Con người và sự đối kháng nội tại

mauthuan

“Tát vào má cháu một cái vì dám cãi lời tôi, tôi thấy lòng mình nhói đau vì vừa tức giận vừa thương con”. Đó là một lời chia sẻ của một người mẹ vì đứa con đang trên đà hư hỏng. Đời sống thực tế, có biết bao sự xung khắc như thế xẩy ra, xẩy ra giữa con người với nhau và xẩy ra nơi chính bên trong của mỗi người. Nó cũng có thể đem lại cho con người bình yêu mà cũng có thể làm cho họ mệt mỏi và buồn chán. Vậy, sự xung khắc ấy có hiện hữu không, xuất phát từ đâu, nó đang diễn ra trong đời sống con người như thế nào và nó đem đến cho con người lợi hay hại?

Từ trước công nguyên, khi suy nghĩ về bản chất con người, các nhà tư tưởng lớn ở Phương Đông cũng như Phương Tây đã tin rằng sự đối kháng (xung khắc) có hiện diện nơi con người và nó xuất phát từ bên trong con người. Ở phương Đông, các nhà tư tưởng không nói trực tiếp đến bản chất đối kháng nội tại trong con người, nhưng những gì họ nói về việc thực hành để là một người quân tử, hiền nhân cũng đủ cho ta thấy được đời sống con người là một sự chiến đấu giữa hai thế lực đối kháng bên trong. Thật vậy, Khổng Tử (sống thời Xuân Thu, Trung Quốc) không cho ta biết sự đối kháng trong con người là gì, nhưng ông đưa ra những điều phải làm để khắc phục sự đối kháng giữa điều tốt và điếu xấu. Theo Khổng Tử, trong đời sống, mỗi người cần tu thân, làm cho nhân nghĩa trong con người chiến thắng lòng bất nhân và sự bất nghĩa.[1] Hai trong các đồ đệ của Khổng Tử là Mạnh Tử và Tuân Tử đã nói sâu hơn về sự đối kháng nội tại này, khi hai ông bàn về bản chất nguyên thủy của con người là tốt hay xấu. Mạnh Tử (385–303 hoặc 302 TCN) cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra có bản tính tốt[2]. Vậy, cái mặt đối kháng với tính bản thiện kia (lòng gian tà) trong con người từ đâu mà có? Theo ông, có yếu tố không thiện trong con người. Nếu nó không được kiềm chế và cộng thêm với việc sống trong môi trường xấu thì sự không thiện ấy sẽ trở thành sự bất chính-gian tà nơi con người[3]. Trái lại với Mạnh Tử, Tuân Tử (313 TCN – 238 TCN) cho rằng “nhân cho sơ tính bản ác”. Theo ông, lòng gian tà luôn đi trước tính nhân nghĩa nơi con người. Con người luôn bị thúc đẩy bởi những ý nghĩ tham lam lợi lộc riêng tư[4]. Như vậy, dù không nói trực tiếp đến sự xung khắc đối kháng bên trong lòng con người, các nhà tư tưởng Trung Quốc cho ta thấy đời sống con người luôn có sự đối kháng ngay chính trong lòng.

Khác với các nhà tư tưởng Phương đông, những nhà tư tưởng Phương Tây bàn về sự đối kháng trong con người cách rõ hơn. Thật vậy, khi nói về con người, Plato (khoảng 424-347 trước công nguyên) đã nói về sự đối kháng giữa thân xác và linh hồn[5]. Đối với ông, con người gồm có thân xác và linh hồn, tuy nhiên, hai thành tố này của một con người luôn sống trong sự chiến đấu với nhau. Plato cho rằng thân xác là ngục tù của lình hồn; nó luôn giữ linh hồn ở chốn đau khổ, không cho linh hồn được hưởng thế giới thực tại hoàn thiện của nó. Linh hồn luôn phải chịu những đam mê của nhục dục của thân xác. Hơn thế nữa, khi bàn về linh hồn, Plato còn khẳng định rằng trong linh hồn còn có một thành phần hướng về các đam mê thường đối kháng với phần kia hướng về thế giới hoàn thiện-thế giới tự tại luôn tồn tại. Aristotle (384 – 322 trước công nguyên) thì không tách biệt hai thành phần của con người với sự đối kháng của chúng, tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguyên nhân của sự xung khắc và đối kháng trong nội tại con người. Thật vậy, Aristotle cho rằng linh hồn con người có hai phần : lý tính và phi lý tính. Phần lý tính thì hướng con người đến thực hiện những chức năng hương đến mục đích cuối cùng của mình là sự hạnh phúc; ngược lại, phần phi lý tính thì thuộc về đam mê vốn đưa con người đến hành động thái quá tức không đem lại hạnh phúc[6]. Đi xa hơn theo dòng lịch sử, các nhà tư tưởng sau này luôn tìm cách để giải thích sự đối kháng trong con người qua việc bàn về tính thiện và cái ác trong con người. Thánh Augustine (354430), một triết học gia thời Trung cổ, giải thích về nguồn gốc sinh ra sự đối kháng trong con người bằng việc đề cập đến việc sử dụng tự do ý chí của con người. Ông cho rằng, tình yêu với Thiên Chúa là nguồn đem lại sự tốt lành trọn vẹn cho con người, tuy nhiên, con người lại tự cho mình là nguồn đáp ứng sự sung mãn cho mình nên tình yêu của họ chỉ dừng lại ở tạo vật, tức lấy thực thể hữu hạn để thỏa mãn nhu cầu vô hạn (nhu cầu tình yêu trong Thiên Chúa). Sự mất trật tự này được thực hiện bởi ý chí con người và nó là nguồn của sự kiêu ngạo vốn sinh ra cái ác.[7] Như vậy, Augustine cho ta thấy sự đối kháng của sự tự do và nô lệ nơi ý định. Sau này, khi bàn về thực hành đạo đức, Emmanuel Kant (1724-1804) chỉ ra cách để dung hòa sự xung khắc ấy. Theo ông một ý chí tốt giúp điều khiển cách đam mê và cảm xúc đi đúng hướng đến hoàn thiện.[8] Một chút về các tư tưởng của các nhà triết học Phương đông cũng như Phương tây cũng một phần nào cho ta thấy được có một sự đối kháng bên trong con người và nó là nguồn gốc của sự xung khắc trong tương quan với chính mình cũng trong tương quan với người khác.

Sự xung khắc hay đối kháng diễn ra bên trong con người không phải là cái gì đó chỉ diễn ra nơi tư tưởng hay được viết ra trên sách vở, nhưng chúng là những hiện tượng đang diễn ra một cách sống động nơi cuộc sống con người hằng ngày, không kể kẻ giàu người nghèo, kẻ trí thức người bình dân, kẻ tu hành người sống đời thường. Thật vậy, mỗi ngày khi thức dậy, cuộc sống của mỗi người lại diễn ra; bên trong họ, lòng khao khát yêu và được yêu cứ diễn ra; nguồn thúc đẩy đi tìm hạnh phúc cứ hoạt động, và những đam mê vẫn cứ thúc dục được thỏa mãn. Tất cả như một dòng sông không có ý định ngừng chảy bao giờ, dù có những lúc người ta không chịu nổi chúng. Trong dòng chảy của những khao khát này, luôn có sự xung khắc diễn ra : xung khắc giữa ý chí và đam mê, giữa ước muốn và rào cản, giữa lựa chọn và lương tâm, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa tha thứ và hận thù, sự gian dối và sự thật, giữa cảm xúc và lý trí, giữa dòi hỏi của xác thịt và đòi hỏi thăng thiên của tinh thần, giữa đón nhận chinh mình và chạy trốn chính mình, giữa ảo tưởng và khả thể thực…. Thật vậy, có những người ý chí muốn họ bỏ ăn chơi, nhưng đam mê lại kéo họ lại. Có những người cảm xúc thúc dục sự ngoại tình, nhưng ly trí lại cho biết điều xấu từ đó. Có những người muốn tha thứ, nhưng không sao tha thứ được. Có những người thấy sự thật về mình, nhưng lại không sao chấp nhận nó được. Có những người muốn chọn công việc nhiều tiền dù không mấy chân chính, nhưng lương tâm lại thấy đau đớn và hổ thẹn. Những xung khắc hay đối kháng này đang diễn ra trong nội tâm và trong đời sống của mỗi người, dù người ta có để ý đến nó hay là không.

Vậy những sự xung khắc đang diễn ra hằng ngày nơi mỗi người như vậy có lợi hay có hại cho đời sống con người? Có nhiều người cho rằng xung khắc phá hoại đến đời sống hạnh phúc con người, tuy nhiên đối với tôi, thì xung khắc bên trong mỗi người đem lại cho họ nhiều ích lợi hơn là hại. Thật vậy, sự đối kháng nội tâm giúp con người rất nhiều trong việc tìm ra sự thật về chính mình. Những kinh nghiệm đối kháng nội tâm là một trong những công cụ giúp con người nhận biết mình một cách rất hữu hiệu. Ví dụ: sau một buổi vui chơi rộn rã, anh vẫn thấy tâm hồn mình trống vắng; vẫn thấy có cái gì đó bên trong mình chưa được thỏa lấp. Nó đang tồn tại trong anh và trái ngược với những sự thỏa lấp mà anh có được từ cuộc vui. Anh vẫn thấy một nguồn thúc đẩy nào đó đối kháng lại với những điều kiện mà lâu nay anh nghĩ là nguồn của hạnh phúc thật. Từ đó, bắt đầu đi tìm hiểu về mình, để biết mình là ai mà những điều kiện vui chơi thỏa thích kia không làm cho anh trở nên con người như là con người được. Như vậy, sự xung khắc nội tâm là dấu hiệu quan trọng để ta nhận biết mình, nhân biết những gì mình đang sống và những gì mình phải sống theo như tiếng gọi bản chất là con người chưa có hội nhất với nhau, tức đường hướng sống của ta chưa chân thật, chưa dẫn ta đến sự hạnh phúc đích thực của cuộc sống.

Giuse Trần Văn Quân, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

[1] X. Luận Ngữ (dịch và chú thích : Nguyễn Hiến Lê), Thiên 2, 20.

[2] X. Phùng Hữu Lan (dịch :Nguyễn Văn Dương), Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, NXB: Thanh Niên, 1999, tr. 82-84.

[3] X. Sđd, tr. 83.

[4] X. Tuân Tử, Thiên 23.

[5] X. Louis P. Pojman, Who are You?, Oxford University Press, 2006, tr.58.

[6] X. Samuel Enoch Stumpf (dich : Đỗ Vắn Thuấn và Lưu Văn Hy), Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, NXB: Lao Động, 2004, tr. 86-87.

[7]X. Louis P. Pojman, Who are You?, tr.74-75.

[8] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, tr. 524.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *