Cười với Dòng Tên (số 17)

Chương 17

NGÔI TRƯỜNG ƯƠM NHỮNG HOÀI BÃO

Hai thầy trẻ, một Phan-sinh và một Dòng Tên đang dùng bữa chung. Để tráng miệng, người ta dọn hai mẫu bánh, một to một nhỏ. Thầy Dòng Tên kéo dĩa bánh to về phía mình.

Thầy Phan-sinh nhẹ nhàng nhắc khéo:

  • Trong Dòng, Thánh Phanxicô dạy chúng tôi nên chọn phần khiêm tốn hơn.

Thầy Dòng Tên nói:

  • Oh, vậy thầy đã được như ý rồi!

 

“Hãy xin với Chúa điều tôi ao ước”. Khi vào giờ cầu nguyện, Thánh I-nhã lúc nào cũng mời bạn nói với Chúa những tâm tư, hoài bão, những gì đang hiện diện trong cõi lòng bạn, hoàn cảnh nội tâm hiện tại của bạn. Ở đây không phải những gì bạn nghĩ bạn nên ước muốn; cũng không phải những gì bạn nghĩ người khác đang muốn bạn, dù những việc đó có thể quan trọng và có giá trị. Ở đây là những gì bạn thực sự ước muốn và cảm nhận được nó trong lúc này, dù đối với bạn có khi ước muốn này chưa có hình thù rõ ràng, hay xuất hiện như một chuyện nói ra là thể nào cũng bị “ném đá”, hay cả những chuyện mà bạn không lấy làm hãnh diện, bất kể vì động cơ nào.

Xin điều tôi muốn xem ra đơn giản, nhưng thực tình không hề đơn giản. Sự thường người ta không hoàn toàn ý thức rõ những gì mình muốn. Hoặc, vì một lý do nào đó, người ta không dám thú nhận những “rối tơ lòng”, ngay cả với chính mình.

Dầu vậy, tình yêu Chúa sẽ có thể đụng chạm đến bạn và biến đổi bạn, nếu bạn sẵn sàng cởi mở hết lòng trước Chúa và đến trước Ngài bằng con người thật của mình. Nếu làm khác đi, dù với lý do gì, bạn cũng chỉ đến với Chúa bằng khuôn mặt biến dạng và che đậy của bạn. Sự trưởng thành cá nhân đòi bạn phải hiểu chính mình, cách trung thực và khiêm tốn.

Cầu xin là một việc khó còn vì lý do khác. Thật vậy, bạn không thể vừa cầu xin vừa tự ban cho mình được. Nói một cách khác, cầu xin có nghĩa là từ bỏ một phần sự tự lập, bạn sẽ thấy mình lệ thuộc và bạn thả mình vào sự bảo bọc đầy bất ngờ, khó đoán của Chúa. Cầu xin là thừa nhận rằng lời đáp không đến từ bạn, nhưng từ ai đó khác. Dù người khác đó là Chúa, thì sự buông bỏ này cũng đã có thể làm bạn khổ tâm rồi. Vì chúng ta thích kiểm soát mọi trạng huống đời mình hơn.

Thánh I-nhã mời chúng ta xây dựng tự do nội tâm: tin tưởng vào những ánh sáng bạn có thể nhận được khi cầu nguyện, nó có thể rất khác với những gì bạn đang chờ đợi, nhưng điều này có thể mở ra cho bạn một nẻo sống. Cầu nguyện để xin ơn không hề là kiểu cầu nguyện ấu trĩ của trẻ con hay của mấy người lẩm cẩm.

Dầu vậy, lắm lúc bạn không cảm thấy gì, lòng bạn khô như ngói. Bạn càng lại chẳng thấy bóng dáng một ước muốn nào trong lòng nữa. Không có gì ngoài sự trống rỗng, không tha thiết chuyện gì. Như thế có nghĩa là trong tình trạng này bạn không thể cầu nguyện sao? Đây là lúc bạn cần sự hỗ trợ và gần gũi với Chúa gấp đôi. Thánh I-nhã đưa ra ở đây một chỉ dẫn tế nhị. Quả thật, khi “ruộng lòng” đang khô queo, không có ước muốn, thì hãy xin để … có một ước muốn. Và như Thánh I-nhã khẳng định, ước muốn để có ước muốn đã là một ước muốn! Hãy nhớ lại ý tưởng ban đầu: bạn chỉ có thể khởi đi từ chỗ hiện tại của bạn. Và ước muốn có ước muốn, dù nó mong manh và thầm kín thế nào, thì nó cũng có thể trở thành điểm khởi đầu mà từ đó bạn có thể hướng cuộc đời mình đi.

Để minh họa, dưới đây là một câu trích khác của Thánh I-nhã. Ngài khuyên bạn dám đặt lòng tin vào ơn của Chúa, dù phải đương đầu với tất cả các lực đối nghịch:

Chỉ có một số ít người ý thức được những gì Chúa sẽ làm với họ, nếu họ đặt tin tưởng vào Ngài và để Ngài làm việc qua ơn sủng của Ngài. Một khúc gỗ xù xì, vì không bao giờ tin mình sẽ trở thành một tuyệt phẩm điêu khắc của một bậc thầy, sẽ không bao giờ để cho chiếc đục của nhà nghệ sĩ đụng vào mình, người mà chỉ cần một cái liếc mắt đã biết mình có thể làm gì với mẫu gỗ này. Rất nhiều người chúng ta quen biết đã sống một cuộc đời thực ra chẳng hề xứng danh Kitô hữu. Những người này không hề hiểu rằng họ chỉ có thể nên thánh, nếu họ để cho ơn Chúa nhào nắn, mài dũa họ, nếu họ không ngăn trở chương trình của Ngài, và không phản kháng lại những gì Ngài muốn thực hiện cho họ.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *