Con người là tinh thần trong thế giới

 

Đối với những ai từng đọc tác phẩm Thế giới của Sophie của tác giả Jostein Gaarder, ắt hẳn chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào câu chuyện mà chính tác giả kể. Thoạt đầu, tưởng đâu câu chuyện về một cô gái tên Sophie và người thầy giáo triết học của mình – Alberto là hai nhân vật sống trong thế giới thật. Ai ngờ càng về sau, tác giả càng làm cho độc giả bất ngờ khi nhận ra thế giới và hiện hữu của cả hai đều nằm trong tâm trí của một nhân vật khác – ông thiếu tá. Tức cả hai chỉ là nhân vật trong quyển sách mà nhân vật này viết tặng con gái của mình. Tuy nhiên, câu chuyện càng hấp dẫn hơn khi cả hai cố gắng thoát khỏi tâm trí của nhân vật này để đi vào thế giới của “dân tộc vô hình.” Ở đó cả hai có thể quan sát những đoạn hội thoại cuối cùng của hai cha con ông thiếu tá. Dù có chút ly kỳ và hơi viễn tưởng, nhưng hình ảnh của Sophie và Alberto gợi hứng cho chúng ta về bản chất con người như tinh thần trong thế giới.

Thế giới tư tưởng hậu Socrates có những chuyển biến mạnh mẽ. Thay vì chỉ tập trung tìm hiểu bản chất của thế giới, con người dần quay trở lại với chính mình như Socrates từng nhắn nhủ: “Hỡi người, hãy tự biết mình.” Mặc dù con người hiện hữu với một thân xác vật chất trong không gian và thời gian, nhưng con người còn là một tinh thần. Một người có thể hiện diện ở một không gian địa lý nhất định nhưng lại suy nghĩ hay mơ thấy mình đang hiện diện ở một nơi khác hay trở về với một thời điểm nào đó trong quá khứ. Suy nghĩ của con người không hề bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Hơn nữa, tính tinh thần còn được tìm thấy nơi nghệ thuật. Con người luôn có khả năng ôm ấp những ý tưởng tuyệt vời trong tâm trí của mình để sau đó hiện thực hóa chúng qua các tác phẩm nghệ thuật: tranh ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, v.v.

Thực vậy, con người có lý trí để suy tư về chính hiện hữu của mình cũng như tìm hiểu ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Con người từ bao đời luôn khắc khoải cho hiện hữu của mình. Tôi là ai? Tôi hiện hữu trên đời này để làm gì? Đâu là ý nghĩa cho hiện hữu của tôi? Chính nỗi băn khoăn như thế mới làm nên đặc trưng cho hiện sinh của kiếp người. Hay còn gọi là nỗi băn khoăn về hữu. Cha Karl Rahner, S.J. từng nói rằng: “Với thân phận của kẻ tra vấn về hữu nói chung, con người có khả năng mở ra tuyệt đối cho Hữu Tuyệt đối, hay con người là tinh thần.” Cho nên, con người từ bao đời vẫn luôn suy tư và tìm tòi cho được ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Con người mang trong mình một nỗi khao khát tột cùng của việc hiểu biết về Cái Tuyệt đối. Thế nhưng, dù là tinh thần, con người chỉ là tinh thần hữu hạn. Chính giới hạn đó đẩy con người vào sự giằng xé giữa khao khát hiểu biết về tuyệt đối và sự mờ tối của nhận thức của mình về điều đó.

Có một hố sâu vô tận giữa sự vô hạn của Cái Tuyệt đối và sự hữu hạn của con người. Con người sẽ không bao giờ nắm bắt chính xác Chân Lý đó. Thế nhưng, vì là hữu nên con người vẫn có khả năng mở ra cho điều đó. Trong giới hạn của chính mình, con người lần mò để nắm bắt phần nào thực tại cao vời của Cái Tuyệt đối qua sự phủ định nơi tính hữu hạn của con người. Nơi mà lý trí của con người rơi vào bế tắc thì chính nơi đó đức tin phát huy tác dụng của mình. Con người không còn cậy dựa vào năng lực tinh thần giới hạn của mình nữa. Con người lặng thinh và cởi mở tâm hồn để đón chờ sự tự tỏ lộ của Hữu Tuyệt đối. Trong ánh sáng thần diệu của đức tin, con người được rọi sáng để hiểu biết hơn như giám mục Nicolas thành Cusa từng trích lời của tiên tri Isaiah: “trừ phi bạn tin, còn không bạn sẽ không hiểu.” Giữa hiểu và tin luôn có mối quan hệ bền chặt với nhau mà nền tảng cốt yếu được đặt nơi đức tin.

Chính vì vậy, khởi đi từ đức tin, chúng ta nhận biết Đấng Tuyệt đối, Hữu Tuyệt đối hay Cái Tuyệt đối chính là Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ. Chúng ta hiểu được lý do tại sao con người mọi thời vẫn khao khát hiểu biết về Thực tại Tối hậu nhưng không thể gọi tên chính xác Ngài. Không phải việc con người không nắm bắt được Thiên Chúa đồng nghĩa với việc Ngài không hiện hữu. Ngài luôn hiện diện và tỏ lộ, tuy nhiên, vì tính hữu hạn mà con người vẫn mù tối trước Ngài. Vì là hữu nên con người vẫn có khả thể đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng hành động mạc khải lại là hành động tự do của chính Thiên Chúa. Chính trong bóng tối của sự vô tri mà con người có thể gặp gỡ Đấng-là-sự-hiểu-biết-tuyệt-đối, Đấng tự tỏ lộ chính mình cho con người.

Như vậy, Thiên Chúa có tự do tuyệt đối trong việc mạc khải chính Ngài cho tinh thần hữu hạn. Nơi Ngài, tình yêu chính là nền tảng cho hành động tự do đó. Tình yêu đã được Thiên Chúa trao tặng trong hiện hữu của con người. Nơi tình yêu, con người vượt ra khỏi chính mình để vươn lên tới Thực tại Siêu việt. Nếu con người tìm được nơi chính mình sự hiện diện của tình yêu tinh ròng thì tin chắc con người sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi nhưng lại rất thiêng liêng của Đấng đã trao tặng tình yêu cho nhân loại. Đến lượt mình, con người cũng có hành động tự do thông qua tình yêu được ban tặng đó để dấn thân vào thế giới.

Qua đó, chúng ta sẽ hiểu được lý do tại sao chính Chúa Giêsu lại nhắn nhủ các môn đệ của mình hãy yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương các ông. Hay người khác sẽ nhận biết các ông là môn đệ của Ngài nếu như các ông biết yêu thương nhau. Con người được may mắn vì được chia sẻ tính tinh thần và tình yêu từ Thiên Chúa. Con người không chỉ đơn giản là những hữu thể hiện hữu trong thế giới mà con người còn được phú bẩm khả năng hướng về Thiên Chúa và hướng đến những hữu thể khác. Thiên Chúa luôn hiện diện và tỏ lộ chính Ngài cho những ai biết kiếm tìm Ngài trong mọi sự. Thông qua tình yêu, con người chạm gần hơn đến Thiên Chúa. Con người cảm nếm được phần nào hương vị thần linh của Tình yêu Tuyệt đối. Qua đó, chúng ta thấy một vị Thiên Chúa luôn cởi mở và hào phóng vì đã chia sẻ sự tốt lành của Ngài cho những hữu thể hữu hạn.

Đến lượt mình, con người như những tinh thần trong thế giới được mời gọi thể hiện tình yêu đó cho những hữu thể khác. Vì được hiện hữu là đã được dự phần vào Hiện hữu Thần linh của Thiên Chúa, cho nên, con người cần phải cố gắng sống tình yêu mà mình nhận được cho những tạo vật khác. Chính lúc con người chia sẻ tình yêu ấy cũng chính là con người bắt gặp nơi đó Thiên Chúa mà mình hằng tìm kiếm. Chúa Giêsu từng khẳng định rằng ai đón tiếp những em nhỏ này vì danh Ngài là đón tiếp chính Ngài, và ai đón tiếp chính Ngài là đón tiếp Đấng đã sai Ngài. Hơn nữa, qua việc chiêm ngắm sự hùng vĩ của vũ trụ, con người nhận ra sự hữu hạn của mình và sự vô hạn của Thiên Chúa. Khi đứng trước sự kỳ vĩ đó, con người chỉ còn biết lặng thinh và ngất ngây với một niềm vui khôn tả. Qua đó, con người khám phá ra nhiều cách thức để cảm nghiệm một sự hiện diện thân thuộc của Đấng Vô hạn.

Nói tóm lại, vượt lên trên mọi giới hạn của kiếp nhân sinh, con người vẫn luôn có khả thể mở ra tuyệt đối cho Hữu Tuyệt đối. Dù là tinh thần hữu hạn, con người vẫn luôn mang trong mình nỗi khắc khoải tột cùng. Nỗi khắc khoải đó được tỏ lộ rõ trong lời của thánh Augustine: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” Trong suốt hiện hữu của mình, con người luôn cảm thấy một thôi thúc nội tại đẩy mình tìm kiếm một điều gì đó để khỏa lấp nỗi trống vắng của tâm hồn. Càng tìm dựa nơi những tạo vật bất toàn, con người càng thấy mình trống rỗng. Chỉ trong bóng tối của sự vô tri, con người mở ra cho Thiên Chúa để Ngài tự do khỏa lấp tâm hồn mình. Như vậy, tự bản chất con người luôn ở trong tình trạng giằng xé của tính hữu hạn và khả năng mở ra vô hạn cho Hữu Tuyệt đối. Trong thế giằng xé đó, con người luôn vươn lên để chạm tới ý nghĩa của cuộc đời mình.

Philip

(Bài viết được tác giả đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …