Chút cảm nghiệm về đau khổ

Question-About-Suffering1

Ai trong đời cũng có ít lần hoặc nhiều lần gặp phải những biến cố đau buồn. Những biến cố ấy có khi gây thương tổn nặng nề cho tâm hồn – một thứ tổn thương khó chữa lành, hoặc khi lành vẫn để lại vết sẹo nhức nhối. Chưa kể nhiều khi quá đau đớn, bản thân đương sự khao khát được chết còn hạnh phúc hơn là sống trong tình trạng liên miên đau buồn khắc khoải. Thế nhưng, sau các trận cuồn phong – bão táp thấm thía như vậy, người ta bắt đầu lắng đọng; với một trạng thái khó diễn tả, tâm hồn nảy sinh nhiều nghi vấn: tại sao tôi đau khổ? Ai gây đau khổ cho tôi? Tại sao là tôi mà không phải người khác? Đau khổ đem lại gì cho tôi? Tôi phải làm gì với những người dã tâm – gian ý, gây đau khổ cho tôi? Khi  đối diện với đau khổ tôi có thái độ nào? v.v…

Đau khổ vốn dĩ là một mầu nhiệm khó lý giải. Không ai dám nghĩ mình có khả năng trình bày trọn vẹn những vấn đề và ý nghĩa liên quan đến đau khổ. Tuy nhiên, nếu giới hạn trong phạm vi cảm nghiệm, ai trong chúng ta cũng có thể chia sẽ cảm nghiệm sâu ẩn trong trái tim của mình sau những biến cố đau khổ đã xảy ra.

Những câu hỏi: “Tại sao tôi đau khổ? Ai gây đau khổ cho tôi? Tại sao là tôi mà không phải người khác?”, thường là những vấn nạn khởi đầu khi người ta bị nỗi đau hành hạ. Nhưng khi đau khổ tạm lắng dịu, thì câu hỏi “đau khổ đem lại gì cho tôi?” xem ra là cần thiết hơn cả.

Thông thường, người ta rọi vào một trong ba thái độ sau đây khi gặp phải những biến cố đau khổ: một là căm ghét oán hận, tìm cách báo thù; hai là thái độ khiêm tốn, tri ân vì nhờ đau khổ mà bản thân được biến đổi và trưởng thành vững vàng; ba là tình trạng hững hờ, buông trôi, không oán thù cũng không khiêm tốn tri ân.

Ở đây chỉ xin chia sẻ thái độ khiêm tốn tri ân, còn hai thái độ kia xin để các nhà tâm lý chuyên môn bàn đến. Có điều khá đơn sơ, thực tế và gần gũi với con người, là sự thành công có thể mang lại niềm vui tươi phấn khích trong một giai đoạn ngắn, sau đó người ta lại nỗ lực tìm kiếm thành công tiếp theo để tạo niềm vui mới. Điều này tự nó không xấu, nhưng thử hỏi nó có thể giúp con người trưởng thành và tự do hay không? Riêng với đau khổ, quà tặng lớn nhất của nó là mang lại cho con người nhiều kinh nghiệm xương máu cuộc sống; và đặc biệt là trạng thái lớn lên trong tự do.

Không ai trong đời thích đi tìm đau khổ(trừ khi có ai đó mắc phải căn bịnh kỳ quái!). Dù vậy, đau khổ vẫn xảy ra trong cuộc đời của mỗi người; và khi buồn đau ập đến, tình cảm tự nhiên là ưu sầu phiền não. Tình cảm này tưởng chừng là thuốc đắng tai hại, nhưng thật ra ta có thể nhìn nó như “món ăn bổ dưỡng” cho đời sống nội tâm. Bởi đằng sau đau khổ thường ẩn chứa những bài học quý báo, tựa kích thích tố mang lại sức mạnh lớn lao, thúc đẩy con người hiểu rõ mình đang tăng trưởng và làm chủ bản thân.

Dù đau khổ do chính mình gây ra, hoặc do ngẫu nhiên ập đến, hoặc bởi kẻ ác cố tình tạo nên… chúng ta đều có tình cảm(ít ra trong lúc ban đầu) là: mất bình an, oán trách, căm hận… Điển hình, còn đau khổ nào bằng khi người thân nhất của mình qua đời; hay còn đau khổ nào gây bức xúc hơn khi bị bề trên hiểu lầm, chẳng những không cho cơ hội để mình giải bày, mà ngược lại còn bị kết án và gánh chịu những hậu quả oan nghiệt; hay còn nỗi khổ nào nhức nhối hơn khi vì lòng đố kỵ, mà anh em mình loại trừ và sát phạt mình một cách tàn nhẫn không chút xót thương; v.v… Nhưng các đau khổ ấy lại có khả năng giúp đương sự nhận thức được giá trị cuộc đời và ý nghĩa phẫm giá của con người.

Ở đời, người ta thường khao khát đi tìm sự hoàn hảo, nhưng bản chất con người vốn ẩn chứa nhiều khuyết điểm, tội lỗi, sai lầm và đau khổ. Dù vậy, nếu nhìn mọi sự cách tích cực, thì những điều ấy cũng góp phần rất lớn trong tiến trình phát triển của con người. Nói cách nào đó, đau khổ cũng là “thầy giáo” truyền thụ nhiều bài học có giá trị. Vấn đề là ở chỗ, ta có đủ can đảm đón nhận đau khổ như “nhà giáo dục” cho bản thân hay không? Hoặc ta có dám nhìn đau khổ là người bạn mang lại những ý nghĩa tốt đẹp và cần thiết cho đời người hay không?

