Cười với Dòng Tên (số 16)

Chương 16

DẤN THÂN CHO ĐỨC TIN VÀ CÔNG BÌNH

Hai tu sĩ Dòng Tên nhìn Chúa Giê-su trong máng cỏ, với con bò và con lừa “thở hơi ấm êm”. Một trong hai nhận xét:

  • Cậu bé này coi bộ khôi ngô sáng sủa đó. Có nên gợi ý trước cho cha mẹ sau này gửi vào một trong các trường của Dòng chúng ta không?
  • “Tôi cũng nghĩ tới rồi!”, người kia trả lời. “Nhưng nhớ ghi riêng trong hồ sơ, là cậu xuất thân từ một gia đình có thu nhập khiêm tốn.”

Năm 1773, Đức Giáo Hoàng Clementê XIV ký sắc lệnh giải thể Dòng Tên. Các Giê-su hữu bị buộc phải đi lưu đày. Cha Bề trên tổng quyền bị giam và chết rũ tù. Chỉ đến năm 1814 Dòng Tên mới được tái lập. Nguồn căn của sự kiện này phức tạp và còn nhiều khúc mắc. Chắc chắn sự ghen tỵ là một lý do không nhỏ, chính yếu là vì nhiều Giê-su hữu là cha giải tội và cố vấn trong các triều đình. Vả lại không phải tu sĩ Dòng Tên nào cũng có tự do nội tâm, miễn nhiễm đối với quyền lực và danh tiếng.

Chính Thánh I-nhã cũng từng đồng hành thiêng liêng và cố vấn cho không ít nhân vật thế giá trong xã hội. Ngài khuyên anh em cùng Dòng phải quan tâm đến những người có trọng trách xã hội, bởi một động thái nhỏ của họ cũng sẽ gây được ảnh hưởng lớn.

Nhưng tầm ảnh hưởng của Thánh I-nhã còn rộng hơn nhiều. Ba năm trước khi thành lập Dòng Tên, ngài về quê hương Tây Ban Nha vài tháng. Thay vì ở lâu đài của gia đình, thì ngài đến ở một bệnh viện công cộng, làm mọi người ngỡ ngàng. Ngài dạy giáo lý cho trẻ em đường phố, và ngài thuyết phục các nhà cầm quyền phát thực phẩm cho người nghèo. Sau này, tại Rôma, ngài thành lập Nhà Thánh Mácta, một mái ấm cho các “chị em đứng đường” hoàn lương.

Dòng Tên đã thành lập mạng lưới trường học của mình, bằng một sáng kiến táo bạo: miễn phí trong giảng dạy, vào thời điểm mà trường tư, dĩ nhiên là có học phí, chỉ dành cho giới con nhà giàu. Điều này giải thích tại sao trong giai đoạn trước Đại Cách Mạng Pháp, 60% học sinh các trường Dòng Tên xuất thân từ môi trường lao động và bình dân.

Sự quan tâm đến các vấn đề xã hội này vẫn được giữ qua bao nhiêu thế kỷ, nhưng không phải lúc nào cũng cùng với một cường độ, và cũng không phải trong tất cả các mọi lãnh vực. Cha Pedro Arrupe, Bề trên tổng quyền từ năm 1965 đến năm 1983, người đóng một vai trò chủ đạo trong việc canh tân nội bộ Dòng Tên, đã ý thức tầm quan trọng của dấn thân cho công bằng. Dưới năng động của vị lãnh đạo có nhiều đặc sủng, Tổng Hội 32, cấp thẩm quyền cao nhất trong Dòng, năm 1974 đã tuyên bố: Sứ mạng của Dòng Tên hôm nay là phục vụ cho đức tin, mà sự cổ võ cho công bình là một đòi hỏi tuyệt đối của hành vi tin ấy. Vài năm sau cũng cha Arrupe đã cho thành lập Tổ Chức Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên (Jesuit Refugee Service, viết tắt là JRS), một tổ chức phi chính phủ, ngày nay có mặt trên khắp thế giới, với 200 Giê-su hữu và nhiều cộng tác viên, cùng dấn thân để chăm lo người tị nạn.

Sự quan tâm đến vấn đề công bình cũng được thực hiện trong các lãnh vực hoạt động truyền thống của Dòng Tên. Giữa 461 trường trung học và 220 cơ sở giảng dạy bậc đại học của Dòng Tên trên thế giới, có những chương trình liên kết và hợp tác, nhất là qua các khóa thực nghiệm xã hội, và bây giờ trở thành một phần trong chương trình chính thức của sinh viên. Từ hậu bán thế kỷ 20, có không dưới ba ngàn cơ sở Dòng Tên được thành lập ở Phi Châu và Nam Mỹ với mục tiêu cung cấp một nền giáo dục đạt chuẩn cho trẻ em xuất thân từ môi trường kém may mắn.

Các tu sĩ Dòng Tên xem mình là người tìm và phụng sự Chúa trong mọi sự, nhưng họ cũng làm thế nào để mọi tầng lớp dân chúng đều đến được với vương quốc của Tin Mừng. Các Giê-su hữu chỉ trung thành với tinh thần sáng lập của Thánh I-nhã khi họ không ngừng duy trì mối liên kết đức tin và công bình trong các hoạt động của họ.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *