Chúa ơi, chúng con quá mệt mỏi lắm rồi!

Hơn 2 năm, kể từ ngày đại dịch covid 19 in hằn vào dòng lịch sử của nhân loại, điều này đã và đang làm cho đời sống của con người trở nên bất an, lo lắng và run sợ bởi sự đe dọa khủng khiếp mà đại dịch mang đến. Đại dịch đang nằm ở giữa lòng nhân loại, nó như vị khách lạ viếng thăm từng quốc gia, dân tộc từ Châu Âu qua Châu Á, từ người trẻ đến người già và từ người giàu đến người nghèo…, không phân biệt một ai. Nơi nào nó đến và ở thì nơi đó chịu những hậu quả đau đớn về vật chất cũng như tinh thần, khi làm hàng triệu người phải chết, vô số công ty xí nghiệp phải đóng cửa và vô kể người phải sống trong cảnh nghèo đói khi thiếu nhu yếu phẩm thường ngày.

Ngay thời bắt đầu bùng phát, tưởng chừng như con virus li ti này sẽ bị dập tắt bởi sự phát triển của cơ sở y tế hiện đại và ngành công nghiệp vũ bão như hôm nay. Nhưng khi covid bắt đầu xuất hiện nó đã làm cho nền kinh tế của một số quốc gia bị đe dọa cách nghiêm trọng, nhiều nhà máy xí nghiệp to lớn phải đóng cửa, hơn thế nữa các cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị tối tân cũng không đè bẹp được con virus bé nhỏ này. Ấy vậy, ngày hôm nay con người cứ ngỡ mình là loài mạnh nhất trên trái đất này, thông minh nhất và làm chủ được trái đất, cho nên con người luôn ra sức bóc lột và tàn phá tài nguyên thiên nhiên bằng những phương thức tàn nhẫn nhất. Nhưng hậu quả mà nó mang lại luôn đem đến cho con người nhất là người nghèo khổ là những vết thương không bao giờ lành.

Mỗi ngày chúng ta được chứng kiến qua tivi hay màn ảnh nhỏ của chiếc điện thoại về thông tin cũng như hậu quả mà covid tàn phá đến đời sống của con người. Lặng nhìn những người thân quen đến xa lạ đang phải lìa xa cõi đời, họ nằm xuống trong sự thinh lặng kinh hãi khi vắng bóng sự hiện của người thân thương để kính viếng, từ biệt trước khi rời xa trần gian; lặng nghe những tiếng kêu gào thảm thiết của những người dân nghèo đang phải vật lộn với cái đói, cái khát và bệnh tật đang đeo bám và bủa vây họ trong cuộc sống; và lặng thấu những thiên thần áo trắng đang ngày đêm miệt mài trong các bệnh viện dã chiến, họ quỵ ngã nhưng phải đứng lên, mệt mỏi nhưng phải mạnh mẽ, thất vọng nhưng phải hy vọng….

Hậu quả mà đại dịch covid 19 đem đến thật tàn khốc, đại dịch covid 19 đến như hồi chuông cảnh tỉnh và nhắc nhở mỗi người rằng: Con người ai cũng phải bước qua ngưỡng cửa cái chết, dù giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau yếu, tài giỏi hay yếu kém…tất cả đều có điểm về duy nhất đó là đất. Trong thánh vịnh 49 đã thốt lên: “ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”. Điều này, như minh chứng cho mỗi người ý thức về sự chết và bản tính mỏng dòn của con người, nhờ đó mà biết sống yêu thương, sẻ chia ngõ hầu là hành trang tiến về quê trời.

Chết con người chẳng mang được tiền, tài, danh vong hay nhà cửa…, những thứ mang được đó là tâm hồn, là tấm lòng biết chia sẻ và yêu thương. Qua bao nhiêu cái chết, chúng ta thấy được tất cả của cải hay danh vọng nơi trần gian chỉ là phù vân, chết là hết bao nhiêu của cải tích góp rồi cũng chỉ là một đống tro tàn. Qua đó, chúng ta biết làm giàu tâm hồn hơn thân xác, nhờ đó biết trau dồi đời sống qua việc sẻ chia cho những người nghèo đói cái ăn, cái mặc, nhờ đó mà chúng con biết phản chiếu Đức Ki-tô đến với mọi người.

Cuối cùng, đại dịch đến cho chúng con biết rằng: “Không có Chúa chúng con chẳng làm được gì”(Ga 15, 5). Xin cho chúng con biết lấy Chúa làm trung tâm của đời sống, để nhờ Người mà chúng con biết kết hợp với Chúa trong mọi khó khăn và thử thách, qua đó biết vượt qua nói với tâm tình tin tưởng và phó thác. Hơn nữa, Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, xin cho mỗi nhà lãnh đạo quốc gia biết nhìn nhận sự yếu đuối, bất xứng, bất toàn của con người qua đó biết xây dựng và kiến tạo hòa bình hơn là chia rẽ và xung đột.

Chúa ơi, chúng con mệt mỏi lắm rồi, chúng con rất cần bàn tay chữa lành của Chúa để băng bó và chữa lành những thương tích đang rỉ máu nơi nhân loại. Xin Chúa hãy ngự đến trong trái đất này cách thiết thực nhất, qua bàn tay trung gian của Chúa nơi các y bác sĩ để họ tìm ra và phát minh ra dược liệu để khắc phục và chấm dứt đại dịch covid, và nơi chúng con xin mỗi người ý thức sự hiện diện của mình trong việc thực thi Đức ái Ki-tô giáo ngay môi trường sống của chính mình.

Lạy Chúa Giêsu, nhân loại chúng con đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nhưng đau khổ vẫn luôn tiềm ẩn và làm cho đời sống chúng con khốn đốn. Xin Chúa hãy luôn đồng hành, sát cánh và sẻ chia với những niềm vui, nỗi buồn hay sự thất vọng trong cuộc sống của chúng con, qua đó chúng con biết rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng con. Amen!

Mọn Hèn

 

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *