Tôi tình cờ đọc được dòng chữ đó và lặng người khi nghĩ đến Làng Lao và cả một hành trình không tưởng.. đã chia tay họ một thời gian nhưng những cảm xúc tôi dành cho họ tới thời điểm này vẫn còn y nguyên. Ai đã 1 lần đến đó hẳn sẽ có ước nguyện giống tôi là muốn nơi ấy, những con người ấy là một phần trong tâm hồn và trong trái tim của mình.
Chuyến đi không tưởng của chúng tôi kéo dài gần 3 ngày với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi người tham gia ai cũng sẽ có tình cảm riêng dành cho nơi này và cho những con người nơi đây. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc quá trưa và kết thúc hành trình khi những người dân ở giáo họ Đồng Hẻo đã chìm vào giấc ngủ. Cứ ngỡ đến muộn như vậy thì không còn ai chờ và cũng ít có ai đợi, vậy mà điều chúng tôi nhận được vô cùng cảm động. Đó là rất nhiều bà con của họ Đồng Hẻo vẫn chờ chúng tôi, và hơn nữa là sự có mặt và những cái bắt tay ấm áp của anh, chị, em làng Lao. Bữa cơm đã được nấu sẵn chờ đợi từ rất lâu rồi, để tới 10h30 khuya mới được phục vụ. Nếu so sánh bữa cơm ấy với 1 bữa cơm ở chốn phồn hoa đô thị quả là khập khiễng về mặt vật chất, nhưng ở đó chưa chắc bạn đã được ăn một bữa cơm nào tràn trề tình cảm, tấm lòng như vậy. Đơn sơ nhưng đủ để tiếp thêm sức mạnh cho những trái tim mệt mỏi sau khi trải qua một hành trình 9 tiếng đi xe máy. Ngày thứ nhất kết thúc với giấc ngủ trong nhà Chúa kèm theo cái lạnh mà mỗi người cảm nhận khác nhau. Liệu có phải cái lạnh mang mỗi người đến với những dấu hỏi khác nhau về hành trình của ngày mới?
Ngày thứ hai, chính thức đối diện với thử thách đường rừng 30km. Sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện chúng ở đường bằng hay đường bê tông, nhưng không, chúng tôi sẽ thực hiện bằng đường núi… 7km đầu tiên là đoạn đường đẹp nhất nhưng cũng mất nhiều thời gian để đi nhất vì lâu rồi những đôi chân sinh viên chỉ mải mê với phố xá tấp nập. Dường như chúng tôi làm chậm lại hành trình của những người H’mong đi cùng. Mỗi điểm dừng nghỉ có thể thấy 2 nét măt hoàn toàn trái ngược nhau. Không cần phải nói ra, chắc các bạn cũng biết vẻ mặt phờ phạc của chúng tôi và sự vui vẻ trong mắt của họ – những người đồng hành. Trên đường đến bản mới, cứ đi qua nhà nào, chúng tôi đều được chào đón bằng 1 nụ cười và lời hỏi thăm “ đi làng lao đấy à?” Câu hỏi ấy khơi gợi sự tò mò và làm tăng thêm động lực để mỗi người cố gắng bước tiếp. Sau 7km đầu tiên đường đi không còn rộng như cũ nữa mà chỉ đủ để 1 người đi. Có lúc cả đoàn đi nối đuôi nhau qua những khúc quanh, quần áo đủ màu sắc như những chú sâu đại bự của núi rừng. Hành lí của những ai mang theo được chuyển dần từ người này qua người khác để san sẻ bớt gánh nặng. Người dân làng lao chưa bao giờ nhăn mặt mà hoàn toàn ngược lại. Có vậy mới thấy được sự kiên trì, chịu khó để sống với thiên khắc nghiệt của đồng bào dân tộc khắp nơi.
Trải qua đoạn đường dài với nhiều sự cố gắng chúng tôi cũng tới điểm nghỉ dừng chân ăn trưa. Về cơ bản thì sinh viên ăn bằng nồi để tiết kiệm khâu rửa bát thì lần này còn thích thú hơn vì “ ăn mì tôm không cần bát luôn!” Cách này ai cũng có thể áp dụng ( công thức như sau: chặt ống nứa đựng nước suối rồi đun sôi, gói mì tôm các bạn bóc theo chiều dọc dựng đứng được, cho lượng gia vị vừa đủ và rót nước vào, chờ 1 vài giây là tèn ten mì tôm nóng hổi không cần bát, mình đã thử và thành công!!! Chúc các bạn cũng như mình nhé!!). Nếu thử hẳn bạn sẽ phải thốt lên “Wow, 1 cảm giác thật yomost!!”
Khoảng 1h30 hành trình tiếp tục với những dốc và đèo. Đoạn cuối này ai cũng thấm mệt, người đi chân đất, kẻ đi tất xách giày…. và hiển nhiên là tay ai cũng có gậy. Có vẻ lúc này chân không còn nghe lời đầu nữa rồi, chân mỏi chân đau, nhưng đầu vẫn muốn chân bước. Chính lúc này đây, ta cảm nhận rõ sự nối kết từ bàn tay này đến bàn tay khác. Có một người cầm tay một người hành trình sẽ bớt gian nan hơn, con đường như gần lại và những con dốc cũng thoải mình ra hơn thì phải. đoàn đầu tiên chạm đích lúc 4h, hét lên trong sung sướng khi đoàn cuối cũng vẫn còn 1 quả núi nữa. 5h chiều nhóm cuối cùng tới nơi khi bóng tối đã tranh nhau chạy đến nơi này.
Tối đó, chắc sẽ không ai quên được sự tiếp đón nồng hậu của bà con nơi đây. Tất cả mọi người cùng sum vầy trong nhà Chúa. Dường như dưới sự liên kết của Ngài, anh chị em chúng con được gần nhau hơn, không phân biệt tuổi tác hay dân tộc, chung chia chén rượu và có chăng là 1 chút của sự vất vả, khó khăn ở nơi này. Ông trưởng thôn có dịch lại lời một bài hát mà cụ ông cao tuổi hát tặng chúng tôi: “Các anh chị ở xa đến đây chơi để biết đất nước còn nhiều chỗ khổ, rồi khi về nhớ rủ thêm nhiều người nữa lên để mở rộng xây dựng cho đẹp…” Ngắn ngủi nhưng làm cho nhiều trái tim rung động. Nếu một người ngoài nhìn vào chắc đủ để họ mỉm cười vì tình đoàn kết được gắn trong gia đình, trong hội thánh nhỏ này. Anh em sinh viên Hưng Hóa đã được no, được say, được hò, được hát trong tình yêu, tình mến, tình người của hồng ân Thiên Chúa!! Theo như tập quán của người H’Mông, bếp lửa luôn cháy sáng khi họ ở nhà để sưởi ấm và để đốt cháy đức tin trong họ và từ đó đức tin ấy truyền sâu vào mỗi người sinh viên cách thật đặc biệt. Giấc ngủ đến và mang mỗi người đi theo những dòng suy nghĩ khác nhau…
Quả thật, thời gian trôi rất nhanh, mới lúc nào còn rồng rắn nhau trên đường đi thì giờ đây đã nói lời chào tạm biệt. Những gói xôi, gói cơm trắng, gậy mía và cả những người bạn đường nhỏ tuổi song bước trên đường về là tất cả hành trang mà người dân trao cho chúng tôi khi ra về.. ngậm ngùi, nghẹn ngào, say đắm không khí quá nghèo nàn cơ cực nhưng vẫn luôn đầy tiếng cười ở nơi đây. Bức ảnh kỉ niệm có trẻ, có già và có nhiều tâm trạng khác nhau. Nụ cười, cái bắt tay, những cái ôm nhẹ, những lời chúc thay cho lời chia tay mà không biết khi nào gặp lại. Thêm một điều nữa mà cho tới tận lúc về tôi mới ý thức được, đó là sự ngây ngô, trong sáng và niềm khao khát của trẻ em ở đây. Đa phần những đưa trẻ cùng tốp với chúng tôi khoảng 7,8 tuổi rất ham học và đứa nào cũng có những ước mơ của riêng mình. Có bạn đã viết những tâm sự của mình về lũ trẻ “Không chỉ có những bàn tay quan tâm của anh chị em trong nhóm kéo tôi đi mà tôi còn được bàn tay quan tâm của các em nhỏ nắm lấy tay tôi và nói “em kéo chị đi nhé!”
Lúc này, tôi như được tiếm thêm sức lực và tôi có thêm động lực để bước nhanh hơn. Những bàn tay bé tý, lạnh toát nằm gọn trong lòng bàn tay tôi kéo tôi đi dẫn trước đầu đoàn, không những đi trước mà còn bỏ xa đoàn cả đoạn. Có những đoạn đường chỉ có mình tôi và lũ trẻ, chúng tôi nói chuyện rất là vui vẻ. Câu hỏi thường xuyên mà tôi hỏi các em “Các em đi như vậy có mệt không?” Tất cả cùng đáp: “Em không mệt đâu” Câu hỏi này tôi cũng không đếm nổi tôi đã hỏi các bé bao nhiên lần. Và câu trả lời mà tôi nhận được đều là: “Em không mệt đâu!”
Có lúc tôi hỏi “Các em có thấy khổ không?” Mấy đứa lại đồng thanh trả lời: “Không chị ạ!” Tthế mấy đứa có buồn vì phải đi học xa như vậy không?” Câu trả lời là: ” không chị à mà vui lắm!” “Thế mấy đứa muốn làm gì khi cao như chị?” Có đứa còn đang suy nghĩ, có đứa thì trả lời luôn: “Em muốn được đi học như chị!” Tôi chả biết nói gì chỉ biết khuyên mấy đứa cứ cố gắng học, học thật giỏi thì sẽ được đi học như chị. Tôi chưa dứt lời thì có đứa đáp: “Đi học như chị thì không có tiền đâu” Tôi như bị chặn đứng không nói được gì.
Lúc này tôi ước tôi có thật nhiều tiền, có thật nhiều nhà hảo tâm tới nơi đây với các em. Nhưmg hình như đó chỉ là mơ ước. Nhớ lại mà thấy chạnh lòng. Có những lúc tôi cùng mấy anh em trong nhóm và cả những đứa trẻ vừa đi vừa hát những bài hát thiếu nhi và cất cao giọng để đọc kinh Lạy Cha làm vang cả núi rừng. Quãng đường thật không dễ để đi nhưng được đi cùng các bé quãng đường trong tôi như được rút lại rất nhiều. Chính lũ trẻ đã cho bản thân tôi một cái nhìn khác về tương lai và về mơ ước. Đôi khi cảm thấy mình thật yếu đuối khi đứng trước chúng. Khép lại hành trình lúc đêm muộn để có mặt ở Hà Nội với vẻ mặt buồn ngủ và cơ thể uể oải. Chúng tôi đã đi hết chặng đường 3 ngày với gần hơn 400 km bao gồm 60km đường rừng… chặng đường tưởng chùng như không thể.
Quãng thời gian tôi về với bà con Làng Lao quả ngắn ngủi nhưng chắc chắn đối với mỗi thành viên đều có những tình cảm đặc biệt dành cho bà con làng Lao. Có lẽ chúng ta phải cùng nhau cất lời cảm tạ hồng ân Chúa đã xe duyên cho cuộc gặp gỡ này, để từ đó chúng con biết trân trọng những gì mình đang có. Chúa công bằng và thiện hảo với tất cả con cái của Ngài, vì vậy con xin phó thác anh chị em chúng con trong tay Ngài, xin Chúa bù đắp những tâm hồn luôn hướng đến Chúa – nguồn bình an!!
Bài: Ma-ri-a H, nhóm SVCG Hưng Hóa
Ảnh: Ban Truyển Thông SVCG Hưng Hóa