Chúa ơi, Chúa cần phải đến !

 

Karl Rahner SJ.

(Nguyn ngc Thế SJ. chuyn ng t „Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen“, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72).

 

 

Ngài đã nói với con, Chúa đã thực sự đến : Giê-su, con của Ma-ri-a, là tên của Chúa, và con biết con có thể tìm Chúa ở nơi đâu và lúc nào.

 

Lạy Chúa của con, Chúa hãy coi, mùa Vọng lại đến trong năm phụng vụ của Giáo Hội. Chúng con lại cầu nguyện với những lời cầu nguyện đầy lòng khao khát và trông chờ, và cả với những bài hát về niềm hy vọng và về lời hứa ban. Và tất cả những nỗi đau khổ, tất cả mọi sự khao khát và trông chờ đầy tin tưởng đều lại hướng về từ ngữ: Hãy đến ! Ô, một lời cầu nguyện lạ lùng: Vì Ngài đã đến rồi mà và Ngài đã cắm lều ở giữa chúng con, Ngài đã chia sẻ cuộc sống của chúng con, với cả những niềm vui nhỏ bé, với cả ngày sống bình thường thật dài và với kết cục thật đắng cay. Với từ ngữ của chúng con : « Hãy đến », chúng con còn có thể mời Ngài đến nữa sao ? Ngài có thể đến với chúng con gần hơn nữa sao ? Ngài thực sự đi vào trong đời sống rất bình thường của chúng con, đến nỗi gần như chúng con không nhận ra Ngài từ giữa những người khác. Lạy Chúa, Ngài đã gọi mình là Con Người ? Và chúng con thực tâm kêu cầu: Xin hãy đến. Và lời kêu cầu này thực sự phát xuất từ tâm hồn chúng con. Chúng con kêu cầu lời này như các giáo phụ, các vị Vua và các nhà chiêm tinh ngày xưa đã nhìn thấy ngày của Ngài và đã chúc lành cho ngày đó. Chúng con chỉ mừng mùa Vọng hay thực đó vẫn là mùa Vọng ? Và Chúa đã đến thực rồi sao ? Chính Ngài, như chúng con vẫn nghĩ đến Ngài, khi chúng con khao khát mong chờ Ngài, Đấng sẽ đến, lạy Thiên Chúa quyền năng, Cha của tương lai, sứ giả của hòa bình, Ánh Sáng và sự thật và niềm hạnh phúc vĩnh cửu? Trên những trang đầu tiên của Kinh Thánh, việc Ngài đến đã được hứa rồi. Và cũng trên trang cuối cùng không còn có gì có thể thêm vào, vẫn có lời cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su , xin hãy đến !

 

Có phải Ngài là mùa Vọng vĩnh cửu không ? Là Đấng luôn luôn cần phải đến, là Đấng không bao giờ đến, để đáp ứng tất cả những mong chờ? Có phải Ngài là Đấng xa xôi nhất không thể vươn tới, và tất cả mọi thời gian, mọi thế hệ, tất cả mọi khao khát của tâm hồn đang trên đường tìm đến Ngài, không bao giờ chấm dứt cuộc hành trình tìm kiếm đó ? Có phải Ngài là chân trời xa xôi đang bao phủ mảnh đất, nơi chúng con đang làm việc và đang đau khổ ? Và Ngài luôn vẫn mãi ở xa như vậy, dù người ta có rảo bước đến đâu đi nữa ? Có phải Ngài là Ngày Hôm Nay vĩnh cửu không ? Ngày Hôm Nay vừa gần vừa xa đối với tất cả, và Ngày Hôm Nay ôm trọn tất cả thời gian và tất cả mọi biến đổi vào trong vòng tay của mình ? Có thể Ngài hoàn toàn không muốn đến nữa, vì Ngài vẫn làm chủ những gì chúng con có ngày hôm qua và hôm nay không còn nữa, và vì Ngài đã vượt qua tương lai xa xôi nhất của chúng con một cách vĩnh cửu ? Trong khi chúng con vất vả đổ máu trên đoạn đường đi tới sự Vĩnh Cửu của Ngài, thì phải chăng chúng con cảm thấy rằng, trước chúng con Ngài lại đi thụt lùi gấp đôi đoạn đường, để đến nơi xa xăm không thể vươn tới, nơi mà Ngài sẽ làm cho sự hiện diện của Ngài được trọn vẹn ? Nhân loại có đến gần Ngài hơn không, kể từ bao ngàn đời nay họ lên đường làm cuộc phiêu lưu đáng sợ nhất và cũng ngọt ngào nhất của họ, để tìm gặp Ngài ? Trong cuộc sống của con, con đã đến được gần Ngài chưa , hay tất cả những sự cố gắng đến gần Ngài, đểu kết thúc bằng sự đắng cay lớn hơn nữa, và với sự đắng cay đó, sự xa xôi của Ngài đã nuốt chửng linh hồn con ? Phải chăng chúng con luôn luôn phải ở xa Ngài, vì Ngài, Đấng không thể dò thấu, thực sự luôn ở gần chúng con và vì thế Ngài không cần đến gần chúng con, và vì không có chỗ nào mà Ngài cần phải tìm tới nữa.

 

Ngài đã nói với con, Chúa đã thực sự đến : Giê-su, con của Ma-ri-a, là tên của Chúa, và con biết con có thể tìm Chúa ở nơi đâu và lúc nào. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con : nhưng việc Ngài đến cần phải được gọi là cuộc lên đường. Ngài đã được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ, và được người ta nhìn như một người trong chúng con. Ngài là một Thiên Chúa ẩn mình, thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng con, cùng lê bước với chúng con một cách không ngừng nghỉ, và chúng con không bao giờ đến đích, vì tất cả những gì chúng con đạt được chỉ là: sự chấm dứt. Chúng con vẫn kêu cầu : Xin hãy đến, xin hãy đến, Đấng không bao giờ mất đi, vì ngày của Ngài không có ban đêm và sự hiện diện của Ngài không có kết thúc. Chính Ngài, xin hãy đến, vì tự bản thân chúng con chỉ tìm lối đi dẫn tới sự kết thúc. Chúng con kêu cầu Ngài, vì chúng con nghi ngờ chính bản thân chúng con – đặc biệt trong những lúc chúng con ở trong thinh lặng và lo lắng, khi chúng con tự hài lòng với những giới hạn của mình. Chúng con đã kêu cầu đến sự vô biên của Chúa và chúng con chỉ hy vọng sự vô biên của Ngài sẽ đến với cuộc sống giới hạn của chúng con. Vì chúng con, con người – ít nhất những người được Chúa ban tặng sự khôn ngoan cuối cùng của cuộc sống này – đã nhận ra rằng, những gì chúng con thử làm thì thật là vô ích : lo lắng và sợ hãi cho sự giới hạn và mau qua của chúng con, với sức lực của chính mình và bằng những cách thức mới mẻ tìm cách thoát ra khỏi chính bản chất này của chúng con, để qua đó đạt được sự vĩnh cửu bằng ngàn vạn con đường. Vì chúng con tự mình không thể giúp mình được, và vì chúng con không thể tự cứu mình thoát khỏi mình được, nên chúng con đã kêu cầu sự hiện diện của Chúa và Chân Lý của Chúa, kêu cầu sự toàn năng của cuộc sống Ngài ngự đến trên chúng con, và cũng vì thế chúng con kêu cầu sự khôn ngoan của Chúa, sự tốt lành của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, để rồi khi Chúa đến, Chúa sẽ đập vỡ tất cả những giới hạn của chúng con, Chúa làm cho nghèo nàn nên giàu có, và Chúa cho chúng con, những con người của thời gian, được tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa. Chúa đã hứa với chúng con là Chúa sẽ đến và Chúa đã đến rồi. Nhưng Chúa đến như thế nào và Chúa đã làm gì rồi ? Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng : sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pon-ti-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt : đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu sa nhất và là cái chết. Chúa đã đón nhận chính bản chất của con người, nhưng không để biến đổi bản chất đó, hay để tận diệt nó, hay để  biến đổi hình dạng của nó cho rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn, hay để thần thánh hóa nó, hoặc ít nhất làm cho nó được trọn hảo và trở nên những hoa quả tốt lành, những hoa quả như là sự vĩnh cửu của mình, mà con người có thể đạt được từ mảnh đất nhỏ bé và đầy đá sỏi, và với sự cố gắng và tằn tiện hết sức của mình. Chúa đã làm cho cuộc sống của chúng con trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng con với tất cả những thực tế của nó. Chúa đã để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng con. Chúa đã cẩn thận chạm vào cuộc sống này, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra, trước khi Chúa chưa đón nhận tất cả mọi khổ đau. Và cả những guồng máy đầy bạo lực và dã man của thiên nhiên đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đã đi vào cuộc sống của Chúa.

 

Và khi cuộc sống làm người của Chúa hướng nhìn lên Đấng mà Ngài gọi là Cha, trong chân lý rõ ràng nhất và trong tình yêu nóng bỏng nhất, thì như chúng con Ngài đang hướng nhìn lên Thiên Chúa. Và con đường của Thiên Chúa thì không thể dò thấu được, cũng như sự kết án của Thiên Chúa không bao giờ thấu hiểu được. Thiên Chúa có thể trao ra chén đắng hay để cho chén đắng được qua đi, tùy theo thánh ý của Thiên Chúa. Và cho đến muôn muôn đời không có hai chữ tại sao đàng sau thánh ý đó. Thiên Chúa có thể làm khác đi, nhưng Thiên Chúa vẫn muốn những điều vượt khỏi tầm hiểu biết của chúng con.

 

Ngài cần phải đến, để cứu độ chúng con ra khỏi chúng con, và Ngài và một lần nữa chính Ngài là Đấng duy nhất có tự do, và chính Ngài là Đấng vô biên duy nhất đã « trở nên – như chúng con ». Và dù con có biết rằng Ngài yêu thương và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vô biên,  thì con vẫn xin hỏi Ngài rằng : Ngài không sợ hãi trước cái chết của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng không bao giờ chết ; không sợ hãi trước sự giới hạn của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng vô biên ; không sợ hãi trước sự hào nhoáng bên ngoài giả dối của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng trung thành với sự thật ? Có phải Ngài đã tự mình đóng đinh vào tạo vật, bằng cách Ngài đã đón nhận cuộc sống thực của Ngài, một cuộc sống thật gần và thân thiện với cuộc đời, mà trước đó trong cõi xa xăm vĩnh cửu Ngài chỉ đụng tới bóng đêm đàng sau, bóng đêm không có giá trị gì đối với ánh sáng không thể tới gần của Ngài ? Có phải thập giá trên đồi Gôn-gô-ta không chỉ là sự tỏ bày của thánh giá được chuẩn bị cho Ngài, và Ngài phải mang vác thánh giá đó trong mọi nơi và mọi lúc ?

 

Có phải việc Ngài đến, một lịch sử không dò thấu nổi, đã được nhân loại làm thành bài hát cho một ca đoàn mùa Vọng duy nhất và lớn lao, trong ca đoàn đó có cả những kẻ chế diễu Ngài đang mở miệng hát ca kêu cầu đến Ngài, và kêu cầu Ngài hãy đến ? Có phải vì nhờ những giọt nước mắt của Ngài, chúng con đã được giải thoát khỏi những bất hạnh của chúng con ? Có phải vì Ngài đã cùng thốt lên lời khiêm hạ, khi Ngài trở nên phàm nhân như chúng con, nên sự hèn hạ trong sự giới hạn của chúng con không còn là điều khủng khiếp nhất làm cho chúng con phải bối rối ? Có phải vì Ngài cùng lê lết với chúng con, nên con đường của chúng con, con đường không muốn có điểm kết thúc, đã tìm thấy một kết thúc thật tốt lành ? Làm sao cuộc sống của chúng con, cuộc sống mà Ngài đã đón nhận cho chính mình, có thể là sự cứu độ cho chính cuộc sống của chúng con ? Làm sao Chúa có thể chuộc chúng con ra khỏi lề luật (Gl 4,5), khi Chúa đã phải sống trong luật lệ ? Có phải sự hèn hạ của con đã trở nên lời Amen, đón nhận việc Ngài làm người, trở nên lời xin vâng về việc Ngài đến, và việc Ngài đến trong khôn ngoan đã vượt khỏi mọi sự chờ đợi của con, nên sự hèn hạ trong đời sống của con có thể là sự bắt đầu cho việc giải thoát ra khỏi sự giới hạn nặng nề ? Nhưng có lợi gì cho con, khi thân phận của con giờ đây được thông hiệp với thân phận của Ngài, khi Ngài làm cho đời sống của con trở nên đời sống của Ngài ? Hay Ngài chỉ làm cho đời sống của con trở nên sự khởi đầu cho việc Ngài đến, sự khởi đầu cho cuộc sống của Ngài ?

 

Từ từ con lại hiểu điều mà con đã luôn luôn biết : Ngài vẫn còn đang trên đường đến, và sự xuất hiện của Ngài trong thân phận của kẻ nô lệ là sự khởi đầu cho việc Ngài đến, để cứu độ nhân loại nô lệ mà Ngài đã đón nhận. Những con đường Ngài đi đều có điểm kết, đều có những đoạn thật hẹp mà Ngài phải đi vào, và những con đường đó cũng trải dài, cũng có thánh giá mà Ngài phải mang, và thánh giá đó trở nên dấu chỉ của sự chiến thắng. Thực sự Ngài đã đến đâu, Ngài vẫn còn trên đường đến mà : Từ biến cố Ngài trở thành người cho đến lúc thời gian được hoàn thiện cách trọn vẹn, đó chỉ là một tích tắc để Ngài thi hành sứ vụ. Sứ vụ Ngài thực hiện trong thân phận làm người của Ngài, đã ảnh hưởng trên chúng con và trên thân phận của chúng con, cũng như đã đón chúng con về lại mái nhà trong nơi xa xăm vĩnh cửu, mái nhà mà Thiên Chúa đang sống và hiện diện. Vì Ngài đã bắt đầu sứ vụ cuối cùng của Ngài trong tạo vật của Ngài, nên cuối cùng không có gì mới xảy ra trong thời gian này cả, mà là tất cả thời gian lúc này trong chiếu sâu nền tảng của mọi vật trở nên thinh lặng, và thời gian sau hết đã đến và đang hiện diện trên chúng con. (1 Cr 10,11), cũng như chỉ còn có một thời gian duy nhất hiện diện trên thế giới này : Đó là mùa Vọng của Ngài. Và nếu ngày cuối cùng này qua đi, thì thời gian không còn nữa, mà chỉ còn có Ngài đang hiện diện trong sự vĩnh cửu của Ngài. Đó không phải là thời gian làm cho những sự hiện hữu, và các sự vật tồn tại lâu dài, mà đó là những công trình tiến dần lên đến sự chín mùi của nó. Và nếu một sự hiện hữu mới dẫn đến một thời gian mới, thì như vậy với biến cố làm người của Ngài, một thời gian mới cũng là thời gian cuối cùng đã xuất hiện. Vì cái gì còn có thể đến nữa, nếu cái đó không cưu mang trong mình chính thời gian này ? Chúng con có thể thông hiệp với Ngài không ? Vâng, và chính vì thế mà điều này đã xảy ra, là Ngài chía sẻ thân phận làm người của chúng con. Người ta nói rằng, Ngài sẽ lại đến. Điều đó đúng lắm. Nhưng thực sự đó không phải là « trở lại », vì Ngài trong bản chất là người của mình, không bao giờ lìa bỏ chúng con. Ngài đã đón nhận bản chất làm người cho riêng mình cách vĩnh cửu.

 

Một điều luôn luôn cần được tỏ bày nhiều hơn nữa, là Ngài thực sự đã đến rồi, và con tim của mọi tạo vật bây giờ đã được biến đổi, vì Ngài đã đón nhận con tim đó vào con tim của Ngài.

 

Điều quan trọng là Ngài luôn luôn phải đến nữa, để nhờ đó sự tự do của thế giới được xuất hiện trong một ngày thật lớn. Hãy nhìn kìa, Ngài đang đến. Đó không phải là quá khứ và cũng không phải là tương lai, mà là hiện tại, hiện tại chỉ còn làm cho mình được tròn đầy. Giờ Ngài đến luôn luôn còn đó, và khi giờ đó tìm thấy điểm kết, thì chúng con sẽ nhận biết rằng, Ngài đã đến thật rồi. Xin hãy để con sống trong giờ Ngài đến, để con có thể sống trong Ngài, Thiên Chúa, Đấng cần phải đến. Amen.

 

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …