Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người tị nạn’ là cuốn sách kể lại câu chuyện đau lòng có thật về một người đàn ông châu Phi lên đường tìm kiếm em trai mình.

 

 

Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu hỏi mở đầu cũ rích: “Bạn muốn dùng bữa tối với ai nhất?” Câu hỏi đó có thể được diễn tả theo một cách khác là: “Bạn muốn nghe câu chuyện của ai nhất?”. Bài tập này xuất hiện trong đầu tôi gần đây khi tôi mở cuốn Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người tị nạn”, cuốn sách được Đức Giáo hoàng Phanxicô giới thiệu, kể câu chuyện về một người đàn ông mà tôi chưa từng nghe đến và cũng không thể biết để mời anh ta kể chuyện đời mình. Đây là một trong nhiều tác phẩm hấp dẫn trong Danh sách những cuốn sách mùa hè năm 2024 dành cho người lớn của Aleteia.

 

Ibrahima Balde là một người tị nạn, một trong số hàng triệu con người đã di cư khỏi quê hương của họ, tìm kiếm nơi ẩn náu ở một quốc gia khác. Anh ấy là một người mà tôi không biết, nhưng bây giờ sau khi tôi đã dành một chút thời gian với anh ấy, tôi sẽ không bao giờ quên anh. Trong khoảng thời gian tương đương với một bữa tối dài cùng nhau, bạn có thể đọc câu chuyện đầy kinh hoàng về hành trình của Balde từ Ghi-nê (Guinea) đến châu Âu.

 

Câu chuyện được kể cho Amets Arzallus Antia, một nhà thơ người Baxcơ (Basque), người sau đó đã “kể lại” câu chuyện dưới dạng tiểu thuyết. Balde và Antia được ghi nhận là đồng tác giả của cuốn sách.

 

Hành trình tìm kiếm người em

Ibrahima bắt đầu cuộc sống của mình tại thủ đô Ghi-nê (tác giả lưu ý không nên nhầm lẫn với Ghi-nê Xích Đạo hay Ghi-nê Bissau), một quốc gia châu Phi giáp ranh với một số quốc gia, bao gồm Mali và Libêria, chỉ là hai trong số nhiều địa điểm ảnh hưởng đến hành trình dài của ông. Bi kịch ập đến với Ibrahima từ khi còn nhỏ khi cha anh qua đời, khiến anh trở thành “người đàn ông của gia đình”, một trách nhiệm mà Ibrahima rất coi trọng ngay khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Câu chuyện tị nạn của Ibrahima bắt đầu khi em trai của anh ta lên đường tự lập để kiếm sống mặc dù Ibrahima đã cố gắng chu cấp cho mẹ và ba anh chị em của mình ở Libêria. Ibrahima đã quyết tâm tìm em trai mình và đưa cậu về nhà.

 

 

Trong hành trình tìm kiếm người em trai của mình, Ibrahima kể lại nhiều cách con người bị chà đạp khi là một người tị nạn. Từ thời điểm anh bị bán làm nô lệ và bị mắc kẹt trong một chuồng gà cho đến khoảnh khắc anh phải nhổ răng của mình bằng dây của một tấm thảm cũ, khiến toàn bộ khuôn mặt sưng lên mà không được điều trị, Ibrahima đã trải qua nhiều nỗi đau thương chồng chất. Cuốn sách nhấn mạnh một điểm quan trọng rằng đối với chúng ta, những độc giả, mỗi chương của cuốn sách này là một câu chuyện, nhưng Ibrahima đã trải qua những khoảnh khắc này hết lần này đến lần khác.

 

Một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện

Thông qua câu chuyện của Ibrahima, chúng ta không chỉ có được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của anh ấy mà còn là của những người tị nạn khác mà anh ấy gặp trên đường đi. Anh đã mô tả về một người đàn ông mà nhiều người gọi là “điên rồ” và giải thích rằng:

 

“Nhưng tôi hiểu anh ấy. Bởi vì tôi biết cảm giác khi tinh thần của bạn mất kiểm soát, và khi điều đó bắt đầu, bạn sẽ không dễ để lấy lại chính mình. Có rất nhiều người như vậy, tôi đã thấy họ ở Li-bi-a, ở An-giê-ri-a, ở Ma-rốc. Những người lạc lối, không còn hy vọng; họ thà chết, nhưng họ vẫn sống. Họ sống mà không biết mình đang sống vì ai, hoặc sống vì điều gì.”

 

Rõ ràng, cuộc đời của Ibrahima là một câu chuyện đầy thử thách để tìm hiểu. Mặc dù các trang sách  được lật qua rất nhanh, nhưng đây là một câu chuyện sẽ đọng lại trong bạn, và nên được đọng lại trong bạn. Bởi vì chúng ta biết rằng mặc dù đây là câu chuyện của riêng Ibrahima, nhưng có vô số người tị nạn khác cũng đang trải qua câu chuyện của riêng họ mỗi ngày.

 

Mối quan tâm của Đức Giáo hoàng

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trao tặng bản sao của cuốn sách này cho một nhóm Giám mục tại Ý và thường xuyên nhấn mạnh đến “Con đường Thập giá” mà người tị nạn phải trải qua. Đức Thánh Cha quan tâm sâu sắc đến cuộc khủng hoảng nhập cư và nhấn mạnh rằng mỗi người chúng ta không nên xem người tị nạn là vấn đề chính trị hay những con số thống kê, mà là anh chị em của chúng ta.

 

 

Chúng ta có thể quen thuộc với hình ảnh những chiếc thuyền quá tải người, băng qua những vùng biển nguy hiểm và người tị nạn thường mất trên đường đi. Ibrahima, giống như em trai mình, đã đi trên một trong những con tàu nguy hiểm này. Anh ấy đến được châu Âu để kể câu chuyện của mình, nhưng rất nhiều người khác đã mất mạng hoặc không bao giờ được lên tiếng để kể cho chúng ta về cuộc sống của họ.

 

Vào cuối cuốn sách ngắn này, Ibrahima có kèm theo một bài thơ trong đó anh đã gửi đến từng người trong chúng ta thông điệp rằng chúng ta là người giúp quyết định số phận của những người tị nạn; có thể bạn đã từng giúp đỡ một người tị nạn trong quá khứ; hoặc có thể bạn sẽ đọc bài thơ này và tưởng tượng rằng đây là cuộc sống của bạn. Cuối cùng, anh ấy nói đây là cuộc sống và là câu chuyện của anh ấy. Chúng ta có cơ hội, ít nhất là dành cho Ibrahima một hoặc hai tiếng đồng hồ trong thời gian của chúng ta – để chứng kiến ​​hành trình, những đau khổ của anh, và để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh khốn khổ của những người tị nạn trên khắp thế giới. 

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Caitlin Bootsma

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …