Chạm và biến đổi…

Theo bạn hiểu: thế nào là sự biến đổi?

Thiết nghĩ, mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau cho câu hỏi mang tính trừu tượng này. Với tôi, biến đổi là khi gặp một người hoàn toàn xa lạ và khác với hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng nên họ lúc ban đầu mà ta thấy được Chúa trong họ, đó là biến đổi.

Tôi là một con người sống nội tâm, vô cảm, khép kín và ít quan tâm tới người khác. Tôi đã sống như thế trong thời gian dài, thiết tưởng đó là chuyện bình thường vì ai cũng có tự do để chọn lựa cách sống và bậc sống cho khoảng trời riêng tư của mình, miễn sao không ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác, thế là được. Tôi đã sống như thế trong trong một thời gian rất dài. Rồi tới một ngày, tôi chợt nhận ra mình cần phải được lớn lên. Và tôi đã được biến đổi nhờ ơn Chúa qua những mảnh đời bất hạnh tại làng phong Quỳnh Lâp – Nghệ An.

Dịp hè năm nay, tôi có dịp lưu lại trại phong Quỳnh Lập một tháng. Lúc đầu tôi nghĩ một tháng là khoảng thời gian không đủ dài để biến đổi một con người, nhưng cũng đủ dài để có những kỷ niệm thật đẹp với con người và vùng đất thân thương này. Nhưng tôi đã nhầm. Chính người phong đã chữa bệnh cho tôi, biến tôi từ con người khô cứng, vô cảm thành con người biết yêu thương và biết lo cho người khác. Tôi cảm phục những con người nơi đây, họ thật sự là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua họ, tôi chạm được tới Ngài.

Thiết nghĩ, điều đầu tiên phải kể tới đó là những người phong nơi đây là những sứ giả của tình yêu đích thực, là mẫu gương về đời sống lạc quan và yêu đời. Hình ảnh đầu tiên về người phong đối với tôi là một cụ ông 82 tuổi, vừa thấy bóng chúng tôi, cụ vội vàng chắp đôi cùi tay của mình lại và chào chúng tôi. Dĩ nhiên là kèm theo một nụ cười ròn tan chính tiếng cười của cụ đã làm dịu đi cái nóng bức, oi ả của mùa hè xứ Nghệ.

Nhưng, thấy cụ, tôi sợ.

Tôi thấy mình yếu đuối trước căn bệnh quái ác này. Lẽ ra tôi mới là người mang tới niềm an ủi cho người phong, nhưng ngược lại, chính những người phong lại đem lại niềm an ủi trước cho tôi.

Thứ đến, tôi khâm phục ý chí quyết tâm của những bệnh nhân phong và con cháu của họ. Người phong ở đây làm được  bất cứ điều gì mà người lành có thể làm. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.  Trước sự tàn phá nặng nề của bệnh phong, ai cũng mang trong mình một nghị lực sống mãnh liệt và ý chí kiên cường. Dù mất đi những ngón ta quen thuộc, buộc phải cưa đi đôi chân quý giá của mình, chấp nhận mang chân giả dù phải gánh chịu những đau đớn về thể xác, không chấp nhận cảnh mù lòa, điếc lác nhưng họ vẫn tự lực cánh sinh, vươn lên trong cuộc sống hằng ngày. Mọi sinh hoạt thường ngày đều diễn ra tốt đẹp, dù cho chậm một chút, mệt một chút, đau một chút, nhưng họ rất tự hào. Tự hào vì họ tuy tàn tật nhưng không tàn phế. Thật đáng tiếc cho những ai khi nhìn vào cuộc sống của người phong này mà không rút ra được bài học về ý lực sống.

Thứ ba là thao thức của người phong. Dù mang bệnh trong người nhưng khao khát được sống luôn bừng cháy trong tâm hồn họ. Các cụ thích được nói chuyện, được tâm sự, được thả hồn theo những dòng chảy về quá khứ, những câu chuyện đánh thức hiện tại và hướng về tương lai. Có những cụ dù không nghe thấy, nhưng thích được nói chuyện, họ nói những  điều họ nghĩ, chẳng cần biết tôi hỏi gì, xong rồi lại cười phá lên cách vui sướng và hạnh phúc.

Tôi nhận ra rằng: niềm vui của người phong cũng chính là niềm vui của tôi.

Hầu hết đời sống của những bệnh nhân phong nơi đây gặp nhiều trở ngại, không chỉ về tinh thần nhưng còn cả về vật chất. Có những gia đình cháu con đông đúc, tiền trợ cấp lại ít ỏi, duy trì sự sống, là tốt lắm rồi. Tuy nhiên, tôi hết sức khâm phục cách sống của họ: không tham lam, ganh đua,  tranh dành, nhưng biết đủ. Và họ dạy tôi về bài học khiêm nhường.

Ngọt bùi là thế, nhưng chẳng thiếu đắng cay. Đằng sau nụ cười là những nỗi đau xé lòng của nhiều người phong nơi đây. Nỗi đau về số phận, gia đình, tình cảm và cháu con. Có cụ bị con cháu bỏ rơi, có người chỉ mong được trở lại quê hương một lần trước khi mất. Có những cụ chỉ mong chết đi cho đời bớt khổ. Nhưng sự sống không phải do con người quyết định, tôi muốn giúp cụ điều gì đó nhưng thật khó khăn. Những lúc như thế, tôi chỉ biết lắng nghe, tiếp nhận dòng suy nghĩ của cụ mà lòng thấy nghẹn ngào, thương cụ biết bao. Điều này dạy tôi rằng: truyền giáo không chỉ là việc giảng thuyết, nhưng còn là cầu nguyện và việc làm cụ thể. Tôi nhận ra rằng: có những lúc lắng nghe là tốt nhất. Giúp họ theo cách của mình là thất bại.

Sống với người phong là một trải nghiệm đầy thú vị của tôi. Tôi được chạm vào người phong để cảm phục, để tự tin, đồng thời giúp phá tan sự nghi ngại, sợ hãi nơi tôi. Người phong cũng chạm tới trái tim tôi, khiến nó phải rung động và thán phục. Nhưng điều quan trọng hơn cả là qua người phong, tôi chạm được vào Chúa. Cám ơn người phong vì đã biến đổi tôi.

Lửa tình yêu

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *