Manna T7T5MC: Chết thay cho dân

LỜI CHÚA: Ga 11, 45-57


45
Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.”49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ. 55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? “57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

SUY NIỆM

Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.
Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu
và Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó
là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).
Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,
mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).

Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,
đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa :
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát như thế,
nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.
Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,
nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.
Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do-thái khỏi bị tiêu diệt,
Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.
Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.
Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do-thái) mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu
về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).
Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).

Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.
Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.
Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem
và sự tan hoang của cả đất nước Do-thái vào năm 70.
Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.
Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.
Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).

Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.
Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,
và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,
chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Ngôi Lời làm người (25.2 – Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Ban Ngày – Ga 1,1-18)

Tin Mừng theo thánh Gioan 1,1-18 (1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời …

Manna: Tin Mừng trọng đại (24.12-Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm – Lc 2,1-14)

Lời Chúa: Lc 2, 1-14 1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền …

2 Bình luận

  1. Những gì đi qua để lại dấu ấn

  2. con xin có vài suy nghĩ sau:
    Thưa cha!học kỹ về cuộc đời Chúa Giêsu con thấy: năm Chúa Giêsu 33 tuổi, Chúa chẵng những đã có tiếng khắp nước Do thái mà còn lan sang nhiều nước lân cận; lan sang cả chính quốc Rô-ma thời đó nữa.Bởi Ngài có tiếng lúc mới đẻ vì có biến cố đến ngàn trẻ em từ 2 tuổi bị giết,có ngôi sao dẫn 3 nhà đạo sĩ phương Đông;12 tuổi đã là giảng sư cho bậc tư tế, ba năm đi rao giảng chỉ nói về nước Trời,việc tôn thờ Đức Chúa mà thôi; với biết bao phép lạ” động trời” và các bài giảng lôi kéo nhiều người nghe nên chắc chắn đã có đến hằng trăm ngàn người mến mộ,tin theo lời dạy của ngài ( chỉ với một ngày..phép lạ 2 chiếc bánh và 5 con cá..mà đã đông mức chỉ riêng đàn ông có trên..10.000 người !Điều đáng xét vừa hợp lý vừa theo đúng thực tế thì các tầng lớp Tư tế,các vị thượng tế trong đạo Do thái(họ giống như Hội Đồng Giams Mục đạo Công giáo của nước Việt nam chúng ta ngày nay) chắc chắn trong thâm tâm họ phải thán phục, tin Ngài là Đấng Messia mà Cựu ước đã tiên báo chính là đây, nên họ tôn trọng, để yên công việc hoạt động của Ngài bởi Ngài là một người dân thông minh,hiền lành,thương yêu mọi người,được mọi người kính trọng; vả lại cũng chẳng thấy Ngài hô sẽ làm vua Do thái hoặc tuyển mộ một đạo quân nào, chẳng trang bị gươm giáo gì (để) chiến đấu chống lại đế quốc nên HỌ MONG tấm gương tốt của Ngài sẽ sớm lay động bọn quan,quân La mã đang cai trị nước họ và ở chính quốc sớm trao trả độc lập cho nước họ(tạm giống như trường hợp ông Mahatma Ganhi đã dùng bất bạo động đã tác động tích cực đến đế quốc Anh).Lẽ ra thực tế là phải như vậy;chứ chẳng lẽ..hội đồng Tư tế… lại răm rắp xu nịnh,cúi chầu vái lạy..bọn đế quốc thực dân đang cai trị họ bằng cách đương không dại dột cùng nhau quyết định giết vị Mesia mà Trời mới ban!để dâng cho chính quyền đế quốc giết Đấng Công Chính,Đấng Hằng Mong Đợi của đạo họ,của dân họ hay sao? Phái Pharisiêu tuy không cảm tình với Giêsu,Gioan tiền hô, nhưng chắc họ cũng chẳng tội gì mưu giết Giêsu là điều có hại cho đạo,cho dân tộc họ. Gỉa sử:
    1/Trường hợp Chúa Giêsu đang tốt lành như vậy mà bọn đế quốc đòi bắt đòi giết Chúa …Giêsu thì sao?Thưa:-Hội đồng Tư tế sẽ hô hào yêu cầu đế quốc không được kết tội Giêsu của họ,không được bắt giam Giêsu của họ.
    2/Trường hợp Chúa Giêsu cầm quân với khí giới hô hào chống lại bọn đế quốc! Bọn đế quốc ắt hẳn sẽ chỉ giết Giêsu và bọn lính tay sai mà thôi; làm gì có chuyện họ sẽ còn giết toàn thể dân Do thái như ông Caipha nọ đã hoang tưởng,lệch lạc mà bảo…”thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân Do thái bị giết”!.Dẫn chứng: chính quyền thực dân Pháp ở Việt nam thời đó chỉ giết lãnh tụ Hoàng hoa Thám và tòng quân của ông chứ có giết toàn dân của nước Việt nam thời đó đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *