Nhà thương Magdalena, Loyola, Tây Ban Nha, ngày 27 tháng 09 năm 2021
Cha kính mến,
Những ngày này, tại Loyola quê hương của cha cũng như nhiều nơi hành hương mà cha đã từng đi qua (Arantzazu, Monserrat, Manresa…), đâu đâu người ta cũng thấy hình ảnh và thông điệp liên quan tới cuộc hoán cải của cha. Vẫn còn đó những dòng người tới hành hương, tĩnh tâm, và cầu nguyện. Tuy nhiên, có một địa điểm khi xưa giờ đã khác lắm rồi, thưa cha! Hẳn cha còn nhớ nhà thương dành cho người nghèo mang tên Magdalena, nơi mà cha đã từng sống và phục vụ, chứ ạ? Trước đây nhà thương đông đúc là thế, nhưng giờ chẳng còn bóng dáng một ai. Không bác sĩ cũng chẳng bệnh nhân! Lạ một nỗi, nhà thương trống vắng ấy lại sực lên mùi tình thương của cha. Chính mùi tình thương đã dẫn con về với thực tại giàu tình thương nơi các bệnh viện Covid-19 trên quê hương đất Việt. Như một chất liệu để gẫm suy và cầu nguyện, xin cha cho phép con mượn những lời “nhật ký nhà thương” khi xưa của cha để thưa “dài lời” tâm sự với cha; và nhờ lời chuyển cầu của cha, chúng con có thể “Thấy mọi sự đều mới trong Đức Ki-tô”.
Tình thương và cơn đói thể lý
Ngày cha rời Paris trở về quê nhà để dưỡng bệnh theo lời khuyên của nhóm bạn thân, thay vì về lại gia đình trong lâu đài Loyola nhiều an toàn và khá tiện nghi, cha đã xin cư ngụ trong nhà thương Magdalena, một nơi thiếu thốn đủ điều và có thể lây nhiễm những bệnh hiểm nguy. Nơi ấy, cha đã sống giữa, sống cho, và sống vì các bệnh nhân. Gần gũi với nhóm người nghèo mang bệnh, cha thấu hiểu và đồng cảm với những thiếu thốn, những nỗi đau cả về thể lý, tâm lý lẫn tâm linh của mỗi bệnh nhân. Với trái tim rung nhịp tình thương, cha lập tức quan tâm tới nhu cầu thiết yếu, ấy là cái đói trước mắt của các bệnh nhân. Hẳn rằng, người dân khu vực Azpeitia ngày ấy đã quá ấn tượng với hình ảnh của cha, một bệnh nhân thực thụ với đôi chân khập khiễng đang rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm để xin đồ ăn cho các bệnh nhân khác. Trong tiếng Việt của con, nhiều người sẽ gọi hình ảnh của cha khi ấy là: “lá rách đùm lá rách hơn” đó cha.
Những gì “cấp bách” mà khi xưa cha thực hiện tại nhà thương Magdalena, giờ đang được lặp lại trên quê hương đất Việt của con. Nơi bệnh viện, các y bác sĩ, các tình nguyện viên và hết thảy mọi người đều đang nỗ lực chăm sóc, phục vụ và cứu sống các bệnh nhân. Biết bao người sẵn lòng rời xa gia đình, rời xa người thân, rời xa vùng đất an toàn tiện nghi, để sống cho và sống vì mạng sống của anh chị em đồng loại. Nơi các giáo xứ và các dòng tu, nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ hăng hái lên đường, tạm xa cộng đoàn thân thuộc để tới phục vụ bệnh nhân nơi các bệnh viện. Ngoài xã hội, biết bao nghĩa cử cao đẹp vẫn đang nối dài cánh tay tình thương. Các chương trình “Hạt gạo tình thương”, “Siêu thị 0 đồng” hay “Sữa cho bé”…là kết quả của những tâm hồn ngày đêm miệt mài lo cho cơn đói của anh chị em đồng loại, là nhịp cầu để trao chuyển tình thương cho những ai đang bị mắc kẹt tại khu phong tỏa và khu cách ly. Và còn biết bao nhiêu điều cao đẹp âm thầm khác chẳng thể kể tên. Cơn đói thể lý có thể vẫn còn, nhưng con tin tình thương sẽ chẳng chịu thua!
Tình thương và cơn đói luân lý
Ngày ấy, khi sống trong bệnh viện, ngoài việc lo cho cái đói trước mắt của các bệnh nhân, cha còn cộng tác hết mình cho việc thiết lập một nền luân lý tình thương. Nhờ sự thuyết phục của cha, có những điều luật tốt đẹp đã được ra đời. Chắc cha sẽ chẳng thể nào quên được khoảnh khắc có hiệu lực của chỉ thị “người nghèo được cung cấp nhu cầu một cách chính thức và thường hằng” phải không cha? Một chỉ thị mà thoạt nghe thôi đã thấy nhân phẩm của con người được đề cao. Chẳng những thế, nhiều thực hành thiếu lành mạnh trong vùng như nạn cờ bạc, thói dối gian…đều được cha vận động để nghiêm cấm cách có hiệu quả. Không biết hồi đó cha đã “thì thầm” với các vị chính quyền điều gì, mà các vị ấy đã cho ban hành những điều luật thật nhân văn vậy cha? Phải chăng là lời thì thầm tình thương? Chẳng những ban hành, các vị ấy còn trực tiếp thực hành. Theo như lời cha kể, thì từ nhân viên phụ trách an ninh cho tới các vị chính quyền trong vùng, hết thảy đều chung tay vun đắp thiện ích cho mỗi người dân. Lời tình thương thật đẹp và thật hiệu quả làm sao!
Cha biết không, chính trong lúc gian khó của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tình thương cũng đang chữa lành và biến đổi lối hành xử của rất nhiều người. Nỗi đau mất người thân quả là quá lớn nên người ngoài thật khó cảm thấu; nhưng con tin có rất nhiều bệnh nhân của dịch bệnh Covid-19 đã ra đi trong bình an, khi họ trực tiếp cảm nhận được tình thương trong những giây phút cuối đời. Biết bao bệnh nhân được khỏi bệnh, được chữa lành nhờ nghị lực và sức mạnh từ lời tình thương. Bao người đã được cảm hóa nhờ hành động dấn thân phục vụ quên mình của những người xung quanh. Không ít thói hư tật xấu đã được thức tỉnh khi chứng kiến nhiều cử chỉ bác ái yêu thương. Và khi đã được chữa lành, mọi người sẽ lan truyền một lối ứng xử dựa trên tình thương. Tình thương lên tiếng, và tình thương sẽ “ban hành” những lề luật để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Tình thương và cơn đói Giáo lý
Đến nhà thương Magdalena hiện nay, người ta không khỏi thắc mắc về bức tượng đặt ngay trước cửa: bức tượng cha đang dạy Giáo lý cho trẻ em. Mới nhìn qua, bức tượng ấy tưởng chừng chẳng am hợp với khung cảnh bệnh viện một chút nào, nhưng thực ra lại quá sâu về ý nghĩa. Hồi đó, khi sống ở bệnh viện, tình thương của cha đối với việc dạy Giáo lý quả thực lớn lao, nhất là Giáo lý dành cho trẻ em. Giữa lúc bệnh tật và xin ăn, cha vẫn nhìn xa trông rộng và mong ước đặt nền cho các em thiếu nhi một đời sống Đức Tin vững vàng, để sau này, dù hoàn cảnh có ra sao, các em cũng sẽ dùng Đức Tin mà sống tín thác trước các thực tại của cuộc đời. Thế là, mặc cho người anh của cha can ngăn và chống đối, cha vẫn một mực làm công việc tông đồ ý nghĩa này. Trước lời dèm pha rằng sẽ chẳng có ai tới học, cha đã không ngần ngại đáp lời: “chỉ cần một người mà thôi cũng đủ”. Cái đẹp là ở chỗ, sau đó có rất nhiều người tới nghe cha dạy Giáo lý, trong đó có…chính người anh của cha. Thật lạ lùng phải không, thưa cha!
Giữa lúc cách ly vì Covid-19, rất nhiều em thiếu nhi chẳng thể tới nhà thờ, chẳng thể đi học Giáo lý trực tiếp như thời của cha. Song nhờ phương tiện truyền thông, giờ đây các em có thể tham dự Thánh Lễ trực tuyến, và gia đình cũng là môi trường tuyệt vời giúp các em trau dồi Giáo lý. Nơi ấy, các bậc làm cha làm mẹ sẽ trở thành những thầy dạy Giáo lý gần gũi và đầy tình thương. Mong rằng sẽ không có ai ngăn cản các bậc cha mẹ dạy Giáo lý cho các trẻ em, giống như cách mà anh của cha đã làm với cha.
Thưa cha, thế là hồi đó cha sống và phục vụ tại nhà thương Magdalena cũng vỏn vẹn chỉ có vài tháng, nhưng mùi tình thương của cha thì vẫn tồn tại dài lâu. Hồi ấy, sau khi gặp gỡ cha, các bệnh nhân nghèo đã được an ủi thật nhiều. Thiên Chúa đã dùng chính đời sống phục vụ của cha để giúp nhiều người khác được ơn hoán cải: cả về đời sống luân lý cũng như đời sống tâm linh. Con tin rằng, trong thời điểm hiện tại, Thiên Chúa cũng đang dùng tấm gương phục vụ cụ thể của rất nhiều người, thuộc mọi thành phần khác nhau, để chữa lành và ban ơn hoán cải cho thật nhiều người.
Con xin cảm ơn cha vì dấu ấn tình thương của cha, và xin cha chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, để giữa hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mỗi người có thể vững lòng cậy trông và cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Mong rằng khi dịch bệnh qua đi, các bệnh viện dã chiến Covid-19 sẽ không còn nữa, nhưng ký ức về những nơi ấy sẽ mãi là nơi của tình thương, vì Thiên Chúa, ĐẤNG TÌNH THƯƠNG viết hoa vẫn hằng ở với chúng con!
P/s: Hôm nay là ngày kỷ niệm thật đặc biệt của Dòng, con xin chúc mừng cha!
Kính thư,
Con: Quang Khanh, S.J.