Nhắc đến con người là nhắc đến một huyền nhiệm khôn tả. Một trong những nét huyền nhiệm đó là những “giằng co” nội tại nơi con người được thể hiện ra ngay trong chính cuộc sống thường ngày của họ. Họ ý thức về sự hiện hữu của mình trong thế giới. Họ có khả năng chế ngự thiên nhiên; có khả năng sử dụng mọi vật trong thế giới để phục vụ cho cuộc sống của họ; có khả năng yêu thương, sống cho người khác. Nhưng khi nhìn vào chính mình, nhìn vào thế giới, họ không ngừng tự hỏi: “Tôi là ai?” Khi đặt câu hỏi đó, con người ý thức rằng mình có một giá trị đặc biệt trong thế giới. Vậy giá trị đặc biệt của con người hệ tại ở điều gì?
Trong bài viết ngắn này, tôi sẽ xét lại cái giằng co nội tại nơi con người dựa trên nền tảng Linh Thao, và nêu lên vài quan điểm về bản chất con người. Sau đó, chúng ta cùng suy xét xem đặc tính nỗ lực vươn lên nơi con người diễn tả gì về bản chất con người. Dường như mỗi người đều nhận thấy rằng, dù mình vẫn là mình nhưng mình vẫn chưa thật sự là “mình” cách trọn vẹn. Con người cần đào luyện mình là thế!
Quá trình đào luyện lâu dài của Dòng Tên, nơi cốt lõi của nó, cũng mang một ý nghĩa tương tự như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, đường lối huấn luyện của Dòng nhắm tới việc đào tạo cá nhân người Giê-su hữu một cách toàn diện để giúp anh mỗi ngày một thăng tiến và ý thức mình hơn mà vẫn giữ được những nét riêng của mình. I-Nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã phác hoạ chân dung người Giê-su hữu nơi kiểu mẫu “chiêm niệm trong hoạt động.”[1] Thoạt nghe, hai từ “chiêm niệm” và “hoạt động” có vẻ đối nghịch nhau. Làm sao vừa có thể kết hiệp với Chúa một cách thâm sâu và thần bí mà vẫn có thể làm việc giữa cuộc sống đời thường? Chính từ mối giằng co này mà chúng ta thấy được hiện tượng nỗ lực vươn lên của con người trong quá trình đào luyện, hay nói khác đi là tiến trình tự đào luyện bản thân hướng tới sự hội nhất trong một thân thể trọn vẹn. Tiến trình đào luyện này được dựa trên nhiều phương diện. Trong đó, “trưởng thành nhân bản và phân định thiêng liêng” có thể được xem là hai phương diện cốt yếu giúp con người khám phá ra những giới hạn và những mối giằng co nơi thân xác cũng như tâm hồn của mình. Từ mối giằng co này làm nảy sinh ra một vấn đề căn bản cần được làm rõ: Làm thế nào chúng ta có thể biết bản chất đích thực của con người?
Vậy, bản chất con người là gì? Đây là một câu hỏi thật khó để đưa ra câu trả lời thoả đáng. Có rất nhiều nhà tư tưởng như Plato cho rằng, tự bản chất con người là tốt và luôn hướng về sự thiện. Nhưng cũng không thiếu những người có tư tưởng đối nghịch như Tuân Tử khi cho rằng “nhân chi sơ, tính bản ác”, bản chất của con người là xấu. Bên cạnh đó cũng có những nhà tư tưởng như Jean Paul Sartre cho rằng, bản chất con người không có những giá trị nội tại mang tính phổ quát, nhưng chính con người có tự do để tạo nên bản chất cho chính mình trở thành những gì mình muốn mà không lệ thuộc vào bất cứ một định hướng nào cả. Như vậy, chắc hẳn không ai có thể chối bỏ sự hiện diện của những điều xấu nơi con người và cũng không ai phủ nhận những kinh nghiệm nội tâm của mỗi người về những khuynh hướng ích kỷ, tham lam, dục vọng nơi bản thân. Ngược lại, điều chắc chắn và có lẽ mỗi người đều cảm nghiệm được, là chúng ta cũng có những khao khát hướng về sự thiện nơi sâu thẳm của mỗi con người, nhất là những khát vọng hướng về tha nhân, hướng về tình yêu.
Trong hai bộ Nhận Định Thần Loại, I-Nhã cũng mô tả cuộc chiến giữa các thần nơi nội tâm con người. Có khi việc phân biệt tương đối dễ, nhưng cũng có lúc rất khó khăn, nhất là khi thần dữ đội lốt thần lành để quyến rũ con người.[2] Cách chung, con người nhìn những giằng co này dưới ba góc cạnh. Thứ nhất, làm sao giữ được sự quân bình trong việc chăm lo cho thân xác: không hãm mình quá mà cũng không nuông chiều quá? Thứ hai, làm sao để triển nở trong đời sống khiết tịnh: căng thẳng giữa thỏa mãn nhu cầu tính dục? Thứ ba, làm sao thoát ra khỏi “biên cương” của mình, đến với người khác trong tinh thần cởi mở, sẻ chia và hợp tác làm việc?
Như thế, dường như nơi con người luôn chứa đựng những cái giằng co: Con người bị những cám dỗ của lòng tham, hay có những “yếu đuối” dẫn đến làm những việc xấu, nhưng họ vẫn luôn có một khát vọng hướng về sự thiện, sự lành, hướng về những gì tốt đẹp, cao cả và siêu vượt. Vì thế, yếu tố giằng co đóng vai trò như một năng động phát triển của con người. Khi chúng ta càng “sống” sự giằng co nội tại nơi mình, tự do của chúng ta càng trở nên ý nghĩa, và bản thân chúng ta càng “trở nên người hơn”. Ý nghĩa này nơi con người sẽ được diễn tả rất sống động qua hiện tượng nỗ lực “vươn lên” của con người. Trước hết, nỗ lực đó giả thiết rằng con người thực sự là một “thọ tạo” bất toàn. Tuy nhiên, nỗ lực lại tỏ lộ một trong những khả năng quan trọng và biệt loại nhất của con người: biết dùng lý trí phản tỉnh và nhận ra sự bất toàn của mình; thậm chí cả truy vấn về ý nghĩa và giá trị của sự bất toàn đó đối với bản thân.
Trong đặc sủng của Dòng Tên, được đặt trên nền tảng Linh Thao, có phần gọi là “nhận thức rõ” (Discernment), nó liên quan đến việc cầu nguyện và phản tỉnh tìm ra và xem xét toàn bộ vấn đề liên quan đến một quyết định. Sau đó, khi tất cả đã được suy xét hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người ta bắt đầu hành động. Theo đó chúng ta Có thể nói, điều làm cho hành động của con người có giá trị là ý thức của con người, hiểu theo nghĩa “ý thức cái mình đã và đang ý thức”. Ví dụ: Con người biết mình đang làm gì khi họ yêu thương người khác, con người biết họ phải hi sinh như thế nào khi họ yêu thương người khác. Nghĩa là con người có tự do trong hành động của họ, họ có thể hành động hoặc không hành động. Và đây cũng chính là điều làm cho tình yêu thương của con người có một giá trị đặc biệt. Theo đó, con người được mời gọi nối kết hai yếu tố “chiêm niệm” và “hoạt động”, vốn bị coi là đối kháng, lại với nhau. Họ dấn thân trọn vẹn con người mình ngang qua công việc tông đồ, qua cuộc sống hàng ngày, những biến cố xảy đến, những con người mình gặp gỡ.
Tuy nhiên, dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, con người là một mầu nhiệm và cuộc sống của con người chứa đầy sự phong phú. Sẽ không bao giờ có thể khám phá ra hết được những điều ẩn khuất bên trong con người. Mỗi thời khắc trôi qua, con người đã thay đổi, dù vẫn là mình. Vì thế, việc đào luyện phải được diễn ra trong một tiến trình dài lâu, thậm chí có thể nói là không bao giờ kết thúc. Điều này thể hiện trong tinh thần “Hơn nữa” của Dòng Tên: mỗi ngày không ngừng triển nở và thăng tiến.
Tóm lại, qua những trình bày ở trên, chúng ta có thể thừa nhận rằng tự bản chất, con người có giá trị tự thân. Bởi vì, bản chất con người chứa đựng một sự giằng co đan chéo nhau. Một mặt, trong thân phận giới hạn và “mỏng dòn”, con người mang nơi mình tính ích kỷ để đáp ứng những đòi hỏi của bản năng, của nhu cầu thiết yếu. Mặt khác, con người lại có lý trí để phản tỉnh, đồng thời có những khát khao nội tại hướng lên những gì tốt đẹp hơn cho bản thân, cho tha nhân; thậm chí hướng lên cả những gì siêu vượt ngoài phạm vi trần thế hiện thời của con người. Nhưng nhờ “sống” trọn vẹn mối giằng co đó, con người ý thức mỗi ngày mình “trở nên người hơn” và cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn.
Hoàng Trọng An, S.J.
Học Viên Triết II
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên
THAM KHẢO
- Hiến Chương và Quy Luật Bổ Sung Dòng Tên.
- Linh Thao. Bản dịch của: Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J. và Mariano Manso, S.J. 2005.
- STUMPF. Samuel Enoch. Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. McGraw-Hill. NXBLĐ-Hà Nội. 1994.
[1] William Barry, S.J. & Robert G. Doherty, S.J., Contemplatives in Action, The Jesuit Way, Jesuit Communications Foundation, Inc. & Paulist Press, 2002.
[2] Linh Thao. Bản dịch của: Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J. và Mariano Manso, S.J. 2005, trang 313-336.