Lễ Lá Trong Ý Nghĩa Của Bữa Ăn Vượt Qua
Mt 26,14-27,66
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? “23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! “25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? ” Người trả lời: “Chính anh nói đó! “
26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này”.
65 Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: 66 Quý vị nghĩ sao? ” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết! “
Kinh Dọn lòng:
Đứng trước Thánh giá Chúa, ý thức Chúa đang hiện diện với tôi và đọc:
Xin cho mọi hành vi và hoạt động của tôi đều quy về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.
Khung cảnh:
Sau khi dọn lòng, tôi ngồi xuống như một người bàn hỏi với Đức Giêsu về cách thức chuẩn bị và mừng Lễ Vượt Qua tại gia đình, tại cộng đoàn của mình, bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá.
Ơn xin:
Xin cho tôi hiểu và sống ý nghĩa của bữa ăn Vượt Qua ngang qua các bữa ăn hàng ngày.
Điểm suy gẫm:
Cùng nhập đoàn với các môn đệ, mỗi người, mỗi gia đình hãy đến và trò chuyện với Đức Giêsu. Chúng ta hỏi Đức Giêsu về bữa ăn Vượt Qua và cách thức tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại.
Hãy cảm nếm ý muốn của Đức Giêsu. Ngài muốn tổ chức bữa ăn Vượt Qua tại gia đình, tại cộng đoàn, chứ không phải tại Đền Thờ: “Thầy nhắn… Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ.” Đức Giêsu không nêu tên chủ nhà, như thế Ngài ngỏ ý muốn đến với mọi nhà, trong đó có nhà của chúng ta.
Đức Giêsu muốn sự chung hiệp với nhau, chứ không phải lễ nghi và hình thức: “Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.” Nó thật gần gũi để chúng ta dọn bữa ăn Vượt Qua trong hoàn cảnh cách ly vì dịch Covid-19. Chúng ta hãy mời Đức Giêsu cùng dự bữa cơm gia đình. Đấy là lễ Vượt Qua mới hôm nay.
Đức Giêsu muốn cùng với mỗi thành viên trong gia đình sống tinh thần Vượt Qua. Vượt Qua sự chia rẽ để xây dựng sự hiệp nhất. Vượt Qua quan điểm cá nhân để lắng nghe và đón nhận những giới hạn của nhau.
Tình yêu hôn nhân gia đình được xây dựng từ những bữa ăn hiệp nhất. Đừng để tinh thần chia rẽ làm bữa ăn trở nên nhạt nhòa. Đừng để một thành viên nào trong bàn ăn, dùng bữa như một người “nộp Thầy”. Chia rẽ, lừa dối, không đối thoại với nhau trong gia đình, là khởi đầu cho những mầm mống “nộp Thầy”. Đức Giêsu luôn muốn dự bữa ăn với chúng ta mỗi ngày trong hiệp nhất. Một lễ Vượt Qua mới nhờ có Ngài hiện diện.
Bữa ăn gia đình và cộng đoàn sẽ có ý nghĩa Vượt Qua, khi mỗi người quan tâm đến sức khỏe lẫn nhau, biết chú trọng và xây dựng sự bình an cho nhau. Câu tự vấn: Chẳng lẽ con nộp Thầy sao? là để mỗi người xét mình, đâu là cách mỗi người làm cho bữa ăn mang ý nghĩa Vượt Qua.
Bữa ăn còn là phúc lành của Thiên Chúa, kết hợp với công lao của bao người. Nên khi dùng thức ăn, phải dùng với lòng biết ơn; biết ơn Chúa và biết ơn nhau. Biết ơn Chúa và biết ơn nhau, chính là lúc chúng ta biến khoảng thời gian dùng bữa trở thành lời cầu nguyện trong Giêsu: “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng”, “Người cầm lấy chén dâng lời tạ ơn”, rồi trao cho nhau. Dùng bữa với tinh thần như thế, chúng ta đang cùng nhau Vượt Qua cơn cám dỗ: người ta sống chỉ nhờ cơm bánh. Nhưng đi đến sự đúng đắn, “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Những đôi đũa hay muỗng, nĩa dùng trong bữa ăn chính là cành lá của Lễ Lá. Chuyền thức ăn, nhường phần ngon cho nhau chính là lúc cất lời tung hô: “Vạn tuế Con Vua Đavít”. Như thế, bữa ăn sẽ không còn lời mắng nhiếc: “hắn đáng chết” mà vốn nó dễ xảy ra trong bàn ăn.
Ước gì mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn cử hành Lễ Lá ngang qua mỗi bữa ăn của gia đình, để chúng ta khởi sự nghi thức Tuần Thánh, sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu cách sống động trong nạn dịch Covid-19 này.
Kết nguyện:
Mỗi người hãy tâm sự với Chúa về những thiếu sót khi cử hành lễ Vượt Qua ngang qua bữa ăn của gia đình, của cộng đoàn. Sau đó đọc một kinh Lạy Cha.
Người soạn: Lm Antôn Nguyễn Thành Nguyên,S.J