Chuyện đánh ghen

Tuần vừa qua, một đoạn phim chiếu cảnh một phụ nữ trẻ bị đánh ở Hà Tĩnh lan truyền với tốc độ chóng mặt. Hóa ra là một vụ đánh ghen. Chuyện gái trẻ cướp chồng có lẽ không hiếm. Đánh ghen vì thế cũng nhan nhản đó đây. Thật khó để biết người trong cuộc nghĩ gì, cả người đánh lẫn người bị đánh, nhưng còn người ngoài cuộc thì sao? Đơn cử một trang cá nhân ở Facebook, sau chưa đầy một ngày, clip đánh ghen kia đã thu hút 10 nghìn lượt xem, 6 nghìn bình luận và hơn 2 nghìn lượt chia sẻ. Có thể thấy người ta rất quan tâm chuyện đánh ghen. Lướt qua những dòng bình luận, đa số họ ủng hộ người đánh và hả hê với người bị đánh. Một số ít trung dung hơn với bình luận “thương thay thân phận đàn bà”, rồi thì “chuyện có đúng có sai.”  

Người ta vẫn kháo nhau tình yêu không có lỗi. Thật thế, tình yêu tự nó không phải lỗi lầm, lỗi là do cô gái yêu không đúng đối tượng. Dù chủ động yêu hay được ngỏ lời yêu, việc cô chọn yêu người đàn ông có vợ là một việc làm sai trái. Thế nhưng, hành vi lỗi lầm cần được phân biệt với chủ thể gây ra lầm lỗi. Ta có thể lên án hành vi “yêu sai đối tượng” của cô, nhưng liệu có nên kết án và xử án cô gái bằng cuộc đánh ghen công khai như thế?

Chắc hẳn rằng kinh nghiệm bị phản bội là một nỗi đau khôn cùng. Việc mất đi người mình hằng yêu thương không hề dễ chấp nhận. Nóng giận và hành vi trút giận vì thế có thể được cảm thông phần nào. Nhưng xét về tình, hãy thử hình dung người bị đánh là bạn hữu hay thân nhân của mình. Con tim chúng ta có vô vàn lý do để bào chữa cho nạn nhân chỉ vì tình thân đã có với họ. Bị đánh sẽ kéo theo những nỗi đau, cả thân xác lẫn tinh thần. Nếu ai đó cảm thấy vui khi chứng kiến tha nhân đau khổ, người đó nên kiểm duyệt lại con tim của mình!

Kế đến hãy xét về lý. Phải thừa nhận rằng ai cũng có phẩm giá. Phẩm giá có thể hiểu như giá trị cốt yếu khiến cho một người là người. Hành động đánh ghen phần nào đó đã xâm phạm đến phẩm giá của người bị đánh. Dường như người đánh đã không còn nhìn nhận đối tượng bị đánh với đúng phẩm giá của họ. Có người sẽ biện bác rằng phẩm giá ấy đã chẳng còn sau hành động “cướp chồng” người khác! Thật ra, nếu phẩm giá là yếu tố nội tại làm nên con người tôi, thì dù giết người cướp của, tội lỗi ấy không biến tôi thành con vật. Có chăng chỉ nhân cách của tôi bị méo mó, còn phẩm giá của tôi vẫn tròn đầy. Nhân cách khác nhân phẩm, và nhân cách có thể đào luyện và biến đổi. Đó là chưa kể đến luật pháp. Đánh người gây thương tích có thể bị xử lý theo pháp luật.

Xét rộng hơn, thử hỏi ai là tác nhân chính yếu của nỗi đau bị phản bội? Công bằng mà nói, trách nhiệm chính thuộc về người phối ngẫu, tức là chồng, là vợ nếu họ phản bội. Dù chủ động hay bị động trong cuộc tình vụng trộm, họ đã trực tiếp gây nên khổ đau cho người bạn đời, và thậm chí làm gia đình đổ vỡ. Người bị đánh xem ra chỉ là tác nhân thứ yếu. Việc đánh ghen vì thế chưa truy về tác nhân chính yếu, và chắc chắn đánh ghen không thể giải quyết triệt để vấn đề. Làm thế nào để vợ chồng chung thủy trọn đời xem ra mới là điểm cốt yếu.  

Cuối cùng, với nhãn quan thiêng liêng, tôi phải xác tín rằng ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa ghét tội lỗi nhưng yêu thương kẻ lỡ lầm. Các sách Tin Mừng đã chẳng thuật lại không mệt mỏi biết bao câu chuyện về lòng thương xót của Thiên Chúa vốn đồ đầy trên người tội nhân và hàn gắn những mảnh đời vụn vỡ đó sao? Chắc hẳn, cô gái dù lỗi lầm vì yêu người có vợ cũng được cứu chuộc nếu biết sám hối ăn năn và từ bỏ con đường tội lỗi. Thậm chí, Chúa Giê-su đã có lần nói với người phụ nữ ngoại tình: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Thật vậy, quyền xét xử thuộc về Thiên Chúa. Tôi không có quyền xét xử ai, và tôi được mời gọi để yêu thương và tha thứ.

Còn những người ngoài cuộc nhìn và xem đánh ghen thì sao? Câu trả lời có lẽ nên nhường lại cho mỗi người. Nhưng xem ra sẽ hữu ích khi nhắc lại câu trả lời của vị Tôn Sư Vĩ Đại khi Ngài được hỏi phải xử thế nào với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). 

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *