Trước khi đọc và cười … là
LỜI GIỚI THIỆU
Quý vị độc giả thân mến,
Nhân dịp mừng kính Lễ Thánh Inhã (31.7), Đấng sáng lập Dòng Tên, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu cuốn sách Cười với Dòng Tên. Cuốn sách nhỏ này vừa khôi hài vừa nghiêm túc. Bằng lối nói trong sáng và dí dỏm, quyển sách kể cho chúng ta nghe lối sống, cầu nguyện và phong cách làm việc của các tu sĩ Dòng Tên, hay còn gọi là Giê-su hữu. Đây là một ý tưởng khá sáng tạo để giới thiệu linh đạo và công việc của các tu sĩ này. Trong tiểu phẩm của mình, tác giả – cha Nikolaas Sintobin, cũng là tu sĩ Dòng Tên, phối hợp rất ăn ý giữa lối kể chuyện từ đông sang tây, từ cổ chí kim của Dòng với việc cung cấp những thông tin cần thiết và chừng mực. Câu chuyện bon bon, xình xịch, xuôi xắn như một đoàn tàu. Khi đọc, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều về Thánh I-nhã và nhóm các Giê-su hữu đầu tiên cũng như công việc mà thế hệ Dòng hôm nay đang đảm đương. Trong hai mươi chương nhỏ, tác giả đề cập đến các yếu tố cốt lõi của linh đạo I-nhã, chẳng hạn như: sống giữa những căng thẳng của hoàn cảnh, thân mật với Chúa, lối huấn luyện để đạt đến tự do và để dấn thân xã hội, đức vâng lời, đồng hành thiêng liêng với thanh thiếu niên và người trưởng thành, v.v. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng được huấn luyện trong chính nền linh đạo này. Khi đọc những trang tiếp theo, có thể bạn sẽ nhận ra nét này nét kia của linh đạo Dòng Tên nơi ngài.
Hiện tại tác giả, cha Sintobin, hoạt động mục vụ tích cực trên mạng xã hội. Cha cũng từng làm việc nhiều năm trong mảng giáo dục tại Paris và Anvers. Cha cũng hay giảng các khoá Linh Thao và từng sống trong nhiều cộng đoàn Dòng Tên khác nhau.
Mỗi chương bắt đầu bằng một chuyện cười về các cha Dòng Tên. Đó là những câu chuyện lấy từ kho chuyện tếu lâm về đời sống tu trì ngày xưa và hôm nay. Có lẽ một trong những nét khá nổi bật của các tu sĩ Dòng Tên là họ biết tự trào, biết “cười trên chính mình”. Bình thường, óc khôi hài sẽ làm rộ lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống, làm cho nó trở nên hơi kỳ cục chút xíu. Nhưng hài hước không bao giờ gây thương tổn. Thêm nữa, nếu ta đặt uy tín vào quyển Tự điển linh đạo nổi tiếng do các cha Dòng Tên Pháp xuất bản, thì ta cũng tin rằng óc hài hước rất quan trọng đối với một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Nếu vậy, những gì cha Nikolaas Sintobin viết sẽ là người bạn tháp tùng khá tốt! Xin mời các bạn thưởng thức chuyện tếu về các tu sĩ Dòng Tên và đừng coi chúng là thật hoàn toàn nhé …
Mark Rotsaert, S.J.
Nhưng hễ sách thì phải có …
DẪN NHẬP
Các Giê-su hữu là ai? Có phải họ là những thành viên của một dòng tu đã từng bị Đức Giáo Hoàng giải thể vào cuối thế kỷ 18, và rồi hai trăm năm mươi năm sau, lại có một người trong họ được bầu làm giáo hoàng?
Từ trước đến giờ người ta luôn chế ra những chuyện cười về các linh mục, các tu sĩ. Các tu sĩ Dòng Tên cũng không thoát được. Người ta so sánh họ với các tu sĩ Dòng Đa-minh, Dòng Phan-sinh và các Dòng khác nữa. Đừng ngộ nhận là có sự cạnh tranh giữa họ. Thời buổi này “làm người ai làm thế”. Dù xuất thân tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô lại lấy tước hiệu của đấng sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn. Các bạn sẽ bắt gặp ở đây hai mươi câu chuyện đùa. Hẳn là để cười, nhưng cũng để nắm bắt sứ điệp ẩn giấu đàng sau. Một chuyện cười ý vị thường khơi lên một cách rất tế nhị những tinh hoa của đời thiêng liêng, nơi đó người ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống và công việc của mình. Hài hước cũng mời gọi người đọc tự mình nối tiếp những suy tư.
Người ta hay phác hoạ chân dung Thánh I-nhã (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Tên, như một người duy ý chí và khá lạnh lùng. Phần nào không sai, ngài là người khổ hạnh và cương quyết. Dù vậy, những người biết ngài trực tiếp lại mô tả uyển chuyển hơn tính cách của ngài. Luiz Gonçalvès da Câmara, một cha người Bồ Đào Nha từng sống và làm việc với ngài trong một thời gian dài, đã mô tả Thánh I-nhã như sau: “Một người Tây Ban Nha, nhỏ con, đi hơi thọt và cặp mắt luôn vui tươi”. Hài hước và tự trào không phải là điều hiếm trong cuộc đời ngài.
Thánh I-nhã sống trong một giai đoạn có nhiều khủng hoảng, giống như thời chúng ta bây giờ. Giữa một môi trường chồng chất các loại căng thẳng, ngài mày mò tìm cho ra ý nghĩa cuộc đời mình. Kiểu thao tác phức tạp này – hay nói cách tích cực hơn, sự phối hợp uyển chuyển này, các bạn cũng sẽ thấy trong linh đạo và trong khoa sư phạm của ngài. Đến độ mà tính từ “Giê-su hữu” hay “của Dòng Tên” trong các ngôn ngữ Âu Châu thường được sử dụng với nghĩa không thiện chí lắm như “lập lờ nước đôi” hay thậm chí “đạo đức giả”. Một điều người ta thấy rất rõ trong lối nghĩ của Thánh I-nhã là sự việc không chỉ có trắng và đen. Cách hiểu biết và phán đoán, mà ta gọi là tinh thần nhận định, đã khơi dậy nơi ngài thiện chí đón nhận cả những điều tương phản. Những sự kiện trong đời đã dẫn ngài đi tìm Chúa ngay cả trong những tình huống rất “tầm phào” của cái cụ thể đời thường, huống chi là trong các tư tưởng mộ đạo hay trong các chuyện thế sự chung chung. Như thế Thánh I-nhã đã đổ nền cho một truyền thống linh đạo vừa có sức lôi cuốn vừa đẩy người ta ra khơi: vừa ngẫu hứng vừa bám sâu vào truyền thống, vừa uyển chuyển vừa sắc bén, tin tưởng sắt đá vào Chúa nhưng đồng thời nâng niu mọi cố gắng của con người.
Quyển sách nhỏ này đưa ra hai mươi lối tiếp cận, dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong ơn gọi một Giê-su hữu. Tôi viết những mẩu chuyện này để bạn hiểu hơn về những người tự gọi mình là Bạn đường Chúa Giê-su. Nhưng tập sách nhỏ này cũng ước mong mang đến cho độc giả những lời khuyên hữu ích để vun đắp cho mình một cuộc đời đậm đà ý nghĩa hơn.
Tôi gửi lời cám ơn đặc biệt đến Hans Geybels, vì đã gợi ý cho tôi thực hiện tác phẩm be bé này.
Trân trọng gửi đến bạn đọc,
Nikolaas Sintobin, S.J.
Chương 1
TÌM THẤY VÀ PHỤC VỤ CHÚA TRONG MỌI SỰ
Một ông nọ đến gặp một cha Dòng Phan-sinh, xin cha làm tuần cửu nhật để trúng được chiếc xe Lexus trong kỳ xổ số độc đắc sắp tới.
- “Lexus là cái gì?”, Vị tu sĩ hỏi.
- “Là một ô tô tiền tỉ, thưa cha.”
- “Lạy Chúa trời con! Chuyện này Thánh Phanxicô sẽ coi là đi ngược với lời khấn khó nghèo của ngài! Thôi, cha rất tiếc không nhận làm chuyện này được.”
Người đó bèn đến tìm một tu sĩ Dòng Đa-minh.
- “Xin cha giúp con làm tuần cửu nhật để trúng chiếc Lexus.”
- “Lexus là gì?”
- “Là một xe siêu sang đẳng cấp, thưa cha.”
- “Giời ạ! Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô đã răn đe chúng ta lòng mê muội của cải thế gian rồi. Thôi con về đi, cha không giúp được đâu.”
Thất vọng, cuối cùng người này đến tìm gặp một tu sĩ Dòng Tên:
- “Xin cha làm ơn làm phước giúp con làm tuần cửu nhật để trúng chiếc xe Lexus.”
- “Tuần cửu nhật là gì?”, Cha này hỏi.
Thánh I-nhã Loyola là một nhà cải cách. Ngài đã đảo xới lối tu truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo. Một trong các canh tân rõ rệt nhất, nhưng cũng gây sốc vào thời đó là ngài xoá bỏ hình thức cầu nguyện chung trong các “ca toà”, tức những dãy ghế riêng dành cho đan sĩ, kinh sĩ trong nhà nguyện hay nhà thờ. Các tu sĩ Dòng Tên không bị buộc phải ngưng công việc của mình nhiều lần trong ngày để họp nhau ở nhà nguyện và đọc hay hát kinh phụng vụ chung. Thay vào đó, họ tự thu xếp công việc để giữ giờ kinh riêng, sau khi trao đổi chuyện này với vị linh hướng của họ. Họ cũng quyết định không có tu phục riêng, điều vốn lôi kéo sự chú ý và làm nổi bật giữa người khác. Thêm nữa, các tu sĩ Dòng Tên không cư ngụ trong tu viện, biệt lập với người thường hoặc ở những nơi hẻo lánh. Ngược lại họ sống trong thành phố, họ hòa mình với dân cư, phần đông là trong các căn hộ bình thường.
Thánh I-nhã mời những người bạn cùng chí hướng tìm Chúa và phục vụ Ngài trong mọi sự. Hệ quả cụ thể của lý tưởng đó là những đệ tử của Thánh I-nhã sẽ phải dấn thân trong nhiều lĩnh vực vừa đa dạng vừa “ngoài quy hoạch”. Rất nhiều Giê-su hữu hoạt động trong mảng giáo dục hoặc làm linh hướng; trong khi nhiều cha khác làm tuyên uý trại giam, y tá hoặc cha xứ. Cũng đã là một truyền thống khá dài Dòng Tên đầu tư nhân sự trong lãnh vực khoa học chính xác như thiên văn, toán học hay bản đồ học. Và ngày nay, ta vẫn còn thấy chữ viết tắt “S.J.”, tức tu sĩ Dòng Tên, sau tên của những vị là chuyên gia về môi trường, đạo đức doanh nghiệp, ca sĩ nhạc rock, về chính trị quốc tế, mạng xã hội, điện ảnh và biên đạo múa…
Các tu sĩ Dòng Tên xem nhiệm vụ chính của họ là làm cho sự hiện diện của Chúa được sắc nét trong mọi ngóc ngách của cấu hình thế giới, làm cho Ngài trở thành một chủ đề phổ cập cho mọi thành viên của mọi kiểu diễn đàn nhân loại, kể cả những lĩnh vực và ngành nghề vốn đôi khi không thuộc “không gian nhà Đạo”.
Thách đố “trên từng cây số” của họ là làm sao phóng mình hoàn toàn vào thế giới, yêu nhân loại bằng trọn cả con tim, nhưng không để mình “thuộc về thế giới này”. Vì vậy, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy đại đa số tu sĩ Dòng Tên không “rành lắm” với những hình thức đạo đức kinh điển, dù chúng có giá trị.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.