Em đi lấy chồng!!!

i-miss-you-crazy-crying-lonely-girl-hd-wallpaper

Thầy ơi, con đến chỗ thầy nhé……!!!! Tiếng gọi của một cô bé vang lên trong điện thoại đi kèm với những tiếng nấc. Em đang khóc, khóc cho số phận của em, khóc cho tuổi xuân thiếu tự do, khóc cho những ước mơ dang dở… khóc rất nhiều cho một hủ tục đang bóp nghẹt cuộc đời những cô thiếu nữ đang ở tuổi đôi tám, đôi mươi.

Em sinh ra trong một gia đình bậc trung trong một Sóc người Stiêng trên vùng đất mỡ gà Đông Nam Bộ; tuổi thơ gắn liền với những cánh rừng điều, những con suối, và những con chữ. Đẹp, cuộc đời diễn ra thật đẹp, thật êm. Cho đến một ngày sau khi trở về từ trường nội trú, em ngạc nhiên vì nhà mình bỗng dưng ồn ào hơn mọi ngày, ngạc nhiên vì có nhiều người lạ trong nhà. Em bước vào, và cuộc sống của em bắt đầu thay đổi từ phút giây ấy: người ta đến dạm hỏi em. Đúng hơn, bố mẹ hai gia đình nói chuyện với nhau, quyết định em sẽ là vợ của một cậu bé. Thỏa thuận kết thúc với tiệc heo gà và đôi thứ đồ “sính lễ”. 14 tuổi, em là một đứa trẻ, chuyện như đùa, chỉ biết vâng lời cha mẹ.

Rồi lớn thêm một chút, em giờ là đã một thiếu nữ, tuổi mơ mộng cho những lần gặp gỡ, những rung động; tuổi sôi sục nhiệt huyết cho những dự định tương lai, nhưng đó cũng là một tuổi tai ương trong cuộc đời em: 19 tuổi. Người ta lần nữa đến gặp gia đình em để đòi cưới em cho con họ. Em bắt đầu nhận ra cuộc sống của mình không còn mơ mộng nữa, nhưng đắng cay, có lẽ vậy, bởi em không yêu người ta.

Em từ chối, em xin cha mẹ. Cha mẹ thương con nói rằng ừ thì con tự do chọn lựa. Nhưng khi gặp người ta, cha mẹ lại cương quyết gả em. Em chạy khắp nơi để tìm một lối thoát: em xin những người họ hàng nói giúp với cha mẹ, họ không dám mở lời. Em xin ông “già làng” can thiệp, ông nói đó là chuyện của gia đình em. Em chạy đến với sơ, với cha xứ như là một cánh phao sinh, nhưng cha hay sơ cũng không dễ vượt qua được lệ làng, luật xóm. Em còn một giải pháp: trả của. Nhưng điều này lại không thể đối với em bởi điều này động chạm đến danh dự của gia đình em, và làm sao em có của để trả khi người ta đòi gấp đôi những gì đã dạm hỏi, và gia đình em không giúp em trong việc trả của này.

Còn nữa, em làm sao có thể trả của bởi việc của em không chỉ liên quan đến mình em nhưng còn can hệ “sinh tử” đến bạn bè của em. Bạn của em, những cô gái cùng tuổi, cũng đã bị “dạm hỏi” như em từ cái thuở còn nằm trong nôi, họ bị mang tiếng là “xúi giục” em trả của, cho nên nếu họ từ chối những người đã dạm hỏi họ, họ sẽ phải trả của gấp mười. Sở dĩ như vậy bởi chẳng có tiêu chí nào cho việc trả của cả, người ta muốn hét bao nhiêu thì hét, và như vậy các cô gái không còn đường tiến, chẳng có đường lùi, chỉ có một lối là chấp nhận để đi theo một lộ trình đã được thiết lập bởi gia đình, luật làng lệ xóm….

Em đã khóc rất nhiều cho tuổi thanh xuân của mình vì mình chẳng còn tự do trong tình yêu. Em khóc rất nhiều cho tương lai mờ mịt bởi lớp trai trẻ trong làng em ngày càng lười lao động, nhưng lại siêng nhậu nhẹt bất kể sáng chiều.

Tôi ngồi đối diện với em và không nói nên lời, không biết bắt đầu như thế nào và khuyên em phải làm gì. Tôi thấy mình đứng ở một vị trí quá xa để có thể nói một lời “giúp đỡ” – gánh nặng em đang mang không đến từ một cá nhân nhưng đến hẳn từ một nền văn hóa. Đúng thật, nếu em đấu tranh cho hạnh phúc của riêng mình và thành công trong cuộc tranh đấu này, em sẽ giúp được cho nhiều bạn bè của em. Nhưng em tranh đấu bằng cách nào đây? Tôi có thể giúp được gì em trong cuộc tranh đấu này? Em muốn “trốn thoát”, em muốn đi học việc ở một nơi xa nào đó khỏi bản làng, muốn chạy trốn cuộc hôn nhân của mình. Ừ thì có thể làm vậy, em thử, nhưng không thành công. Đơn giản em thuộc về vùng đất ấy – Sóc của em. Em không thể xa nó, không phải do người khác tìm bắt em về nhưng bởi tự nhiên em cảm thấy vậy. Thật khó cho một cô bé Stiêng phải xa làng của mình để sống ở một nơi xa lạ, đúng hơn là không thể, tự bản chất, em luôn cảm thấy thuộc về vùng đất ấy – nơi có bạn bè, gia đình, nơi gắn bó cả tuổi thơ của em, nơi em không thể xa.

Nghịch lý là vậy, luật lệ ràng buộc con người khiến con người có thể chạy trốn, nhưng rồi con người không thể chạy trốn được chính mình. Xa xóm làng, bà con trong Sóc, em như cây phi lao đem trồng nơi vùng ngập mặn, rồi nó sẽ ủ rũ tàn rơi. Là cây phi lao, em phải thuộc về vùng đất cát, đơn giản vậy thôi, và em chấp nhận sự khắc nghiệt của vùng đất cát.

Vâng vậy đấy, em muốn được tự do nhưng em phải ở lại xóm làng, em ở lại làng – nó như một thứ “mệnh lệnh” từ con tim. Tôi bỗng chợt nhớ hình ảnh con chó Bấc trong truyện ngắn “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London. Cho dù con sói được thuần hóa, nó vẫn hướng về rừng, và một ngày nào đó mọi ràng buộc sẽ bị tháo tung để sói lại về rừng. Em thuộc về nơi ấy, muốn tìm hạnh phúc cho mình bằng một cuộc “bôn tẩu” nhưng cuối cùng em chỉ thật sự tự do khi chấp nhận ở lại, mặc dù ở lại hàm nghĩa em chấp nhận cuộc hôn nhân không mong và một hành trình dài nhiều mảng màu đen đang chập chờn phía trước.

Tôi thương cảm em, nhưng vẫn thấy con đường em đi có nhiều hi vọng. Tôi hi vọng vì “nhà trai” cũng được đánh giá là “tử tế”, cũng “có nhậu nhẹt” nhưng không nhiều. Tôi hi vọng vì người con trai ấy thương em, tôi hi vọng tình yêu sẽ đến với em như ông bà ta xưa vẫn nói về tình yêu sẽ đến sau khi đã nên nghĩa vợ chồng. Câu chuyện của em là một ví dụ về số phận không may của nhiều cô gái phải sống trong chế độ “tảo hôn” thời nay, nhưng tôi nghĩ trong hoàn cảnh của mình, em vẫn còn may mắn hơn nhiều cô gái khác. Hi vọng cuộc đời sẽ mỉm cười với em. Nhưng lòng tôi vẫn đau đáu cho số phận những người thiếu nữ khác, làm sao để họ thật sự được tự do trong hành trình lập thân: một ý trung nhân đến từ con tim chứ không đến từ những ràng buộc, định chế. Tôi hi vọng rồi dân tộc của em cũng sẽ tiến theo lộ trình bình thường trong định chế hôn nhân: từ chỗ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó sẽ tiến đến lúc hai người đến với nhau bằng tình yêu tự do. Và tôi hi vọng điều ấy đến nhanh, có thể ở thế hệ của em, bạn em chưa được, nhưng ít nhất thế hệ con cháu của em sẽ được tự do trong việc này bởi đó là khát vọng của em, và con cháu của em sẽ thực hiện nó.

Câu chuyện của em có phần nghịch lý, nhưng thâm thúy làm sao. Có lẽ vậy, cuộc đời luôn có những bi kịch, nhưng luôn không mất hi vọng, Người ta có thể suy nghĩ để tranh đấu cho hạnh phúc của mình, nhưng vẫn luôn canh cánh cưu mang quyền lợi và hạnh phúc của bạn bè, người thân. Người ta có thể tính toán để thực hiện ước mơ của mình một cách quyết liệt nhưng vẫn luôn lắng nghe tiếng nói đích thực của con tim, để biết mình thuộc về đâu. Nhắm mắt lại, tôi chợt thấy câu chuyện của em như một bản tình ca buồn vậy. Cuộc sống chung quanh em đã dệt nên khúc ca buồn ấy, và em là người đang hát, đang trình diễn khúc ca ấy, có thể khúc ca ấy sẽ lay động lòng người khiến họ nghĩ lại những gì đang làm đối với em, và với bạn bè em. Và tôi nhìn thấy hình ảnh cuối cùng, thật đẹp: em ru con mình bằng bản tình ca buồn ấy, và con cái của em sẽ có được niềm vui nhờ khúc ru buồn mà em hát từ ngày hôm nay.

Phêrô Nguyễn Huy Hoàng S.J.

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *