Con xin được chia sẻ cảm nhận và tâm tình cầu nguyện của con khi ngắm bức tranh “Chúa Hiển Dung” của Theophan Grek được vẽ vào thế kỷ thứ 14, hiện được trưng bày trong Tretjakov-Galerie, Moskau.
Vừa thoáng nhìn bức tranh, điểm thu hút con nhất là hình Chúa trên cao vượt trên hết những đỉnh núi, rực sáng với nhiều hào quang chung quanh, và những tia sáng đang rọi xuống dưới vùng núi thấp. Ỏ đây 3 môn đệ người thì nằm dài, người thì cúi gập hay quỳ gối, gương mặt biểu lộ những cảm xúc khác nhau sau cơn sợ hãi khi nhìn thấy Chúa biến hình.
Thánh Phê-rô phía bên góc trái đang hướng mắt và tay mình về Chúa xin Chúa cho dựng 3 cái lều ở đây. Trong khi Gioan, kế bên Phêrô, nằm sấp dưới đất, gương mặt như đang suy nghĩ với một nỗi băn khoăn nào đó. Còn Giacôbê thì vẫn còn sợ hãi, tay đang bịt đôi mắt nhắm kín của mình.
Trái với những gương mặt lo âu này là gương mặt nhân từ và bình tâm của Chúa Giêsu với một thế đứng thật uy nghi, 2 ngón tay của bàn tay phải chỉ lên trời như đang nhắc đến Chúa Cha và đang đàm đạo với Môisê và Elia, tay trái thì cầm một cuộn giấy da. Chúa oai phong lộng lẫy trong một chiếc áo trắng dài chói lọi ánh sáng và những đường dệt vàng thật đẹp. Một màu trắng diễn đạt sự tinh tuyền, sự quang minh chính đại, sự cao cả của Chúa.
Đứng cạnh bên Chúa là Môisê và Elia, hai nhân vật tiêu biểu của thời Cựu Ước đã báo trước ngày Chúa đến trần gian. Môisê cầm trong tay một cuốn sách như Giao Ước cũ. Cả hai đều cung kính nghiêng mình, hướng mắt nhìn về Chúa như để làm chứng cho thiên tính của Đức Giêsu và xác nhận những tiên báo đã trở thành sự thật.
Nhìn chung, bức tranh cho chúng ta thấy sự tương phản rõ rệt giữa phần trên và phần dưới của bức tranh.
Phần trên, nơi Chúa Giêsu cùng 2 ngôn sứ đứng, lan tỏa một sự bình tâm, một tôn ti trật tự và hạnh phúc với ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ Chúa. Nơi đây bầu trời cũng màu vàng sáng, khác với màu xanh nhạt mà chúng ta thường thấy. Và nơi đây là quê hương vĩnh cửu mà chúng ta cần luôn ý thức hướng về.
Phần dưới của bức tranh, dưới chân Chúa, nơi những vùng núi thấp, là nỗi sợ hãi của 3 môn đệ và sự hỗn loạn được diễn tả bởi những tư thế của các ông, Phần này được vẽ với những màu đậm của đất và núi non, không sáng như phần trên.
Ngoài sự tương phản, bức tranh cũng được vẽ với một kỹ thuật làm cho người xem cảm nhận được khoảng cách lớn giữa trời cao và núi thấp.
Tuy nhiên, trong khoảng cách này, chúng ta thấy có những vùng được rọi chiếu bởi ánh sáng từ trời cao và từ nơi Chúa đứng trên cao, có 3 tia sáng màu xanh đến với 3 môn đệ.
Và trên đỉnh của 3 tia sáng này, là Chúa, là điểm nối kết các môn đệ với nhau.
Một điểm rất thú vị của bức tranh này là giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có những núi cao. Ở 2 núi nằm ở 2 bên bức tranh, được tô đậm với màu đất đỏ, chúng ta thấy bên trái là cảnh 3 môn đệ đang theo Chúa lên núi và bên phải là cảnh 3 ông theo Chúa xuống núi.
Bức tranh mô tả thật sống động bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, với những tương phản, những khoảng cách giữa các môn đệ và Chúa. Nhưng những khoảng cách này được lấp đầy bởi những đường dây nối kết Chúa và các môn đệ, bởi sự hướng dẫn của Chúa khi lên núi và xuống núi. Điều này cho chúng ta thấy Chúa ở trên trời cao thẳm nhưng cũng rất gần gũi với con người.
Chúa biến hình để củng cố đức tin của môn đệ sau khi loan báo cuộc khổ nạn sắp đến của Người. Qua bức tranh này với hình ảnh của Chúa cao cả và quyền năng, con cảm nhận được nhiều hơn nữa sự khiêm hạ và tình yêu bao la của Chúa khi đã mặc lấy phận người nghèo hèn, khiêm tốn để phục vụ, để chịu khổ hình vì tội lỗi của muôn người trước khi sống lại vinh hiển.
Câu hỏi mà con đặt ra là qua bài Tin Mừng này, trong bối cảnh của thời đaị và hành trình thiêng liêng của con hiện nay, con phải làm gì để đạt được cùng đích của đời mình là được bước vào thiên quốc vĩnh cửu và được ngắm nhìn vinh quang của Chúa như các ngôn sứ?
Hình ảnh các môn đệ theo Chúa lên núi làm con hình dung mình cũng lên núi gặp Chúa trong mỗi khi đi linh thao, hay trong những lúc cầu nguyện, trong phút hồi tâm.
Trong những lúc tĩnh lặng, cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Chúa đang bao phủ là một niềm hạnh phúc bao la.
Tuy nhiên, con ý thức rằng mình không được chỉ dừng lại ở cảm giác hạnh phúc này thôi mà phải tiếp tục thao luyện và tiếp tục tiến bước trên hành trình đức tin của mình để được bình an thật sự cho đời này và được cuộc sống vĩnh cửu bên Chúa đời sau.
Con cảm nhận con đường đến Chúa không phải chỉ là một con đường thẳng mà là những con đường núi mà con phải leo cao hơn, khó khăn hơn vì những thử thách mà con sẽ phải đối diện như đau ốm, bệnh tật, chiến tranh, mất mát v.v.
Vì thế, con luôn cần nhìn lại mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, và tiếp tục gọt dũa những rào cản, tháo gỡ những xiềng xích như những lo âu cho nhu cầu vật chất, những tư tưởng và hành động quy về mình, những điều làm con vấp ngã, không được tự do đến với Chúa.
Lạy Chúa, trên con đường theo Chúa, xin giúp con mở rộng trái tim của mình để con được nhận diện Chúa không chỉ trong những lúc cầu nguyện nhưng ngay trong những khoảnh khắc của đời thường, qua các việc làm lớn nhỏ cho những người anh em, qua các khó khăn và những thử thách mà con đối diện, qua những nhân đức mà con vun trồng, để con được biến đổi mỗi ngày và mỗi ngày nhẹ nhàng hơn theo chân Chúa. Amen
Agnes Phạm Kim Liên