Chúa “bay” lên trời

(Truyện ngắn)

 

1.

Thằng con rất thích ý tưởng Chúa “bay” lên trời mà ba giải thích cho nó về ngày lễ Thăng Thiên. Có lẽ để giải thích cho một đứa nhỏ mới bảy tuổi về ý tưởng “thăng thiên” của Con Thiên Chúa quả là khó khăn, nhưng liên kết cách dễ dàng về những ông tiên hay bà tiên trong phim ảnh, hoặc là những vị siêu anh hùng không hề chết mà được một siêu năng lực nào đó rước lên trời.

-“Ủa ba ơi! Mà Chúa lên trời có giống trong phim mà con coi hông?”

Ba gãi đầu rồi cười khì, lúng túng vì chả biết giải thích làm sao đây. Chẳng phải vì ba không có kiến thức vì trường lớp giáo lý và kinh nghiệm dạy cho ba những điều ấy, nhưng làm sao để nói cho đứa con. Cực chẳng đã đành gật đầu cười miễn cưỡng đáp lại:

-“Chắc là vậy đó con! Mai mốt lớn rồi con sẽ hiểu hơn!”

Thằng con khoái chí một tay chống cằm một tay chỉ thẳng lên trời, y như trong bộ phim siêu nhân Gao mà nó coi; nó nhắm mắt tưởng tượng như được bay lên trời sau khi làm bao nhiêu điều có ích cho cuộc đời.

-“Thích quá! Con cũng muốn bay lên trời với Chúa cái vèo!”, thằng con khẳng định.

Ba biểu nó:

-“Vậy phải học giỏi, ngoan ngoãn, nghe mời ba mẹ thì mới có đủ “phép” bay lên trời! Nghe chưa?”

2.

Câu chuyện Chúa “bay” lên trời được thằng con đem kể với bạn bè trong xóm và trong lớp. Chắc vì nó có khiếu kể chuyện nên kể chuyện tưởng tượng mà đứa bạn nào cũng mê mẩn câu chuyện của nó.

-“Ê! Mày có biết siêu nhân Gao biến hình hông?” Thằng con hỏi mấy đứa bạn:

-“Biết! Biết! Biết!”, mấy đứa bạn đáp lại lớn tiếng.

-“Rồi tụi mày có biết tề thiên đại thánh bay lên trời gặp ngọc hoàng thượng đế hông?”

-“Biết! Biết! Biết!”, mấy đứa bạn cũng đáp lại.

-“Tụi mày có biết Chúa Giêsu cũng “biến hình” như siêu nhân Gao và “bay” lên trời như tề thiên hông?”

Mấy đứa bạn mắt to mắt nhỏ nghe điều lạ lùng quá, hỏi lại:

-“Thiệt hả? Ghê vậy? Ai nói mà mày biết.”

Thằng con trả lời khẳng khái:

-“Ba tao nói!” rồi nó cười khoái chí như biết được điều thật to lớn.

3.

Chúa nhật lễ thăng thiên, mấy đứa nhỏ rủ nhau đi lễ coi Chúa “bay” lên trời và để chứng thực lời thằng bạn nói là đúng. Sáng đó, đứa nào cũng dậy sớm, mặc đồ thật đẹp để cùng ba mẹ đi lễ. Ba mẹ đứa nào cũng lấy làm lạ về tụi nhỏ.

Trước khi đi, thằng con như muốn đảm bảo điều mà ba nó nói, nó hỏi:

-“Ủa ba ơi! Mà bữa nay Chúa “bay” lên trời thiệt hông ba?”

Ba không suy nghĩ nhiều vì nghĩ rằng thằng con chỉ hỏi chơi, nhanh nhảu trả lời:

-“Ừ! Đúng rồi con! Nay Chúa “bay” lên trời” Rồi cha con cười ha hả.

Thánh Lễ bắt đầu, mấy đứa nhỏ sốt sắng chờ đợi. Hòa tiếng đối đáp trong Thánh Lễ mà trí cứ nghĩ tới lúc nào Chúa sẽ “bay” lên. Lúc ông cố đọc Lời Chúa xong, hay lúc ông cố giơ cao cái chén với cái bánh, hay lúc ông cố ngồi yên sau khi rước lễ để chờ Chúa “bay” lên như tụi nó mong đợi.

“Chúa đã lên trời núi đồi đưa mắt nhìn theo…”, nghe bài hát xong có đứa chợt nghĩ: “Í trời! Chúa đã bay lên rồi thì làm gì còn ở đây mà bay lên cho tụi mình coi nữa đa?”. Mấy đứa khác vẫn đương chờ đợi coi lúc nào Chúa sẽ hành động.

Nhưng từ đầu Thánh Lễ tới lúc bài hát kết lễ, rồi người xướng kinh bắt kinh trông cậy và làm dấu kết thúc, mấy đứa nhỏ tiu nghỉu ra về vì một màn thất vọng trông thấy. Tụi nó chẳng đứa nào nhìn đứa nào, cứ tiu nghỉu leo lên xe để ba mẹ chở về. Thằng con thì đi sau hết vì sợ tụi bạn thấy rồi kêu nó là nói dóc.

-“Ba! Sao ba nói dóc với con? Chúa có “bay” lên trời đâu? Làm con đợi nguyên lễ mà chẳng thấy?”

Lúc này ba mới giật mình vì suy nghĩ của thằng con. Ba biết điều mà ba nói giỡn chơi với nó giờ thành suy nghĩ thật. Thằng con chờ Chúa “bay” lên trời thiệt chớ hông phải hỏi chơi.

Kết quả là mấy đứa bạn cứ trêu chọc nó: “Dóc tổ bà! Có thấy Chúa nào “bay” đâu! Né chỗ khác! Chúa không bay là mày “bay” với tụi tao đó!”

Thằng con tiu nghỉu và buồn buồn mỗi khi tới lớp. Nó cũng giận ba vì nói dối với nó, nhưng nó không dám nói gì hay tỏ thái độ gì, chỉ giận trong lòng thôi. Tuy nhiên, thấy nó ít nói và cười thì ba cũng biết có chuyện.

-“Thưa cha! Xin cha giúp con chuyện này được không cha?”

Cha xứ hẹn anh vào sau Thánh Lễ chiều sẽ gặp vì lúc đó cha có nhiều thời gian.

Anh thuật lại mọi chuyện về cái tích Chúa “bay” lên trời và hậu quả của nó. Cha nghe xong cũng cười nắc nẻ. Hồi lâu cha chẳng đưa ra phương án nào. Cha cũng có suy nghĩ như anh: “Các cháu còn nhỏ quá thì làm sao giải thích chuyện lên trời hay xuống ngục tổ tông? Chẳng trách con trả lời nhanh quá làm nó coi Chúa như tề thiên là đúng rồi!” Lát sau, cha nói anh đừng lo lắng nữa, để cha tính cách giúp. Cách của cha là quy tụ tụi nhỏ về sân nhà thờ chơi chung, tổ chức này nọ để tụi nhỏ thân lại với nhau. Tuổi nhỏ nên tụi nó dễ bỏ qua cho nhau lắm! Sau hơn một tuần mọi chuyện xung đột đã ổn nhờ cách dàn xếp của cha xứ. Riêng chuyện Chúa “bay” lên trời thì cha không nhắc gì tới, cha cũng dặn anh đừng kể gì với thằng con nữa. Để lớn lên các em được học sẽ hiểu.

5.

-“Chúa ở cùng anh chị em!”

-“Và ở cùng cha”

-“Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cùng mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúng ta cùng nguyện xin Chúa cho chúng ta dù thân xác nặng trĩu ở chốn trần gian mà hồn luôn hướng về Chúa trên trời. Chúng ta hy vọng có ngày Chúa cũng đón chúng ta vào nhà Cha trên trời như lời Ngài đã hứa “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.”

Thằng con năm nào của anh giờ đây đã trở thành linh mục. Chịu chức linh mục bao nhiêu năm cũng là bấy nhiêu năm nó được dâng Lễ Chúa Thăng Thiên. Năm nào tâm tình trong Thánh Lễ này với vị linh mục trẻ cũng đặc biệt. Nhóm bạn chơi chung ngày xưa cũng có mấy người trở thành linh mục, còn lại lập gia đình ở tứ xứ, nhưng nhóm bạn vẫn liên lạc với nhau thường xuyên.

Sau Thánh Lễ, vị linh mục trẻ nhắn lên group chat của Zalo:

-“Alo! Mừng lễ Chúa “bay” lên trời nhen bà con!”. Những tương tác mặt cười mặt méo hiện lên sau tin nhắn ấy. Hôm đó, cả nhóm còn hẹn nhau lên chat trực tuyến để ôn lại chuyện xưa, cái thủa cả nhóm há hốc miệng mồm đợi Chúa “bay lên trời” ra sao.

Chợt vị linh mục trẻ nhớ ba và nhớ vị cha xứ xưa kia. Cả hai đã được Chúa gọi về. Nghĩ lại, cậu con thương cho sự lúng túng của ba vì chẳng biết giải thích thế nào về chuyện Chúa thăng thiên. Thương cho cha xứ đã tìm cách nối kết tụi nó lại với nhau để quên đi chuyện xích mích. Giờ được học những điều cần thiết về biến cố Chúa Giêsu thăng thiên, cậu bé năm xưa hiểu nhiều hơn và sâu xa hơn. Cậu chợt cười và nghĩ: “Công nhận lúc đó con dở thiệt! Ba hén!”.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …