Cuộc đời như lời kinh “Dâng Hiến” – Cha Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Khi hay tin cha Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ. đã được Chúa gọi về, trong lòng tôi bỗng thầm vang lên lời kinh Dâng Hiến của thánh I-nhã trong Linh Thao: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả TỰ DO…” Cha đã sống lời kinh ấy không chỉ bằng lời nguyện trên môi miệng, mà bằng chính cả cuộc đời mình – một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn, tự do và đầy yêu thương. Tự do ấy không phải là một sự dễ dãi hay buông xuôi, nhưng là một tự do được Thánh Thần dẫn dắt (2Cr 3,17) – một tự do lớn dần qua những hy sinh âm thầm, những thập giá đời thường và hành trình hiến thân phục vụ.

Tự do để đến với gia đình Dòng – Tình yêu không đóng khung

Tôi nhớ về cha như một người con trong gia đình, chọn ra đi theo tiếng gọi Linh Thao. Nhưng đó không phải là một sự rời bỏ lạnh lùng, mà là một sự mở rộng của tình yêu. Cha đã tự do rời khỏi vòng tay thân thương của gia đình để bước vào một gia đình rộng lớn hơn – gia đình Dòng Tên, và qua đó, hiến trọn đời mình cho Hội Thánh.

 

Cha từng kể về những ngày lễ, ngày Tết không thể về quê, nhưng cha không lấy đó làm nỗi buồn. Trong từng cộng đoàn, cha tìm thấy những người thân yêu mới. Cha biến sự xa cách thành cơ hội để yêu thương hơn, vượt khỏi những tương quan máu mủ. Đó là tự do của người biết yêu bằng trái tim của Thiên Chúa – một tình yêu không bó hẹp, nhưng dấn thân và lớn lên trong hiến dâng.

Tự do để đón nhận thánh giá – Hiệp thông với Đức Kitô

Có những giai đoạn trong cuộc đời cha, người ta chỉ có thể gọi là những năm tháng thử thách cam go, khi cha phải bước vào những hoàn cảnh khắc nghiệt, nơi mà tự do của con người dường như bị hạn chế tối đa, và mọi sự trở nên tối tăm. Nhưng chính trong thời gian đó, nơi cha bừng sáng một tự do thật lạ lùng và sâu thẳm – không phải là tự do của người làm chủ hoàn cảnh, nhưng là tự do của người chọn sống trọn vẹn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với lòng phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

 

Cha không than trách, không oán hờn. Cha âm thầm sống những năm tháng ấy như một hiến lễ sống động, kết hợp mật thiết với Đức Kitô chịu đóng đinh. Cha từng chia sẻ rằng chính khi ấy, cha cảm nghiệm rõ nhất sự hiện diện của Chúa – một sự hiệp thông không lời nhưng đầy ánh sáng và bình an.

 

Sự tự do nơi cha không phải là sự phủ nhận đau khổ, nhưng là khả năng đón nhận khổ đau như một phần của hành trình dâng hiến, và trong đó, cha tìm thấy ý nghĩa. Cha gọi đó là “thời gian hạnh phúc nhất” – không phải vì dễ chịu, nhưng vì cha cảm thấy mình được hiệp thông với Đức Kitô, và dâng hiến những khổ đau ấy thay cho anh em. Đó là niềm hạnh phúc của một tâm hồn thật sự tự do – một tự do được tinh luyện trong lửa thử thách, và chỉ có thể hiểu được nhờ ánh sáng của đức tin.

Tự do để phục vụ anh em – Một người lãnh đạo khiêm nhu

Khi được chọn làm Giám Tỉnh Dòng Tên, cha đã âm thầm gác lại thói quen lên đường không mỏi mệt để ở lại trong cộng đoàn – phục vụ trong thầm lặng, qua những trách nhiệm mà không phải ai cũng thấy và cũng biết. Cha không tìm kiếm những sáng kiến lớn lao cho riêng mình, nhưng luôn thao thức làm sao để anh em được “bình an, triển nở và hạnh phúc.”

 

 

So với những người bạn cùng lớp, cha không phải là người có khiếu diễn đạt trôi chảy hay dễ gây ấn tượng bằng lời nói. Nhưng nơi cha luôn toát lên một sự chân thành giản dị – không cần tô vẽ, không cầu kỳ, nhưng đủ để người đối diện cảm nhận được sự thật lòng, tôn trọng và tình thương chân thực. Cha can đảm nhìn lại chính mình, khiêm tốn nhận ra những giới hạn cá nhân, và không ngại xin lỗi khi thấy mình đã vô tình làm tổn thương ai đó. Chính sự chân thành ấy làm cho cha trở nên gần gũi và dễ mến – không phải vì cha hoàn hảo, mà vì cha thật lòng muốn yêu thương và phục vụ trong sự thật.

 

Sự khiêm nhường nơi cha còn thể hiện rõ trong từng sinh hoạt thường ngày: luôn giản dị trong cách ăn mặc, chỉ với chiếc áo sơ mi trắng và quần tây đơn sơ. Trong bữa ăn, cha thường chọn dùng lại những phần còn thừa từ bữa trước, âm thầm nhắc nhở chúng tôi về sự trân trọng những điều nhỏ bé, và sống tinh thần tiết độ của người thánh hiến.

Tự do với sự sống và cái chết của chính mình – Chứng nhân của ân sủng

Trong những tháng năm cuối đời, khi thân xác cha dần hao mòn vì căn bệnh ung thư đã di căn, cha không để bệnh tật giam hãm đời sống thiêng liêng của mình. Trái lại, ngay trên giường bệnh, cha vẫn thao thức giảng Linh Thao online – lặng lẽ và kiên trì, như thể từng buổi chia sẻ là một nhịp thở cuối cùng được dành trọn cho sứ mạng. 

 

Cha luôn xác tín rằng Linh Thao là con đường giúp con người gặp gỡ Chúa cách sâu xa, để từ đó họ tìm thấy bình an, hạnh phúc và triển nở, ngay cả trong những gian khó nhất. Và chính cha, giữa những giới hạn thể lý ngày một tăng, lại trở thành khí cụ bình an cho biết bao tâm hồn. Khóa Linh Thao cuối cùng cha hướng dẫn đã được khai mạc nhưng chưa kịp kết thúc…

 

 

Giờ đây, cha đã thực sự đi đến tận cùng hành trình ấy – điểm đến của một tâm hồn đã học được cách “thấy Chúa trong mọi sự, và mọi sự trong Chúa”. Và hơn bao giờ hết, cha hiểu sâu xa chân lý ấy khi tiến vào sự sống viên mãn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Lời Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philípphê (Pl 3,8), được công bố vào chính Chúa Nhật V Mùa Chay – ngày cha được Chúa gọi về, như một lời tiễn biệt tuyệt đẹp, và cũng là bản tóm tắt đời cha:

 

“Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.”

Cha đã sống – như một bài ca Dâng Hiến

Cha đã ra đi, nhưng cuộc đời cha vẫn còn mãi như một bài ca Dâng Hiến, như một lời kinh sống động của người môn đệ thánh I-nhã.


Trong mọi sự, tự do để yêu mến, để trao ban, để phục vụ, để phó thác, để dấn thân…
Tự do để sống và chết trong tình yêu của Thiên Chúa.

 

Cha ơi, xin cha cầu bầu cho chúng con là những anh em Giêsu hữu trẻ, để chúng con cũng biết suy niệm và sống lời kinh Dâng Hiến ấy từng ngày, để chúng con cũng được tự do hiến dâng trọn vẹn cho Chúa, cho Dòng, và cho tha nhân như cha.

 

Phanxicô Xaviê

Kiểm tra tương tự

Người Canh Giữ Ngôi Nhà Chung: Di sản sinh thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Có lẽ khát vọng dấn thân cho sứ mạng bảo vệ môi trường nơi …

Nhớ về cha, vị Giáo Hoàng với ước mơ: “Một Hội Thánh nghèo cho người nghèo.”

  Sau ngày lễ Chúa Phục Sinh, tôi đến lớp bình thường, cả lớp đang …