Chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an

Chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an

Ep 6,15 

Một công tử Stanislas Koska khi còn nhỏ đã từ chối không tham gia vào những cảnh ăn chơi sa đọa, đơn giản vì biết rằng “tôi được sinh ra cho những gì cao cả”.

Một Luiz Gonzaga đã rời bỏ cảnh sang giầu và công danh, khuôn mình theo nếp sống thường ngày của một học viên dòng Tên : “làm những công việc nhỏ bé với tình yêu lớn”.

Một Phêrô Claver xin được làm nô lệ cho những người nô lệ, và vòng tay của con người nô lệ ấy đã xoa dịu bao nhiêu tấm thân bệnh tật, đã rửa tội cho hàng trăm ngàn người Phi Châu da đen bị bắt đem qua Mỹ Châu bán làm nô lệ.

Mỗi vị thánh sống kinh nghiệm với Thầy Giêsu, nhận lãnh và thi hành sứ mạng,  kể lại câu chuyện Giêsu bằng chính cuộc sống của mình ngang qua hoàn cảnh cụ thể của mình, và ngay nơi mình được sai đến.

Có biết bao linh mục tu sĩ có mặt giữa những người nô lệ thời bấy giờ, nhưng được mấy Phêrô Claver.

Có biết bao công nương hoàng tử nhưng được mấy Stanislas Koska và Luiz Gonzaga.

Một linh mục khi được người quen tặng cho chiếc xe hơi, đã xin được nhận một số tiền tương đương để phụ giúp vào việc cổ võ ơn gọi, còn bản thân thì vẫn thảnh thơi trên chiếc xe gắn máy với đôi giầy “mọi” để bảo vệ những ngón chân lỡ bị va quẹt trên đường phố.

Phương tiện chỉ là phương tiện, có những thứ không thích hợp cho một số địa hình, thậm chí vô tình còn khóa chân người môn đệ thay vì giúp lao mình về phía trước, nhanh hơn và xa hơn,

Thế nhưng với đôi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an thì khó mấy cũng trèo, vạn đèo cũng qua.

Nhìn ngôi làng be bét rượu chè, nhà cửa rách nát, nghèo đói, cha quản xứ đã dùng nhiều biện pháp : cho xây nhà thờ và nhà hội, nhờ người đến giúp bà con tổ chức thành một thứ hợp tác xã trồng rau đem bán có tiền chia nhau,  Tuy nhiên, ngôi nhà thờ mỗi ngày thêm vắng vẻ, nhà hội chẳng mấy khi họp, làm rau thu nhập không nhiều, bà con không mấy hứng thú, vì thế khi mùa điều đến bà con muốn đổi nghề, ít là một thời gian, để có thêm thu nhập, đi lượm điều mướn có thể trên dưới 200 ngàn một ngày chứ ít gì. Người được sai đến đây thường lấy lệnh của cha xứ để sắp xếp công việc, và lệnh cấm khó thi hành nhất là cấm uống rượu.

Làm việc tránh sao khỏi cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, bên tiếng Việt bên tiếng Thượng có trời mới hiểu, cuối cùng cha xứ ra lệnh đóng cửa nhà thờ, tạm ngưng mọi trợ giúp vật chất. Thực ra chén cơm manh áo trông to tướng đối với người Việt chứ đối với người Thượng thì đói quen rồi, đói thêm vài ngày đã sao. Hình như người được sai đến đây quên gõ cửa trước khi vào nhà, trong khi Ngôi Lời nhập thể “đứng trước cửa và gõ, ai nghe và mở thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với ta (Kh 3,20).

Không gõ cửa, không ăn những bữa ăn của bạn nghèo, không chung chia cảnh đời của người nghèo,  làm sao hiểu được phận nghèo, vì thế người muốn giúp người hết khổ, cuối cùng thêm khổ, khổ thân mình mà người bớt khổ thì cũng đáng lắm chứ! Nhưng nếu người đi loan báo tin mừng bình an mà lại gây nên bất an thì cần phải nhìn lại mình xem có đi lộn giày không đó…” chân mang giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an, người môn đệ hiểu rằng : bình an của Thầy không giống như thế gian ban tặng…(x.Ga 14,27).

Với lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng bình an, người được sai đi kiên trì gõ cửa và chờ đợi, chứ không dùng sức mạnh bẻ khóa hoặc tông cửa vào. Chuyện mới đây thôi, chưa đầy trăm ngày, một linh mục vừa nằm xuống trong tiếng khóc thương của nhiều người, tính ra có trên 10.000 người đi đưa tiễn cha ra nơi an nghỉ cuối cùng, vị linh mục ấy đã làm gì để khi nhắm mắt lìa đời người người ngẩn ngơ thương tiếc, đó là Cha Tổng Đại Diện của một giáo phận, trước linh cữu, giám mục giáo phận đã gọi Ngài là người của ân nghĩa, suốt đời không làm mất lòng ai. Gần chục năm nay ngài mắc căn bệnh bị liệt vào danh sách những người xếp hàng trước cổng nghĩa trang, nhưng sẵn tính vui tươi lạc quan, một con tim hiền lành thanh thoát, không mấy chú ý đến bệnh tật  mà chỉ chú ý đến con cái, mỗi lần rời bệnh viện sau một đợt hóa trị là vội về giáo xứ, đi từng làng thăm bà con. Trên đường từ giáo xứ về lại tòa giám mục, nếu nghe bà con gọi báo có người bệnh cần cấp cứu là quay đầu xe bất kể sớm tối, mà tới được nhà người bệnh đâu dễ dàng gì, phải băng qua mấy con hẻm, lội bộ qua vài cây cầu, có những buổi tối về mệt mỏi, Cha chỉ uống ly sữa rồi lên giường ngủ. Làm sao một con người yếu đau bệnh tật có thể bước đi như thế nếu không phài “sống nhờ Thần Khí và tiến bước cũng nhờ Thần Khí” (Gl -5,25).

Từ 3 năm nay, cứ một tuần ở giáo xứ thì tiếp đó lại nằm viện cả tháng, mọi chuyện như thể dang dở, thế nhưng ngôi nhà thờ giáo xứ cuối cùng cũng xây xong, và kịp làm lễ cung hiến trước ngày cha nhắm mắt. Làm việc cũng được trả một ngày sống, nằm viện cũng được trả một ngày sống, ngày nào được ban cho ngày đó, cuối một ngày và cuối một đời, cha đã có thể cất lên lời kinh cảm tạ vì Chúa đã xót thương, Người đã thi ân giáng phúc cho người thợ một đời để sống, đã trao vào tay những người thượng nghèo khổ, những con người được Chúa yêu thương cách đặc biệt, và nước mắt tiếc thương của đoàn con hôm ấy hòa thành tiếng ca tạ ơn, con tim bất động của cha như rung theo nhịp đập của con cái khắp nơi, những người  có mặt trong đám tang cũng như vằng mặt, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

            Chân mang giày là lòng nhiệt thành hăng say loan báo Tin Mừng bình an, đôi giày trên đôi chân của người nữ tu già yếu, có người nói đùa rằng một tấm thân “quá đát” nắm trong tay toàn những thứ quá đát, vậy chứ mấy gói thuốc thoa lưng hết đát đã mấy năm vẫn công hiệu như chưa hề quá đát. Bước đi chậm chạp, mỗi ngày đều đặn xuống ngồi trong góc bếp quen thuộc, đón bà con từ khắp các buôn làng mang hoa màu tới đổi gạo, thường là chuối, bí, dưa, măng tươi, nghĩa là bà con có thứ chi thì đem đổi thứ đó, gạo được qui đổi theo cân lượng của từng loại, ngoài gạo còn có thêm ít quần áo cũ và túm mì hoặc bánh mì để bà con dằn bụng trên đường về, tính ra mỗi tuần có hơn tấn gạo, đổi lại là măng với chuối, măng thì sắt phơi khô, không phải để lo kinh tế nhưng để đem “tế”, còn chuối thì phải xin các cha chung quanh lấy đem về cho các em nội trú hoặc cô nhi.

            Góc bếp, văn phòng làm việc của người nữ tu già, nhân viên là một ít chị lo phụ việc, trong đó thường xuyên có 3 chị người thượng. văn phòng này ngoài việc tiếp đón bà con tới đổi gạo, còn tiếp đón và hướng dẫn các đoàn từ thiện, bất kể công giáo hay phật giáo, đi thăm các làng người phong , thỉnh thoảng có một vài người thiện tâm đến ở vài tuần, vừa phụ giúp đón tiếp bà con tới đổi gạo, vừa đi thăm một vài làng phong. Ngoài ra thường ngày phải lo nấu ăn cho lớp giáo phu trẻ, lo nấu ăn cho các khóa học được tổ chức mỗi tháng 1 tuần, hàng tháng còn phải lo chia phần về cho các làng phong, đôi khi đột xuất cần nấu năm ba trăm phần ăn vào những dịp đặc biệt cho một giáo xứ nào đó.

Làm việc lớn với con tim bé nhỏ, làm mọi chuyện với đôi tay thầm lặng, mỗi ngày Chúa ban cho một ngày để sống là sống trọn một ngày. Người có thể quá đát, và đồ đạc cũng có thể quá đát nhưng công việc thì chỉ thêm chứ không có bớt, người đến đổi gạo đông hơn và đến từ những làng xa hơn. Số gạo cần có để đổi mỗi tháng gần 5 tấn, tìm đâu ra, chỉ có Chúa biết. May mắn, từ 3 năm trở lại đây, một ngọn gió đã đưa Mẹ Thêrese từ Lái Thiêu đến, một người hết đát đều đặn mang hàng cận đát tới để từ đây phân chia đi các nơi, bao gồm bánh phở, mì gói, quần áo và mọi thứ nước uống. Con tim người Mẹ làm sao đành lòng đứng nhìn con cái đói khổ, thấy người đến đổi gạo nhận được túm mì vụn, lấy ra một ít nhai đỡ đói rồi cẩn thận gói lại, Mẹ hỏi sao không ăn hết đi…”Mẹ ơi, để dành cho con ở nhà”. Thương quá, Mẹ nói đưa thêm cho mỗi người một túm nữa nữa, làm như thế có nghĩa là khi về lại Saigon, Mẹ phải ráng chạy thêm. Me ơi, có phải làm mẹ là suốt đời phải chạy đôn chạy đáo lo cho đoàn con không ? hay một khi mang đôi giày là lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng bình an, Mẹ vui khi hình dung ra cảnh mấy bé trong làng đêm nay đỡ đói lòng, nhờ gói mì mà no tròn giấc ngủ, ít là đểm nay!

Và đôi chân ấy quên hết mệt nhọc.

Một túm mì

Chuyện nhỏ thôi,

nhưng với hơi ấm của bàn tay Mẹ, có sức sưởi ấm, đem lại bình an, thư thái cho bao tâm hồn.

Đôi giầy là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an không dành cho riêng ai.

Mời bạn !!!

Mừng lễ thánh Têrêxa 01.10.11

MM.Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *