Lc 4:1-13
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! 10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Là người, ai cũng có kinh nghiệm mình bị cám dỗ. Có cám dỗ đến tự bên trong: như những nhu cầu cá nhân, đòi hỏi quá mức của bản năng. Có cám dỗ đến tự bên ngoài: như bất toàn của con người, bất công của cuộc sống. Phận người mong manh vì bị cám dỗ, nhưng cũng cao cả nếu chiến thắng cám dỗ nhờ những lựa chọn trưởng thành và tự do. Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm C, kể lại chuyện Con Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại kinh nghiệm khó khăn này.
Ba Cơn Cám Dỗ
Cám Dỗ 1: Bánh Ăn (cc 1-4): Sau khi Chúa ăn chay đến ngày thứ 40, cơ thể suy kiệt, bánh ăn không chỉ là nhu cầu, mà là tồn tại. Ma quỷ gợi ý Chúa hãy ăn. Cơn Cám Dỗ xuất hiện cách hiền lành, vô hại, lại chính đáng, hiện sinh. Nhưng công thức và cách đặt vấn đề đầy mưu mô tinh tế: (1) “Nếu là Con Thiên Chúa, Thì…” ma quỷ quy mọi khổ đau, đói khát của nhân loại trên mặt đất này là lỗi của Thiên Chúa. (2) vậy, Thiên Chúa ấy hoặc bất lực hoặc vô tâm. (3) nên, Nhân loại cần hạ bệ Thiên Chúa để tự giải quyết vấn đề. Đây là cái bẫy để đưa Chúa Giesu (1) tự khẳng định mình và lạm dụng quyền lực để lo cho bản thân.
Cám Dỗ 2 Tiền Của, Danh Vọng, Quyền Lực Trần Thế (cc 5-8): Cám dỗ này đã quật ngã, đã khiến biết bao con người quỳ xuống trong dòng lịch sử Nhân loại. Biết rõ quyền lực và sức mạnh của cám dỗ này, ma quỷ gợi ý với Chúa cách sỗ sàng, chẳng chút lịch sự: Ông quỳ xuống bái lạy tôi, tôi sẽ cho ông!”
Cơn Cám cuối cùng Danh Vọng Tôn Giáo – Con Đường Cứu Độ không hy sinh (cc 9-13): cám dỗ ở bình diện tâm linh, Quay lại với công thức đầy thách thức “Nếu là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!”, kèm theo 1 đoạn trích dẫn Thánh Vịnh 91:11-12, đầy chủ ý và lạm dụng, nhằm: (1) Thách Thức Thiên Chúa bằng những lời nói, hành vi vô bổ, bốc đồng; (2) Phô Trương cái tôi hám danh, ích kỷ; (3) chọn con đường “Cứu Độ” dễ dãi, chẳng cần hy sinh.
Ba điều ma quỷ cám dỗ: Của Ăn thường ngày, danh vọng trần thế hay tâm linh đều có 1 điểm chung: dựng cái Tôi được chiều chuộng ở trung tâm, đến chẳng có chỗ cho Thiên Chúa và tha nhân. Con người mọi thời, dù đạo hay đời, vẫn lầm lạc và té ngã thảm thương trước những cám dỗ muôn thuở này.
Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ ấy nhờ: Cầu Nguyện, Ăn Chay và Lời Chúa. Đó chính là những phương thế tốt nhất giúp con cái Chúa, giúp nhân loại băng qua thế giới bất toàn, đầy cám dỗ này, để chiến đấu và chiến thắng, để hoàn tất lịch sử đời mình, lịch sử nhân loại. Amen.
L.M. Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, S.J.