Tìm hiểu thêm về vai trò Đức Mẹ

tuong-van-chuong-duc-me-viet-nam-6

Hoành sơn SJ.

Những vấn đề đặt ra

Người Công giáo đức hạnh không ai là không sùng mến Đức Mẹ. Nhất là ở Việt Nam, có lẽ. Hãy thử nhìn các thánh đường xung quanh chúng ta : nào là Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm, nào là Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Đức Mẹ Hằng cứu giúp, nào là họ Fatima, họ Môi khôi, họ nhánh Đức Mẹ Dâng Chúa vào đền thờ, họ nhánh Đức Mẹ hồn xác lên Trời,v.v. và v.v…

Không chỉ tôn sùng Đức Mẹ, có nhóm còn đề ra khẩu hiệu “Nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ” (nhái lại câu “Nhờ Người (Đức Kytô), với Người và trong Người” của phụng vụ Thánh lễ).

Những “quá đà” cảm tính như trên dễ gây xốc và gây phàn ứng nghịch, khiến nhà Maria-học nổi tiếng là cha Laurentin có nhận định xác đáng như sau :

-“Ngày nay ở một số khu vực, có sự căng thẳng giữa một bên là sùng đạo Kytô-hướng (christocentrique) và bên kia là sùng đạo Maria-hướng…, một bên quy tất cả về Đức Mẹ, bên kia không đếm xỉa đến Người. Chính việc biến lòng sùng kính Đức Maria thành một thứ Maria-giáo trong thực hành đã gây nên phản ứng ngược chiều, thành một thứ tôn giáo không có Đức Maria.” (Questions mariales, 1963)

Thử hỏi vì đâu một sùng đạo cảm tính dễ có xu hướng đưa Đức Maria lên chín từng mây như thế?

Lý do cảm tính trong việc đề cao Đức Maria

Tại Việt Nam, không chỉ Công giáo đặt Đức Maria vào trung tâm của tôn sùng, mà Phật giáo đối với Phật bà Quan âm cũng có những tâm tình như thế. Hãy xem, phía trước các chùa chiền, gần như đâu đâu cũng có tượng Quán thế âm bồ tát.

Xin nhớ, Bồ tát Quan (Quán) thế âm hay Avalokitesvara, đương là nam tử bên Ấn Độ, bỗng chuyển giới thành nữ bên Trung Quốc và Việt Nam. Lại chính nữ tính này đã khiến Đức Quan âm thành dễ mến, dễ tiếp cận hơn, nên cũng được sùng bái hơn là trong Phật giáo Ấn.

Theo ức đoán của một học giả người Âu xưa, thì Phật giáo lúc du nhập Trung Quốc, hẳn đã gặp ở đó một nữ thần được tôn sùng rộng rãi. Để Phật giáo dễ được chấp nhận, một số người khi thuyết pháp đã cho rằng nữ thần ấy chẳng qua là hóa thân của Avalokitesvara, và dân chúng tin theo. Thế là Quan thế âm được nữ hóa.

Theo tôi nghĩ, chẳng cần đến cái gốc nữ thần nói trên, mà chính lòng sùng đạo dân gian vốn mạnh về cảm tính, tự nó về lâu dài cũng có thể biến vị bồ tát nói trên thành Phật bà để cân bằng với Đức Phật “duy ngã độc tôn” vốn đã là nam nhân rồi. Quả thực, dù trong tôn giáo vẫn có đòi hỏi bù trừ âm dương xét về mặt cảm tính 1. Tinh thần phụ hệ đã khiến cho Thiên đế được nhìn dưới hình tượng nam nhân, nên để bù trừ, tín đồ có xu hướng muốn đặt thêm thần mẫu bên cạnh thượng thần ấy.

Hãy lấy thí dụ bên quốc gia nổi tiếng sùng đạo là Ấn Độ. Ấn độ giáo chia thành hai nhánh : Visnu-giáo và Siva-giáo. Nếu bên cạnh thượng thần Visnu có thần mẫu Durgâ, thì bên thượng thần Siva cũng có thần mẫu Kâli. Ngoài ra, lễ hội lớn nhất bên Ấn là lễ hội Thần mẫu Durgâ (diễn ra vào khoảng tháng mười), chứ không phải lễ hội Visnu hay Siva. Lễ hội nói trên kéo dài cả tháng trời2.

Tác động vào sinh hoạt tôn giáo, không chỉ có đòi hỏi cân bằng âm dương, mà còn có ảnh hưởng của gia đình giáo tổ nữa. Quả thế, trong Phật giáo Hòa hảo, sau khi giáo tổ Huỳnh Phú Sổ qua đời, người ta liền tôn người phối ngẫu của ông lên, thành Đức Bà Huỳnh Phú Sổ. Còn trong Hồi giáo, sau khi giáo tổ Muhammad khuất đi, liền nổ ra sự tranh chấp đẫm máu kéo dài giữa hai phái : phái Sunni dựa vào Con đường (Sunna=Con đường) do các học giả uyên thâm nối tiếp nhau truyền lại; phái Shi’ai (Shi’a=Nhóm, Đảng) dựa vào thân tộc của giáo tổ được coi là đã thay nhau nắm quyền lãnh đạo cho đến nay.

Phải chăng để phòng xa sau này tín hữu có thể biến Đức Maria thành một thứ thần mẫu giống thế, Chúa Giêsu đôi lúc đã đối xử như “lạnh nhạt” với thân thuộc và mẹ mình? Nên nhớ, trong lần lên Giêrusalem vào dịp lễ, Chúa đã tránh đi chung với họ hàng (Gio.7.2-20), chắc không phải chỉ vì họ muốn được thơm lây.

Chúa đối xử lạnh nhạt với mẹ mình?

Xem ra, như một số đoạn Phúc âm cho thấy, Chúa không cư xử đằm thắm mấy với Đức Maria, nhất là còn xưng hô Ngài là “Người phụ nữ” nữa, như trong Gio.2.4 và Gio.19.26.

Chúng ta hãy tìm hiểu những cuộc trao đổi xem như không bình thường sau đây giữa Chúa với mẹ mình:

1-Luca 2.49: Sau khi lo lắng tìm con suốt ba ngày, gặp được con trong đền thờ, Đức Mẹ và thánh Giuse chỉ được nghe một lời trách nhẹ như sau :”Việc gì hai vị phải tìm tôi? Hai vị không biết rằng…?”

2-Gioan 2.4 : Khi Đức Mẹ lưu ý Chúa rằng nhà chủ hết rượu, Mẹ chỉ được trả lời gọn lỏn :”Can chi đến (bà) và tôi, hỡi Người phụ nữ (gunê) ?”

3-Từ trên thập tự, Chúa gọi mẹ bằng cùng danh xưng ấy :”Hỡi Người phụ nữ, đây (thánh Gioan) là con bà!”

Hãy bắt đầu với danh xưng NGƯỜI PHỤ NỮ nói trên.

Danh xưng này, lạ lùng thay, lại chi gặp dưới ngòi bút của “Người môn đệ mà Thầy yêu”, cũng là người mà trên thập giá Chúa đã gửi gấm mẹ mình. Phải chăng thánh Gioan đã nhắm Người đàn bà mà hậu duệ sẽ đạp dập đầu con rắn của Sáng thế thư 3.15, cũng là Người đàn bà của chương XII Khải huyền thư, cùng với Con đang chiến đấu với Ác long?

Theo nhiều nhà chú giải, danh xưng Người đàn bà không có gì bất kính đối với phong tục Hy Lạp thời ấy; và thực ra Chúa cũng từng xưng hô như thế với những phụ nữ như người đàn bà ở Samaria (Gio.4.21).

Nếu quả có thói tục xưng hô “người đàn bà” với phụ nữ nói chung, thì xưng hô như thế với chính mẹ ruột mình có phải là lạnh nhạt quá không? Thử xem, khi đối thoại với Thiên phụ, Chúa tỏ ra thân thiết biết chừng nào. Ngài xưng hô Abba, Bố, tiếng Abba ấy, trong ngôn ngữ Aram chỉ dùng giữa cha con trong gia đình thôi!

*

Một bằng chứng nữa, ở Mt.12.46-49, cho thấy Chúa không muốn đề cao những quan hệ tự nhiên, trần thế : Khi có người báo tin rằng mẹ và anh em đến, Chúa đã phản ứng ngay : -Mẹ Thầy và anh em Thầy, đó là kẻ thi hành ý muốn của Cha Thầy!

Nói cho đúng ra, không ai thi hành ý Thiên Chúa một cách hoàn hảo, tích cực cho bằng Đức Mẹ. Khi được thiên thần báo tin sẽ sinh con, Mẹ trả lời :”Xin cho điều ấy được thực hiện (genoito) như lời ngài nói!” (Luc.1.38). Genoito thuộc thể Optativum (Ước nguyện cách) của động từ Ginomai, nên đây không chỉ là thuận nhận, mà còn là Ước mong: một vâng lời mau mắn, dù có chi bất lợi cũng mặc. Quả vậy, chưa về ở chung với thánh Giuse mà có thai, thì có thể bị ném đá, ìt là mang tiếng lớn đấy.

Chính vì quen tuân ý Cha mau mắn như thế, Đức Maria đã là thân thuộc của Thiên Chúa về mặt thiêng liêng rồi, nên do đó mới được chọn làm mẹ Ngài thật. Và các giáo phụ cũng có quan điểm giống thế khi cho rằng Đức Maria đã cưu mang Thiên Chùa trong tinh thần bằng đức tin, trước khi cưu mang trong tử cung3.

*

Sự lạnh nhạt tiếp theo diễn ra khi Đức Maria gặp lại Chúa trong đền thờ (Luc.2.48-50). Lo khổ biết bao suốt ba ngày đêm tìm kiếm, thế mà chỉ được Chúa đáp lại bằng một lời trách như sau :

-“Sao lại tìm (tôi), hai vị không biết rằng tôi phải ở nhà Cha tôi hay sao?”

Nếu không phải Đức Maria, một người mẹ khác mà nghe con nói vậy, hẳn phải tủi cực đến thế nào! Dĩ nhiên, Chúa không phải chỉ là con Mẹ, mà còn là Chúa của Mẹ nữa. Ngài đã đứng ở vị thế Thiên Chúa khi hành xử như thế, để rồi khi trở về Nazareth, Ngài cũng trở về tư thế người và người con để tiếp tục “vâng phục hai ông bà”. Vâng, bằng hành vi nói trên, Chúa lưu ý chúng ta qua Mẹ, rằng Chúa không chỉ là người, mà còn là Thiên Chúa và Chủ tể nữa, Chủ tể ngay cả đối với Đức Mẹ luôn. Và đây cũng là điều Giáo hội thời tông đồ nhấn mạnh : vào thời ấy, người ta cần chứng minh Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, chứ không cần nhấn mạnh vào nhân tính của Ngài.

Hẳn cũng nhằm mục đích ấy, mà sau này ở Cana, Chúa đã thẳng thừng trả lời Đức Maria :

-“Việc ấy can gì đến bà và tôi, hỡi Người phụ nữ? Giờ của tôi chưa đến mà.” (Gio.2.4)

*

Còn một thái độ “lạnh nhạt” nữa gián tiếp diễn ra trong thời gian sau Phục sinh.Trong suốt thời gian 40 ngày ấy, Chúa hiện ra biết bao nhiêu lần : hiện ra với nhóm tông đồ, hiện ra với riêng Phêrô, với Giacobê (1Cor.15.7), hiện ra với hai đồ đệ Yên mâu, hiện ra với Mai đệ liên và mấy phụ nữ, hiện ra với cả 500 người luôn (1Cor.15.6). Thế mà không một lần Chúa đã hiện ra để an ủi chính mẹ mình.

Một số người suy đoán theo cảm tính, cho rằng không thể Chúa không hiện ra với mẹ mình, có điều Phúc âm không nhắc tới, thế thôi. Theo tôi nghĩ, việc ấy không cần, vì “phúc cho kẻ không thấy mà tin” (Gio.20.29). Chúa muốn dành cho Đức Mẹ cái Phúc ấy.

Vả lại, hẳn là Đức Maria đã vững tin khi được tin về Mồ trống rồi, nên Chúa không cần hiển linh với Mẹ nữa. Cứ lấy trường hợp Gioan mà xem. “Người môn đệ mà Thầy yêu”, người được Chúa gửi gấm mẹ Ngài, cũng đâu có được Chúa hiện ra riêng với, đó chỉ vì anh đã tin khi thấy Mồ trống (Gio.20.8). Trái lại, thấy Mồ trống mà chưa tin ((Gio.20.3-7; Luca.24.12), nên Phêrô được Chúa cho gặp riêng (Luc.24.34).

Phải chăng những lãnh đạm bề ngoài nói trên nhắm mục đích để hậu thế khỏi biến Đức Maria thành một thứ “Đức Bà Huỳnh phú Sổ” nào đó?

Trong một tôn giáo Kytô-hướng, vai trò thật sự của Đức Maria

Trong Kytô-giáo, tin và sống đức tin không thể không tập trung vào Đức Kytô, Con Thiên Chúa nhập thể. Sau khi đã nắm chắc như thế rồi, chúng ta có thể bàn sang và đề cao (đến đâu cũng được) vai trò đặc biệt của Đức Maria đối với chương trình cứu độ thế giới, đồi với toàn Hội thánh do Chúa thành lập. Chỉ cần nhìn Đức Mẹ trong Đức Kytô, cùng với Đức Kytô, chứ không tách riêng hay song song với Chúa. Cùng với thánh Gioan trong Khải huyền thư, chúng ta hãy đặt Mẹ vào chỗ đứng của Giáo hội Thân mình Chúa, với Chúa là Đầu của Thân mình ấy.

Quả thật trong chương XII của tác phẩm nói trên (câu 13-17), thánh Gioan lấy lại hình ảnh Người phụ nữ với hậu duệ đạp dập đầu Con rắn trong Sáng thế thư (3.15) mà áp dụng cho Đức Mẹ và Hội thánh luôn. Trong Khải huyền thư, thì đây là là cuộc chiến giữa Người đàn bà cùng với Con chống lại Con rồng. Người Con thì được đưa về Trời (tức Chúa thăng vinh), còn Người đàn bà thì được đưa vô hoang mạc, ám chĩ Hội thánh trong thời bách hại phải trốn chui trốn nhủi.

Vâng, Mẹ không phải là một Chúa Cứu thế thứ hai. Mẹ không thể đứng ở vị thế Đức Kytô, đấng tuy là con Mẹ, nhưng cũng là Thiên Chúa của Mẹ. Mẹ cũng không thể được gọi là Đấng Đồng công cứu chuộc, nếu hiểu là Mẹ đóng vai trò chính trong kế hoạch cứu độ cùng với Chúa, ngang bằng với Chúa, đến nỗi không có Mẹ thì không xong.

Trước Vatican II, lắm người quen đặt Đức Maria song hành với Chúa. Vatican II đã trả lại vị trí trung tâm độc nhất cho Đức Kytô, còn Đức Maria thì song hành với Giáo hội. Do đó, sau Vatican II, khi có những nhóm xin tuyên tín Mẹ là “Môi giới (trước) Thiên Chúa” và “Đồng cứu chuộc (với) Đức Kytô”, thì Tòa Thánh đã không chấp thuận.

Vâng, nên đặt Mẹ song hành với Hội thánh, đặt vào vị thế của Giáo hội-mẹ, Thân mình Chúa và Hiền thê của Chúa. Quả thực, vai trò của Hội thánh không phải là cứu độ, nhưng là hợp tác với Chúa trong kế hoạch cứu độ. Như Tân Eva bên cạnh Tân Ađam trong việc sinh ra Nhân loại mới. Trong mầu nhiệm “Các thánh hiệp thông”, nếu mỗi chúng ta có ảnh hưởng thiêng liêng đến những người liên quan đến ta, thì tác động ấy của Đức Maria là phổ biến cho hết mọi người và cho mỗi người.

Vâng, do sự thiết định của Thiên Chúa, bằng chung khổ với Con trên thập tự, Mẹ đã hợp tác cách nào đó với con trong chương trình cứu thế của Con (Lumen gentium, số 61), đúng như lời sấm Simeon sau đây :

-“Thiên Chúa đã đặt cậu nhỏ này làm duyên cớ cho nhiều người Israen vấp ngã hay chỗi dậy…,còn chính bà thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà, hầu những ý nghĩ từ thâm tâm mỗi người phải lộ ra.” (Luc.2.34-35)

Cùng một đau khổ cho hai mẹ con, cùng một hậu quả phổ biến của hai đau khổ ấy!

*

Vai trò của Đức Maria đối với Hội thánh ngày càng tỏ rõ qua các lần hiện ra của Ngài. Vâng, không một vùng trời Công giáo nào mà không được chứng kiến những cuộc hiển linh của Đức Mẹ : Mẹ hiện ra khi thì để an ủi và khích lệ con cái lúc gặp bách hại, khổ đau, khi thì để kêu gọi sám hối và cầu nguyện lúc tín hữu đang trên đà sa đọa. Lớn lao và rõ ràng nhất trong lịch sử là cuộc Hiện ra ở Fatima và cuộc Hiện ra ở Lộ đức.

Cuộc Hiển linh Fatima (Bồ đào nha) xảy ra vào giữa Thế chiến thứ nhất (1914-1918), năm 1917. Có sáu cuộc hiện ra với ba đứa bé, và cuộc hiện ra cuối, ngày 13-10-1917, đi đôi với phép lạ Mặt trời quay trước sự chứng kiến của 50.000 người đang lần hạt dưới cơn mưa tầm tã. Đang mưa to đấy, nhưng lúc Đức Mẹ bay lên thì mưa dứt và bầu trời xanh lơ, còn mặt trời lại xoay tít và như sa xuống, khiến người người hoảng sợ.

Cuộc hiện ra ở Lộ đức (Pháp) thì kín đáo hơn, chỉ có một mình cô bé chăn cừu : Bernadette de Soubirous được thấy “Bà đẹp”, thấy tới 18 lấn, bắt đầu từ 11-2-1858. Nhưng chính cái sơn thôn Lộ đức hẻo lánh ấy sau này lại biến thành trung tâm hành hương vĩ đại nhất thế giói, với hằng ngày, nhất là vào mùa hạ, có tớii nửa triệu lượt người đến viếng Đức Mẹ. Phép lạ ở đấy có nhiều, nhưng nhiều nhất là phép lạ thiêng liêng : có những kẻ tới vì tò mò, nhưng ra về lại thay đổi hẳn, trong số có những nhân vật đã thành danh.

1 Xin xem Hoành sơn, Tính dục nhìn theo Phương đông, tái bản, nxb Trẻ, 2006, tr.124-128.

2 Xx. Hoành sơn, Thần học thiêng liêng, tập I, tr.346-355.

3 Xx. Nouvelle Revue Theologique, Avril-Juin 2014, tr.241.

Kiểm tra tương tự

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *