Có phải ai nghèo cũng giống nhau?

Hai chân nó run run, hai tay nắm chặt vào nhau, đôi mắt đỏ ửng lên. Nó tới gần bà, miệng vẫn niềm nở cười :
-“Mệ ơi, mệ vô nhà nói chuyện với con một xíu.”- Mệ có nghĩa là bà, tiếng địa phương của người miền Trung.

Nghe nó nói, bà cũng run mà cũng bước từng bước vào. Vì sao lại nghe có vẻ sợ nó, bởi vì nó là đứa ít nói, hiền lành và chưa bao giờ làm mất lòng ai. Nhưng mỗi khi nó lên tiếng thì làm ai cũng phải nể. Bà vừa đi vừa đôi co lời lẽ với mẹ ba của nó:
– “Khi mô tụi con mới có tiền trả cho mệ. Mệ lấy tiền của mệ mà trả cho Hà Mi- con của mệ. Thì chừ con gửi tiền lại cho mệ chớ. ” .

Mẹ nó nói:
-“ Tiền bạc nợ nần của con với Hà Mi chứ con có nợ với mệ mô, mà mệ cứ đòi nhà con. Rồi đi mô mệ cũng nói nhà con ni tê. Con chỉ biết con nợ Hà Mi, mà con có nói với O hắn là khi mô mùa điều vô rồi con gửi lại, O hắn cũng chịu rồi. Con có nợ chi mệ mô. Con có nhờ mệ trả dùm mô rồi chừ mệ đòi con”

Mẹ nó thì mượn tiền của con của bà, lúc con của bà giàu có thì nói mẹ nó mượn khi nào có hãy trả, mùa màng vô rồi trả cũng được. Nhưng đến khi sa cơ, lại vội đi đòi nợ thì nhà nó lấy đâu ra mà trả.

Ôi, ai cũng có lý lẽ!! Thế là nó lên tiếng:
-“ Mệ ơi, con nói thiệt với mệ. Xin lỗi mệ chứ con thấy ai cũng sống đạo đức giả với nhà con hết vì nhà con nghèo quá mà phải không mệ?”
Bà ré lên:
-“Rứa là con nói mệ đạo đức giả à!”

Bà chạy ra khỏi nhà, gặp ngay ma-sơ đang đi ngang qua nhà nó, vì hôm nay đọc kinh ở nhà ngoại út của nó mới mất, ma-sơ thấy bà thì hỏi han, rồi cứ thế bà nói ra hết ấm ức. Kể từ đó, tình cảm rạn nứt vì tiền bạc. Không còn như ngày xưa nữa, ngày mà nhà nó thân với gia đình ông bà hơn cả ruột thịt. Vì ông chồng của bà đỡ đầu ba của nó, ông thương nhà nó lắm, cái gì cũng để phần cho nhà nó. Từ khi ông qua đời, mọi chuyện chẳng còn như xưa nữa rồi…

Thế rồi vì câu nói “ai cũng sống đạo đức giả với nhà con” khiến nó càng ngày thấy rõ sự vui vẻ sượng của những người từng rất thương nhà nó. Vì chuyện nhà nó mượn tiền mà không “chịu” trả, mà lấy đâu ra mà trả gấp được, quy về tội mang ân nghĩa với người ta mà không biết điều. Nó cảm thấy nhà nó bị khoanh vùng vì sự nghèo khổ nên chẳng ai muốn đến thăm chơi. Nó thấy ganh tỵ với mấy đứa ca đoàn trong xứ, nhà mấy đứa kia thì cha thầy ghé thăm chơi mãi, còn nhà nó, mấy ai ngó ngàng dẫu chị em nó đi tu. Nó nhớ mãi cái ngày thầy xứ đến tìm đưa bài vỡ, thầy cũng chỉ đứng ở ngoài đường rồi vội vàng gọi tên nó chứ không đặt chân chống xe máy xuống, vào nhà để hỏi có nó ở nhà hay không, cho dù có bận đến mấy thì phép lịch sự tối thiểu cũng phải như vậy chứ?

Ba mẹ nó trước khi đến với nhau, ai cũng nặng phần gia đình, lo lắng cho cha mẹ em út, đến khi ra ở riêng thì cũng cực khổ cùng nhau. Mẹ nó tính thiện lương, khi nào cũng nghĩ cho người khác, mà ai nhờ gì cũng giúp. Ba của nó thì trầm tính lắm mà ai cũng thương.

Gia đình nó tính ra cũng chẳng nghèo vì có rẫy ruộng, có đất đai nhưng tiền bạc thì được đôi ba đồng ra vào thôi. Căn nhà gỗ bị mối ăn gỗ từng ngày cũng đã được hai mươi mấy năm đã che mưa nắng cho cả gia đình. Mùa mưa năm ngoài, vì đất nhà người ta cao hơn nên nước chảy dồn hết sang nhà nó. Ngày lễ Thêm Sức của út gái, nhà nó đi lễ hết, mưa ngập nước làm chết hết cả đàn gà con mới nở. Nước ngập lênh láng vào nhà trôi hết đồ đạc. Ôi, nhìn mà cứ nghĩ là miền trung lũ lụt. Nhưng ba mẹ nó cũng ráng dành dụm, kêu xe vào đổ đất để nâng nền nhà lên cao, chứ cả mấy tháng trời mùa mưa, nhìn mà đau lòng. Mấy ai biết được bên trong ngồi nhà ấy- Ngôi nhà ấm áp và giàu tình yêu, dẫu ba mẹ của nó vẫn hay nói nhau, cãi vã, nhưng nói rồi lại huề, rồi lại như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chị em nó hay nói:
“Sao ba mẹ không bán ruộng rẫy mà xây nhà ở, rồi còn tiền thì trả nợ cho người ta để người ta không khinh mình nữa.”

Mẹ nó nói:
– “Có cái nhà che nắng che mưa là được rồi con. Chật lòng chật dạ mới ghê, nhà chật không sợ. Nghèo chứ có ăn trộm mô mà sợ xấu hổ, có nợ thì từ từ trả, nợ lâu thôi chứ có xù mô. Bán rồi ăn hết thì mai mốt mấy đứa lấy tiền mô mà ăn học. Để ruộng rẫy ba mẹ còn có đồng ra đồng vô. Chúa cho nhà mình con cái ba mẹ khỏe mạnh là vui rồi con ơi. Ngày xưa Chúa cũng nghèo mà. Mình còn giàu hơn Chúa rồi, giàu hơn nhiều người nữa. Nên kệ đi con.”
Cả nhà nó cười giòn tan.

Hôm nay, nó buồn chết đi được vì trước giờ nó chẳng nói lời lẽ nào nặng đến như vậy rồi làm cho người khác buồn. Cũng buồn thêm nữa là người ta khinh dễ người nghèo và do tiền mà lòng người sống chật hẹp với nhau quá.

Nó quay sang nói với mẹ nó:
-“Con buồn quá mẹ ơi, biết rứa con không nói ra. Con thấy ấm ức quá. Người ta chỉ biết có tiền bạc thôi mẹ ơi. Rồi người ta đi nói xấu nhà mình. Chắc con phải đi xưng tội mẹ ơi, con thấy bức rức trong lòng mình quá.”
Mẹ nó nhìn con mình mà thương.

Chuyện cũng đến tai cha xứ, mà lạ thay, mỗi lần có chuyện gì trong xứ cha cũng đem ra giảng rao ráo trên nhà thờ, không biết có đúng sai hay không? Chẳng nói thẳng mà nói mé mé, nói để dẫn đến vấn đề nợ nần, vấn đề đạo đức của con người. Nó biết ngay cũng có ngày nghe cha nói, vì mệ cũng là bà cố trong xứ, có tiếng tăm hiền lành vô cùng, chuyện gì cũng đến tai cha và những người khác. Nên dẫu nó có lên tiếng bênh vực cho gia đình nghèo này thì cũng chẳng được ai nghe đâu.

Rồi cũng đến một hôm vào lễ sáng Chúa Nhật, cả nhà nó điếng người khi nghe cha giảng về người nghèo. Ba buồn không nói nên lời, mẹ thì ngồi không yên, nó thì nước mắt chảy.
– “Chơi với người giàu thì có lợi hơn chơi với người nghèo. Vì người giàu có học thức, biết sống hơn người nghèo. Còn người nghèo thì họ không biết sống. Vì nghèo nên họ thế này thế kia….”

Ôi Chúa ơi, nghe mà buồn lịm người. Nó thấy cuộc đời còn gì nữa đâu, ngay cả một người cha nó kính mến cũng nói như vậy về những con người nghèo thiếu thốn. Thật đáng buồn vì một người đáng kính có một cái nhìn nhận về những con người đang nghèo khổ, thiếu thốn và nợ nần như vậy. Vơ đũa cả nắm hay sao? Chắc là không đâu…?

Tối đến, ba của nó đôi mắt đỏ hoe, uống vội ly rượu. Buồn lắm vì như bị tạt nước vào người. Mẹ nó dõng dạc nói:
-“Nghèo tiền nghèo bạc chứ không có nghèo tình. Mình không có thế này thế kia thì mình buồn làm chi cho mệt. Phó thác cho Chúa hết á. Có Chúa rồi, không có chi để buồn.” Rồi không khí buồn đó cũng vơi đi dần nhờ mẹ nó kể chuyện ngày xưa, ôi, ngày xưa bình dị và chân thành, chia sớt cho nhau…

Sau này, trả được nợ cho bà rồi mọi thứ nhẹ nhàng vô cùng, tình cảm chẳng còn đọng lại chút nào nữa, chị em nó thì hỏi thăm mỗi khi gặp bà, còn bà thì vội vàng mà đi. Giờ đây, gia đình nó vẫn sống trong cái nghèo vật chất ấy chứ vẫn rất giàu về tình yêu và lòng vị tha….
Sức mạnh của đồng tiền là vậy sao? Hay là người nghèo nào cũng giống nhau?


“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6, 20)

Liáng TSTJCM

 

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Một bình luận

  1. Xin cảm ơn tác giả đã viết nên câu chuyện rất đời thường, Nghèo là một cái tội trong mắt người đời, nghèo làm cho con người tự ti, nghèo thì ít ai muốn chơi vì sợ phải ra tay giúp đỡ. Ôi cái nghèo vật chất phơi bày cho ta thấy cái nghèo trong tâm hồn của đồng loại. Vậy mà Chúa Giê -Su đã làm người mang lấy kiếp nghèo vì ai nhỉ? kho tàng ca dao Việt Nam có câu ” nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo, nghèo tiền nghèo bạc chớ cho là nghèo”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *