Chủ đề: Đức Giêsu Ra Đi Chết Trên Thập Giá và Được Mai Táng – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm 

Đức Giêsu ra đi chết trên thập giá và được mai táng

(Ga 19, 16b-42)

 

Tin Mừng:

“….38Sau đó, ông Giôsep, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giôsep này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôsep đến hạ thi hài Người xuống. 39Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. 40Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. 41Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.”

 

Kinh Dọn lòng:

 

Xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi đều qui về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.

 

Lịch sử:

 

Sau khi mặc khải mình cho người Do Thái và dân ngoại (Philatô), Chúa ra đi chịu đóng đinh, chết và được mai táng.

 

Khung cảnh:

 

Ba nhân vật: Giôsep Arimathê, Nicôđêmô và Philatô an táng Đức Giêsu trong ngôi mộ đá.

 

Ơn xin:

 

Xin được đau đớn vì Chúa đã đi chịu chết vì tội của tôi (LT 193) và vì chính tôi (LT 203).

 

Điểm chiêm niệm:

 

Phần chiêm niệm của chúng ta trong ngày hôm nay khá dài, từ khi Chúa vác thánh giá đến khi được mai táng với 6 biến cố. Tôi xin gợi điểm cho anh chị em về biến cố cuối cùng để cầu nguyện. Năm biến cố trước, tôi xin giải thích vắn tắt theo sự cảm nhận giới hạn của tôi ở bên dưới. Trong biến cố an táng này, tôi xin gợi ý hai điểm chiêm niệm: thứ nhất về chủ đề thay thế và thứ hai về thửa vườn.

 

  1. Sự thay thế

 

Đây là chủ đề xuyên suốt không chỉ ở các Tin Mừng mà toàn bộ Tân Ước. Biến cố an táng Chúa trong các Tin Mừng đều diễn tả chủ đề này, nghĩa là kẻ an táng Chúa không phải là những môn đệ được gọi, được chọn và được đào luyện mà là người ngoài.

 

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, người an táng Chúa là ông Giôsep Arimathê (Mt 27,57-60; Mc 15,42-46; Lc 23,50-54).

 

Tin Mừng Gioan có hai người an táng Chúa, nghĩa là không chỉ có ông Giôsep Arimathê mà còn có ông Nicôđêmô nữa. Ông Giôsep được gọi là môn đệ chui, vì sợ người Do Thái và được Philatô cho phép hạ thi hài Chúa xuống khỏi thập giá. Chi tiết ông Nicôđêmô “trước kia gặp Đức Giêsu vào ban đêm” cho thấy ông cũng là môn đệ chui như ông Giôsep. Ông đem theo “một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” nhằm tuyên xưng niềm tin rằng, Đức Giêsu là Thiên Chúa thực và là người thực, đã cứu ông bằng cái chết của Ngài.

 

Trong Gioan, ta có thể đọc cách khác để thấy việc mai táng Chúa có cả Philatô tham dự, nếu ta đọc câu 38 như sau: “Sau đó ông Giôsep Arimathê, là môn đệ Đức Giêsu nhưng thầm kín vì sợ người Do Thái, đã xin ông Philatô, để ông này (Philatô) lấy thi hài Đức Giêsu xuống, và ông Philatô đã ưng thuận. Vậy ông này (Philatô) đã đến và đã lấy thi hài Ngài xuống”. Như thế, cả ba người an táng Chúa, hai người thuộc giới lãnh đạo Do Thái và một thuộc dân ngoại, những kẻ không có tên trong danh sách các môn đệ Đức Giêsu.

 

  1. Việc an táng trong thửa vườn

 

Theo Gioan, khởi đầu và kết thúc cuộc khổ nạn đều nói đến thửa vườn (Kêpos: Ga 18,1; 19,41). Ý nghĩa của nó là thửa vườn cứu độ, đối nghịch với thửa vườn Eđen xưa mà tác giả sách Sáng Thế gọi là “vườn hoan lạc”, nơi con người đã phạm tội (paradeisos tês truphês: St 3,23.24). Khi loan báo về niềm vui cứu độ cho Israel, ngôn sứ Êdêkien đã nói đến “thửa vườn hoan lạc” bằng từ ngữ “kêpos truphês” (Ed 36,35): Bởi lẽ đó là nơi Thiên Chúa sẽ qui tụ Israel vì uy danh Ngài, để chúng được rảy nước thanh sạch, được thay bằng quả tim mới bằng thịt, được ban Thần Khí mới để tuân giữ các phán quyết của Ngài…

 

Thánh Gioan đã vận dụng hạn từ “thửa vườn” (kêpos) của Êdekien mà xác định sự ứng nghiệm mà vị ngôn sứ này đã loan báo. Như thế “Thửa Vườn” mà Đức Giêsu được mai táng hiện thực “niềm hoan lạc” cho loài người, phải được trả giá bằng cái chết của Ngài, một cái chết trong ý định cứu độ của Thiên Chúa cho con người được sống. Và cũng nhờ cái chết đó mà lời loan báo tiền phúc âm xưa, nay được ứng nghiệm (x. St 3,15).

 

Câu hỏi gợi ý:

 

– Chủ đề thay thế giúp tôi phản tỉnh thế nào về tư cách làm môn đệ của tôi?

– Là môn đệ Đức Giêsu, tôi phải sống ra sao để đụng chạm được Vườn hoan lạc mới?

 

Ghi Chú:

 

Trong ngày sống, xin anh chị em suy đi nghĩ lại về cuộc thương khó của Đức Giêsu:

   -Buổi sáng: từ việc Rửa Chân cho đến hết những bài diễn từ ly biệt (Ga 13,1-17,26)

   -Buổi chiều từ khi Chúa bị bắt đến khi Ngài đươc an táng (Ga 18,1-19.42)

Rút ích lợi thiêng liêng từ những suy nghĩ đó cho bản thân.

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng,SJ.

Kiểm tra tương tự

Manna: Thấy họ có lòng tin (Thứ Sáu Tuần 1 Thường niên – Mc 2,1-12)

Lời Chúa: Mc 2, 1-12 1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. …

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *