Chủ đề: Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (8/4/2020)

Hướng dẫn sống Linh Thao số 11

 

Việc chỉnh đốn và canh tân trong việc ăn uống từ nay về sau

(LT 210-217)

Anh chị em thân mến,

 

Về Linh Thao thực hành, Tuần Ba có một bộ qui tắc liên quan đến “việc ăn uống từ nay trở đi”. Bởi lẽ bộ qui tắc là khí cụ hướng dẫn sống việc thao luyện thực hành trong Linh Thao và hậu Linh Thao. Trong việc hướng dẫn sống Linh Thao ngày 2/4/2020, tôi đã giúp anh chị em thực hiện việc hãm mình đền tội khi chúng ta sống việc thao luyện ở Tuần một để giúp chúng ta cộng tác vào việc sám hối và chuẩn bị lãnh nhận ơn tha thứ. Bước vào Tuần ba này, chúng ta thấy có bộ qui tắc liên quan đến việc ăn uống. Vậy chúng ta tìm hiểu sự liên hệ của hai vấn đề này với nhau và khám phá ra ý nghĩa của chúng.

 

1/ Liên hệ giữa việc hãm mình đền tội Tuần Một và việc ăn uống Tuần Ba

 

Sự liên hệ này hệ ở việc khai triển cùng một vấn đề thuộc về phạm trù tu đức trong Kitô giáo nhưng ở hai cấp độ trưởng thành khác nhau: cấp độ trưởng thành ở Tuần Một của đời sống thanh luyện được gọi là “Hãm mình đền tội” (LT 82) – ở cấp độ trưởng thành của đời sống soi sáng và Thần Hiệp thuộc cuối Tuần Hai trở đi, thánh I-nhã không gọi tên cho vấn đề này. Chúng ta tạm gọi là “Việc khổ chế”. Tại sao? Thưa vì nội dung việc hãm mình đền tội được thánh I-nhã khai triển ở Mười Điều Phụ Thêm và ta thấy có tới ba cách: thứ nhất, về đồ ăn (LT 93) – thứ hai, về ngủ nghỉ (LT 84) – thứ ba, về việc phạt xác (LT 85). Khi đọc nội dung của bộ qui tắc chúng ta đang bàn đến, ta thấy thánh I-nhã chỉ đề cập đến việc ăn uống tương đương với cách thứ nhất của việc hãm mình đền tội mà thôi mà không nói gì đến hai cách còn lại. Tại sao? Thưa ngài dùng phương pháp đại biểu, nghĩa là phân tích cách thứ nhất về ăn uống, nhưng người ta phải hiểu và thực hành ở cả hai cách còn lại, chứ không phải là hai cách kia không còn chỗ đứng nữa cho đời sống tu đức.

 

Tóm lại, ở bộ qui tắc về ăn uống, thánh I-nhã muốn khai triển về việc khổ chế cùng với ba cách như trong việc hãm mình đền tội của đời sống thanh luyện, nhưng chỉ bàn về một việc ăn uống như đại biểu để thao viên hiểu và áp dụng vào hai cách còn lại: ngủ nghỉ và phạt xác.

 

2/ Nội dung của bộ qui tắc

 

Bộ qui tắc mang tựa đề: “Những qui tắc để tự chỉnh đốn trong việc ăn uống từ nay về sau” (LT 210), nhưng nội dung gồm hai phần: phần thứ nhất, về mặt nhân bản về việc ăn uống (LT 2102– 213) – phần thứ hai, về mặt siêu nhiên có Kitô tính của việc ăn uống (LT 214-217).

 

-Phần một, về cấp độ nhân bản của việc ăn uống: Bộ qui tắc xác định rõ đối tượng của việc kiêng bớt. Nghĩa là, ngoài cơm và nước lã (LT 210-212), những điều khác liên quan đến đồ ăn và thức uống đều phải kiêng bớt, nhằm tránh hỗn loạn do kẻ thù xúi giục và cám dỗ phạm tội, bằng cách tập ăn nhiều những món ăn tầm thường và ăn ít đi những món ăn mỹ vị (LT 212) – và để đạt tới sự trung dung trong nhu cầu tự nhiên, vì khi bỏ bớt càng nhiều ta cảm thấy những hiểu biết thiêng liêng hơn và xác định được nhu cầu thực phải có, nhưng luôn giữ cho mình không đau yếu  (LT 213).

 

Những qui tắc này vừa tiếp nối việc hãm mình đền tội, vì vừa xác định rõ đối tượng kiêng bớt, vừa vượt qua việc hãm mình đền tội, khi xác định rằng mục đích không phải để đền tội mà để chống lại kẻ thù và tìm cho mình đạt tới sự trung dung trong đời sống nhân bản.

 

-Phần hai, về cấp độ siêu nhiên của việc ăn uống: dành cho người đạt tới sự trưởng thành ở đời sống soi sáng trở lên, vì nội dung bàn về ăn uống có tính Kitô: thứ nhất lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực khi ăn uống để noi gương Ngài, suy xét đời sống các thánh hay suy nghĩ những việc thiêng liêng, để đời sống được cao thượng và giảm bớt khoái cảm của việc ăn uống (LT 214-215) – Thế nên cần tự chủ khi ăn: không dồn hết tâm trí vào đồ ăn và không ăn như thể cho thỏa mãn cơn thèm khát  (LT 216) và tìm cách xác định số lượng đồ ăn, để chiến thắng sự thèm thuồng hỗn loạn và mọi chước cám dỗ của kẻ thù (LT 217).

 

Hiểu như thế, việc ngủ nghỉ và phạt xác cũng được thực hiện cách tương tự để hoàn thiện đời mình trong Chúa. Vì Chúa Giêsu nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại than khóc khi Chàng Rể còn ở với họ ư? Nhưng khi đến ngày Chàng Rể đã bị đem đi bấy giờ họ mới ăn chay” (MT 9,15). Vậy chúng ta gọi việc khổ chế ở những qui tắc về ăn uống này không còn liên can đến tội lỗi của con người quá khứ, mà liên can đến việc xây dựng tình yêu với Chúa Giêsu của con người mới, để nên môn đệ Ngài và để chuẩn bị dự tiệc cưới của Ngài trong ngày cánh chung.

 

Chúc anh chị em có được kinh nghiệm khổ chế này trong những ngày cao điểm của năm Phụng vụ và để sẻ chia cơm áo cho những người đang lâm cảnh thiếu thốn đặc biệt trong cơn đại dịch.

 

Ghi Chú: Trong các chủ đề chiêm niệm về cuộc thương khó của Chúa Kitô, anh chị em đọc kinh Lạy Hồn Chúa Kitô, khi kết thúc việc chiêm niệm sẽ giúp ích nhiều cho việc thao luyện của chúng ta như sau:

 

ANIMA CHRISTI

Lạy hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con.

Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin cứu độ con.

Lạy máu thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến.

Lạy nước bởi nương Long Chúa Kitô, xin tẩy rửa con.

Lạy sự thương khó Chúa Kitô, xin thêm sức cho con.

Lạy Chúa Giêsu nhân ái, xin nhận lời con.

Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.

Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.

Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.

Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con,

Và cho con đến cùng Chúa,

Để con được cùng các thánh

Ca tụng Chúa muôn đời.

Amen!

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Người soạn: Lm Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Thầy Phó tế Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J. – Nguyện sống đời phục vụ, trở nên bạn đường của Thiên Chúa

  Vào ngày 3/12/2024, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Tổng Giáo …

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *