“Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (11.12.20-16 – Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm A)

 

“Chưa từng có ai
cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả”
(Mt 11, 2-11)

 

2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:3 “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? “4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.15 Ai có tai thì nghe.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

 

 

Hôm nay Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta hãy hiệp thông với toàn thể Giáo Hội trong hành trình thiêng liêng chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh và mong chờ Chúa lại đến.

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su mời gọi thánh Gioan, và qua Gioan Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, hãy nhìn và nghe những điều Chúa làm và Chúa nói, nhìn và nghe những dấu chỉ Chúa ban cho cộng đoàn, gia đình và mỗi người chúng ta, dưới ánh sáng của Lời Chúa và nhất lả của Mầu Nhiệm Nhập Thể, được hoàn tất bởi Mầu Nhiệm Vượt Qua, để nhận ra Chúa đang đến, đã đến và chắc chắn sẽ đến.

Và Chúa đến không phải để đe dọa hay lên án, những để tha thứ, bao dung, chữa lành, phục hồi, tái tạo và mời gọi chúng ta đón nhận mầu nhiệm Nước Trời, qua việc trở nên một với Chúa, sống cho Chúa, vì Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa.

 

  1. “Thầy có thật là Đấng phải đến không?”

Khi lắng nghe và nhất là cầu nguyện với bài Tin Mừng, vừa được công bố, chúng ta không thể không nhớ đến những điều lạ lùng xẩy ra cho thánh Gioan Tẩy Giả lúc ông còn trong bụng mẹ: “ông đã nhảy mừng” khi Đức Maria đem Đức Giê-su đến, lúc ấy cũng còn đang được hoài thai, nhưng trẻ hơn (x. Lc 1, 44). Và chúng ta cũng có thể nhớ đến những lời đầy hi vọng của bố Zacharia nói về con của mình trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) bất hủ:

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.

(Lc 1, 76)

Như thế, những điều kì diệu và những mặc khải lạ lùng thủa ban đầu đã không miễn trừ cho thánh Gioan Tiền Hô khỏi những tìm kiếm, thậm chí tìm kiếm trong tăm tối để khám phá và gặp được Đức Ki-tô. Và thử thách ông đang trải qua thật tận căn, cả về số phận lẫn hành trình nhận ra “Đấng Phải Đến”:

Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?

Đó cũng là như thế đối với hành trình đức tin của chúng ta, cho dù mọi sự đều thật rõ ràng và minh bạch về kiến thức đến từ kinh Tin Kính và việc học giáo lí, nhưng mỗi người chúng ta vẫn được mời gọi có kinh nghiệm đích thân nhận ra Chúa là Đấng phải đến trong thế giới, cộng đoàn, gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn đôi khi kéo dài và diễn ra trong tăm tối của hành trình tìm kiếm, gặp gỡ đích thân, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, với những thăng trầm, buồn vui, vất vả và đầy thách đố. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng hành trình này của nhau và của chính mình, chúng ta cần tập nhìn với cái nhìn của Chúa, thay vì xét đoán về người khác và về chính mình nữa. Mà cái nhìn của Chúa là cái nhìn cảm thông, kiên nhẫn và gợi mở.

Nhưng tại sao? Tại sao đến tận cuối đời, Gioan vẫn chưa thực sự xác tín ai là Đấng phải đến, Đấng mà chính ông có sứ mạng loan báo và chuẩn bị mọi người đón nhận Ngài? Có lẽ, đó là vì sự khác biệt giữa chân dung Đấng phải đến mà ông đã phác họa và chân dung thực sự của Đức Giê-su:

 

 

– Gioan gọi người ta là “Nòi rắn độc kia”.

 

 

– Trong lời giảng về Đấng phải đến, ông dùng lời lẽ mạnh mẽ, thậm chí đe dọa: Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa[1].

(x. Mt 3, 1-12)

– Đức Giê-su nhẹ nhàng kể các dụ ngôn: Người kia có 100 con chiên, người phụ nữ có 10 đồng bạc, người cha có 2 người con trai (x. Lc 15)

– Ngược lại, Đức Giê-su thi ân cách quảng đại (x. dụ ngôn “Người Gieo Giống”); Người làm bạn và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, thâu nạp vào nhóm các môn đệ cả những phụ nữ không đức hạnh mấy! (x. Mt 9, 9-13; Lc 8, 1-3)

Chính vì thế mà Gioan đến tận cuối đời vẫn đặt câu hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không?” Còn chúng ta, nếu chúng ta quan niệm, sống và trình bày một Đức Ki-tô khác không theo các Tin Mừng, như thánh Phao-lô tuyên bố một cách mạnh mẽ: “Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Ga 1, 8), nhưng theo một ý thức hệ thần học hay thiêng liêng nào đó, theo ý riêng hay theo lòng ham muốn hoặc theo kiểu của thế gian, chúng ta cũng sẽ không nhận ra Người đã đến, đang hiện diện và sẽ đến!

 

  1. Hãy “nhìn và nghe”

Do đó, câu trả lời của Đức Giê-su không chỉ dành cho Gioan, nhưng còn ngỏ với loài người chúng ta ở mọi thời; đó là Ngài ban cho chúng ta những dấu chỉ, và mời gọi chúng ta hãy “nhìn” và hãy “nghe”, nghĩa là hãy có ngũ  quan (nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng) biết chiêm niệm. Như thế, Đức Giê-su không tự khẳng định về mình, cũng không áp đặt mình cho người khác, Người càng không định nghĩa ngôi vị của mình, Người mời gọi chúng ta hãy nhìn và nghe để cảm nếm sự dịu ngọt thần linh thuộc về ngôi vị của Người; bởi lẽ, Ngôi Vị của Ngài là Dấu Chỉ của mọi dấu chỉ, là Dấu Chỉ lớn nhất mà Thiên chúa ban cho loài người chúng ta. Nhưng tại sao Ngài lại “hiền” như vậy? Bởi vì, Ngài là tình yêu; và tình yêu là nhưng không, là mời gọi, là chờ đợi, là tôn trọng tự do; về điều này, chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Người Cha nhân hậu trong dụ ngôn “Người Cha có hai người con” (Lc 15, 11-32); và chân lí về ngôi vị, thì không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.

Chúng ta cũng được mời gọi nhìn và nghe các dấu chỉ: những dấu chỉ trong cuộc đời chúng ta, trong lịch sử và trong thế giới, dấu chỉ bí tích, và nhất là dấu chỉ Lời Chúa trong Kinh Thánh, để nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài đã đến, đang đến và sẽ đến để hoàn tất cuộc đời chúng ta, thân phận loài người, lịch sử nhân loại và toàn thể sáng tạo. Vì thế, mỗi ngày và trong thời gian tĩnh tâm, nhất là tĩnh tâm bằng việc lắng nghe Lời Chúa theo phương pháp Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola, chính là để nhận ra và gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô. Bởi vì, khi chúng ta nghe được Lời Chúa nói đích thân và thân mật với từng người chúng ta, thì chúng ta đã gặp được Chúa rồi. Vì Lời Chúa và chính Chúa là một; nói cách khác, Chúa hiện diện cách trọn vẹn trong Lời của Ngài.

Origène, nhà chú giải Kinh Thánh thế kỉ III, nghĩa là vào thời các giáo phụ, đã nói rất đúng rằng, chúng ta rất nhạy cảm về mãnh vụn của Bánh Thánh Thể, nhưng chúng ta lại để cho Bánh Lời Chúa bị vung vãi quá nhiều.

 

  1. Mầu Nhiệm Vượt Qua

Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tôn vinh ông, bằng cách tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:

Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.

(c. 11a)

Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa!

Đó là tương phản thứ nhất. Thực ra, là thứ hai mới đúng, vì giữa chân dung Đấng phải đến và chân dung thực sự của Đức Giê-su, đã là tương phản thứ nhất rồi. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa, khi Chúa nói:

Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông.

(c. 11b)

Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ thói quen thích xếp hạng, phân loại, phân cấp của con người và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời.

Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.

*  *  *

Gioan tuy đến cuối đời vẫn chưa xác tín về “Đấng phải đến”, nhưng Đức Giê-su đã công bố long trọng phần phúc của ông rồi:

  • Phúc thứ nhất: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
  • Phúc thứ hai: Gioan đã là “công dân Nước Trời” rồi, trong mức độ ông loan báo Đức Ki-tô không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng cuộc đởi của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; như thế ông đã trở nên một với Đức Ki-tô.

Nếu mối phúc thứ nhất chỉ có Gioan mới có, vì ai trong chúng ta cũng lọt lòng mẹ, nhưng không cao trọng gì mấy, thì mối phúc thứ hai của Gioan lại được ban cho tất cả chúng ta, đó là trở thành công dân Nước Trời, là trở nên một với Đức Ki-tô, qua việc làm chứng về Ngài bằng chính cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trong trong hi vọng và trong niềm vui.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Nhiều người thích nói về Thiên Chúa bằng những lời đe dọa như thế này, nhất là với trẻ em. Thật đáng tiếc, khi chúng ta rắc gieo sự sợ hãi, thay vì lòng biết ơn và tâm tình ca tụng, ngay ở khởi đầu của hành trình đức tin.

Kiểm tra tương tự

Chăm Sóc Các Loài Thụ Tạo – Ý Cầu Nguyện Tháng 9 Của Đức Thánh Cha

  “Liệu chúng ta có nghe thấy nỗi đau của hàng triệu nạn nhân của …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 11-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 11/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Phúc cho những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *