TMLGG 02: Chính tôi đã gặp Ngài

Nghe Audio

Quý vị và các bạn thân mến,

Dân gian thường có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Điều này không có nghĩa là thị giác được coi trọng hơn thính giác, nhưng đúng hơn, đó là sự quý giá của kinh nghiệm chính người trong cuộc, chứ không qua trung gian kinh nghiệm của người khác kể lại. Dù sao, kinh nghiệm của người khác cũng có giá trị của nó, giống như một người dẫn ta đến chân núi để rồi ta tự mình khám phá đường lên núi. Nếu không có người dẫn đến chân núi thì tự mình khó có thể lên được đỉnh núi. Tuy nhiên, nếu chỉ đứng dưới chân núi thì suốt đời ta chỉ sống nhờ dư luận và cho dư luận, chứ không phải cho chính mình!

Trong Tin Mừng, Gioan đã thuật lại chuyện chị phụ nữ Samari bên giếng nước Gia-cóp đã “thấy” Đấng Mê-si-a, là Người chị đã từng “nghe” kể từ lâu. Trong truyền thống tôn giáo của chị, chị đã từng nghe nói về các tiên tri và các ngôn sứ, đặc biệt nghe nói về Đấng Mê-si-a. Chị nghe về họ nhưng chị chưa hề gặp ai trong số họ. Chị nói “tôi biết Ðấng Mêsia, gọi là Ðức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Cái biết của chị là cái biết từ việc nghe người khác nói, cho đến khi chị vỡ lẽ ra rằng “mọi sự” Người loan báo không chỉ là “mọi sự cao siêu trên trời”, nhưng còn là “mọi sự trong lòng” của chị nữa.

Tuy nhiên, hành trình đi vào “mọi sự trong lòng” của một con người thật không dễ. Hơn nữa, Đức Giêsu vốn là người Do Thái, còn chị phụ nữ là người Samaria; họ thuộc về hai nhóm người không ưa gì nhau từ cả một truyền thống dài… Biết điều ấy, Đức Giêsu đã chủ động đi bước trước để vượt qua những ranh giới và rào cản. Bằng cách gợi chuyện độc đáo, Đức Giêsu làm cho người phụ nữ Samari trở nên vừa tò mò vừa thiện cảm với Ngài. Đức Giê-su đã không ngại xin nước của một phụ nữ Samari, điều mà một người Do Thái không thể làm. Chính chị phụ nữ cũng ngạc nhiên về điều này, chị hỏi: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Về phần Đức Giê-su, Ngài đã không bỏ lỡ một cơ hội để trò chuyện và chữa lành vết thương cho một con người!

Còn chị phụ nữ, dần dần chị nhận ra người đang nói với chị là một người đáng tin. Và chị có thể thổ lộ nỗi niềm của chị vốn bị chôn giấu, mà ngay cả chính chị cũng không dám đụng chạm đến. Chị đã từ từ can đảm để cho Giê-su chạm đến những vết thương và lòng tự ái của chị. Ngài đã chạm đến vết thương lòng của chị một cách quá nhẹ nhàng đến nỗi chị không cảm thấy bị xúc phạm, trái lại chị được chữa lành và được nâng đỡ. Chị đã đi từ việc gặp Giê-su như một người xa lạ và có vẻ kỳ quặc, đến một cảm nhận người đang nói chuyện với chị là một người đáng để tin.

Qua một cuộc đối thoại chân thành, mọi vết thương đã được chạm thấu và được chữa lành. Nếu chị không gặp Ngài, chị vẫn thấy cuộc sống bình thường. Cho đến khi chị gặp Ngài, chị mới nhận ra đời chị đang thiếu hạnh phúc, và chị đang được chỉ dẫn để tìm ra và tìm lại hạnh phúc ấy. Thực ra, không phải chị không nhận ra điều thiếu ấy nơi cuộc đời chị, nhưng vì không ai cảm thông với tình cảnh của chị để chị có thể trải lòng mình ra với họ. Chị đã phải lẩn tránh mọi người. Chị phải đi lấy nước vào buổi trưa để khỏi gặp ai. Tuy nhiên, sau khi gặp Giê-su, chị chẳng những không lánh mặt người khác mà còn cố ý đi tìm gặp họ để kể về chính kinh nghiệm của chị về “người đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Chị trở nên một con người tích cực và liên đới với người khác chính nhờ cuộc gặp gỡ này! Sau khi gặp Chúa, không biết chị có thấy mình trở nên đạo đức hơn không, nhưng điều chắc rằng chị được thôi thúc trở thành người loan báo Tin Mừng.

Nhờ sự thay đổi của chị mà dân làng cũng cảm nếm được một sự gặp gỡ đích thực. Lần này, chị đã đóng vai người dẫn dân làng đến chân núi, để họ tự khám phá lên đỉnh núi. Và dân làng đã cảm được kinh nghiệm đỉnh núi ấy. Họ bảo người phụ nữ: “không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Ðấng cứu độ trần gian.” Dân làng cũng đích thân cảm nhận được sự hiện diện của Đấng “biết hết mọi sự trong lòng”. Và họ trở nên những người kể cho nhau nghe về Giê-su, Đấng họ mong đợi.

Các bạn trẻ thân mến,

Thời nay thật dễ dàng để chúng ta nghe nói về Giê-su, nhưng đến gặp Ngài để có kinh nghiệm về Ngài thì quả là không dễ. Với sự trợ giúp của truyền thông hiện đại, chúng ta có thể tìm hiểu về thông tin của Giê-su để biết thêm về Ngài. Thế nhưng thật tiếc nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc biết những thông tin đó mà không có liên hệ thân thiết với Ngài. Thông tin về Ngài giúp chúng ta đến chân núi, nhưng để lên núi chúng ta phải ở với Ngài trong cầu nguyện riêng tư lòng với lòng.

Cầu nguyện chung cộng đoàn với những lời kinh của Giáo Hội là điều thật đẹp. Những hoạt động và dấn thân trong các phong trào cũng rất đẹp. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những giờ kinh và những hoạt động ấy, mà không có thời gian để tâm sự về những ưu tư của mình với Chúa và để nghe Chúa nói thì thật đáng tiếc. Chị phụ nữ đã trò chuyện với Chúa trước, rồi từ chính kinh nghiệm gặp Chúa của chị, chị mới chạy đi loan báo về Chúa cho mọi người trong làng. Thật đẹp nếu chúng ta nhường cho Chúa những khoảng lặng mỗi ngày để chúng ta trò chuyện với Giê-su và được Ngài hỏi han về cuộc sống của chúng ta!

Giê-su đã đến và đợi chúng ta rồi, như Ngài đã ngồi sẵn bên bờ giếng Gia-cóp. Chúng ta cũng thường gặp Ngài vào một “lúc giữa trưa” nào đó như chị phụ nữ. Ngài mong chúng ta nán lại đôi chút để trò chuyện với Ngài. Đôi khi câu chuyện đụng chạm đến những điều chẳng hay ho gì của đời chúng ta, nhưng nếu để Ngài chạm đến, chúng ta sẽ được Ngài chữa lành. Đồng thời, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta cách kiến tạo một cuộc sống hạnh phúc, như Ngài đã làm cho chị phụ nữ. Hơn thế nữa, nhờ kinh nghiệm thiết thân với Giê-su, chúng ta sẽ được tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng cho “mọi người trong làng”. Thật vậy, thế giới ngày nay không cần những thầy dạy về Giê-su, nhưng họ cần những lời chứng về kinh nghiệm gặp gỡ được Giê-su.

Ước gì chúng ta dám nán lại trò chuyện với Giê-su trong một không gian riêng tư,
để nói với Ngài và được nghe Ngài nói.
Ước gì qua cuộc “nói và nghe”, chúng ta nhận ra những vết thương nơi thẳm sâu cõi lòng và được Ngài chữa lành!
Ước gì nhờ ơn chữa lành, chúng ta nghiệm thấy cuộc đời mình tràn đầy sức sống và chứa chan hạnh phúc.

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *