đã đi qua, nhưng nội và vườn hoa vạn thọ ngày xưa vẫn còn mãi trong tôi.

Bạn bè tôi, hầu như ai cũng có thần tượng cho riêng mình – một người khiến mình nể phục và đôi khi là cả thôn thờ. Tôi đã mỉm cười coi đó như trò trẻ con. Nhưng đó là “tôi” của quá khứ, khi mà tôi chưa cảm nghiệm được nỗi đau mất đi người thân yêu nhất của mình là như thế nào. Nội chính là người tôi gắn bó nhất suốt cả tuổi thơ, lớn lên và đi làm. Nội đã để lại trong tôi những kí ức màu hi vọng không chỉ của một người bà, nhưng còn là người mẹ, người cha thứ hai của tôi.

Có thể mọi người sẽ nghĩ tôi không khách quan khi viết về chính người thân của mình.  Nhưng những lời này tôi viết cho chính nội – người tôi thương. Qua đó, tôi muốn gửi đến nội lời cảm ơn chân thành vì những gì nội đã làm, đã hi sinh cho người cháu, người con thứ hai của nội.

***

Ngày xưa, nội, ba mẹ và tôi cùng chung sống dưới một mái nhà. Căn nhà tranh vách đất xập xệ nằm chênh vênh bên những ngọn đồi nhấp nhô trùng điệp. Căn nhà tuổi thơ ấy, nội đã nuôi nấng ba mẹ và tôi lớn khôn nên người. Những ngày còn bé, tôi đã sống với nội. Ngày ấy, gia đình khó khăn thiếu thốn. Ba mẹ phải tha hương cầu thực nơi đất khách quê người. Mỗi năm, cứ gần tết ba mẹ lại về một lần, rồi lại đi. Mỗi lần tôi khóc, nội chỉ cần ầu ơ vài câu hát quen thuộc, tôi đã nằm ngon giấc trên cánh võng của nội. Lớn lên một chút, nội tự tay may cho tôi những bộ độ mới. Khi tôi bắt đầu đến trường, cũng chính nội dạy tôi những con chữ đầu tiên, dạy cho tôi biết đọc biết viết. Những lời kinh bập bẹ nội dạy tôi mỗi khi dắt tôi đến nhà thờ là cách tôi thực hành việc đọc cho nội nghe.

Cuộc sống đang yên bình nơi căn nhà đầy tình yêu thương. Bỗng đâu sóng gió lại ập đến. Những ngày gần tết năm ấy, tôi thấy mẹ khóc. Khóc nhiều lắm. Tôi gặn hỏi nhưng mẹ không nói. Một buổi chiều tà, sau khi vơ mấy bộ đồ vào trong giỏ, mẹ dặn tôi ở nhà với nội nhớ ngoan ngoãn và nghe lời nội, mẹ có công việc phải đi mấy hôm. Tôi thấy mẹ ra nói với mẹ điều gì đó, lúc nội đang tưới hoa sau vườn. Rồi mẹ chạy thật nhanh, dáng mẹ dần khuất xa sau cánh rừng thông xanh bạt ngàn. Hai ngày, rồi một tuần cũng chẳng thấy mẹ về, tôi đánh liều hỏi nội, nội ngặm ngùi bảo: “Ba con có người khác, mẹ đi tìm ba về cho con”. Nghe nội nói, tôi giật mình hiểu ra, tháng trước ba có về thăm nhà rồi nói với nội tết năm nay ba không về. Tủi thân, tôi ôm chầm lấy nội, òa lên khóc nức nở.

Chiều chiều, tôi lại thấy nội ngoái trông về phía vườn hoa, đôi mắt rưng rưng dòng lệ. Thời ấy, cái nghèo cứ đeo bám cả gia đình. Nhiều lúc thua kém mấy đứa bạn cùng trang lứa, tôi cũng ấm ức lắm. Tôi trách than số phận sao không công bằng, “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Nhưng riết rồi cũng thành quen, tôi đã lớn lên trong cái nghèo, cái thiếu thốn như vậy. Tôi xếp gọn những ấm ức, tủi buồn đó nhờ nội gửi vào những dòng nước mắt. Nghề của nội gắn liền với vườn hoa vạn thọ. Ở chốn này, nhà nào cũng trồng hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa lan… Tôi không hiểu vì sao nội lại trồng hoa vạn thọ. Công việc của nội, đó là những khuya sớm nội cắt những cành hoa ngoài vườn. Nội bảo: dậy từ hai ba giờ sáng cắt cho kịp đem ra chợ bán. Sương khuya lạnh thế mà nội chẳng than lấy một lời. Những ngày rằm, đầu tháng và ngày là những ngày nội bán đắt nhất, có mưa giông nữa nội bảo “nội vẫn phải đi, vì nửa tháng mới có một lần”. Tờ mờ sáng nội đã gánh trên mình đôi quang gánh, có những lúc giật mình tỉnh giấc trước khi nội đi chợ, tôi nhìn ra ngoài trời vẫn còn tối và sương lạnh lại thấy thương nội vô cùng. Bây giờ, đôi lúc tôi tự nhủ: nội đã một đời vất vả vì mình, một chút khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống cũng phải cố gắng vượt qua vì nội. “Dấu ấn của nghề” in hằn trên lưng nội suốt những năm tháng tôi ngồi trên ghế nhà trường.

Những buổi chợ hoa nội cũng kiếm được ít tiền, những đồng tiền đó là tiền xương máu của nội. Tôi ngồi đếm tiền cho nội mà tờ nào cũng ướt. Tôi biết nội đã phải chống chọi với trận mưa bất chợt ngoài chợ. Nụ cười của nội khi kiếm được những đồng tiền làm tôi không thể quên được, tình yêu nội dành cho tôi thật bao la rộng lớn. Tôi chưa từng phải một lần đi chợ phụ nội. Khi những con mưa đang tầm tã thì tôi vẫn ấm áp trong chăn mà chưa một lần nói lên ba chữ “con yêu nội”.

Lớn hơn một chút, tôi rời quê xuống Sài gòn lập nghiệp. Mỗi năm chỉ có dịp về thăm nhà vài ba lần. Mỗi lần về, nội đều nói: “nếu cuộc sống ngoài kia có khó khăn, khắc nghiệt thì về với nội. Hai bà cháu có cơm ăn cơm, có cá ăn cá, bây đi rồi già này cũng thấy nhớ lắm!”. Tôi cố nén cảm xúc của mình, nở một nụ cười tự nhiên nhất. Tôi trả lời nội: “nội yên tâm đi, khó khăn của con có là gì so với những điều nội đã hi sinh vì con, con sẽ cố gắng để những cực nhọc của nội ngày trước không trở nên vô nghĩa”. Hai bà cháu ôm nhau, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt.

Đã 12 năm kể từ cái ngày mẹ cuốn gói bỏ nhà đi tìm ba. Nội mỗi ngày một già đi, chân không còn đứng vững, mắt đã nhòe. Tôi xin chuyển công tác về quê để có điều kiện chăm sóc nội. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về nội lại bảo tôi dìu nội ra trước hiên nhà, nội cứ hướng mắt về vườn hoa vạn thọ sau nhà, nơi mẹ đã ra đi. Nội muốn gặp lại người con trai và đứa con dâu trước lúc lìa đời. Cái ước nguyện nhỏ nhoi của nội mới khó thực hiện làm sao! Lẽ nào mẹ bỏ rơi nội và tôi?

Một ngày kia, nội bảo tôi dắt ngoại ra vườn hoa để nội có thể ngắm nhìn chúng lần cuối trước khi ra đi. Tôi như chết lặng trước những lời nói của nội. Đêm đó, nội đã thanh thản ra đi. Đám tang nội, tôi và mấy người hàng xóm tiễn nội về nơi yên nghỉ cuối cùng. Không ai nói với ai điều gì. Những giọt nước mắt nóng hổi cũng đã đủ nói lên lòng thương tiếc nội.

Vườn hoa vạn thọ còn đó. Nhưng nội đã xa.

Jos. Đăng Vũ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *