Chúa Giêsu là ai trong thực tại con người hôm nay?

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên

(Marco 8:27-35)

 

Câu hỏi, “Chúa Giêsu là ai?” được đặt ra rất nhiều lần, và dường như không có câu trả lời tuyệt đối! Tại sao vậy? Thưa bởi vì kinh nghiệm của con người về Chúa Giê-su rất đa dạng qua ngôn ngữ, văn hóa, qua cuộc gặp gỡ cá nhân của họ với Ngài; đặc biệt, trong lĩnh vực giải thích Kinh thánh. Để hiểu Chúa Giê-su là ai, đó là cả một quá trình tìm hiểu, học hỏi không ngừng về cuộc đời và sứ vụ của Ngài. Thần học gia James P. Danaher đã từng nói: “khi hiểu những lời của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì trong cộng đồng văn hóa và ngôn ngữ của ngài, chúng ta sẽ hiểu thông điệp mà Ngài gửi gắm”.[1] Đúng vậy, truyền thống, Kinh thánh, giáo lý Hội Thánh Công Giáo, cùng với văn hóa và kinh nghiệm của con người, v.v., đã và vẫn tiếp tục góp phần quan trọng và hữu hiệu trong việc giúp con người tiếp nhận thông điệp của Chúa và chính Ngài.

Vì vậy, bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một lời mời gọi chúng ta phải tỉnh táo và nhận thức được “tước hiệu” chúng ta đặt cho Chúa Giêsu là gì, vì thông qua ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta, chúng ta rất dễ tự tạo cho mình một hình tượng về Chúa Giêsu, chứ không phải do Chúa ban cho biết! Các môn đệ Chúa hôm nay đã kể ra những tước hiệu mà con người gắn cho Thầy mình: Nào là Gioan Tẩy Giả, nào là ngôn sứ Ê-li-a, hoặc một ngôn sứ vô danh nào đó…” nhưng tất cả dường như chưa nói lên những gì Chúa Giê su . Ngài lại hỏi các môn đệ: còn đối với anh em, Thầy là ai? Hỏi gần hỏi xa không qua hỏi thiệt! Câu hỏi của Chúa Giê su tuy mang tính công khai, dành cho tất cả, nhưng lại đụng chạm đến kinh nghiệm sống và gặp gỡ riêng tư nơi từng môn đệ. Phê rô nhanh nhảu: Thầy là Mê-si-a, Đấng Cứu Thế! Các môn đệ khác chưa thấy động tĩnh gì. Có lẽ, họ là hiện thân của mỗi người chúng ta, những kẻ đang đi tìm câu trả lời về Chúa Giêsu là ai trong thực tại đời mình. Chúng ta có thể gọi đây là thái độ học biết về Chúa mang ý nghĩa xây dựng (Constructive Christology). Nói cách đơn giản, việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời tôi?” sẽ có điều gì đó liên quan đến văn hóa và bối cảnh.

CHÚA GIÊSU TRONG VĂN HÓA DO THÁI

Khi đặt câu hỏi “Chúa Giê-su là ai?” trong bối cảnh nước Do Thái, chúng ta sẽ thấy câu hỏi này có mối liên hệ với các quan điểm xã hội-văn hóa-tôn giáo-chính trị vào thời Chúa Giê-su.

Giống như mọi câu chuyện được truyền tụng từ đời này sang đời khác trong các gia đình bình thường, về lịch sử của tổ tiên, đặc biệt là những người quan trọng trong gia đình. Việc ghi nhớ, truyền lại những gì ông bà tổ tiên (người quan trọng) đã nói, đã làm, đã dạy… sẽ làm dấy lên ý thức trong quá trình khám phá cuộc đời của người đó: họ đã nói gì, đã làm gì, cuộc đời của người đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của những người đã và đang sống chung? Vv.

Chúa Giêsu cũng vậy! Các môn đệ đã tìm kiếm Ngài trong kinh nghiệm của chính họ và dựa trên nền tảng hiểu biết của họ: từ một Giê-su người Na-za-rét – rất con người, đến một Đức Kitô- Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Sự tiếp nhận thông tin và hiểu biết đó đã trải qua ý thức về lịch sử, văn hóa Do Thái. Sau này, các môn đệ trở thành những “người truyền tin” và họ diễn giải lại và truyền kinh nghiệm của mình cho người nghe (người nhận) về phương diện tìm kiếm và chia sẻ lẽ thật về Đức Kitô.

CHÚA GIÊSU TRONG BỐN SÁCH TIN MỪNG

Một trong những đặc tính rất thú vị của ngôn ngữ Kinh Thánh, đó là giàu sự tưởng tượng và ẩn dụ trong ngôn ngữ. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện khái niệm hiểu biết của người đọc về Kinh Thánh. Họ sẽ được Thánh Linh tác động. Và từ đó, hình ảnh về Đức Kitô cũng được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, ở khía cạnh nhân học, chúng ta có thể thấy văn hóa và kinh nghiệm của con người có ý nghĩa như thế nào trong cách sáng tạo, trong việc định hình và lĩnh hội hình ảnh của Chúa Giê-su: một Chúa Giê-su bốn sách Phúc âm với các tác giả khác nhau, khán giả khác nhau, và bối cảnh khác nhau. Từ ý thức đó, các tước hiệu được trao cho Chúa Giê-su cũng thể hiện cách người ta giải thích và hiểu các bản văn Kinh thánh:

Trong Tin Mừng Thánh Marco: phúc âm tập trung vào sứ vụ của Gioan Tẩy Giả (kinh nghiệm của Gioan Tẩy Giả). Và Chúa Giê-su đã được ban cho một tước hiệu là: Đấng Mê-si-a đau khổ. Danh hiệu này có nghĩa là Ngài đã bị từ chối, đau khổ và chết.

Trong Tin Mừng Thánh Mat-thêu: phúc âm bắt đầu với thời thơ ấu của Chúa Giê-su: Gia phả của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, trong đó đức tin là yếu tố quan trọng, và Áp-ra-ham là tấm gương tốt nhất.

Trong Tin Mừng Thánh Lu-ca: phúc âm bắt đầu với câu chuyện của A-đam, sự khởi đầu của loài người.

Và trong Tin Mừng Thánh Gioan, câu chuyện về Chúa Giê-su được viết trong bối cảnh của sự sáng tạo và xa hơn thế nữa: Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời.

Từ những điều đã được đề cập ở trên khi bắt đầu một sách Phúc Âm, chúng ta khám phá bối cảnh đằng sau chúng. Nhu cầu của những con người đó, vào thời điểm đó là gì và phúc âm sẽ đáp ứng với những thử thách như thế nào và cũng như cách mọi người nhìn nhận Chúa Giê-su trong bối cảnh hoặc hoàn cảnh của họ. Có nghĩa là Phúc âm đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa và con người, đồng thời, con người cũng tự xây dựng lại bản thân để tiếp nhận thông điệp từ kinh thánh trong bối cảnh và văn hóa của riêng họ. Chúng ta có thể gọi đó là ý thức lịch sử (historical consciousness). Ngay chính nơi Chúa Giêsu, Ngài tuy bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá của thời đại Ngài, nhưng Ngài cũng có nền văn hoá của riêng mình theo nghĩa mà Ngài đã nói: Tôi đến không phải để bãi bỏ các luật lệ mà là để hoàn thành chúng. (x. Mt.5, 17). Do đó, Chúa Giê-su với ý thức về nền văn hóa được tái tạo đã giúp Ngài làm rõ về danh tính và sứ mệnh của mình.

CHÚA GIÊSU TRONG THỰC TẠI CON NGƯỜI HÔM NAY

Có bốn hoa trái được tìm thấy trong thực tại con người hôm nay khi con người biết tìm kiếm Chúa trong ý thức về lịch sử và bối cảnh sống của họ.

Thứ nhất, ý thức về lịch sử và bối cảnh xã hội hôm nay, con người có cái nhìn và kinh nghiệm sâu sắc về những đau khổ chết chóc đang xảy ra. Họ không khó để tiếp nhận một Đấng Mê-si-a đau khổ mà Phúc Âm Thánh Marco muốn gửi gắm. Khi gặp đau khổ, thử thách, họ càng yêu mến hơn Đấng đã hiến mình để cứu muôn người. Hình ảnh những bác sĩ, y tá, các shipper, những tình nguyện viên đang dấn thân nơi các tuyến đầu trong đại dịch mấy năm qua, và ngay lúc này giúp họ tiếp tục có những khám phá mới mẽ về dung mạo của Chúa Giê su, niềm tin của họ về Chúa và sự cứu rỗi ngày càng mạnh liệt hơn.

Thứ hai, ý thức lịch sử có thể giúp đưa con người hôm nay đến một bức tranh toàn cảnh hơn về tính đa dạng, sống động của các văn bản Kinh thánh. Kitô học không có chuẩn mực nhất định cho tất cả mọi người, nhưng phải được ngữ cảnh hóa theo phương thức mà các dịch giả và người giải thích các thông điệp của kinh thánh mang lại. Đối với một số người, đau khổ, dịch bệnh, thiên tai…là sự trừng phạt của Chúa. Tuy nhiên, với người có đức tin vào Chúa, họ nhận thức hơn về thực tại cuộc đời, thêm yêu và trân trọng những gì đang có, đồng thời biết điều chỉnh lối sống mình, và phó thác cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Thứ ba, ý thức lịch sử bắt đầu từ kinh nghiệm của con người, vì vậy, nó có những hạn chế và tính cách không hoàn hảo. Khi nền văn hóa thay đổi, sự hiểu biết của con người về Chúa, đức tin, sự cứu rỗi, hay giáo hội, v.v., cũng thay đổi theo! Do đó, hiểu và nhận thức rõ về văn hóa là bước quan trọng của việc học hỏi Kinh thánh, nơi mọi người diễn giải kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa một cách khác biệt!

Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi “Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời tôi?”, thiết nghĩ chúng ta nên có một tâm hồn và trái tim rộng mở để đánh giá cao văn hóa và kinh nghiệm của người khác về Thiên Chúa, bởi vì tôi tin rằng Thiên Chúa của chúng ta, qua Đức Kitô, là Thiên Chúa hằng sống, đang hành động và biến đổi con người mỗi ngày.

Quỳnh Thoại, CĐM

[1] James P. Danaher, Eyes that See, Ears that Hear: Perceiving Jesus in a Postmodern Context (USA: Liguori Publication, 2006), 1.

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *