Đại Dịch Covid-19 – Thách Đố Và Hi Vọng Hướng Về Tương Lai Tốt Đẹp Dưới Lăng Kính Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

3. Những bài học rút ra từ biến cố đại dịch Covid-19

    • Ý nghĩa cao đẹp về sự liên đới

Đại dịch Covid-19 làm cho chúng ta suy nghĩ rất nhiều về tính liên đới. Cách nào đó, đại dịch dường như đã làm cho cả Thế giới trở thành một đại gia đình, nơi đó có tình yêu, chia sẻ và cộng tác cùng nhau để vượt qua gian khó. Bởi vì ‘không ai là một hòn đảo’, chúng ta sống và liên đới với nhau, nên đại dịch không chỉ nguy hại đối với cá nhân một ai đó, nhưng còn lan rộng sang những người xung quanh – tính xã hội. Chính vì lẽ đó, tại một quốc gia hay địa phương có dịch bệnh, tất cả mọi người bắt buộc phải thực hiện các biện pháp an toàn về mặt y tế một cách nghiêm ngặt để tránh dịch bệnh lây lan, cụ thể phải làm như thế nào tùy thuộc vào quy định của từng nơi và tùy vào mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ở đây, có thể kể ra một vài biện pháp chung mà người dân tại những nơi bị dịch bệnh phải thực hiện như: Hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, các hoạt động vui chơi giải trí và không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, thậm chí khi dịch bệnh bùng phát … tất cả nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan và giảm thiệt hại do nó gây ra bao nhiêu có thể. Hơn thế nữa, khi cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, có thể áp dụng việc cách ly cả một nước, Việt Nam là nước thứ hai sau Ý thực hiện việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, từ 0h ngày 01/04/2020 để ngăn ngừa dịch bệnh”[1]. Tất cả những điều này như một thông điệp đầy quyết tâm và nói lên ý nghĩa cao đẹp của sự liên đới: “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia,” sống vì nhau và cho nhau hơn.

  • Sự thiếu cân đối trong việc phát triển kinh tế

Có thể nói, đại dịch Covid-19 dường như đã cho thấy sự lệ thuộc quá nhiều của kinh tế Thế giới nói chung vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc này không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà ngay cả cường quốc như Mỹ cũng phải lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, chẳng hạn như theo: “Báo cáo mới nhất của Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược Anh cho thấy, Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc khi phải nhập khẩu tới 414 sản phẩm có nguồn gốc từ quốc gia tỷ dân”.[2] Xét ở phạm vi toàn Cầu, cái giá phải trả cho sự lệ thuộc này rất lớn, đặc biệt là về mặt kinh tế, chẳng hạn như: “Mỗi tuần các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, thương mại toàn cầu sẽ mất 26 tỷ USD, Ana Boata – Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô tại Euler Hermes cho biết trên NYT. Nikkei Asian Review cũng trích một nghiên cứu khác chỉ ra sản xuất tại Trung Quốc cứ giảm 10 tỷ USD, sản xuất tại phần còn lại của Thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD”.[3] Bên cạnh đó, tầm quan trọng của Trung Quốc còn vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất, chẳng hạn như về du lịch: “Dân số đông và ngày một giàu lên biến Trung Quốc thành thị trường béo bở với phần còn lại của Thế giới. Người tiêu dùng nước này mua nhiều xe và smartphone hơn bất kỳ quốc gia nào. Khách du lịch Trung Quốc cũng chi tới 258 tỷ USD mỗi năm khi ra nước ngoài, gần gấp đôi Mỹ, theo Tổ chức Du lịch Thế giới”.[4] Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thách đố của sự lệ thuộc này càng rõ nét hơn đối với ngành y tế, khi không chỉ Mỹ mà một số quốc gia Châu âu rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu các mặt hàng y tế để lo chống dịch trong nước, vì: “Các doanh nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị y tế quan trọng như khẩu trang, máy thở trên Thế giới hầu hết đều tập trung ở Trung Quốc”.[5] Đây có lẽ vừa là một bài học kinh nghiệm cần thiết như tiếng ‘chuông’ để báo hiệu, vừa là một bài toán nan giải đối với nền kinh tế Thế giới trong tương lai phải tìm cách giải quyết.

  • Sống vì nhau và cho nhau hơn

Đại dịch Covid 19 là khoảng thời gian đặc biệt để mọi người trên khắp Thế giới sống yêu thương, chia sẻ và quan tâm nhau hơn. Theo Douglas Broom, Covid 19 đang tiếp tục lan rộng và gây nhiều đau thương, nhưng nó cách nào đó cũng mang điều tốt nhất cho mọi người trên toàn cầu – yêu thương và quan tâm nhau hơn, thể hiện qua việc: Các tình nguyện viên quan tâm đến người lớn tuổi và những người hàng xóm dễ bị tổn thương; Trên khắp châu Âu, mọi người đang hát cho nhau nghe để giữ tinh thần lạc quan, vì giãn cách xã hội và tự cách ly đã trở thành luật; Khi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc bị đóng cửa, người dân đã mở cửa sổ để vang lên thông điệp ủng hộ những người hàng xóm và thành phố thân yêu của họ.[6] Chính vì thế, cách nào đó, đại dịch Covid-19 như một cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia có khoảng thời gian ‘dừng lại để nhận định’ và ý thức điều gì thực sự cần thiết cuộc sống của con người, biết sống vì nhau và cho nhau vì lợi ích chung: ‘Một người vì mọi người, mọi người vì một người’. Có lẽ hiếm khi nào nguyên tắc công ích lại được chú trọng và thực thi một cách mạnh mẽ như những gì đang diễn ra trong cơn đại dịch Covid-19.

Trong thực tế, chúng ta có thể nhìn vào những hành động cụ thể của chính quyền khi phát hiện một người nhiễm bệnh: Ngay lập tức người bệnh được cách ly để theo dõi y tế, những người và địa điểm mà người bệnh đã đi qua phải xét nghiệm y tế và phong tỏa hoàn toàn để tầm soát dịch bệnh. Tất cả những điều này nói lên mức độ nghiêm túc và vì lợi ích chung của xã hội, bởi ai cũng ý thức rõ nếu dịch bệnh lây lan thì thiệt hại không thể nào đánh giá hết được. Do vậy, việc ý thức trách nhiệm và quảng đại sống cho nhau và vì nhau, đặc biệt trong lúc thách đố, là điều rất ý nghĩa và trân quý biết bao. Đồng thời, chúng ta có lẽ cũng hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn chân lý: “Sức khỏe là vàng”, khi việc chăm sóc người bệnh, bảo vệ sức khỏe và nỗ lực để dập tắt đại dịch trở thành mục tiêu quan trọng nhất của cả Thế giới.

  • Bài học về sự phát triển bền vững

Đại dịch Covid-19 có thể là một bài học rất ý nghĩa cho nhân loại trong quá trình phát triển. Trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, mặc dù nhiều nơi trên Thế giới đã trải qua rất nhiều biến cố thiên tai và gánh chịu những hậu quả rất nặng nề do: Lũ lụt, sóng thần, động đất, cháy rừng, khô hạn… nhưng thiệt hại chúng gây ra cũng chỉ mang tính cục bộ ở một số nơi, cũng như phạm vi tác động không lớn. Ngược lại, đại dịch Covid-19 là một điều gì đó rất đặc biệt, nó tấn công trực tiếp vào con người và làm cho mọi sinh hoạt, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế phải hạn chế hay tạm dừng trên phạm vi toàn Thế giới. Trong thực tế, đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều nơi trên Thế giới có những thời điểm buộc phải dừng lại tất cả các sinh hoạt và sản xuất, mạng sống con người bị đe dọa, gây ra những gánh nặng về y tế, sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn, kinh tế suy sụp, rất nhiều người phải sống trong cảnh bị cô lập, giao thương quốc tế về thương mại và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề… Quả thật, điều này cho thấy bên cạnh những ưu điểm và thành tựu rất tốt đẹp của thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, dường như có một ‘lỗ hổng’ rất lớn nào đó trong quá trình phát triển. Và đại dịch Covid-19 có thể là một minh chứng cho điều này, khi nó gây tác hại khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu trong một thời gian khá dài mà nhân loại dường như bất lực và vẫn chưa thể tìm ra biện pháp khắc phục. Điều này có thể đến từ nguyên nhân khách quan như vi rút Covid-19 quá mới mẻ và lạ lùng nên không dễ khắc chế ngay lập tức được, nhưng nó cũng là một ‘tiếng chuông’ cảnh tỉnh cho cả nhân loại trong tiến trình phát triển, cần phải lưu tâm đến tính bền vững và chuẩn bị tốt hơn cho những biến cố bất ngờ ập đến như đại dịch Covid-19.

  • Sáng tạo ra những cách thế mới để liên đới với nhau

Theo DT Rubén A. Gaztambide-Fernández, đại dịch Covid 19 đã gây nên sự khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu, điều này đòi hỏi con người phải nghĩ ra những cách thức mới để tương quan với người khác, là cơ hội để suy nghĩ lại các giá trị và mục đích hướng tới của mỗi người, cũng như những nỗi bận tâm chung.[7] Trong khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, bên cạnh những liên đới về mặt kinh tế và xã hội như đã nói, người ta còn sáng tạo ra nhiều cách mới lạ để liên đới, động viên và gởi thông điệp yêu thương đến cho nhau. Một trong số những cách sáng tạo đó chính là âm nhạc. Kể từ khi đại dịch bùng phát, âm nhạc đã gởi đi thông yêu thương và truyền động lực mãnh mẽ đến tất cả mọi người trên toàn Thế giới, nó là một ‘chìa khóa’ đặc biệt để đem mọi đến gần nhau hơn, vượt qua rào cản của văn hóa, ngôn ngữ hay ranh gới quốc gia. Trong thực tế, Việt nam cũng rât tích cực trong việc dùng âm nhạc để chuyển tải thông điệp yêu thường đế mọi người như: Ca khúc “Ghen Côvy”, không chỉ nổi tiếng ở Việt nam, mà còn được lên sóng truyền hình Mỹ,[8] Dàn hợp xướng Ndlovu Youth Choir đến từ Nam Phi – lọt vòng chung kết của America’s Got Talent, đã đưa lời khuyên về virus corona của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào âm nhạc qua bài hát “Đừng hoảng sợ: We’ve got this”.[9] Điều này thực sự rất đặc biệt, âm nhạc trong đại dịch đóng vai như một ‘nhịp cầu’ để đem niềm hi vọng đến cho mọi người, nó cũng cho thấy sự sáng tạo tinh tế của con người để liên kết với nhau.

Lời kết

Trước hết, đại dịch Covid-19 có thể lấy đi rất nhiều thứ của con người, nhưng không thể lấy đi được niềm hi vọng, tình yêu thương và tương trợ lẫn nhau. Muốn biết sự hi vọng mạnh mẽ như thế nào, hãy nhìn vào những nỗ lực của chính quyền và các nhân viên y tế – những người lính áo trắng, và tất cả mọi người trên toàn Thế giới đang miệt mài ngày đêm chống dịch, khi tất cả đều sẵn sàng hi sinh những lợi ích cá nhân vì mục đích tốt đẹp chung; Cả nhân loại tiến lại gần nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn bằng nhiều cách khác nhau: Chia sẻ tài chính, trang thiết bị y tế, lương lực.. cả Thế giới dường như đang cùng một nhịp đập và nắm lấy tay nhau để vượt qua đại dịch, tùy vào điều kiện và khả năng của mỗi quốc gia, cũng như cá nhân mỗi người.

Bên cạnh đó, những gì mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra, sẽ là một trang sử rất đặc biệt trong dòng lịch phát triển của nhân loại. Nó đã để lại quá nhiều dấu ấn và bài học quý giá cho nhân loại trên con đường phát triển. Dường như có một mâu thuẫn nội tại nào đó ở nơi biến cố đại dịch Covid-19, một mặt nó gây ra biết bao đau thương và thách đố cho con người về mọi mặt của đời sống; mặt khác nó lại mang con người khắp nơi trên Thế giới đến gần nhau, cộng tác và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Có lẽ thật hiếm khi ta có thể cảm nhận được Thế giới như một gia đình thu nhỏ lúc này, thể hiện qua việc chung tay chống dịch từ cá nhân đến quốc gia và cả phạm vi Châu lục, việc đi lại hạn chế, các ngành du lịch và thương mại tạm dừng hoạt động dù phải chịu thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Sau cùng, đại dịch Covid-19 có thể được ví như một cuộc nhận định và xét mình dài của toàn nhân loại, qua đó giúp nhân loại nhìn rõ hơn những hạn chế trong tiến trình phát triển, cũng như biết chuẩn bị những biện pháp tốt hơn khi phải đối phó với thiên tai bất ngờ ập đến. Có lẽ một số người cũng có suy nghĩ như tôi, một mặt thấy tuyệt vọng và hụt hẫng vì những gì đại dịch Covid-19 gây ra cho nhân loại; mặt khác lại cảm thấy có điều gì rất lạ và hay hay mà nó mang lại. Thực sự không dễ dàng để diễn tả cảm xúc này.

Paul  Khuê,S.J.

[1] X. Viết Tuân, “Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày,” Vn.express (31/03/2020), link https://vnexpress.net/viet-nam-cach-ly-toan-xa-hoi-trong-15-ngay-4077462.html.

[2] X. Vương Nam, “Mỹ: Mối nguy an ninh quốc gia khi phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập Trung Quốc,” 14h.com.vn (25/05/2020), link https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/my-moi-nguy-an-ninh-quoc-gia-khi-phu-thuoc-qua-nhieu-vao-hang-nhap-trung-quoc-c415a1151932.html.

[3] X. Hà Thu (tổng hợp), “Mặt trái khi kinh tế toàn cầu phụ thuộc Trung Quốc,” Vn.express (11/02/2020), link https://vnexpress.net/mat-trai-khi-kinh-te-toan-cau-phu-thuoc-trung-quoc-4053397.html

[4] Ibid, Vn.express (11/02/2020), link https://vnexpress.net/mat-trai-khi-kinh-te-toan-cau-phu-thuoc-trung-quoc-4053397.html

[5] X. X. Vương Nam, “Mỹ: Mối nguy an ninh quốc gia khi phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập Trung Quốc,” 14h.com.vn (25/05/2020).

[6] Douglas Broom, “A pandemic of solidarity? This is how people are supporting one another as coronavirus spreads,” Word Economic Forum (16.03.2020), link https://www.weforum.org/agenda/2020/03/covid-19-coronavirus-solidarity-help-pandemic/

[7] DT Rubén A. Gaztambide-Fernández , University of Toronto, “What is solidarity? During coronavirus and always, it’s more than ‘we’re all in this together,” The Conversation (14.04.2020), link https://theconversation.com/what-is-solidarity-during-coronavirus-and-always-its-more-than-were-all-in-this-together-135002

[8] Mi Ly, “Bài hát phòng chống COVID-19 của Việt Nam được khen trên sóng truyền hình Mỹ,” Tuổi Trẻ (02.03.2020), link https://tuoitre.vn/bai-hat-phong-chong-covid-19-cua-viet-nam-duoc-khen-tren-song-truyen-hinh-my-20200302195311938.htm

[9] Douglas Broom, “A pandemic of solidarity? This is how people are supporting one another as coronavirus spreads,” Word Economic Forum (16.03.2020), link https://www.weforum.org/agenda/2020/03/covid-19-coronavirus-solidarity-help-pandemic/

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *