Chúa nhắn tôi đừng chủ quan với Virus

Mấy ngày này, hàng loạt báo chí đưa tin thủ tướng Anh dương tính với Covid–19. Thực tế trên thế giới, nhiều quan chức và các nhân vật nổi tiếng đã lây nhiễm con virus này. Những bình luận có thể trái chiều dành cho họ. Có người cho rằng thủ tướng Boris Johnson đã chủ quan. Bản thân ông đã có những hành động không phù hợp với các khuyến cáo y tế. Ông đã có những “tiếp xúc không cần thiết”. Johnson nói trong cuộc họp báo ngày 3–3–2020 rằng: “Tôi đến bệnh viện tối hôm kia, nơi có một vài bệnh nhân Covid–19, tôi vẫn bắt tay tất cả mọi người![1] Nhiều người ngả mũ khen sự gần gũi và khả năng chống dịch quyết liệt của ông.

Chúng ta hướng về một ví dụ khác: nước Ý. Ai cũng biết điều gì đang diễn ra tại quốc gia này. Số người chết và nhiễm bệnh cao nhất nhì thế giới. Số là trước đó, chính quyền và người dân Ý có phần chủ quan. Họ không cách ly kịp thời, ngại đeo khẩu trang và tụ tập chốn đông người. Và nhiều lý do khác dẫn đến hiện trạng đau lòng này.  

Với hai ví dụ trên đây, tôi muốn hướng về Thiên Chúa để tìm những chỉ dẫn. Ngài nhắn với tôi đừng chủ quan! Virus Covid–19 không thể thấy bằng mắt, sờ bằng tay. Sức lây lan của nó thực sự kinh hoàng. Hậu quả của nó ai cũng thấy, cũng sợ đến hoang mang. Trong bối cảnh này, nếu không cẩn trọng, người ta có thể nhiễm cho mình và lây cho người khác. Bởi đó, tổ chức y tế thế giới (WHO), các quốc gia và Giáo Hội đưa ra nhiều biện pháp kêu gọi mọi người cùng nhau phòng và chống lại đại dịch này.

Bài học trong Vườn Dầu

Vào đêm kinh hoàng trong Vườn Dầu năm xưa, Chúa Giêsu nhắn với môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Khi thế gian đang thắng thế, sự dữ đang hoành hành, Chúa càng mời gọi các ông cộng tác. Số là các môn đệ mệt mỏi và buồn ngủ. Họ quên mất Thầy mình đang phải đối diện với cái chết. Giờ khủng khiếp ấy không chỉ đến cho Thầy Giêsu. Tất cả các môn đệ cũng sẽ bị đánh tan tác. Thực tế trong đêm hôm đó, các ông đã chạy mất dép.

Hai điều Chúa nhắn với tôi trong đại dịch này:

– Canh thức:

Đây không chỉ là hình thức cầu nguyện vào ban đêm, nhưng còn là đề phòng và thức tỉnh cả ban ngày. Tỉnh táo để thấy điều gì nên làm, cần làm và phải làm. Điều nào cần tránh, nên tránh và phải tránh. Giữa đại dịch, chắc chắn ai cũng biết cần làm gì từ những lời mời gọi của phía nhà nước, phía Giáo Hội. Hẳn là lúc này cần tạm gác lại vấn đề chính trị, đảng phái để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sẽ là rối loạn nếu người dân không theo những chỉ dẫn của nhà nước. May mắn cho người Công Giáo, vì chúng ta còn có Giáo Hội. Các người hữu trách của Hội Thánh liên tục đối thoại với nhà nước và với nhau. Từ đó, các ngài có những hướng dẫn cụ thể và kịp thời trong vấn đề mục vụ, đời sống thiêng liêng cho con cái mình.

Chỉ những ai thờ ơ mới không để tâm đến những hướng dẫn từ phía các ngài. Ước sao cha mẹ, ông bà và người lớn cũng biết chia sẻ những thực hành cần thiết cho con cháu. Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng người canh thức luôn có nhiều niềm vui và sáng kiến để tạo những không gian tốt cho mình và người thân. Chắc Chúa không bảo người ta ngồi ở nhà chờ chết, hoặc muốn làm gì thì làm. Ngược lại, qua những hướng dẫn cụ thể, Chúa đang mời gọi con người cùng nhau cộng tác. Khi đó, dù giữa đêm tối của bệnh dịch, chúng ta không cô đơn cũng chẳng tuyệt vọng.   

 – Cầu nguyện:  

Người ngủ mê là kẻ không thể cầu nguyện. Hậu quả là họ buông trôi cuộc sống. Có người cực đoan đến nỗi tuyên bố rằng: “Sắp chết đến nơi rồi mà còn cầu nguyện”. Hoặc, “ở nhà thờ có Chúa, virus làm sao có thể tấn công được!” Thái độ ấy dĩ nhiên là không phải cầu nguyện hoặc phó thác. Đúng hơn, họ đang thách thức Thiên Chúa, Giáo Hội và cả Nhà Nước. Cứ nhìn các môn đệ ngủ say trong đêm hôm đó nơi Vườn Dầu! Lúc quân lính đến, họ chạy toán loạn, ngay cả Phêrô cũng dùng bạo lực để chống chọi với quân thù (Ga 18,10). Trong tình cảnh nguy hiểm ấy, chỉ một mình Chúa Giêsu biết mình cần phải làm gì; bởi Ngài đã canh thức và cầu nguyện với Chúa Cha.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: Cầu nguyện và phục vụ âm thầm là những khí giới chiến thắng của chúng ta. Khi đó người ta không thể chủ quan hoặc thờ ơ với những gì đang diễn ra. Ngược lại, họ cùng với Thiên Chúa làm những gì cần thiết cho mình và người thân. Cứ nhìn đến dòng người đang xả thân lo cho cuộc chiến phòng chống virus này. Đó là những đóng góp của các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác.[2]

Thật tốt để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu trong Vườn Dầu năm xưa: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21,36). Khi lắng nghe và cộng tác với nhau, người ta thấy sáng lên những điều gì cần làm và nên tránh. Chủ quan sẽ giảm bớt nếu người ta đến gần với Thiên Chúa và liên kết với nhau hơn. Lúc đó, chúng ta vừa có vũ khí tự nhiên là những hướng dẫn chi tiết từ phía y tế; vừa có khí cụ thiêng liêng là sự đồng hành của Giáo Hội với mỗi người. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hòa quyện hai điều này để phòng chống dịch trong sáng suốt và bình an.

Hai ví dụ trên đây, và cả câu chuyện các môn đệ trong Vườn Dầu cho thấy: Nếu chúng ta lơ là và bỏ qua những điều cần thiết trong lúc này, số người nhiễm và chết vì Covid–19 luôn có nguy cơ bùng phát. Nếu người ta cứ liều lĩnh tập trung ăn chơi, lao mình vào chốn đông người hoặc thờ ơ vô cảm, khi ấy Thiên Chúa cũng chẳng có thể cứu được họ! Trong ý hướng này, có lần đức giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần cũng nhắn chúng ta rằng:

“Sự mù quáng, sự cứng lòng và sự tự đắc chủ quan đang là những mối đe dọa thực sự trong Hội Thánh chúng ta. Coi thường những mối đe dọa ấy, chính là một chước cám dỗ tai hại chúng ta cần phải đề phòng.”[3]

Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa còn mời gọi tôi hãy tỉnh thức để chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Đừng chủ quan với biết bao chuyện đời thế sự. Giáo Hội đang mời gọi mỗi người thay đổi lối sống. Chẳng hạn, Ngày 28–03–2020, trên Twitter ĐGH Phanxicô viết: Trong Mùa Chay này, cha mời gọi các con dừng lại đôi chút để chiêm ngắm trước Tượng Chúa Chịu Nạn và lặp lại lời này: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài yêu con, xin biến đổi con…” Được như thế, người con của Chúa phòng chống dịch Covid–19 hữu hiệu hơn nhiều. 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] https://vnexpress.net/the-gioi/thu-tuong-anh-nem-trai-dang-ncov-4076002.html

[2] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi (27-03-2020)

[3] Đọc thêm: Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ, Gm Bùi Tuần

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *