Cha Đắc Lộ bước đầu học tiếng Việt, thứ ngôn ngữ như chim hót (11)

Cha Đắc Lộ cho biết, trong số các giáo sĩ thời đó ở Đàng Trong, chỉ có cha Francisco de Pina là biết tiếng Việt. Vị này tới đây truyền giáo lúc còn trẻ, nên đã có thể sử dụng tiếng Việt cách hoàn hảo. Còn các vị khác, ngay cả cha Buzomi, tuy khá hiểu tiếng Việt, nhưng do đã lớn tuổi, nên cha ấy không nắm vững tiếng Việt lắm, nên cha ấy giảng mà vẫn cần dùng thông ngôn. Cần nói rõ thêm rằng: cha Buzomi không những hiểu mà còn nói được tiếng Việt nữa. Nhưng cha ấy không dám giảng, có lẽ vì không muốn làm trò đùa với Lời Chúa, phần vì sợ phát âm giọng không chuẩn. Tuy nhiên, cha ấy kiểm soát và sửa người thông ngôn rất kỹ.

Cha Đắc Lộ cho hay, lúc đầu cha ấy tỏ ra rất thất vọng, vì không biết mình có học nổi tiếng Việt không, một thứ ngôn ngữ mà khi thoạt nghe, nhất là khi các chị em phụ nữ nói, đúng là như chim hót vậy. Từ điển lúc đó cũng chưa có. Bởi vì cuốn đầu tiên với ba thứ tiếng Việt-Bồ-La sẽ do cha Đắc Lộ xuất bản tại Roma sau này. Những nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên đa số học tiếng Việt qua thông ngôn người Nhật. Tiếng Việt khác hẳn với các thứ tiếng châu Âu về cấu trúc. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, độc âm chứ không đa âm như các thứ tiếng châu Âu. Các thứ tiếng châu Âu không có thanh, nhưng tiếng Việt có đến 6 thanh khác nhau để phân biệt. Ví dụ ma, mà, má, mả, mã, mạ. Đối với người Việt, đó là 6 thanh, đó là 6 từ với ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nhưng đối với người châu Âu, sáu tiếng đó dường như chỉ là một, dường như chẳng có gì khác nhau.

Người ta kể rằng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuy là vị Giáo Hoàng người Balan có biệt tài ngôn ngữ, nhưng ngài cũng nhầm lẫn khi phát âm tiếng Việt. Vị Giáo Hoàng này không nhát như cha Buzomi, nên ngài can đảm nói tiếng Việt, và đương nhiên là có truyện cười xảy ra. Trong dịp lễ Phục Sinh, thay vì nói rằng: Chúa sống lại, thì Đức Giáo Hoàng lại nói: Chùa sống lại.

Trong tiếng Việt, cũng không có các lối chia động từ theo thì, theo thể, theo cách như các tiếng phương Tây, mà tiếng Việt chỉ cần thêm phụ từ hoặc đổi vị trí của từ trong câu là tức khắc nghĩa sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, cha Đắc Lộ đã gặp may, vì thầy dạy tiếng Việt chính là cha Pina. Đắc Lộ có thể ngày ngày đi theo thầy của mình là cha Pina trong các chuyến mục vụ, vì cả hai đều thuộc cư sở Thanh Chiêm. Ngoài ra, cha Đắc Lộ còn được sự trợ giúp của một thiếu niên cực kỳ thông minh. Cậu này luôn luôn kiên nhẫn dạy tiếng và sửa lỗi cho ông, những khi ông phát âm sai. Chỉ trong vòng 3 tuần, cậu bé này đã học được cách phát âm tiếng Latinh và học được cách giúp lễ. Cậu bé lấy tên họ của thầy mình, và đặt thành Raphaen de Rhodes. Sau này cậu bé trở thành thầy giảng. Khi đã thành thầy giảng, Raphaen còn có thời gian theo chân các cha thừa sai sang Lào và cậu cũng thành thạo tiếng Lào một cách tuyệt diệu. Chính cha Đắc Lộ kể lại, nhờ cậu bé Raphaen mà chưa đầy bốn tháng, cha ấy đã có thể giải tội, và chưa đầy sáu tháng, cha ấy đã có thể giảng tự do bằng tiếng Việt.

Hẳn phải nói thêm rằng, cha Đắc Lộ là người có năng khiếu ngôn ngữ ngoại thường. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp, cha ấy còn thông thạo tiếng Latinh, tiếng Ý tiếng Bồ. Ngoài ra, cha ấy hiểu được tiếng Tây Ban Nha, tiếng Konkain, tiếng Nhật, tiếng Hoa. Sau này về già, cha ấy còn học thêm tiếng Ba Tư nữa. Trong lá thư gửi cho bề trên, cha Đắc Lộ đã nuôi hy vọng là trong vòng năm đó, sẽ có thể thông thạo tiếng Việt để giảng. Và hy vọng ấy của cha đã nhanh chóng thành tựu.

Nhờ những bài giảng của cha Pina, Minh Đức Vương Thái Phi đã vào đạo. Minh Đức là một người vợ lẽ của Chúa Nguyễn Hoàng đã băng hà. Bà lấy tên thánh là Maria Mađalena. Bà là nhân vật thuộc hàng danh giá và có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Bà có công rất lớn trong việc mở rộng Kitô giáo. Bà là người học thức, thông thạo Nho học, là một trong những cột trụ của cộng đoàn Kitô hữu thời ấy.

Tuy nhiên có một tai họa đã giáng xuống cuộc truyền giáo đang đầy hy vọng. Cha Pina bị chết đuối trên sông Hàn ngày 15.12.1625 khi cha ấy mới 40 tuổi. Chiếc thuyền chở cha Pina bị lật trên sông, và cha ấy bị mắc kẹt trong chiếc áo chùng thâm, nên bị nước cuốn đi, trong khi các người khác trên thuyền lại thoát được.

Tháng 07.1626 cha Đắc Lộ rời Đàng Trong, và cha ấy sẽ trở lại đây 14 năm sau đó. Không rõ lý do tại sao. Nhưng như cha Đắc Lộ nói là, vì cha ấy không quá cần cho Đàng Trong. Thêm nữa, theo trình thuật của cha Buzomi gửi cho cha Tổng quyền, thì cha Đắc Lộ được gửi ra Đàng Ngoài, vì ở Đàng Trong, giữa cha Đắc Lộ và chúa Nguyễn có những trục trặc. Chúa Nguyễn bực mình với lối truyền giáo liều lĩnh của cha Đắc Lộ, nên nếu cha Đắc Lộ ở lại Đàng Trong lâu hơn, có lẽ sẽ có khó khăn cho các nhà thừa sai khác. Có thể có những lý do khác mà chúng ta không biết rõ.

Trong thời gian đầu của công cuộc truyền giáo, cha Đắc Lộ không có một vị trí nổi bật nào. Trong các bản tường thuật của Nhà Dòng, tên của cha Đắc Lộ được nhắc tới như biết bao các tên của các anh em khác trong Dòng. Và trong trình thuật của mình, cha Đắc Lộ cũng chỉ ghi tên mình là phụ tá cho cha Franciso de Pina mà thôi. Trong một năm rưỡi này, công việc chính của cha Đắc Lộ là học tiếng Việt.

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)
Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)
Tại sao các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với Đất Việt (8)
Người Việt muốn đón nhận đức tin và những thành công bước đầu (9)

Cha Đắc Lộ từ bỏ ước mơ trở lại Nhật vì có duyên với Đất Việt (10)
Phần tiếp theo:
Cha Đắc Lộ được chọn để sai đi Đàng Ngoài (12)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *