Cây gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Sieger Koeder (1925 – 2015).

 

 

Cây gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô

 

Bức tranh của hoạ sĩ linh mục người Đức Sieger Koerder diễn tả về cây gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô với những nét riêng biệt. Chúng ta chiêm ngắm phía dưới của bức tranh và nhận ra dung mạo của tổ phụ Áp-ra-ham như là thân của cây gia phả. Từ thân cây này các cành cây khác được trổ ra.

Tổ phụ Áp-ra-ham được hoạ sĩ mặc cho chiếc áo màu xanh lá cây, đội một chiếc khăn theo kiểu người Do-thái và đang dang hai tay rộng. Đôi tay và đôi mắt cùng thân mình của Áp-ra-ham hướng về phía trời cao lá thái độ cầu nguyện tôn vinh với Thiên Chúa, Đấng hứa ban ơn cứu độ cho dân tộc Ít-ra-en và cho toàn nhân loại. Chúng ta cũng biết, trong gia phả của Chúa Giê-su, Áp-ra-ham đóng một vai trò rất quan trọng. Ông đã lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và ông đã tin tưởng vào Người, để bỏ mọi sự lên đường tiến về đất hứa theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Ông là cha của những người tín hữu Do-thái. Trong ý nghĩa mở rộng hơn, ông cũng là cha của mọi người tin trên trái đất này. Vì thế, Sieger Koeder đã diễn tả Áp-ra-ham như là thân cây vững vàng đang “mang vác” mọi cành cây khá. Hơn nữa, Áp-ra-ham còn là người được chúc phúc và sẽ là người đem phúc lành đến cho người khác.

 

Nhìn về phía tay trái của Áp-ra-ham chúng ta nhận ra người cháu của Áp-ra-ham là tổ phụ Gia-cóp. Hoạ sĩ đã diễn tả giấc mơ của Gia-cóp với chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên chiếc cầu thang đó Gia-cóp được diện kiến Thiên Chúa và đón nhận lời chúc phúc của Thiên Chúa. (x.St 28,10-22). Với giấc mơ của Gia-cóp chúng ta luôn được phép ôm ấp niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng ngự ở trời cao nhưng lại rất gần với con người thấp hèn ở dưới thế.

 

Trên phía tay phải của Áp-ra-ham là hình ảnh vua Đa-vít. Chúng ta biết trong gia phả của Chúa Giê-su, kế bên Áp-ra-ham, Đa-vít được nhắc tới cách đặc biệt (x.Mt 1,1). Đa-vít đang chơi đàn và đang hát Thánh Vịnh do chính ông sáng tác. Ông đang tấu lên cung đàn diễn tả về chính hậu duệ của ông, Đấng là Vua cao cả trên các vua trần gian, Đấng là “Ánh Sáng và Ơn cứu độ của tôi”. Đa-vít như muốn nói với chúng ta rằng, bài ca tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa không bao giờ ngừng cả, vì Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của Người, lời hứa của tình yêu đưa lại ơn cứu rỗi cho nhân trần.

 

Giờ đây chúng ta hướng mắt về nhân vật ở trung tâm mặc chiếc áo đỏ lộng lẫy và hai tay đang giơ cao hai tấm bia đá với 10 điều răn được khắc ở trên. Đó là nhân vật Mô-sê. Với sự hướng dẫn và ân sủng của Thiên Chúa, Mô-sê đã dẫn dân Ít-ra-en đi vào miền đất hứa, miền đất tự do. Hơn nữa, ông đã được Thiên Chúa chọn đại diện cho dân Ít-ra-en và ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với toàn dân. Nhìn kỹ, chúng ta thấy Mô-sê đang nắm chặt hai bia đá trên tay và giơ cao. Như thế, Mô-sê như muốn gởi trao chúng ta một sứ điệp quan trọng: Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta chính huấn lệnh và Lời của Người. Chúng ta có Lời Chúa ở bên. Như Mô-sê chúng ta học biết ý thức bám chặt vào Lời Chúa. Hơn nữa, Lời Chúa cần được tiếp tục trao ban và lan toả khắp mọi nơi.

 

Ở phía trên nhân vật Gia-cóp, chúng ta nhận ra hình ảnh của Gioan tẩy giả qua cánh tay ông đang chỉ về phía trên cao, về phía Chúa Giê-su. Gioan Tẩy Giả là tiếng kêu trong hoang địa, là người dọn đường cho Chúa Giê-su đến. Ngón tay ông chỉ về Chúa Giê-su đang được Mẹ Maria bế trên tay, như muốn nói với mọi người rằng: “Chúa đang ở thật gần. Người đang đến gần sát chúng ta”. Ngón tay ông chỉ cũng diễn tả câu truyện ông đã giới thiệu Chúa Giê-su cho hai môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Vì thế, chúng ta cần dọn đường cho Chúa, cần sẵn sàng để lắng nghe lời giới thiệu của Gioan và bước theo Thầy Chí Thánh, để đến và ở với Thầy suốt cả cuộc đời.

 

Phía trên vua Đa-vít chúng ta nhận ra một nhân vật rất khiêm cung trong bức tranh. Đó là thánh cả Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít và xuất thân từ làng Bê-lem. Thánh Giu-se đứng kề bên Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su, để làm thành một gia đình Thánh Gia. Người ta sẽ nói rằng, Chúa Giê-su là con của bác thợ mộc. Thánh Giu-se có một đôi tai rất thính đối với Lời của Chúa. Dù chỉ đón nhận các Lời đó trong các giấc mộng, nhưng ngài không bao giờ từ chối hay chống đối lại những gì Chúa truyền. Hơn nữa, thánh Giu-se còn hiểu rất rõ ý nghĩa của Lời Chúa nói và ông đã đón nhận cùng thực thi các sứ mạng Chúa trao một cách âm thầm nhưng rất triệt để. Trong hình diễn tả thánh Giu-se đang chắp tay lại, như muốn nói rằng: thánh Cả là một người cầu nguyện và trong cầu nguyện ngài đã gặp các thiên sứ của Chúa, và đã đón nhận tất cả thánh ý của Chúa dành cho ngài, để rồi ngài vâng theo và thực hiện điều Chúa muốn. Thật vậy, không chỉ Mẹ Maria nói lời xin vâng, mà cả thánh Giu-se cũng nói lời xin vâng. Sự đồng thuận của hai vợ chồng trong đời sống Đức Tin và tâm linh thật quý báu biết bao.

Ngoài ra, có thể nói rằng, thánh Giu-se là một người rất khiêm hạ và nhỏ bé đối với “lịch sử nhân loại”, nhưng đối với Thiên Chúa ông lại là một người “rất lớn lao”.

 

Cuối cùng, chúng ta hướng về chóp đỉnh của bức hình và thấy rõ hình ảnh của Mẹ Maria đang bế Chúa Giê-su và nâng Chúa lên cao. Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria làm Mẹ của Đấng Tối Cao. Còn phúc lành nào hơn nữa. “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà. Bà có phúc là hơn mọi người phụ nữ và Con lòng bà cùng phúc lạ”. Mẹ bế Chúa và nâng Chúa lên cao như muốn giới thiệu và trao ban cho nhân loại chính Đấng yêu thương, Đấng Cứu Độ.

 

Sieger Koeder đã “bao phủ” Mẹ Maria với Hài Nhi Giê-su bằng màu xanh da trời. Phải chăng hoạ sĩ đang mời gọi chúng ta chú ý đến biến cố vĩ đại từ trời cao. Đấng Cứu Thế đang rời bỏ ngôi toà cao sang trên trời xanh và đến với loài người. Chúa mặc lấy xác phàm như chúng ta, trong hình hài của một Hài Nhi. Chính Hài Nhi này sẽ chiếu toả ánh sáng đến cho những ai đang ngồi trong tối tăm, và đưa lại niềm hy vọng lớn lao cho mọi dân tộc. Hơn nữa, sự sinh ra của Hài Nhi Giê-su đã làm cho mọi lời hứa của Thiên Chúa dành cho Áp-ra-ham, Gia-cóp, Đa-vít trở thành hiện thực. Hài Nhi sinh ra để làm trọn giao ước của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Hài Nhi Giê-su sinh ra là cho chúng ta và vì chúng ta. Người sinh ra trong khiêm tốn, âm thầm và nghèo nàn trong một hang lừa nằm ở một làng nhỏ bé với tên là Bê-lem. Hài Nhi này rồi sẽ chỉ cho muôn người nhận biết Thiên Chúa, Đấng yêu thương, Đấng giàu lòng thương xót con người, đặc biệt những người bất hạnh và nhỏ hèn.

 

Hình ảnh Chúa Giê-su giang rộng đôi tay như lời mời gọi của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).

 

Nào chúng ta cùng đến với Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, Đấng có tên là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nào chúng ta cùng đến với Chúa Giê-su, để cùng được Người ghi tên chúng ta vào trong gia phả của người, vì phúc thay những ai tin tưởng vào Thiên Chúa, vì họ sẽ được trở nên con cái của Thiên Chúa.

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *