Chủ đề: Chúa Hiện Ra Chinh Phục Tôma – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm về Chúa Phục Sinh

 

CHÚA HIỆN RA CHINH PHỤC TÔMA

Lời Chúa: Ga 20,24-29

 

24Một trong nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. 25Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27Rồi Người bảo ông Tôma: “Hãy đưa ngón tay ra đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy vững tin.” 28Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!” 29Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”

 

Kinh Dọn lòng:

 

Xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn như Chúa Giêsu đã sống.

 

Lịch Sử:

 

Biến cố xảy ra sau 8 ngày Chúa đã hiện ra cho các môn đệ, lần này có Tôma cùng hiện diện.

 

Khung cảnh:

 

Các môn đệ ở trong phòng kín, Chúa Phục Sinh đến với các ông và rồi Ngài chinh phục Tôma.

 

Ơn Xin:

 

Xin được hoan lạc và vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Kitô. Và xin niềm vui hoan lạc đó làm cơ sở thúc đẩy tôi dấn thân sống theo cách hiến tế của Đức Giêsu.

 

Điểm Chiêm Niệm:

 

Xin gợi ý cho anh chị em ba điểm chiêm niệm.

 

1/ Tôma tuyên bố không tin vào Chúa phục sinh. Tại sao?

 

Trước hết, khi Chúa đào luyện các môn đệ, ông tỏ ra là người không hiểu gì cả. Chẳng hạn, Chúa lên đường cho Lazarô sống lại, Tôma nói lẫy: “Chúng ta cùng đi để chết với Thầy!” (Ga 11,16), vì Thầy đang bị người Do Thái tìm giết.

 

Khi Chúa nói về cái chết cứu độ nhằm chuẩn bị chỗ cho các môn đệ thì Tôma lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi” (Ga 14,5).

 

Đến bây giờ sau tám ngày không gặp được Chúa, ông đem chân lý thực nghiệm ra để thách thức niềm tin: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin!”

 

2/ Chúa chinh phục Tôma để ông tin

 

Chúa sử dụng chính hai từ ngữ: “ngón tay” và “bàn tay” mà Tôma đã tuyên bố để chinh phục ông.

 

Trước hết, “ngón tay” và “bàn tay” chỉ về quyền năng tiễu trừ ma quỉ và sức mạnh cứu độ của Chúa. Chúa từng nói: “Tôi lấy ngón tay Thiên Chúa mà trừ thì hẳn Vương Quốc Thiên Chúa đang ở giữa các ông (Lc 11,20). Đây là điều mà những người thân thuộc của ông Dacaria đã phải lên tiếng về Gioan: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào, vì quả thật có bàn tay Thiên Chúa phù hộ em” (Lc 1,66).

 

Khi nói với Tôma: “hãy đưa ngón tay ra đây và hãy nhìn tay Thầy”, Chúa không chỉ thực hiện việc tha tội và ban sức mạnh cho ông với tư cách là thượng tế, mà còn chia sẻ cho ông chính quyền tha thứ này, như cách Thiên Chúa đã ban cho cả tư tế lẫn dân chúng khi họ sai lỗi mà sách Lêvi nói về lễ xá tội (x. Lv 4, 1-21).

 

Thứ đến, khi Chúa nói với Tôma: “Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy”, chúng ta được phép liên tưởng đến cuộc sáng tạo mới. Bởi lẽ, trong cuộc sáng tạo cũ, Thiên Chúa rút xương sườn Adam mà đắp thịt vào làm thành bà Eva để cả hai nên một (St 2,22); còn nay, để cứu độ con người, Đức Giêsu đã chết, mở cạnh sườn ra để nước và máu chảy ra làm phát sinh một sự sống mới (Ed 47,1-12) và một nhân loại mới của con cái Thiên Chúa (Dcr 12,10).

 

Lời Chúa thách thức Tôma đọc ra ý nghĩa cứu độ và đụng chạm được thứ tình yêu hiến tế có tính thần linh này, nhờ đó ông mới thoát khỏi tội lỗi và tìm ra được con đường sống. Như vậy, trong khi Tôma đòi lấy cái thường nghiệm để chứng minh đức tin, thì ngược lại, Chúa đòi hỏi ông phải lấy đức tin mà chinh phục cái thường nghiệm: “Đừng cứng lòng nhưng hãy tin”.

 

3/ Lời tuyên xưng đức tin của Tôma

 

Cho đến nay, chỉ có lời tuyên xưng đức tin của Tôma đạt tới đỉnh cao tuyệt vời nhất. Trước đây, những lời tuyên xưng của các môn đệ khác đều còn mơ hồ như: “Đấng Mêsia” của Anrê (Ga 1,41); “Đấng mà Luật và Ngôn sứ nói tới” của Philipphê (Ga 45); “Thầy là Con Thiên Chúa là vua Israel” của Nathanael (Ga 1,49); “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” của Phêrô (Ga 6,69)…. Lời tuyên xưng lúc này của Tôma: “Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi” là kết tinh của một quá trình được hoán cải, từ nhãn quan thực nghiệm đến đức tin bằng chính kinh nghiệm của mình.

 

Bởi lẽ với lời tuyên xưng đó, ông xác tín rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật đã yêu thương ông: trả giá bằng cái chết để giải thoát ông khỏi sự chết; ban ơn sủng để ông nên môn đệ của Ngài. Và đây là kinh nghiệm về “giờ thứ mười” mà Tin Mừng Gioan đã giới thiệu (Ga 1,39). Vậy nhờ vào sự cứng tin và cũng vào chính lời tuyên xưng của ông mà Đấng Phục Sinh nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

 

Gợi ý :

 

– Suy nghĩ về lời kinh Tin Kính : “tôi tin Giáo hội… tông truyền” ngang qua kinh nghiệm của Tôma.

 

– Tra vấn chính mình: lấy thực nghiệm chứng minh đức tin hay lấy đức tin chinh phục thực nghiệm?

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Thánh nữ Margaret Mary Alacoque và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Lễ nhớ thánh Margaret Mary Alacoque được cử hành vào ngày 16 tháng 10. Ngài …

Lễ Khai giảng Trường học Đức Tin cho Người Trẻ (YSOF) – Mùa IV năm 2024 – 2025

  Trong hân hoan, Trường học Đức tin cho Người trẻ – YSOF mùa IV …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *