Lũy Thầy

(Truyện ngắn – Kính tặng mẹ nhân ngày Mother’s Day)

Má kể: “Nghe đâu ngoài Bắc có cái lũy tên là Lũy Thầy!”

Thằng Tí ngúng nguẩy cái đầu thắc mắc: “Lũy Thầy! Nghe ngộ má hén! Mà lũy là gì?”

Má trả lời: “Giống như cái đê người ta đắp lên ngăn nước mặn dưới mình đó! Còn ở đây cái lũy này được xây lên để ngăn quân giặc xâm lăng!”

-“Vậy có cái lũy là an tâm! Không sợ gì hết nữa hả má?”

-“Đúng rồi! Có cái lũy thì mấy đứa nhỏ giống cu Tí được ngủ ngon giấc. Tía nằm yên dưới lòng đất mà không bị đào bới. Má an tâm đi làm có tiền ra tiền vô lo cho cu Tí. Sướng nhất đời hén!”

Tí nhớ hoài cái Lũy Thầy mà má kể hồi nẫm. Nghe thì thích thú và muốn có lúc nào đó ra thăm. Mấy bận Tí nói với má: “Mai mốt Tí lớn, đi làm kiến tiền thiệt nhiều, rồi Tí dắt má ra Lũy Thầy hén!”

Má cười lấy ngón tay dí đầu Tí sang một bên, nói vui: “Ờ! Nghe cũng đặng chớ!”

Má có mỗi mình Tí. Tía chết mấy năm rồi! Chết vì trời đánh. Hôm đó đang đi làm đồng về, thấy trời mưa sấm dữ quá người ta nấp vô mấy cái chòi hết trọi. Tía cũng chạy vô nấp, cầm trên tay mấy con cá lóc với mấy con cá rô xâu vô sợi cỏ trâu mọc bên bờ ruộng. Nhưng thấy trời tối quá thì sợ má con Tí đói bụng vì hổng có gì ăn. Tía chạy cái ù ra ngoài trời đang mưa và sấm dữ dội hướng về nhà. Chạy độ vài trăm mét thì trời phát: “rầm!”, tía nằm xải lai giữa đường đi. Bà con chạy ra khiêng tía về cho má với Tí.

-“Tí! Chạy qua buồng bên kia lấy cho má bộ đồ nâu của tía. Lấy khăn với cái thau nước sạch đem vô đây cho má!”

Thằng nhỏ bảy tuổi đầu làm theo răm rắp. Má lật người tía lột bộ đồ ướt nhẹp ra. Vài chỗ bị rách chắc tại hồi nãy khiêng về bị mắc nhánh cây hai bên đường. Thằng Tí bước vô thấy tía nằm sõng soài trần trụi trên giường, mắt nhắm nghiền, chỉ đắp hờ tấm khăn rằn chỗ cần che. Má biểu gọn hơ: “Để đồ ở đây cho má! Ra ngoài để má lau mình cho tía!” Bà con đứng xôn xao ngoài cửa bàn tán. Lát sau má trong buồng bước ra, nói nhỏ gọn: “Bà con đưa ổng ra giùm em!” Mấy người người đàn ông bước vô buồng khiêng tía ra đặt trên bộ ván trước nhà. Mấy cô phụ nữ giúp chỉnh lại dáng nằm, kê gối, chuẩn bị bàn thờ. Hôm sau mọi người giúp đưa tía ra cái huyệt đất sau nhà. Gọn, lẹ, má khóc chút chút chứ không than thở ỉ ôi như mấy cô phụ nữ khác như Tí thấy ở mấy cái đám ma khác.

-“Má ơi! Sao má hổng khóc!”

Má trả lời tỉnh rụi:

-“Sao lại phải khóc hả con? Tía đi trước rồi từ từ mai mốt má già cũng đi theo tía mà! Ai mà hổng chết! Mắc gì khóc?”

Má biểu hổng mắc khóc mà tối tối má úp mặt vô vách khóc ngon ơ! Khóc y như ai lấy cây roi đánh vào người má vậy. Lâu lâu má giật nhẹ mấy cái rồi nằm im như cố nén. Tí giả bộ ngủ chớ cũng tỉnh rụi vì nghe tiếng “hức…! hức…!”. Nó hổng dám động đậy vì nó biết chỉ cần rờ nhẹ là má dụi mắt làm cứng rắn: “Hổng ngủ đi con? Thức gì giờ này?” Rồi hễ nó hỏi thì má biểu: “Ờ! Con bồ hóng rớt vô mắt! Cái con kỳ ghê!”. Mãi sau này Tí mới hiểu buổi tối má đốt đúng cây đèn chong treo giữa nhà, trong phòng hai má con nằm tối thui, thì làm gì có bồ hóng mà rớt vô mắt.

Má làm mọi chuyện thay cả phần tía kể từ hôm tía ra đi. Mọi khi còn tía thì má lo líp rau sau nhà. Còn tía lo miếng ruộng ông bà để lại, miếng ruộng cách nhà không xa lắm, chắc tầm nửa tiếng đi bộ. Vậy mà mọi chuyện má lo trọn vẹn. Má cũng hổng để ý tới ông nào trong xóm dù cái tuổi mới gần bốn mươi, vẫn còn đẹp lắm trong mắt bao người. “Bộ… hổng bước thêm bước nữa hả? Còn trẻ quá trời quá đất mà!” Má lắc đầu cúi mặt trả lời mấy người hàng xóm: “Thôi! Ở vậy nuôi thằng Tí. Ráng nuôi nó nên người cho tía nó an lòng.”

Má thương Tí vô ngần nhưng cũng cứng rắn dạy bảo. Mỗi lần làm gì sai là má lại đánh đòn khiến Tí sợ lắm. Nhưng mỗi lần đánh xong, Tí quỳ gối lên thút thít: “Con xin lỗi má! Từ đây đép tới con hổng dám làm vậy nữa!”. Vậy là má quăng cây roi vô vách mà ôm chằm cái đầu nhỏ xíu của Tí vô lòng. Má không giận dữ như lúc nãy mà chuyển sang dỗ dành: “Tí ơi! Con phải ngoan nghen con! Nhà có mỗi má con mình thôi!” Tí có cảm tưởng mỗi lần má nói câu đó là má dòm lên bàn thờ có tấm hình của tía trên đó. Có lẽ má khóc nhớ tía, nhưng má cũng khóc vì thương cho phận đàn bà góa một mình nuôi con, hay má khóc vì Tí hư hỏng. Nói chung Tí biết má khóc vậy thôi, được nư Tí cũng khóc theo má, khóc ngon lành, khóc còn hơn hồi nãy bị má đánh đòn nữa.

“Tí! Lên xe nhanh con. Trễ học rồi!” Má hối Tí nhanh chân xốc cái cặp và cầm theo nắm xôi ngọt má mua hồi sớm giờ vẫn còn âm ấm. Tí nhanh chóng ổn định, má lấy sức đạp chiếc xe cũ kỹ, dây sên kêu cót két. Ngồi sau lưng, Tí ngáp mấy bận liên tục, má biết Tí buồn ngủ vì hôm qua thức khuya ôn bài cho buổi thi hôm nay. “Buồn ngủ hả con?” Tí ôm ngang bụng má thiệt chặt, trả lời với giọng nửa mơ nửa tỉnh: “Dạ!”. Hai bàn tay nhỏ xíu ôm chưa hết bề ngang bụng, những ngón tay thon dài với những chiếc móng gọn gàng mới cắt hôm qua. Má buông một tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con. Bàn tay mềm mượt và non tơ. Bàn tay với những búp măng nho nhỏ đỏ hồng, má chợt nhớ Tía. Từng đốt xương, khúc gấp và cả mấy cái búp đầu ngón tay cũng y như tía. Nắm tay Tí mà má ngỡ nắm tay tía.

“Nay thi được hông con?” Tí nhanh nhảu trả lời má cách vui tươi: “Dạ được! Con làm hết mấy câu hỏi tiếng Việt với giải hết cả chục bài toán luôn.” Má nhìn khuôn mặt với vầng trán cao và mũi tẹt của Tí cũng y như tía hồi còn sống. Tóc của Tí và của tía cũng cháy nắng khét lẹt, nhưng của tía là đi làm ngoài trời cả ngày, còn của Tí là do đi chơi ngoài nắng cả ngày. Má hôn mái tóc của Tí mà hai mắt đỏ hoe. Nhưng nhờ tánh tình cứng rắn nên không để nhỏ ra giọt nước mắt nào. Nhiều lúc Tí tự mắc cỡ với chính mình vì thấy mình còn “mít ước” hơn cả má. Càng hiểu biết chút đỉnh, Tí biết đàn ông con trai phải cứng rắn chứ ai đâu như nó hở tí là khóc, hở tí đòi má. Càng hiểu hơn rằng mình phải thay tía lo cho má, chứ không phải để má lo cho mình hoài.

-“Đồ đạc má xếp vô va li hết rồi! Ngủ sớm đi! Mai lên đường!”

Má vừa định quay lưng đi thì Tí với cầm vội bàn tay má. Bàn tay xương xẩu và nhiều chỗ chai sần. Tí muốn khóc. Má quay lại dòm rồi nói với cung giọng vui tươi: “Trời ơi! Cái thằng! Đi rồi dzìa chớ bộ tính ở trển hổng dzìa sao mà khóc?” Tí ôm ngang bụng của má, má nói tiếp: “Thôi! Ngủ đi! Ngủ sớm mai ra bến xe đò! Quởn dzìa thăm tui!”.

