Chọn


(Truyện ngắn – xin gửi tặng các linh mục – người được Chúa chọn)

1.
-“Thưa ba má, con mới về!”.
Cha Khánh khoanh tay cúi đầu trước ba mẹ mình như thói quen mà thuở nhỏ cậu bé Khánh vẫn thường làm.
-“Mới về hả con! Hôm nay được nghỉ việc nhà thờ hả?”. Anh Sáu hỏi con trai.
-“Dạ, bữa nay con tranh thủ về thăm ba má, ở gần sát bên mà cứ bận rộn không về thăm được, con nhớ ba má quá!”.
Cuộc nói chuyện cứ thế kéo dài. Anh chị nhìn con mình với nụ cười hạnh phúc, như nụ cười ngày cậu chào đời, và ngày cậu được thụ phong linh mục, trở thành người mục tử của Chúa. Nụ cười ấy đã gần hai mươi năm rồi vẫn chưa tắt.
2.
Câu chuyện cậu bé Khánh chào đời là một phép lạ lớn, bởi có thể cậu đã không có mặt trong cuộc đời này.
Chị Sáu mang thai cậu khi trong người mang nhiều chứng bệnh, và căn bệnh nền nặng nhất là tiểu đường lâu năm. Ngay khi phát hiện có thai, bác sĩ siêu âm đã khuyên anh chị:

-“Chị đang bị tiểu đường rất nặng, phải chích Insulin mỗi ngày, kèm thêm những bệnh lý khác nữa, nên nguy cơ đứa bé sinh ra sẽ bị dị tật rất cao.”
-“Dị tật là sao bác?” chị Sáu hốt hoảng hỏi bác sĩ.
-“Đứa nhỏ có thể bị mù, hoặc tay chân bị dị dạng hoặc khiếm khuyết. Tôi nghĩ anh chị nên bỏ cái thai thì tốt cả cho sức khỏe của chị lẫn tương lai của em bé”.

Nước mắt trên hai gò má chị Sáu bắt đầu lăn dài. Đứa con đầu tiên, mà cũng có lẽ là duy nhất của hai vợ chồng được khuyên nên bỏ đi. Bỏ sao đặng! Thương còn không hết.
-“Tùy anh chị thôi! Cứ suy nghĩ và giải quyết sớm ngay khi thai còn nhỏ, để lớn sẽ khó giải quyết lắm!”.
Vợ chồng ra về trong nỗi buồn khó tả.

3.
-“Anh! Em không bỏ con đâu! Nó là con của vợ chồng mình! Què quặt đui mù gì vợ chồng mình cũng nuôi được hết! Anh chịu không?”

Anh Sáu nhìn vợ với sắc mặt xanh xao do những lo lắng từ khi nghe lời khuyên của bác sĩ, cộng với thể trạng ốm yếu sẵn của chị, anh thương chị quá! Im lặng rất lâu, khuôn mặt hằn lên nỗi lo tột độ, hồi sau anh nói:
-“Em! Anh sợ em không đủ sức…”
-“Đủ! Em đủ sức mà! Em chịu được.” Anh Sáu chưa dứt câu chị đã cắt ngang lời anh với giọng nói quyết liệt.
-“Mất đứa này mình còn có thêm đứa khác được mà em?” Anh an ủi chị.
-“Không anh! Em xin anh! Mất đứa này thì bệnh tiểu đường vẫn còn đấy thôi! Bệnh ấy chữa có hết đâu anh! Em tin Chúa không bỏ mặc vợ chồng mình đâu!”. Chị Sáu ráng nài nỉ chồng.

Anh Sáu muốn khóc, ôm vợ thật chặt. Chị vừa ôm anh vừa mếu máo:
-“Giữ con lại nha anh! Con cái là quà của Chúa mà! Em tin nó không bị gì đâu! Mà có bị gì vợ chồng mình cũng nuôi được mà anh! Bỏ tội con lắm!”.

Tay chị cứ kéo tay anh liên tục, anh vẫn khóc. Hồi sau anh gằn từng tiếng:
-“Ừ! Giữ lại! Tụi mình giữ lại!”.

4.
Sau lần siêu âm và cuộc nói chuyện, anh chị thường đến nhà thờ cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ. Lần nào nghĩ đến cái thai trong bụng, anh chị Sáu cũng bật khóc và tha thiết nài xin nhiều điều. Chị đã nói với Mẹ rằng:

“Mẹ ơi! Con tin vào tình yêu Thiên Chúa. Con cũng tin con cái là món quà mà Thiên Chúa ban cho vợ chồng con, nhưng con cũng không thể phủ nhận chuyện đứa con trong bụng có thể sẽ bị dị tật bẩm sinh. Nhiều lúc con thấy trong giấc mơ đứa con mà con sinh ra không giống bao đứa trẻ khác, con cũng lo lắm. Nhưng con tin Chúa có cách của Người, dù bất cứ hoàn cảnh nào xin Mẹ đồng hành cùng vợ chồng con. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho vợ chồng con và đứa con trong bụng của vợ chồng con.”

Dần dần, niềm tin của anh chị Sáu chuyển từ hoang mang sang mạnh mẽ; khi bụng chị càng to ra, sức khỏe nhiều lúc suy yếu, chị vẫn kiên trì với ơn xin như thế. Anh Sáu vẫn luôn bên vợ trong mọi lúc chị gặp khó khăn về tinh thần lẫn mệt mỏi thể xác. Lời cầu nguyện của anh chị vẫn không ngớt.

5.
-“Xin mời sản phụ Nguyễn Ngọc Thiên Nga vào nhận kết quả”. Anh chị dắt nhau bước vào phòng ngồi bệt xuống chiếc ghế dành cho bệnh nhân đối diện bác sĩ. Bác sĩ mở phong bì lấy hình siêu âm ra, rồi nói:

-“Theo như quan sát thai nhi ở giai đoạn này, em bé hoàn toàn lành lặn. Có thể quan sát thấy tay chân em nguyên vẹn và đầy đủ. Riêng mắt và những bộ phận bên trong khi sinh ra mới có thể thăm khám trực tiếp được.”

Anh chị vỡ òa trước lời ấy, chị ôm anh rồi hôn lên má anh liên hồi ngay trước mặt bác sĩ. Rồi chị nói:

-“Anh ơi! Chúa và Mẹ nhậm lời vợ chồng mình rồi!”. Anh ôm vợ và không quên nở nụ cười hạnh phúc trên môi.

6.
Ngày sinh của chị đã tới, vì căn bệnh tiểu đường khá nặng, nên chị không sinh tự nhiên mà phải mổ bắt con. Trước đó gần hai tháng, chị phải lên Sài Gòn sớm để bác sĩ vừa theo dõi lượng đường huyết và theo dõi cả tiến triển của thai nhi. Kề những ngày mổ, bác sĩ phải dùng thuốc giúp đường huyết của chị xuống mức bình thường, để đảm bảo khi mổ xong thì vết mổ của chị có thể lành lại. Mấy hôm đó chị xây xẩm mặt mày vì lượng đường giảm đáng kể, và sức khỏe có phần hơi yếu do trạng thái lo lắng.

Ca mổ kéo dài gần một giờ đồng hồ, đứa bé chào đời khóc oe oe. Nghe tiếng con khóc mà chị Sáu rơi nước mắt, miệng không quên thì thầm tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Bác sĩ nhanh chóng đưa bé đi kiểm tra thị giác, thính giác và nhất là những bộ phận bên trong cơ thể trước khi đưa bé về với cha mẹ.

-“Chúc mừng anh chị! Bé trai nặng ba ký tám! Bé kháu khỉnh và đẹp quá! Tôi đã kiểm tra mọi thứ cho bé, bé hoàn toàn lành lặn mà không bị khiếm khuyết hay dị tật gì. Mừng cho anh chị!”.

Chị ôm đứa con trai bé bỏng rồi hôn lên vầng trán nó. Chị bật khóc, anh Sáu không nói gì ngoài vuốt khuôn mặt bầu bĩnh của con và vuốt tóc chị Sáu. Nước mắt chị lại rơi, trong xúc động chị nói:

-“Anh ơi! Con mình nè! Con lành lặn bình thường anh ơi! Tạ ơn Chúa! Cám ơn Đức Mẹ….”
Căn phòng đầy ắp niềm vui lẫn xúc động. Khánh đã ra đời trong hoàn cảnh như thế!

7.
Rồi cậu lớn lên, theo đuổi ơn gọi dâng hiến và trở thành một linh mục. Anh chị Sáu nhìn con từng ngày lớn lên, từng bước đi của con khiến anh chị không ngớt suy nghĩ về sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời anh chị và đứa bé. Đứa con một mà Chúa ban cho anh chị cũng chính là linh mục của Chúa trong tương lai. Cứ mỗi khi thấy con cử hành Thánh Lễ, chị lại nói với Chúa:

-“Chúa ơi! Bé Khánh của Chúa ngày xưa đó! Con cám ơn Chúa đã cho cháu ra đời bình an, và Chúa dẫn cháu đến với Chúa qua đời sống linh mục. Xin Chúa tiếp tục giữ gìn phần đời còn lại của cháu.”

Nhìn con trai cười nói thăm hỏi, tay nắm lấy đôi tay già nhăn nheo của ba mẹ, anh chị Sáu cười hạnh phúc.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *