Chúa bị bắt (Ga 18, 3-9)
Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới.4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai? “5 Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.” Người nói: “Chính tôi đây.” Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ.6 Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.7 Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai? ” Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.”8 Đức Giê-su nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.”9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”
Suy niệm
Chúa Giê-su từng nói, “lòng đầy miệng mới nói ra”. Điều này có nghĩa những gì diễn ra bên ngoài là để thể hiện cái bên trong. Hôm nay chúng ta thấy cái bên ngoài đó là việc người ta tìm bắt Chúa. Một Giê-su lẻ loi đơn độc trước cả một toán quân với đèn đuốc và khí giới tìm bắt.
Trước khi người ta phản bội và bắt bớ Chúa bên ngoài, người ta đã phản bội và bắt bớ Chúa bên trong. Bên trong con người đã có nhiều cuộc phản bội và bắt bớ.
Cuộc bắt bớ bên trong diễn ra cũng y như bên ngoài vậy. Toán quân và thuộc hạ cầm đèn đuốc và khí giới cộng với Giu-đa cùng đứng với họ là ai trong con người của tôi? Đó chính là “chính mình”, cùng những ham mê thuộc thân xác. Chúa đã nói, ai muốn theo Chúa phải từ bỏ chính mình. Chính mình là đối thủ lớn nhất của mình. Kẻ thù này rất hùng mạnh. Trong khi đó, linh hồn hay hình ảnh Chúa nơi lòng mình thật mong manh, đơn độc và yếu đuối. Tiếng lương tâm, tiếng lòng, tiếng Chúa là âm thanh bị bách hại nhiều nhất bằng vô số những âm thanh khác.
Chúng ta tưởng tượng trong con người chúng ta diễn ra cuộc họp, thì lương tâm và cõi lòng của mình bị cả một toán quân bịt miệng, không cho lên tiếng, luôn bị phản bội và bắt bớ đe dọa đủ kiểu. Thế rồi kết thúc cuộc họp, phần thế gian to miệng nên thắng thế, quyết định không nghiêng về Chúa, khiến mình không làm được điều Chúa muốn.
Hình ảnh Chúa Giê-su hiên ngang đối diện với quân thù, và lời nói của Ngài khiến chúng bị ngã rạp xuống, chính là điều Chúa muốn chúng ta bắt chước.
Chúa muốn phần hồn của chúng ta cũng hãy hiên ngang như thế trước những đợt tấn công và bắt bớ của thế gian xác thịt và ma quỷ. Nhờ Chúa đã chiến thắng nên chúng ta cũng chiến thắng. Yêu Chúa chính là để cho tiếng nói của Chúa trong lòng được vang lên, được lắng nghe và thực thi.
Gợi ý:
1. Hãy dành giờ để kinh nghiệm được việc tiếng lương tâm của mình bị bắt bớ, hay chính Giê-su trong lòng mình bị phản bội và bắt bớ bằng những toán quân ích kỷ và cao ngạo nơi mình.
2. Hãy nhận ra tình trạng phản bội, tình trạng làm tôi hai chủ nơi mình, và xin Chúa cho mình luôn biết nâng đỡ bảo vệ Giê-su trong lòng mình. Giê-su trong lòng tôi cũng phải chiến thắng.
Người soạn: Lm Giuse Vũ Uyên Thi,S.J