“Quởn dzìa thăm tui!” Câu nói của má hình như có gì đó nhoi nhói trong lòng. Chiếc xe lăn bánh rời quê. Tí chợ ngẫm: “Chắc má buồn lắm khi phải nói câu này!”. Đây là quê mình mà, sao má lại nói là “về thăm”? Hành động thăm viếng chỉ dành cho những ai tới những chỗ lạ lẫm xa hoa, đất khách quê người, chứ sao má lại biểu là “dzìa thăm tui!”. Tí tự ngẫm: “Hổng lẽ má muốn mình đổi quê”.

Thắm thoắt thời gian trôi nhanh. Việc học hoàn tất và khi ra trường Tí được một công ty nhận vào vì những thành tích cố gắng ở trường được công ty ghi nhận. Mức lương khá nên Tí có tiền lo cho má và lo xoay sở nơi ăn chốn ở cho mình ở chốn Sài thành. Mỗi dịp nghỉ là Tí lại tranh thủ sắp xếp về với má ở quê.

Hơn sáu mươi tuổi mà má vẫn làm việc đồng áng, vẫn chăm mấy líp rau sau nhà cắt ra chợ bán mỗi buổi sớm. Số tiền Tí dành dụm gửi về má ít khi xài tới, thường chỉ khi cần thiết như bệnh tật hay từ thiện giúp bà con thì má mới dùng tới, còn lại toàn bộ má cất trong nơi kín đáo, biểu: “để dành thằng Tí lấy vợ.”

Dịp về tết lần này Tí được ở với má hơn hai tuần kể từ trước tết cho hết mùng. Thấy Tí về má vui vẻ và tinh thần có phấn chấn hơn rất nhiều. Nhất là má chuyện trò nhiều hơn vì tuổi cao và quanh năm có một mình nên ít khi mà giao tiếp với người ngoài. Một buổi tối Tí đề nghị:

-“Má ơi! Con đưa má đi Lũy Thầy nha!”

Má nhìn Tí cười, để lộ vết chân chim hằn rõ trên hai đuôi mắt và trán.

-“Cái thằng! Nhớ chi dai dữ! Chuyện má kể hồi nẫm mà bây còn nhớ tới giờ!”

-“Đi nha má! Con làm có tiền rồi! Giờ đủ lo cho má về tuổi già mà! Má muốn đi đâu, con đưa đi đó.”

Má cười hiền từ. Không từ chối cũng chẳng đồng ý. Cứ lảng sang chuyện khác. Câu chuyện cứ vậy tiếp nối cả đêm.

Quan tài của má được đặt nằm giữa nhà! Tí đưa vợ và con cùng về quê chịu tang má. Đốt ba cây nhang rồi từ từ chuyền từng cây một cho vợ và con, cả ba mái đầu đeo khăn trắng lặn ngụp trong làn khói mờ ảo. Tí nhìn vào khuôn mặt của má trong quan tài qua một lớp kiếng. Má vẫn bình thản, dịu hiền nhưng không thiếu nét cứng rắn. Bao nhiêu ký ức về khuôn mặt của má lại tái hiện về trong tâm khảm của Tí. Cái nét mặt đáng thương ngày tía ra đi, má thút thít một mình bên vách nhà. Nét mặt giận dữ nọc cho mấy roi thiệt đau rồi nét mặt khổ sở năn nỉ: “Ngoan nghen con! Còn có hai má con mình thôi!”. Nét mặt vui cười khi thấy Tí có kết quả học tập tốt, ngoan ngoãn. Nhớ nhất là nét mặt lúc mấy cô hàng xóm kêu má lấy chồng mới cho cu Tí có cha, nhưng má cúi đầu từ chối, chính khi ở cái tuổi làm chồng và làm cha, Tí mới hiểu quyết định ở góa của má là can đảm và phi thường biết nhường nào. Điều quan trọng là Tí khám phá ra rằng không phải người phụ nữ không biết khóc, lành lùng và cứng rắn, thực ra họ mềm yếu lắm, nhưng tình thương yêu là động lực để họ dám làm tất cả… Đúng rồi! Má thương tía! Má thương Tí.

Nép đầu vào thành quan tài, Tí thấy vách quan tài cao cao tựa như cái Lũy Thầy trong lời kể của má. Dù má đã nằm xuống nhưng má vẫn là Lũy Thầy che chở đời cu Tí. Cu Tí dù gần bốn mươi mà vẫn thấy mình nhỏ xíu. Cái Lũy Thầy cuộc đời má đang chắn che cho đời Tí. Sống cũng chắn che. Chết cũng che chắn.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *