“Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26:15). Giuđa đã thỏa hiệp với các thượng tế để đánh đổi thầy mình với giá 30 đồng bạc, bằng khoảng một tháng lương hiện nay. Chắc chắn, số tiền ấy không nhắm đến việc đo lường giá trị của Đức Giêsu, nhưng đó chính là cái giá mà Giuđa đã chấp nhận bán lương tâm mình.
Lương tâm con người là nơi tuyệt đối thánh thiêng và riêng tư. Nơi đó chính Thiên Chúa gặp gỡ và nói với con người về bản chất đích thực họ là ai và họ cần phải sống như thế nào. Lương tâm là tiếng nói sau cùng trong các quyết định chọn lựa sống và hành động. Lương tâm hướng con người đến sự thiện tuyệt đối. Nhưng nếu không được đặt trong tương quan với Thiên Chúa, người ta sẽ lấy gì để lượng giá lương tâm mình?
Thế giới hiện nay đang bị chi phối nhiều bởi chủ nghĩa tương đối và tục hóa. Một mặt, dường như mọi giá trị chỉ là tương đối, nên người ta dễ thỏa hiệp với điều xấu và điều ác mà không cảm thấy áy náy lương tâm. Thế nên người ta dễ dàng bán đứng nhau và bán đứng chính lương tâm mình với những cái giá có khi còn rẻ hơn cả một tháng lương. Mặt khác, hầu như mọi giá trị có thể đo được bằng tiền. Người ta học để kiếm tiền, làm việc để kiếm tiền, ngay cả yêu để có tiền. Tiền là tiên là phật. Tục hóa là thế. Lương tâm có nguy cơ bị chi phối bởi vật chất hơn là bởi các giá trị tâm linh.
Đức Giêsu đã bị bán rẻ, bị hành hạ và bị giết chết chỉ vì Ngài đã nói sự thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Sự thật đó đã làm cho lương tâm con người phải áy náy, phải chọn lựa và quyết định. Nó phán xét và tố cáo những gian ác và sai trái nơi lòng người. Nhưng đó chính là cách Thiên Chúa muốn đưa con người trở về với sự tốt lành và thánh thiện, trở về với Thiên Chúa.
Giuse Phạm Đình Cư, SJ