Với nhãn quan Ki-tô hữu, tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ta sẽ nhận ra sau những đau khổ thất bại, điều mà mình nhận được nhiều hơn điều mà mình mất. Nói rốt ráo hơn, mọi sự là do Chúa, ta chẳng có gì để mất; và như vậy, mình chỉ có được chứ không mất. Nếu lấy con tim để đảm nhận đau khổ, ta như bừng tỉnh khi hiểu rằng, đằng sau đau khổ thử thách là các bài học đức tin vô cùng quý giá mà Thiên Chúa muốn đào tạo con cái yêu dấu của Người. Thực tế, con người thường có tâm lý tránh né đau khổ, thậm chí không thích đặt vấn đề về nó, vì sợ phải giải quyết. Vẫn biết rằng đau khổ có cần thiết hay không là tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người. Có điều người Ki-tô hữu nào không có đức tin, nội tâm trống rỗng, tất nhiên họ rất khiếp sợ đau khổ, họ sống lệ thuộc vào những niềm vui giả tạo bên ngoài, nhằm thỏa mãn những nhu cầu – cảm giác tạm thời.

Khi cảm nghiệm đau khổ bằng đức tin, ta sẽ thấy được Thiên Chúa quan phòng trong từng biến cố và khoảnh khắc của cuộc đời; đồng thời ta “ngộ” ra rằng, ngang qua đau khổ, thậm chí ngang qua những lận đận truân chuyên bởi người đời gian ác, Thiên Chúa dẫn ta đến mục đích mà Người muốn. Nói cụ thể hơn, dù khi ta phải đối diện với những người mà trái tim họ chứa đầy những độc ác, nhưng Thiên Chúa sẽ biến nó thành những gì tốt lành cho ta. Giả như ta bị đau khổ cách nghiệt ngã, bị người đời hiểu lầm, khinh miệt, dè bĩu… ta sẽ có trải nghiệm để chiêm ngắm Chúa Giê-su –  Đấng Vô Tội đã cầu nguyện cho những kẻ ác đóng đinh Người vào khổ giá.

Đỉnh cao là ở chỗ “lấy ơn báo oán”, nghĩa là giống Chúa Giê-su cầu nguyện cho những ai gây đau khổ cho mình; đặc biệt là không ngưng chúc phúc cho họ. Thiết nghĩ, không có phương cách “trả đũa” nào thấm thía cho bằng việc cầu nguyện và tha thứ cho người thích gieo đau khổ cho người khác. Nếu họ đã làm điều ác, mà mình cũng làm như họ, thì đâu còn gì để nói nữa!

Thật ra, đau khổ không phải là thứ để người ta chỉ đi tìm lý giải, mà nó còn là đối tượng cần được đón nhận. Bởi khi biết đón nhận khổ đau, cuộc sống của mỗi người trở nên kiên vững; trái tim sẽ luôn nảy nở tình yêu cảm thông; và nhất là biết trân quý sự sống ngay lành và chân thật. Dĩ nhiên, không ai phủ nhận việc nỗ lực chữa lành những vết thương lòng do đau khổ gây ra, nhưng vết thương thẳm sâu ấy có lành hay không lại là một chuyện khác. Với người môn đệ theo gót Thầy Giê-su, nên chăng sau những đau khổ, ta thành tâm khiêm nhượng để các đòi hỏi của Chúa ray rứt – khắc khoải trong lòng? Bởi vì ray rứt, nhức nhối và đau khổ giống như vết thương không bao giờ lành, giúp cho chúng ta không khi nào dám an tâm trong thái độ thờ ơ, ỷ lại và ích kỷ.

Còn nhiều nữa, giống như Chúa Giê-su sau cái chết đau khổ là phục sinh vinh hiển, chúng ta sau khi trải qua đau khổ sẽ tìm lại được niềm vui đích thực. người xưa vẫn nói “hết hồi bĩ cực đến hồi thái lai”. Nếu chúng ta cứ hoài cố chấp, oán hận khi gặp đau khổ, chúng ta không giải quyết và cũng chẳng cứu vãn được gì. Tốt hơn hết là tận dụng nó như phương tiện rèn luyện ý chí bản thân; đồng thời biến đau khổ thành niềm vui sống lạc quan và hy vọng. Việc biến đau khổ thành niềm vui không có nghĩa là cố tình tạo ra đau khổ cho mục đích tiêu khiển, mà ở đây phải hiểu là một cuộc thăng hoa từ tình trạng tiêu cực sang tình trạng tích cực; biến một điều tưởng chừng vô nghĩa trở nên ý nghĩa và có giá trị hiện sinh.

Để cảm nếm được ơn bình an, người ta cần biết mình đã đau khổ, đã từng chạm vào chiều sâu nội tâm khắc khoải và thấm thía những nỗi đau không diễn đạt được bằng lời. Dẫu biết rằng, con người yếu đuối, mọi bất toàn bám sâu trong từng ngóc ngách của kiếp nhân sinh. Nhưng một khi chúng ta kinh qua đau khổ, thất bại và khắc khoải vì chính sự yếu đuối của bản thân, cũng chính là lúc chúng ta đang trỗi dậy và cảm nếm sâu sắc niềm vui mới mẻ.

Xin không kết luận những cảm nghiệm bên trên, nghĩa là xin được mở ra với nhiều ý nghĩa – đa dạng nơi cảm nghiệm của từng con người cụ thể khi gặp đau khổ. Nhưng chắc chắn có một mẫu số chung cho những ai biết khiêm tốn đón nhận đau khổ bằng thái độ tri ân, là họ sẽ được bình an và sống đúng căn tính – nhân phẩm đích thực của con người; hoặc ít ra, họ cũng học được cách kiên nhẫn chịu đựng đau khổ, dù khi biết mình bị lãng quên trong khi mình đang sống.

P.X. TRẦN VĂN HÒA

* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả P.X. Trần Văn Hòa, một độc giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *